Nguời ta giây phút ban đầu được sinh ra làm con người, kể cả trước khi lần đầu được uống giòng sữa mẹ, đã được thở không khí và trực hoặc gián tiếp nhìn thấy ánh sáng bầu trời. "Bánh dầy" tượng trưng cho bầu trời là loại bánh đơn giản, chỉ là gạo nếp được vo trắng, ngâm nước, đồ thành xôi dẻo, giã cho thật mịn rồi nặn thành hình bán cầu. "Bánh dầy" không nhân, không vỏ gói, nên tỏa mùi thơm toàn chất gạo nếp dịu dàng, nhìn thấy màu trắng mờ, như gợi sự suy nghĩ bên trong màu trắng ấy có biết bao nhiêu vô cùng chuyển hóa bí ẩn?
"Bánh dầy" tượng trưng cho bầu trời bao la và mọi sự chuyển hóa của vũ trụ.
Nhìn hình thức bên ngoài chiếc "bánh chưng", loại bánh bình thường nhất, người dân Việt hay gói dùng làm lễ phẩm vào các dịp lễ, tết, thấy trước nhất có bốn lằn lạt buộc: hai lằn ngang, hai lằn dọc, màu lạt gói bánh trắng ngà nổi bật trên nền màu xanh lá gói, chia bánh thành chín ô vuông đều đặn, tám ô bọc ngoài và một ô chính giữa, theo tự dạng chữ nho, trông giống như hình chữ "tỉnh".
Bánh tét cũng là loại bánh có phẩm chất giống "bánh chưng", nhưng hình dáng là hình trụ và lạt trắng đuợc quấn quanh vòng bên ngoài. Loại bánh này dễ gói, ngày xưa rất tiện sử dụng trong quân đội và người dân khi có công việc hành quân hoặc đi xa, gặp sự nấu ăn không thuận tiện. Vì sự thuận tiện ấy nhiều người dân Việt, nhất là đối với những ngưới dân trong cuộc hành trình rồi cư ngụ Nam tiến, cũng hay gói bánh tét vào các dịp lễ, tết.
Nhân "bánh chưng" làm bằng đậu xanh, thịt mỡ có thêm hành cùng một số gia vị khác. Ngoài nhân là gạo nếpu"ngoài cùng là lá gói và lạt buộc. Lá thường là lá giong, lạt thường là lạt giang có màu trắng, một loại tre rừng có lóng đốt dài và dẻo. Khi nấu "bánh chưng", người ta nấu kỹ, kể từ khi nồi bánh bắt đầu sôi cho tới khi ngừng nấu, thời gian kéo dài khoảng từ mười giờ tới mười hai giờ. Có một số người nghĩ ra cách nấu ít thời gian hơn là: khi nấu sôi được một giờ, ngưng không đun lửa cũng khoảng một giờ nữa, để cho nước nóng dễ ngấm vào giữa nhân, rồi sau mới tiếp tục nấu khoảng năm, sáu giờ tiếp theo. Tuy vậy vẫn có nhiều người nấu bánh theo truyền thống cũ, vì cho rằng theo truyền thống, phẩm chất của bánh luôn luôn ngon hơn.
Phẩm chất dinh dưỡng, "bánh chưng" hội đủ các thành phần: chất đạm, chất béo, tinh bột, các sinh tố cùng các hương vị phụ gia. Ðã là người dân Việt, ai cũng đều biết giá trị, phẩm chất "bánh chưng". Vào các dịp tết, lễ nếu không có "bánh chưng" bày trên mâm lễ phẩm, ý nghĩa bị giảm đi rất nhiều. Nhất là vào dịp lễ hội tưởng niệm các vua Hùng: "mùng mười tháng ba", người dân Việt ngước nhìn lên bàn thờ cúng Quốc Tổ thấy có "bánh dầy bánh chưng" thì tâm hồn lúc ấy như được trở về thăm nơi cố quốc nghìn xưa, tràn đầy niềm vinh hạnh, với bao suy tư từ thiên ý cao xa tới cuộc sống trần gian thực tại.
Ý nghĩa, giá trị tổng quát của "bánh chưng" như tự thân của tên bánh là chưng ra, tỏ bày mô hình biểu đồ tượng trưng cho thế gian, cho đất nước, cho loài người và các sự chuyển hóa môi trường nhân sinh.
Truyện tích "bánh dầy bánh chưng" viết trong "Lĩnh Nam chích quái" có nội dung:
"Sau khi vua Hùng phá xong giặc Ân, trong nước thái bình vua lo việc truyền ngôi, hội hai mươi hai vị hoàng tử lại nói rằng:
- Ta nuốn truyền ngôi cho con nào làm vừa lòng ta, đến dịp cuối năm đem đồ thực phẩm ngon để dâng cúng các vị tiên vương cho tròn đạo hiếu, sẽ được truyền ngôi cho.
Các hoàng tử lo đi tìm các vị ngon lạ, do săn bắn, chài lưới, hoặc mua ở chợ, cốt được thật nhiều đồ ăn ngon, lạ. Người con thứ chín tên là Lang Liêu, hoàn cảnh nghèo lại có mẹ bị mất sớm, tả hữu ít người nên không biết lo tính làm sao để có phẩm vật dâng cúng làm vừa lòng vua cha. Lang Liêu ngày đêm thao thức, bồn chồn ăn ngủ không yên. Chợt khi ngủ nằm mộng thấy người bảo: "Trong trời đất không có vật gì quí bằng gạo, vì gạo để nuôi dân hàng ngày, không có vật gì hơn được. Lấy gạo nếp tạo thành hình tròn để tượng trời và đem gói thành hình vuông để tượng đất, trong làm nhân cho ngon, chắc làm vừa lòng cha sẽ được định ngôi cao".
Khi tỉnh dậy, Lang Liêu cho rằng đã được thần minh giúp nên làm theo. Lang Liêu lựa gạo nếp trắng, hạt còn nguyên không vỡ, đem vo đãi để cho vào nước, rồi lấy lá gói thành hình vuông ở giữa có nhân, nấu chín gọi là bánh chưng. Lại lấy gạo nếp nấu xôi, giã cho thực nhuyễn nặn thành hình tròn, tượng hình trời gọi là bánh dầy.
Khi nhà vua gọi các con lại chưng bày sản vật, các con khác đem dâng hiến không thiếu thức gì ngon lạ. Riêng chỉ có Lang Liêu đem bánh tròn, bánh vuông tới dâng như lời người trong mộng chỉ bảo. Vua thân hành nếm thử thấy ngon, ăn không biết chán, phẩm vật của các hoàng tử khác không sao hơn được. Vua khen ngợi Lang Liêu dâng phẩm vật ngon và có nhiều ý nghĩa, rồi cho Lang Liêu được giải nhất. Nhân dịp tết, vua dâng bánh lên cúng tiên miếu và cung phụng cha mẹ. Theo tục lệ từ thời ấy, thiên hạ làm bánh dầy, bánh chưng truyền cho đến ngày nay và lấy tên của Lang Liêu mà gọi là bánh "tiết liệu".
Hùng Vương truyền ngôi cho Lang Liêu, hai mươi mốt các anh em khác đều giữ các phiên trấn, cứ thủ núi sông để bảo hiểm các nơi hiểm cố.
Sau thời đại Lang Liêu, các hoàng tử giữ các phiên trấn đều dựng mộc, sách để che kín, bởi vậy gọi là mộc, là sách, là trại, là trang, là phường khởi ra từ đấy".
(theo "Lĩnh Nam chích quái").
Thời Hồng Bàng tới lúc có Lang Liêu là đỉnh cao của nền văn minh thượng cổ dân tộc Việt, sinh hoạt đời sống đã có: tự do sở hữu, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do buôn bán, tự do làm ăn (điển hình như thị trấn Hà Lõa Thị lúc có Chử Ðồng Tử). Khi sự việc Lang Liêu xảy ra, biểu hiện có tự do hội họp, nghị luận và công khai tuyển chọn nhân tài (hình thức khởi nguyên của tự do bầu cử và ứng cử). Trong truyện tích "Dưa hấu" có An Tiêm là người nước ngoài được vua Hùng nuôi, chàng lại cho hạnh phúc của con người là do quá khứ của mình tạo nên. Tư tưởng đó của chàng bị vua kết án là vô ơn và chàng bị đày đi hoang đảo cùng với vợ con. Trải qua nhiều gian khổ, nhờ nhiều ý chí cùng nghị lực chàng tìm ra hạt giống cùng biết cách trồng dưa hấu, dùng dưa hấu làm nông sản giao thương với các thuyền trên biển, hạnh phúc lại đến với chàng cùng gia đình nơi hoang đảo. Vua đành phải xá tội cho chàng. Truyện tích này xác nhận: ở thời Hồng Bàng con người đã dành được tự do tư duy và có quyền bảo vệ tư duy.
Lang Liêu con người biết chế biến thực phẩm có huơng vị ngon, quí, lại biết đưa chính thực phẩm ấy thành mô hình diễn giải nhân sinh quan cùng vũ trụ quan. Ít nhất các đời sau khi nhận xét Lang Liêu cũng tìm thấy ở ông những nét đẹp: Ông là một triết gia lỗi lạc có những phát kiến tư tưởng và ứng dụng cụ thể vào hiện thực cuộc sống. Trong ông tâm và vật được điều hòa, các việc ông làm tri và hành được liên kết. Khi được lên ngôi vua, ông là đấng minh quân tự chọn cho mình người vợ có tài thao lược võ bị (nữ thần núi Tam Ðảo), góp phần đảm trách cho đất nước công việc quốc phòng. Khi đã đạt được những nhận xét chân thực về Lang Liêu, tất nhiên người ta gạt bỏ được những nhận xét thấp kém, ngu độn, cho thực tài của Lang Liêu chỉ là một đầu bếp giỏi, chỉ là người phát minh, chế tạo ra bánh dầy, bánh chưng ăn ngon miệng.
"Bánh dầy" là mô hình vũ trụ quan. Bánh không có nhân hàm ý vũ trụ đã có sẵn trong quá khứ vô cùng. Vũ trụ là một thực thể biến hóa không có bắt đầu và không có kết thúc. Bánh dầy không có vỏ cũng hàm ý vũ trụ là một tổng thể không giới hạn, bao la, rộng lớn bất tận. Lang Liêu đã vượt thoát ra khỏi những khái niệm hạn chế về thời gian và không gian, mà nhiều thức giả đồng thời với ông chưa thể sánh ngang tầm ông được. Sự vượt thoát khiến con người phá toang và ra khỏi thực tại nhỏ hẹp, không còn bị ước thúc bởi quá khứ, hiện tại, tương lai, không bị ước thúc cả bởi những gì gọi là trên, dưới, đông, tây, nam, bắc, ý thức con người cùng với thiên nhiên bao la hòa chung làm một. Tự nhiên con người thấy mình to lớn, hùng mạnh, không mê cuồng nào quyến rũ được, không tai biến nào làm cho sợ hãi, không giới hạn nào có thể gò bó trói buộc, nhận thức rõ cái ta của con người ứng hòa với cái không chuyển biến bao la, vô hạn của vũ trụ.
Triết lý của Lang Liêu nhận chân được giá trị toàn vẹn vũ trụ bao la là cõi không. Giả dụ nếu thực tế cả vũ trụ bao la lại là một khối đặc, tất vũ trụ cũng bất biến, dẫu cho vô cùng bao la cũng chẳng có gì giá trị hơn là một viên sỏi nhỏ. Cũng chỉ có cõi không mới chứa được cái có. Cái có muốn chuyển hóa cũng phải nằm trong phạm vi cần thiết có không gian tác ứng mới chuyển hóa được. Màu trắng mờ "bánh Dầy" như muốn minh định trong đó có vô vàn những biến hóa chuyển động, tương tác, mỗi chuyển động lại có một không gian thích ứng. - Ai tạo ra những chuyển hóa mang tính qui luật ấy? Ðấng toàn năng nào? Trời? Thượng Ðế? Hay Tự Nhiên mà có những năng lượng lực đẩy chuyển động rất tự nhiên ấy? Ðể rồi sinh ra những câu hỏi kế tiếp: - Ai đã sinh ra trời? Sinh ra Thượng Ðế? Tạo ra cái Tự Nhiên? Ðành nhường cho câu trả lời là "KHÔNG BIẾT".
Vậy thì chính cái "KHÔNG BIẾT" đã sinh ra cái "BIẾT". Tương tự như cái không chứa được cái có. Cái không có trong tri thức loài người đã sinh ra tri thức loài người. Mọi phát kiến của loài người đều từ chỗ không biết chuyển tới chỗ biết, tồn tại cùng tinh tiến mãi mãi.
Không được biết Lang Liêu đã luận trình trước triều đình và nhà vua ra sao, chắc chắn với trí thông minh vượt bực của ông, hẳn ông đã khẳng định được sự vận hành trong vũ trụ là: Các vật thể trong vũ trụ bắt buộc phải có khoảng không để vận hành và chỉ vận hành trong khoảng không được có, nếu không tất xảy ra các va chạm đổ vỡ.
Ðối với vua cha của Lang Liêu, người đã dành trọn đời để điều hành đất nước, từng trải qua những khó khăn chỉ riêng ông phải gánh chịu nhiều nhất, khi thiên tai, dịch họa, dân gian lầm than đói khổ, đất nước bị chiến tranh ngoại xâm. Chính ông làm vua có nhiều lúc bất lực, mọi tư duy, suy đoán, đều không thể tìm ra phương cách giải quyết, đành phó mặc cả vận mệnh lê dân, đất nước, tính mạng bản thân cho trời cao.
Phải chăng chính vua cha của Lang Liêu đang điều hành một xã hội đất nước gặp nhiều bế tắc, chưa nhìn thấy những giải lý toàn thiện nào khai thông nhân quần xã hội phát triển. Khi được tai nghe mắt thấy giải trình lý luận mô hình vũ trụ, nhân sinh của Lang Liêu, nhà vua đã nhìn thấy thiên tài siêu đẳng của người con, có thể người con nghèo khổ từ khởi điểm "không có gì" lại là người có giá trị thanh cao, không vị kỷ, không tư kiến hạn hẹp, dốc toàn tâm ý vào công ích, có khả năng sáng tạo, phát minh ra chân lý điều hành đất nước, nâng cao đời sống toàn bộ lê dân tới bến bờ hạnh phúc. Tất nhiên khi vua chọn trong số các con, tìm một người để trao quyền lên ngôi báu cai trị nước, chăm lo muôn dân, nguyện ý của nhà vua: chắc chắn cũng không thể chọn người trên tiêu chuẩn chỉ biết nấu bánh ngon.
Qua truyện tích "bánh dầy bánh chưng", được thấy cơ cấu chính trị thời Hồng Bàng, có lúc có khuynh hướng tuyển nhân tài làm vua không theo ngôi vị trưởng thứ, cũng không phải người con nào được vua cha yêu thì được lên ngôi. Người giữ ngôi vua phải là người nhiều đức độ, lương tâm và có thực tài. Trên nền tảng ấy đã hình thành tập quán tốt về chính trị cho đất nước. Sau khi Lang Liêu được tuyển chọn làm vua, dù là các con vua có con số tới hai mươi hai hoàng tử (ở thời cổ triều đình nước Việt phong chức cho những người còn trẻ có công lớn, có tài được nhận các chức hoàng tử hay công chúa, dù chính thức không phải con vua. Thời Hai Bà Trưng nhiều nữ tướng được phong công chúa. Rất có thể ở thời Lang Liêu những người dân có tài đức cũng được nhà vua phong cho chức hoàng tử), nhưng các hoàng tử một lòng chia nhau cứ thủ núi sông, chăm sóc nhân dân. Thiết nghĩ chính sách của Lang Liêu tạo được đời sống xã hội an bình thực sự. Chế độ Lang Liêu lấy công tâm, lấy chính nghĩa làm nền tảng, đúng với quan niệm trị nước người xưa thường nói: " Vô thiên, vô đảng, vương đạo đãng đãng" (Không thiên vị, không đảng phái, đạo nước an vui thoáng đãng). Vương đạo ở đây không có nghĩa chỉ về chế độ quân chủ, mà chỉ có nghĩa là hướng về công bằng, đạo lý của một chế độ hợp lòng dân, hợp lòng người, trái ngược với bá đạo dùng bạo lực, áp bức, độc tài để trấn áp khuất phục mọi người.
Lang Liêu đã suy nghĩ tư duy nhiều tới mức quên ăn, quên ngủ để tìm phương thức lý tưởng cuộc sống, trình bày lên vua cha cùng triều đình trong dịp dâng hiến thực phẩm. Khi người ta tư duy quên cả ăn ngủ, thì thường giấc ngủ chập chờn xen lẫn với tư duy của lúc không ngủ, cho nên Lang Liêu mới thấy thần nhân hiện lên trong giấc mộng, chỉ bảo phương thức làm thực phẩm. Nói cho thực đúng thì chính Lang Liêu đã có tư duy phát kiến nảy sinh trong giấc mộng, chứ không phải thần nhân nào đã chỉ dạy cho ông.
Lang Liêu nằm mộng tìm ra nền tảng giá trị luận thuyết "bánh dầy bánh chưng", cũng như sau này Lý Thánh Tông nằm mộng sáng tạo ra kiến trúc độc đáo chùa Một Cột. Cũng như Lê Lợi từng "mụ mi bất vong" nằm mơ lo nghĩ kế chống giặc Minh (lời văn "Bình Ngô đại cáo" có câu: "đồ hồi chi chí mụ mi bất vong" có nghĩa: chí mưu đồ ngay cả trong cơn ngủ mơ cũng không mất). Cơ sở xây dựng truyện tích chứng minh Lang Liêu đưa ra luận thuyết nhân sinh và vũ trụ "bánh dầy bánh chưng" là xác đáng có thể chấp nhận. Nó không quá hoang đường như Phục Hy đầu người mình rắn vẽ ra "bát quái", hoặc giống như vua Vũ được trời cho "Hồng phạm cửu trù" (theo truyền thuyết Trung Quốc, vua Vũ nhà Hạ đi trị thủy được trời cho Lạc Thư tức Hồng Phạm cửu trù: nên có câu: Thiên nãi tích Vũ Hồng Phạm cửu trù) một hệ đồ có chín ô vuông cũng giống như hệ đồ "Bánh dầy bánh chưng" của Lang Liêu. Với quan niệm nhận xét của người Việt và cũng xác đáng, đúng với sự thực, thì Lạc Thư chính là sách của người Lạc Việt.
Sách Trang Tử, trong thiên Thiên Vận có câu: "cửu Lạc chi sự, trị thành đức bị giám chiếu hạ thổ, thiên hạ đái chi" (chín điều trong sách Lạc, đầy đủ đức để soi xuống cõi đất, thiên hạ nên đón nhận lấy), tỏ rõ sách của người Lạc Việt có giá trị cao. Việc phái bộ Việt sang truyền bá văn minh "rùa Thần" thời vua Nghiêu tại Trung Quốc có thể đã xảy ra không xa sau thời gian Lang Liêu phát kiến mô hình "bánh dầy bánh chưng". Xét về mô hình "bánh chưng", những đường lạt buộc ngoài tượng trưng cho tổng phương thức quản chế xã hội, chính trị hướng thượng cùng bảo toàn giá trị con người. Mô hình gồm chín ô vuông, biểu thị chín phương thức đồng hòa vào cuộc sống:
Vận hành vũ trụ.
Ðạo lý.
Qui ước cuộc sống.
Lịch sử và thời gian.
Ứng dụng thời tiết.
Giáo dục, lễ nghi.
Kinh nghiệm, phát minh.
Khai hóa, mở mang.
Trị an, lạc nghiệp.
Có thể rằng: trải qua thời gian vào khoảng từ những năm 2900 tới 2700 trước công nguyên là thời gian các vị Hùng đầu tiên dựng lập nước. Kế tiếp đó là thời kỳ Lang Liêu phát kiến được hệ đồ "bánh dầy bánh chưng" với mặt chính diện của bánh chưng có hai lằn lạt buộc ngang và dọc, đồ hình như sau:
8 | 1 | 6 |
3 | 5 | 7 |
4 | 9 | 2 |
Căn cứ cụ thể vào các lạt buộc của chiếc bánh chưng, người dân Việt gói vào dịp Tết. Con số "mười lăm" bộ của nước Văn Lang là con số tổng của các hàng: ngang, dọc, chéo, tương tác với mọi vận hành của mô hình "bánh chưng" Lang Liêu đã phát kiến, phù hợp với mọi cơ chế điều hóa trong lãnh thổ, dân và đất của nước Văn Lang gồm có mười lăm bộ. Còn việc định đặt mô hình hệ đồ phía nào là trên, phía nào là dưới, quan điểm của Lang Liêu qua vũ trụ quan vận hành cuộc sống của thế gian là sự biến hóa vận chuyển chứ không cố định. Nếu cõi thế gian đã không biến cải, mãi cố định: trên, dưới thì đã tách khỏi sự vận hành của vũ trụ và không thể có trong vũ trụ được. Khái niệm trên, dưới, trước, sau, đông, tây, nam, bắc chỉ là khái niệm con người tự đặt ra ở cuộc sống trần gian mà có. Quan điểm từ ngoài vũ trụ nhìn vào thế gian, tất phải vượt thoát khái niệm con người đã định đặt. Tầm cao của Lang Liêu trên vua Vũ nhà Hạ là quan điểm của ông: Có bánh chưng tất trước đó phải có bánh dầy. Trước khi có thế gian thì đã phải có không gian bao la. Vũ trụ quan của người Trung Hoa trước đây khi đặt ông Ngọc Hoàng Thượng Ðế cao trên hết, cai trị triều đình thiên giới điều hành vũ trụ, là đã chối bỏ thực thể cao cả vũ trụ, thu hẹp vũ trụ thành một triều đình trần tục ngang với triều đình nước Tàu! Không thể không có vũ trụ mà lại có được thế gian. Vì vậy, dù cho với thời gian, với văn minh, khoa học, với tiến bộ, biến đổi, mãi mãi nhân sinh quan của vua Vũ không thoát ra khỏi sự cố định lạc hậu phong kiến qua các biểu tượng: thượng đế, thiên cung, thiên tử, thứ dân, địa giới, ma quỉ, địa ngục v..v... Ở vũ trụ và nhân sinh quan ấy rất khó khăn để xã hội loài người mau tiến bộ, cải thiện trên đường văn minh dân chủ, giải phóng toàn diện cũng như tạo thêm nhiều hạnh phúc cho loài người. Phải phá bỏ các hạn hẹp, ra với bao la của triển vọng tương lai, thông minh, mở rộng cùng với vũ trụ bao la chờ đón loài người khám phá, phát triển: vô cùng tận các tiến bộ vượt bực mãi mãi.
Trái đất tượng trưng bằng "bánh Chưng" là một thực thể trong vô cùng muôn vàn thực thể, hiện hữu của vũ trụ bao la. Khi bắt đầu có loài người trên trái đất, tiến tới lúc loài người có trí tuệ, lương tâm, đủ kiện toàn ý thức hệ nhân sinh, cũng chính là lúc loài người biết lấy "Tâm Không", tương ứng với "cõi Không vũ trụ" để vận hành cơ chế hệ thống tổ chức loài người. Hệ thống khởi đầu từ ý thức bản thể cá nhân rồi tới: gia đình, tập thể, quốc gia, xã hội và cộng đồng nhân loại. Chỉ khi nào con người giữ được cái "Tâm Không" chuyên chú chăm lo cầu tiến cho cộng đồng, mới có toàn trí, toàn kiến nhìn vào tương quan tổng thể không vị kỷ, không thiên kiến, không sai lệch. Từ đó mới thoát khỏi các vướng mắc, va chạm, xung khắc. Lúc ấy loài người dần bớt đi các thói xấu: ích kỷ, hạn hẹp, tự tìm ra ý thức nhân sinh toàn thiện, tiến bộ.
Cũng từ ý thức mọi người đều có "Tâm Không" nên ai cũng như ai, đều có tư tưởng tự do, có cuộc sống tự do, khoáng đạt, mỗi con người không bị nô lệ vào ai và cũng không muốn bất cứ ai làm nô lệ cho mình, tự có sự thư thái cả tâm trí và hành xử, xã hội hội tự hiện phát sự bình đẳng, hình thành chế độ nhà nước cộng hoà, trong liên bang nhân loại hình thái cộng hoà, quyền công dân, quyền con người được tôn trọng để tiến hóa trong thái hòa hạnh phúc.
Từ "bánh dầy bánh chưng" là thực phẩm để ăn, khiến người ta nghĩ tới câu ngạn ngôn: "học ăn, học nói, học gói, học mở" rồi "ăn có nhai, nói có nghĩ", nhiều người liên tưởng tới sự diễn đạt toàn vẹn chân lý mà Lang Liêu đã trình bày luận thuyết của ông trước mọi người.
Nhu cầu cần thiết trước cuộc sống là "ăn", giao hòa ngôn ngữ, tư tưởng là "nói", lập luận bao quát, tổng hợp là "gói", diễn tả phân tích từng chi tiết rồi khám phá bao la là "mở". Ðó là lập luận từ thực tiễn tới lý thuyết, từ tổng quát tới phân tích. Các triết gia Ðông phương thường qui nạp vào ba chữ: "danh, ngôn, hành".
Phần cuối truyện tích "bánh dầy bánh chưng" là kế hoạch trị quốc an dân đắc dụng, ngay cả khi những kẻ lãnh đạo quốc gia không có tài đức, xã hội đất nước nhờ có chủ thuyết của Lang Liêu, vẫn giữ được bình yên chế độ tự trị mang ít nhiều tính dân chủ ở từng địa phương:
"Vua Hùng truyền ngôi cho Lang Liêu, hai mươi mốt các anh em đều giữ các phiên trấn, cứ thủ núi sông để bảo hiểm các nơi hiểm cố".
Xét theo truyện tích thì thấy: khi đất nước hưng thịnh có nhiều nhân tài sẽ thành thể chế liên bang vững mạnh. Ở vào thời suy kém các địa phương phân chia tự trị mà vẫn giữ được tiềm năng đất nước dân tộc. Chế độ địa phương tự trị ở thời ấy, mãi hàng nghìn năm sau, tại Việt Nam còn giữ được dưới hình thức "dân chủ xã thôn tự trị".
Phương thức nếp sống "phép vua thua lệ làng" nếu quan tâm để trình độ dân trí được nâng cao, bảo đảm cuộc sống, cơ chế "dân chủ xã thôn tự trị" trở thành môi trường êm ấm nuôi dưỡng văn hóa dân sinh và cơ bản dân quyền, nhân quyền cũng được tôn trọng. Cũng nhờ thế lịch sử nước Việt trải qua nhiều thăng trầm, từng nhiều thời kỳ các chế độ bạo ngược ngự trị, vẫn không nhổ bật được nếp sống lâu đời của người dân. Luật pháp các chế độ bạo ngược chẳng những không khuất phục được lệ làng, nhiều khi còn phải cúi đầu trước những phong cách truyền thống nhưng rất văn minh phù hợp lòng dân, lòng người.
Vì rằng: Tất cả hệ thống cầm quyền bên trên cũng như toàn bộ quy ước cương thường nếp sống nhân dân trong cuộc sống cộng đồng xã hội, người người đều ý thức rất rõ quy luật:
Con vua thì lại làm vua,
Con nhà thầy chùa thì quét lá đa.
Bao giờ giặc nổi can qua
Con vua lại phải đi ra ở chùa.
Và:
Ở trên ở chẳng chính ngôi,
Ðể cho ở dưới chúng tôi hỗn hào.
Ở trên ở chẳng ra sao,
Ðể cho ở dưới lộn nhào lên trên.
Luật sống con người đã biết phải chịu những thừa trừ tai họa từ những lỗi lầm cho bất cứ ai, dù đang ở địa vị nào, nên ai ai dù ở địa vị nào cũng cần thiết phải biết câu ngạn ngữ "cướp đêm là trộm, cướp ngày là quan", do nguyên nhân trực tiếp cũng là:
Quan tham là bọn cướp ngày,
Do vậy chính nền "dân chủ xã thôn tự trị" luôn cảnh báo cho hệ thống cầm quyền trị nước tự nghiêm khắc tôn trọng ý nguyện toàn dân, phục vụ toàn dân, nếu không muốn đưa đất nước vào cơn tai họa, để rồi chính hệ thống cầm quyền nhà nước cũng bị sụp đổ.
Biết bỏ các hủ tục, bồi dưỡng các tinh hoa của "lệ làng" thì "lệ làng" có đầy đủ: tình cảm, giao ước, nuôi dưỡng, giáo dục, che chở để con người dễ dàng trở thành có nhân cách hoàn hảo khi là công dân sống trong hệ thống quốc gia hay hệ thống xã hội có hiến pháp, hiến chương qui định.
Người dân Việt coi "lệ làng" là tập quán văn hóa, lễ nghĩa, ân tình, là sự giao ước vô hình, không thành chữ nhưng lại khiến ai cũng dè chừng cẩn trọng gìn giữ. Vô tình hoặc do hoàn cảnh xô đẩy người dân phạm vào lỗi, dù không ai hay biết, cũng tự ăn năn, tự cảm thấy lương tâm thống trách. Nếu một sự phạm lỗi cần phải tự thú trước mọi người hay bị "lệ làng" bắt phạt thì cũng vui lòng nhận sự phạt lỗi: "mình làm mình chịu" để tự sửa lỗi, hối cải, như câu ngạn ngữ: "gông làng vừa mang vừa hát" đã là câu ngạn ngữ tỏ sự không oán hận, rất hài lòng, rất vui khi được sửa lỗi. Tất cả những người dân phạm lỗi, bị nhận các hình phạt của làng, rất ít ai hờn trách làng thôn nên sự tự sửa lỗi, thành tâm hối cải, rất khó khiến người phạm lỗi tái phạm lỗi. Vì thực ra hầu hết các hình phạt ở làng thôn chỉ có tính cảnh cáo, không hề bị ghi trong lý lịch, hồ sơ, hầu hết không có tì vết nào trong các chứng từ công dân về tư pháp, hạnh kiểm.
"Lệ làng" buổi đầu là bản hiến pháp bất thành văn của làng, về sau nhiều làng, xã viết thành văn bản gọi là "khoán ước" hay "hương ước", như vậy "lệ làng" thực sự trở thành bản "hiến pháp" của làng, xã. Khi "lệ làng" chưa viết thành chữ, nó không bị những chữ nghĩa của từng chữ, từng câu, từng điều, khoản, chương, mục máy móc, cứng nhắc, gò bó làm giảm sự linh hoạt khi áp dụng vào cuộc sống làng thôn, vốn dĩ sẵn có rất nhiều phức tạp. Có những thứ "lệ làng" bề ngoài có vẻ kém văn minh, thực chất lại bảo đảm quyền làm dân, quyền làm người, khi con người bị chà đạp, ức hiếp cùng độ mà không biết cầu cứu vào đâu. Thí dụ như lệ "nằm vạ", nạn nhân bắt buộc mọi người phải chú ý tới cách "nằm vạ" tự hành thân xác của mình, phải giải quyết các oan ức, bất công mà nạn nhân đã gánh chịu (gần giống như cách tuyệt thực để yêu sách).
Không nên lấy làm lạ, khi một dân tộc đạt trình độ văn minh khá sớm ở châu Âu như dân tộc Anh, nước có sự hình thành bản "Tuyên ngôn nhân quyền" trước cách mệnh Pháp (1789) khoảng một trăm năm, vẫn duy trì qui ước luật lệ, hiến pháp bất thành văn. Và cũng đã nhờ những lệ luật sống ấy, khiến nhà nghiên cứu luật pháp người Pháp Montesquieu có được kho tàng tài liệu sinh động, phong phú để sưu tầm, thai nghén cuốn "Lesprit des lois", làm nền tảng cho luật pháp loài người ngày nay.
Lợi ích thiết thực của hương uớc "lệ làng" hoàn mỹ là tạo nên sự giáo dục hướng dẫn người dân tự nguyện trở thành những công dân tốt. Có thể giảm bớt tới năm mươi phần trăm các tội phạm xã hội trong đời sống của mỗi con người, nếu con người ấy từng được sống những năm tháng đầu đời nơi quê hương có nếp sống "lệ làng" tốt đẹp.
Con người được sống theo lệ làng để chuẩn bị vào cuộc sống, giống như đứa trẻ trước khi biết ăn cơm phải được bú sữa, trước khi biết đi, cần phải biết bò. Tương tự như người ta muốn sử dụng xe hai bánh gắn máy, cần phải biết đi xe đạp trước đã. Các làng, xã, thôn của người dân Việt có hệ thống tổ chức khá tinh tế. Những từ ngữ: chức sắc, kỳ lão, kỳ mục, kỳ hào, kỳ dịch, tuần phiên, tráng đinh, dân đinh, cố cùng v..v... là các từ ngữ chỉ các thành phần trong tổ chức đời sống thôn dã. Các từ ngữ ấy cũng tùy thời, tùy nơi, mà có ít nhiều thay đổi tên gọi. Ở các thời đại suy thoái, nếp sống lành mạnh của xã thôn nhiều cái bị biến chất trở thành các hủ tục. Hủ tục lại là thứ cỏ hoang, bọn thống trị bất lương thường lợi dụng để phá hoại nền dân chủ thôn xã. Nhưng nhìn vào các giá trị cao đẹp, bỏ lớp bụi bên ngoài, vẫn nhận ra được những bản chất cao quí "xã thôn tự trị" truyền thống dân chủ.
Nhà thơ Yên Ðổ khi từ giã cuộc sống hoạn lộ quan quyền, trở về làm dân, bày tỏ cảm hứng đời sống nông thôn, dù là còn ở thời phong kiến, cũng có những nét nên thơ:
"Quan chẳng quan thì dân, chiếu trung đình ngất ngưởng ngồi trên, này lình, này cả, này bàn ba. Xôi làm sao? Thịt làm sao? Ðóng góp làm sao? Cái thủ lợn nhìn lâu trơ cả mắt;
Già chẳng già thì trẻ, đàn tiểu tử nhấp nhô đứng trước, này phú, này thơ, này đoạn một. Bằng là thế! Chắc là thế! Lề lối là thế! Ðôi kính gà đeo mãi mỏi bên tai".
Mỗi công dân đều có quan niệm "sống ở làng, sang ở nước", mọi bổn phận con người gắn bó với cuộc sống mà cuộc sống là quê hương thôn xã. Dù ở quê hương hay đi các nơi xa, thường người ta không thể quên quê hương và luôn ước mong được góp phần nhỏ công sức với quê hương. Nguyên tắc sống với quê hương là sống với tình cảm ân nghĩa, ngược hẳn sống với nhà nước là sống minh bạch có đền đáp: "ơn vua giấy vàng, ơn làng giấy trắng". Người dân nào từng sống thời thơ ấu tới trưởng thành ở nông thôn, đều có cảm nghĩ: tâm hồn mình là nông thôn và nông thôn chính là tâm hồn mình.
Cơ chế tổ chức xã thôn gồm:
"Hội đồng chức sắc": gồm những người có chức vụ, kiến thức, sự nghiệp, đậu cao, từng làm việc cho nhà nước, về hưu cố vấn hoặc tham gia vào các công việc làng xã.
"Hội đồng kỳ mục": bao gồm các thành phần ưu tú trong xã thôn, đã từng hay đang làm công việc làng xã, có khả năng, tư cách, đạo đức cũng như có nhiều kinh nghiệm.
"Hội đồng kỳ lão": các bậc già cả trong làng, tuổi thường từ 60 trở lên, không phân biệt thành phần xã hội và trình độ văn hóa. Hội kỳ lão có tính chất như một hội đồng tư vấn để các hội đồng kỳ mục, kỳ dịch tham khảo ý kiến.
"Hội đồng quan viên": gồm hầu hết các công dân trong thôn xã, đại diện cho tất cả các thành phần dân chúng, không phân biệt thành phần giai cấp, khuynh hướng chính trị, tín ngưỡng tôn giáo. Hội đồng này biểu quyết các công việc quan trọng có tính khoáng đại. Ðối với thôn xã nó giống như quốc hội của một nước.
"Hội đồng kỳ dịch": gồm các thành viên đương chức, đương quyền, đảm trách các phần việc quản trị trong làng xã. Tương tự như ủy ban hành chính xã của các chế độ về sau này. Hầu hết các người trong hội đồng kỳ dịch phải qua đề cử hoặc bầu cử, chỉ được làm việc trong thời hạn qui định. Vì thế mới có tên là "kỳ dịch", hết kỳ hạn làm việc phải thôi để người khác thay thế.
(Các người phục vụ việc công ích ngoài việc hết kỳ hạn được qui định thì phải thôi để thay các người khác, họ không có lương và cũng chỉ có tư cách, quyền hạn bình đẳng như một người dân thường, biết nghiêm minh hành xử đúng hương ước, nên khó có thể lợi dụng chức vụ để tham nhũng hoặc áp chế người dân).
Thái Bình lâu (tại kinh đô) nơi vua và các quan bàn công việc nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho dân |
Nhận định về cơ cấu tổ chức xã thôn Việt Nam, nhìn vào mô hình "bánh chưng" có vẽ ở cách đây mươi trang trước (ô vuông tứ phương có 9 ô nhỏ), thấy có những đặc điểm: ngoài năm hội đồng đã được nêu, còn có ban thủ khoán xem xét các sự vi phạm hương ước hay khoán ước làng xã; hội tư văn phụ trách các công việc văn hóa giáo dục; ban tuần phiên trông coi việc an ninh trật tự và sau cùng là các phường hội tôn giáo, nghề nghiệp, mỹ nghệ, võ thuật v..v... tất cả gồm chín bộ phận điều hành có tính chuyên biệt nhưng liên đới cùng nhau phù hợp với chín ô của mô hình tứ phương "bánh chưng". Ðối chiếu việc tổ chức nhân sự hệ thống xã thôn với một số ô trong mô hình "bánh chưng", thấy rằng ô số 1 là cơ quan chỉ đạo cao nhất tượng trưng cho "hội đồng chức sắc" cũng là cơ quan có nhân sự ít nhất. Tưởng như từ ô số 1 tới ô số 9 dần dần con số nhân sự tăng dần lên. Trung tâm hệ đồ tổ chức là con số 5, biểu tượng cho ủy ban chấp hành điều phối tổng bộ các nghị quyết của chỉ đạo, cố vấn và phù hợp các yêu cầu sinh hoạt xã hội. Cơ quan này đặc biệt ở chính giữa nên trực tiếp tiếp xúc được với tất cả tám cơ quan còn lại, ngụ ý như cơ quan hành pháp cầm quyền không độc đoán nhưng lại luôn gần không thể tách rời bất cứ một thành phần nào trong các thành phần tổ chức nhà nước, dân chúng và xã hội. Sự tương tác điều hòa của ô số 5 đối với các ô khác đồng loạt, cùng lúc, khắp nơi trong mọi hoạt động vận dụng và vận hành. Ðiều đặc biệt nhất của hệ đồ tổ chức là nhìn vào hệ đồ theo hàng 3 con số, ở bất cứ từ phương vị nào, dù là ngang, dọc, chéo, trên hay dưới cộng ba con số lại cũng đều có con số tổng là mười lăm. Ðiều này chứng tỏ khi cần thiết vận động nhân sự, tài lực, vật thể cùng hợp đồng vào một công việc gì thì liên hệ mau chóng, thuận tiện được ngay với các thành phần nhân sự nồng cốt, thông suốt khắp nhân dân, phù hợp và cần thiết với mọi công việc. Và cũng ngụ ý ở thời nước Văn Lang sự tương quan tổ chức hệ thống mười lăm bộ trong toàn dân đã rất hoàn mỹ.
Các bản hương ước, khoán ước xã thôn Việt Nam có nội dung đúc kết, phần nhiều tương tự như nhau. Sự khác biệt giữa các bản hương ước chỉ là các chi tiết về phong tục, tính chất cá biệt của mỗi địa phương cần có những ước định sinh hoạt phù hợp thiên nhiên, nơi rừng núi cao khác với miền đồng bằng sông nước. Một bản hương ước bình thường, nội dung không quá nhiều hoặc quá ít, thì gồm có những điều cốt yếu dưới đây:
Nội dung một bản hương ước (ghi thuật có tính diễn giải):
"Hương ước được lập ra vì đạo lý, lễ nghĩa, phong tục, nghề nghiệp và mọi nhu cầu tiện ích sinh hoạt đời sống người dân trong làng, xã. Mọi sự qui định trong hương ước như: luật lệ, an ninh, tương trợ, hợp quần được soạn thảo theo các truyền thống tốt đẹp từ xưa để lại và có thể tu sửa sao cho phù hợp hoàn cảnh thay đổi của cuộc sống tiến bộ mới. Mọi sự thay đổi sửa chữa đều có sự biểu quyết bình đẳng theo đa số của các đại diện dân chúng trong làng, xã.
Dưới đây là các điều khoản trong hương ước đã được qui định:
1) Người dân trong xã được chia thành các hạng:
a) Chức sắc: những người có chức quyền, có công lao với dân, với nước, đang làm việc hay tới thời kỳ được hưu dưỡng hoặc trí sĩ.
b) Lão hạng: những người già cả, tuổi từ sáu mươi trở lên.
c) Kỳ mục: những người có khả năng, thiện chí, đạo đức, kinh nghiệm được dân cắt cử đảm nhiệm công việc thôn xã có thời hạn.
d) Phiên hạng: những người tới tuổi trưởng thành đủ sức khỏe, tới phiên, tới lượt được cắt ra đảm trách các việc an ninh, trật tự.
e) Lình hạng: tất cả các thanh niên trai tráng trong làng, sẵn sàng chấp hành các công việc công khi có lệnh của làng, xã ban ra, kể cả việc tòng quân do nhà nước ban hành.
g) Dịch hạng: tất cả các thanh niên nam nữ, không đang làm các công việc hoặc chức vụ được miễn trừ, phải tham gia các công việc dân công như: sửa đường, đắp đê, chống hạn. Ðối với những người không được miễn trừ dịch hạng, nhưng đang có công việc liên hệ tới sinh hoạt đời sống chung hoặc tư, ngừng làm sẽ gây trở ngại, thiệt hại, có thể được quyền thuê mượn người khác làm dịch hạng thay thế. Các người thuộc dịch hạng ỷ có tiền của, dong chơi, cờ bạc, gây phương hại tới cuộc sống an bình, làng có quyền cưỡng bách phải làm tròn công tác dịch hạng.
h) Cố cùng: những người già yếu cô đơn lại nghèo khổ, người tật nguyền, không thể tự mình tìm kế sinh sống, cần có sự lưu tâm giúp đỡ của làng xã.
Trong làng gồm có nhiều giòng họ, hoặc người mới tới ngụ cư, tất cả đều phải đoàn kết thương yêu lẫn nhau, không nên chia bè kết đảng, gây nên cái họa tranh chấp hương đảng chỉ có hại mà thôi. Vì dẫu không chung họ nội thì cũng chung, hoặc liên hệ họ ngoại, người mới tới sống lâu rồi cũng trở thành người ở lâu. Mọi thành phần nêu trên đều phải có tinh thần tương thân, tương trợ, tôn trọng các qui ước, điều lệ của làng xã.
2) Những nhà hào phú có tiền của nặng lòng vì công ích, bỏ tiền ra lập trường học, làm cầu đường, sửa đình chùa, trợ cấp người nghèo, tích cực làm việc phúc lợi chung v..v... Những người có sáng kiến hay có nghề nghiệp giỏi truyền bá cho dân, những người không con cái cúng ruộng, đất cho làng. Tất cả các thành phần đã nêu, dân xã ghi công đức vào bia đá và chăm lo việc thờ tự.
3) Những người dũng cảm vì dân mà lập công với nước, vì dân mà quên mình cứu người sắp chết cháy, chết đuối, bắt trộm cướp, ngăn giữ kẻ hung đồ sát nhân, can đảm chống các thế lực cường quyền áp chế, được dân làng ghi nhớ công ơn như bậc nghĩa sĩ.
4) Thành hoàng là vị thần tối linh và là vị thánh được dân làng tôn kính, sùng bái (các thôn xã khắp nước thường thờ các vị: minh quân đế vương, anh hùng, đạo hạnh, nhân trí, nghĩa sĩ vì nước, vì dân, vì xã hội). Mọi người dân trong làng cần luôn luôn ghi nhớ công đức của vị thành hoàng, có bổn phận đóng góp vào công việc sửa đình, miếu, trang hoàng đồ thờ, mở hội, vào đám, tế lễ. Các công dân trong làng coi việc phụng sự thành hoàng là công việc để biết ơn cùng noi gương tiền nhân. Giữa làng này và làng khác dân các làng phải giữ sự giao hảo gọi là "giao hiếu". Luật mỗi làng đều nghiêm cấm mọi việc gây bất hòa giữa dân làng này đối với dân làng khác. Khi mở hội phải mời các chức sắc cùng dân các làng bên cạnh tới tham dự với lòng tôn trọng, hiếu khách.
5) Các thuần phong mỹ tục của làng, mọi người dân luôn luôn duy trì bảo vệ, đồng thời tránh các hủ tục mê tín dị đoan, bài trừ tệ nạn buôn thần bán thánh, mê hoặc lòng dân với mục đích vụ lợi bất chính. Mỗi người dân làng khi đã trưởng thành cần ý thức rõ trách nhiệm của mình với: bản thân, gia đình, họ mạc, làng xóm, phải trên kính dưới nhường, giữ hòa khí và lấy việc được giúp đỡ mọi người là điều chính mình mong ước. Khi xảy ra việc bất hòa đáng tiếc từ gia đình tới làng xóm, các người liên can phải tuân theo sự xét xử, hòa giải hay khiển trách của tộc trưởng, gia trưởng hay trên nữa là các người đảm trách trật tự trong làng xã.
6) Các sự tranh chấp tài sản, ẩu đả, thưa kiện đều nên lấy sự phân xử hòa thuận công bằng của tình lân lý, làng xóm làm đầu. Những ai coi thường sự phân xử của làng xã, tự ý đưa lên cấp trên là điều đáng chê trách. Chỉ khi nào gặp việc hệ trọng, ngoài phạm vi thẩm quyền xét xử của làng xã, nội vụ mới được đưa lên cấp trên.
7) Trong đời sống hàng ngày, có những người: hiền đức, nhân sĩ, thân hào, cha từ, mẹ hiền, con hiếu, trai trung, gái tiết, học trò chăm chỉ, người lao động siêng năng, người có tài nghệ khéo, buôn bán thực thà... đều được đưa tên ra các phiên họp làng xã để được khen, nêu gương tốt, cùng được xã đề cử người có tài đức cao trọng đặc biệt vào những công việc xứng đáng.
8) Ðối với bọn hung đồ du đãng, rượu chè bê tha, cờ bạc chuyên nghịệp, con bất hiếu, cha mẹ thiếu lòng nhân từ với con, trai gái bất chính, lường gạt trộm cắp, sống nhiễm các thói xấu, xét thấy còn có thể giáo dục được, làng có quyền phạt tiền hay phạt vạ. Nếu cần cha, mẹ, anh, em kẻ phạm tội ở tuổi chưa trưởng thành, cũng bị liên hệ trách cứ và có trách nhiệm liên đới để giáo dục quản thúc kẻ phạm lỗi, tìm cách khiến kẻ phạm lỗi biết ăn năn hối cải.
9) Ðối với những người vô nghề nghiệp sẽ được các chức dịch trong làng khuyến cáo đi học nghề, phụ việc tại các phường hội nghề nghiệp hay làm các nông vụ sản xuất chung của làng xã. Những gia đình nghèo cũng được làng cấp ruộng công cho cấy rẽ, được thu một phần hoa lợi nhiều hơn làm cho tư nhân để sinh sống. Làng cũng thường có những khu đất công, người dân nghèo có thể xin làng cho làm nhà cư ngụ. Ở mỗi khu xóm trong làng nên có những khu đất, lập các quán xá, trồng cây đại thụ để người già có chỗ ngồi chơi và trẻ nhỏ cũng có nơi vui chơi giải trí.
10) Người tu hành, đạo sĩ, thầy cúng không được đem chuyện thần thánh ma quỉ ra lợi dụng người dân hoặc tạo ra sự mê tín dị đoan. Việc tín ngưỡng cốt yếu là khuyên răn người đời làm lành tránh ác. Nếu các người tu hành phạm điều tà dâm sẽ bị phạt nặng hơn người thường, đồng thời căn cứ theo luật tu hành cũng bị cấm không được tiếp tục tu hành. Các bậc chân tu, thầy dạy học, lương y làm được các công việc giáo hóa, giáo dục, điều trị ích lợi cho dân làng, dân làng có bổn phận phải tôn trọng họ, lưu tâm biệt đãi họ, giúp họ có đời sống kinh tế bảo đảm, nếu họ gặp phải cảnh nghèo túng.
11) Việc học hành trong dân xã được coi là trọng yếu, các nho sĩ, thầy khóa, trí thức mở trường lớp nơi thôn dã dạy học là việc dân làng khuyến khích trợ giúp, nhưng cũng lưu tâm để việc truyền bá học vấn không phạm các sai lạc. Người có đủ kiến thức, trình độ mới được làm thầy. Các con em trong dân làng học chữ cũng như học nghề, thân tộc và các người làng xóm giúp đỡ khuyên răn để người đi học cố gắng học tập. Tuần phiên buổi tối đi tuần tra cũng nhắc nhở học trò chăm học. Những người lớn tuổi đi học ở bậc cao cũng được miễn việc tuần phiên, phu dịch. Người nghèo học giỏi được dân làng, thân tộc giúp đỡ tiền bạc. Nếu làng có nhiều công điền thì một phần công điền được dành làm học điền, lợi tức của học điền cũng để giúp những người đi học có hoàn cảnh nghèo. Nếu làng có nhiều người khoa bảng, học vị cao, nhiều nơi còn mở các nhà khảo văn, bình văn, truyền bá kiến thức, giúp cho người đi học thêm nhiều tiến bộ.
12) Khi có người lạ hoặc người cơ nhỡ qua làng vào lúc đêm tối, dân làng giúp đỡ cho ngủ nhờ. Người từ phương xa tới cư ngụ trong làng, nếu không có liên hệ hoặc bảo đảm của người dân trong làng, cần phải xem xét nguồn gốc, tính tình, hạnh kiểm, qua một thời gian làng mới cho ngụ cư chính thức. Vào lúc mùa màng dân làng lo lao động, có người còn tổ chức cờ bạc, tụ tập vui chơi rượu chè, trai gái, nếu khuyến cáo không được, làng cũng có quyền phạt vạ. Các người đang tại chức phụ trách công việc trong làng phải làm gương tốt cho dân, khi phạm bất cứ tội gì cũng phải chịu xử nghiêm minh, đôi khi còn bị nặng hơn dân thường. Cũng cấm ngặt người tại chức không được lợi dụng chức quyền để thiên vị hay sách nhiễu dân. Khi xảy ra hỏa hoạn, trộm cướp, bão lụt, tuần phiên, trai tráng cùng tất cả mọi người đều có bổn phận và hăng hái tham dự việc ngăn ngừa, dẹp tắt cơn tai biến, cứu giúp người bị nạn. Người có công được thưởng, chẳng may có người bị thương, bị chết, làng phải quyên góp tiền của, trợ cấp thuốc thang, chôn cất người bị chết và giúp đỡ, nhất là đối với các gia đình nghèo túng. Khi có giặc cướp lớn, tráng đinh trong làng phải hợp tác với tuần phiên và phải đánh trống thổi tù và để làng này liên kết với làng khác cùng chống giặc. Ðồng thời cũng thông báo cho cấp trên quyền biết để huy động lực lượng tới cùng chống giặc và cứu ứng.
13) Nhà dân nghèo hay người cô quả chết, làng xã có trách nhiệm xuất tiền công quĩ, quyên góp để lo chôn cất người chết. Người bị mắc bệnh truyền nhiễm, ban lý dịch tìm cách ngăn ngừa không để bệnh dịch lây truyền, rồi trình báo lên cấp trên lo việc trị dứt mầm bệnh. Vào các dịp không phải thời vụ lao động, làng vận động toàn dân tham gia các công việc: sửa chữa đường sá, nạo vét ao hồ, khai thông cống rãnh, quét dọn, chặt cây cỏ mọc hoang, làm vệ sinh tại các nơi công cộng.
14) Trong các dịp vào hội, vào đám, ngày Tết thường mọi người chú trọng tới việc thi nghề, thi tài, thi võ nghệ nhằm mục đích khuyến khích tuyển lựa nhân tài, rèn luyện sức khoẻ.
15) Quĩ chi tiêu vào các việc công ích gồm có các khoản thu: lợi tức hàng năm của chợ, ruộng công, đầm, hồ, ao, tiền đóng góp hay tiền mua ngôi thứ của những người muốn có một chút chức danh trong làng hoặc chỉ là đóng tiền cho làng để khỏi phải làm phu dịch khi có lệnh gọi. Công quĩ được dùng vào các việc công ich, xã hội, từ thiện. Những người trong ban chức dịch phục vụ, điều hành công việc làng xã đều làm việc không có lương bổng. Họ phải là những người làm việc thực sự vì dân, tự nguyện đem thiện chí, khả năng phục vụ dân, coi như họ không làm thì cũng có người khác tự nguyện ra làm và làm việc công cũng tận tâm vui làm như làm việc tư của gia đình. Thường những người làm việc công, ngoài khả năng, thiện chí, còn có hoàn cảnh kinh tế đầy đủ, để có toàn tâm cùng thời gian lo tròn việc công. Mục đích của họ làm việc chỉ để đóng góp vào công ích, phúc lợi chung và chủ yếu cốt có chút tiếng thơm đã có công lao ở nơi làng xã quê nhà.
16) Làng xã tổ chức góp lúa nghĩa sương. Vào các dịp thu hoạch lúa hay các loại ngũ cốc khác, khi dân làng ra đồng thu hái hoa màu, nông sản thì có người đi thu lúa nghĩa sương, tùy theo người có lợi tức nhiều hay ít mà thu nghĩa sương. Công việc này có mục đích để dân làng có số lương thực đáng kể, phòng khi có tai họa gây ra nạn đói thì có ngay một số lương thực cứu trợ cấp thời cho những người không có lương thực ăn. Số lúa dự trữ này thường được giao cho những người làm nghề hàng xay, hàng xáo (nghề chế biến lúa thành gạo rồi đem bán). Tất nhiên người được giao giữ lúa nghĩa sương phải nộp lời hàng tháng cho quĩ lúa tăng thêm và cũng để khi cần tới lúa không bị hư vì thời gian dự trữ lâu. Những người nghèo đói cô quả, thuộc thành phần cố cùng, nếu làng xét thấy quĩ lúa nghĩa sương có khả năng đem cứu trợ mà không ảnh hưởng tới sự dự trữ, ban lý dịch cũng họp bàn để cứu trợ. Ngoài lúa nghĩa sương còn có lúa tuần sương hoặc lợi tức tát hồ ao công lấy cá, thuế trật tự chợ, tiền đóng góp của các nhà giàu, dành cho quĩ phúc lợi công ích và dành cho ban tuần phiên được hưởng, vì có trách nhiệm canh phòng an ninh trong làng, xã.
17) Những người phạm tội nặng như: sát nhân, đánh người thương tật nặng hay gây các loại hình án lớn, trước khi đưa lên cấp trên xét xử, ban chức dịch phải cử tuần phiên bắt giữ kẻ phạm tội để không trốn được và không gây thêm tội ác. Ngoài ra các chức dịch tuần phiên phải bảo đảm các chứng tích, tang vật còn nguyên vẹn, sơ khởi tìm hiểu các nguyên nhân, tình trạng phạm tội giúp cấp có thẩm quyền điều tra xét xử.
18) Các nơi cổng đình, cổng làng, chợ, quán, các nơi dân hay tụ họp đều tạo một chỗ thuận tiện dán yết thị, thông cáo, thông tin cho dân biết các tin tức, chỉ thị. Nếu làng có những người có khả năng, có thể tổ chức viết báo tường (bích báo). Ở những nơi này, người dân cũng có quyền làm những bài văn, bài vè khen, chê, bình phẩm, nhận xét các việc trong làng xã. Trong xã cũng có một người đạc phu (thường gọi là mõ làng) lo các việc tạp dịch nhỏ, thông báo, mời gọi, ở trong làng. Việc chính của người đạc phu là gõ mõ rao lớn tiếng cho dân làng biết các thông báo mà dân làng cần phải biết. Khi làng có ăn uống hay lợi tức gì chia cho ban chức dịch, người đạc phu cũng được hưởng một phần, bao giờ phần của người đạc phu cũng nhiều hơn những người khác. Làm đạc phu do tự nguyện, không ai có quyền ép buộc.
19) Trong mỗi làng quê đều có những cánh đồng sản xuất nông nghiệp và ở đấy cũng thường có một hoặc năm ba bãi tha ma chôn người chết. Mỗi bãi tha ma đều có: miếu thổ thần, miếu cô hồn, am chúng sinh, vào các dịp xuân thu nhị kỳ đều có tổ chức lễ cúng bái, tuy đơn giản, nhưng rất tỏ lòng tôn kính các linh hồn mọi người đã khuất, Ngoài ra những lúc vào ngày giỗ hay khi con cháu thăm viếng mồ mả người nhà cũng đều thắp nhang nơi các miếu. Nhờ vậy bãi tha ma được coi là nơi linh địa, không ai dám phá phách hay làm điều gì ô uế, tạo nên cảnh đau lòng: kẻ đang sống tự làm mất lương tâm, bổn phận đối với những người đã khuất.
Có một số làng xã tiến bộ còn thu gom tăng trưởng công quỹ xây các giếng nước, hồ nước sạch cho dân dùng, lập các nhà tiêu, cầu xí công cộng và định các nơi đổ rác, mục đích bảo vệ đời sống dân xã hợp vệ sinh, không làm ô nhiễm môi trường.
20) Làng thường tổ chức các dịp vào đám, hội hè, Tết, lễ, tại khu vực đình làng thường có khu đất công và hồ ao rộng, mục đích ôn lại sự nghiệp và tôn kính vị thành hoàng làng. Dịp này cũng để dân làng thưởng thức các trò vui, các nghệ thuật ca múa truyền thống. Ðám rước của làng vào đám, với kiệu, cờ, võng, lọng, kiếm, kích, côn, quyền, múa ca, mọi nhịp điệu, hành động, đi đứng của đám rước đều theo hiệu trống, chiêng và kèn sáo (quang cảnh chẳng khác nào một cuộc hành quân của vua, quan thời xưa được phục hồi lại).
21) Bản hương ước của làng chỉ được sửa chữa khi đa số dân làng muốn sửa chữa, hoặc khi thấy có điều gì tai hại lớn, cần phải khắc phục ngay. Khi lập bản hương ước cũng như khi sửa chữa, phải có sự thị duyệt của cơ quan cấp trên làng xã. Theo truyền thống, các cơ quan cấp trên cũng phải luôn luôn tôn trọng nếp sống hương ước của làng xã. Các nội qui, ước chế trong sinh hoạt làng xã không vượt quá hay khác biệt với luật pháp chung của nhà nước".
Hương ước và lệ làng, nếu lật ngược mặt trái, cũng có những tệ hại do bọn cường hào ác bá thôn xã thao túng phản bội quyền dân, nhất là khi đất nước xã hội chìm trong nô vong, chế độ áp bức thống trị, cũng từ đó sinh ra nhiều hủ tục, hà khắc, bóc lột. Nhưng không thể nói rằng hương ước làng xã là công cụ cho bọn bất lương và chế độ tàn bạo đàn áp dân chúng.
Dưới các chế độ bất chính hương ước dễ bị thao túng, nhưng những bản hương ước có nội dung tốt, vẫn là vũ khí để người dân chống lại mọi sự đàn áp. Trong các trường hợp như thế "phép vua thua lệ làng" vẫn là điều lợi cho nhân dân. Nhiều làng xã có bản hương ước dài và đầy đủ, qui ước nhiều vấn đề bao gồm cả trật tự, kỷ cương và văn hóa cùng phong tục, nếp sống của làng. Nhưng thường thì bản hương ước càng cô đọng, càng rút gọn, càng được người dân dễ dàng thích nghi áp dụng. Nhiều người dân thường chỉ nghĩ đơn giản: làm những việc theo đúng lương tâm, hợp ích lợi chung, làng xóm không chê trách, và mọi người dân ai ai cũng muốn khuyên nhau "tu nhân tích đức", "ăn ngay ở lành". Chỉ cần như thế họ đã rất ít khi vi phạm hương ước. Người dân trong làng yêu chuộng tình cảm, lương tâm con người hơn là luật lệ, nên bản hương ước cũng lấy lương tâm cùng tình cảm người dân làng làm nền tảng để lập thành hương ước. Có như thế mới không ai muốn vi phạm hương ước, vì hương ước ngự trị trong tâm tình con người, mà ai cũng muốn sống cốt lấy lòng nhân nghĩa, sự thuần nhã an vui làm trọng.
Ðiều quan yếu ẩn chứa trong mô hình "bánh chưng" kể từ lúc Lang Liêu được công khai trình bày trước mọi người luận giải vũ trụ nhân sinh của ông, rồi ông được bình bầu tổ chức, quản trị đất nước cho tới khi hình thành nền dân chủ "xã thôn tự trị", đã hình thành được chế độ dân chủ tốt đẹp: dân có quyền đề cử, bầu cử, ứng cử, tạo cho quốc gia có cơ chế chính trị lành mạnh, tiến bộ, thanh bình. Nếu lịch sử Việt không bị nạn xâm lăng do ngoại cảnh quay lại những bước lùi của nó, chắc chắn, quyền công dân, quyền con người trực tiếp ảnh hưởng, chi phối cuộc sống. Văn minh nguồn cội không mất tất lịch sử Việt không thể còn những biến động, rối loạn vì người dân được tự quyết định vận mệnh của họ bằng quyền bình bầu tự do. Chính quyền thực tế do dân bầu mà có. Dân có quyền thay đổi chính quyền bằng các phiếu bầu. Nó không bị tai họa, chậm tiến, bởi những cuộc bạo loạn đẫm máu, để mọi chính quyền nhờ bạo lực mà có kế tiếp nhau lăn vào vết nhơ lạc hậu của bánh xe cũ, rồi mãi mãi trong vòng luẩn quẩn, không đáp ứng nguyện vọng dân chủ.
Có câu chuyện kể rằng:
"Vào thời kỳ còn chế độ thực dân Pháp cai trị Việt Nam, khoảng vào năm 1920, có một thanh niên yêu tư tưởng cách mạng vô sản là người dân của một làng quê. Rời lũy tre xanh, người thanh niên đi nhiều nơi vận động cuộc chống thực dân Pháp, tuyên truyền giác ngộ công, nông, rồi trở thành một trong những lãnh tụ nồng cốt, nhiệt tình nhất của cách mạng vô sản trong nước. Thực dân Pháp cho tay sai săn tìm mọi nơi, mọi lúc để bắt người thanh niên này. Trước tình cảnh nguy hiểm: đi tới đâu cũng có thể bị mật thám Pháp tìm ra tung tích, việc bị tù đày xử tử dường như không tránh thoát. Cùng kế người thanh niên nghĩ rằng trở về sống tại nơi làng quê mình sinh ra là an toàn hơn hết. Ðiều người thanh niên ngần ngại nhất là: ngôi làng quê của anh ta có truyền thống văn hóa, thế hệ nào cũng có nhiều người học hành thành đạt. Nếu anh ta về làng, những người làm quan, làm việc chức trọng quyền cao giúp Pháp, tất có kẻ báo thực dân Pháp tới bắt anh. Nhưng cuối cùng không còn cách nào hơn anh đành cũng phải trở về làng sống.
Dù trở về trong đêm tối, ngay sau khi bước chân vào nhà gặp cha mẹ, anh em ruột thịt, thì cũng ngay trong đêm ấy, bà con thân tộc nội ngoại, bạn bè thân thích nhất cũng được thông tin ngầm biết được anh đã về làng. Chỉ vài hôm sau hầu hết dân làng đều ngầm biết tin "con người chống nhà nước Pháp bảo hộ sống ở trong làng", kể cả những người làm việc với Pháp, những người thân Pháp và tất cả những viên chức lý dịch làm việc làng cũng biết tin ấy. Nguồn tin mật ai cũng biết, nhưng chỉ ra hiệu với nhau ngấm ngầm, không ai nói công khai. Nguời thanh niên chống Pháp thấy ngay cả những người thân Pháp đáng lý "mình là kẻ thù của họ, họ là kẻ thù của mình", nhưng khi có việc cần ra ngoài, gặp "kẻ thù", "kẻ thù" nhã nhặn hỏi thăm bằng tình thân tộc, bằng hữu quê hương. Người "thanh niên cách mạng" đã sống ở quê hương nhiều tháng trời yên bình, qua những ngày tháng nguy hiểm nhất, có thể anh ta sẽ gặp tai họa nếu sống ở nơi khác. Còn bọn thực dân và tay sai lúc ấy, đinh ninh một làng có nhiều người làm việc với Pháp như làng của người "thanh niên cách mạng" không thể nào dung túng được một người như anh ta.
Thời cục đổi thay, khoảng ba chục năm sau, "người thanh niên cách mạng" trở thành nhân vật trọng yếu của đất nước lại có dịp trở về thăm lại làng quê. Lúc này người thanh niên trở thành vị lãnh tụ đáng kính, đáng quí, ông cần được bảo vệ an toàn nên có nhiều vệ sĩ trang bị súng ống đi quanh ông. Có một người bạn học thân cùng ông thuở thiếu thời, khi bắt tay thăm hỏi, đã khuyên ông và cho biết: "về quê làng là nơi yên bình nhất!". Ông chợt nhớ lại cơn hoạn nạn ngày xưa, bèn truyền cho các vệ sĩ không cần phải đi theo bảo vệ. Nhờ thế ông được sống chuỗi ngày bình yên êm đềm cùng quê hương thân tình thơ mộng".
Mỗi làng xã, một hoặc năm ba năm lại tổ chức một lần vào đám. Vào đám là ngày hội lớn của dân làng và cũng để tỏ thiện chí làng này kết nghĩa, chung vui với nhiều làng lân cận khác.
Ở một ý nghĩa sâu sắc hơn, vào đám là một cuộc diễn tập, đối với thời xưa có tính chất quốc phòng tự động trong dân gian.
Nghi lễ vào đám là rước bài vị thành hoàng từ miếu thờ tới đình thờ, hoặc rước kiệu thờ thành hoàng từ đình làng này tới đình làng khác, nếu hai hay nhiều làng cùng thờ chung một vị thành hoàng. Trong khi rước thường tổ chức các cuộc biểu diễn có ý nghĩa tái hiện lại sự nghiệp và công đức của vị thành hoàng.
Công việc vào đám trước hết là dự trữ, chế biến lương thực để mọi nhà, mọi người có đầy đủ lương thực ăn trong thời gian vào đám. Trong dịp này ai cũng mặc quần áo mới, nên mọi người cũng đã may sẵn quần áo từ trước. Hầu hết các người dân được cắt cử đảm nhận các công việc như: chủ tế, phụ tế, cai kiệu, cai cờ, chiêng trống, đồng văn âm nhạc, chấp kích, múa, hát, vật v..v... nên mọi người đều tận tâm trong niềm vui sướng ước mong đảm nhiệm phận sự được chu toàn.
Điện Thái Hòa kinh đô Huế |