Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Tự Bạch

Tháp rùa giữa hồ Hoàn Kiếm Hà Nội

Sau khi soạn thảo sơ khởi cuốn "Tổ Quốc Việt Nam" với bút hiệu tác giả là Nguyễn Huy Cung, cuốn sách đã được đem đến một số cơ quan và nhà xuất bản với hi vọng cuốn sách được ra mắt bạn đọc. Nhưng không may số phận của cuốn sách, cho tới nay, vẫn chỉ ở dạng bản thảo. Trong thời gian chờ được xuất bản, kẻ viết có sưu tầm tài liệu, tham vấn các bực thức giả, bổ sung và sửa chữa các sai lầm thiếu sót, e rằng: ở một vài chỗ trong sách ý viết không được liên tục.
Trong quá khứ, có thời gian kẻ viết làm nghề viết báo với bút hiệu Vương Ðàm, theo lời khuyên của các bạn quen, nay cũng xin để tên tác giả cuốn "Tổ Quốc Việt Nam" có bút hiệu là Vương Ðàm, thay cho bút hiệu Nguyễn Huy Cung, đã có trong các lần sơ thảo trước.
Ngày 1 tháng 1 năm 2004


Từ một góc nhìn của báo chí nước ngoài về cuốn: Tổ Quốc Việt Nam.

Khoảng cuối tháng 8 năm 2004, tác giả cuốn Tổ Quốc Việt Nam nhận được phiên bản photocopy một bài báo có nhan đề là: "Vương Ðàm, người tôn vinh Tổ Quốc Việt Nam" được đăng tải trên tạp chí NGUỒN của Hội Thi Văn Nguồn Cội Việt Nam xuất bản tại San José Hoa Kỳ. Tác giả bài phê bình này là nhà thơ Hoàng Vũ Ðông Sơn. Trong toàn bài phê bình gồm nhiều trang nhận xét, có chỗ chê, đồng thời cũng có chỗ nhà thơ tỏ lòng ưu ái khen. Dù khen hay chê, tác giả cuốn Tổ Quốc Việt Nam xin chân thành cảm tạ trước mọi sự phê bình và nhận định của mọi người, mọi giới. Dưới đây xin trích dẫn một đoạn phê bình của nhà thơ Hoàng Vũ Ðông Sơn:
".. Ngay từ "Lời nói đầu", Vương Ðàm đã có quan điểm và lập trường dứt khoát: Không công nhận người cháu ba đời của Thần Nông bên Tàu sinh ra "Vị vua đầu tiên của nước Việt".
Ðiều này hẳn nhiên có sự khác biệt với sử gia tiền bối Ngô Sĩ Liên.
Ông cũng không lấp lửng coi: "Ðây cũng là một điều nói phỏng chứ không lấy gì làm đích xác được" (VNSL trang 12 quyển I) như sử gia Trần Trọng Kim và các vị đồng thời nói gì nghĩ gì cũng chỉ sợ "ngưởi ta" phê phán là "vô sư vô sách", không trưng ra được những ông Lưu Hướng, Tư Mã Thiên, Khổng Tử."
Ở một đoạn khác cũng trong bài phê bình, nhà thơ Hoàng Vũ Ðông Sơn có nhận định: Nhận xét và phát kiến của Vương Ðàm trong chương "Thánh Gióng" ở Tổ Quốc Việt Nam đã mở ra một hướng mới cho người đọc người nghiên cứu quốc sử. Ông đã khai triển một điều kỳ thú ở ngay trước mắt mà không biết, mặc dù chỉ chịu suy xét một chút đã nhận ra là: "Cái tên Thánh Gióng" với ý nghĩa nôm na của từ "Gióng" tự nó đã lộ rõ: "gióng" là một động từ có nghĩa là kết hợp rồi dựng thành một cái gì đó. Thí dụ: "Gióng trống khua chiêng. Gióng binh. Gióng quân nổi cờ. Hoặc là gióng quang để gánh, gióng khung cửi dệt vải".
. . . . . . .
Qua các nhận định, phê bình của nhà thơ Hoàng Vũ Ðông Sơn, sau đó tạp chí Nguồn (Các số từ tháng 8 năm 2004 và các số kế tiếp, có địa chỉ bưu tín: P.O. Box 3648 San Jose, CA 95156-3648. * E-mail: tchinguon @yahoo. Com) đã liên tục cho đăng tải nhiều kỳ các chương viết trong cuốn Tổ Quốc Việt Nam, với lời giới thiệu của tòa soạn như sau:
LỜI TÒA SOẠN. Như chúng tôi đã có lời thưa, kể từ số 5, tạp chí Nguồn sẽ đăng tải loạt bài nhiều kỳ trong tác phẩm Tổ Quốc Việt Nam, một tác phẩm có nội dung truy tìm hơn hai nghìn năm chiều dài lịch sử về cội nguồn dân tộc. Ban Biên Tập Nguồn xin chân thành cảm ơn tác giả Vương Ðàm. Xin mời bạn đọc theo dõi toàn bộ nội dung quyển sử liệu giá trị này.
Tạp chí NGUỒN cùng những bài đăng tải liên tục nhiều kỳ như nói ở trên đã là những tiếng chuông đầu tiên thuộc giới báo chí nước ngoài viết về cuốn Tổ Quốc Việt Nam, thực sự gây niềm cảm kích, tạo sự khích lệ lớn cho tác giả cuốn sách. Tác giả rất mong theo giòng thời gian, càng ngày càng có nhiều giới đồng bào trong cũng như ngoài nước lưu tâm tới cuốn Tổ Quốc Việt Nam, đồng thời phê bình chỉ ra các thiếu sót.
Tác giả trung thực trân trọng mọi sự khích lệ và vô cùng cảm kích các sự chỉ bảo và chê trách, coi mỗi sự chê trách là một tiêu hướng chỉ đường để sửa chữa sai lầm trong cuốn sách.

Ngày 20 tháng 3 năm 2006.
V. Ð