Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

6. Cảm nghĩ về chữ viết.

Suy nghĩ về chữ viết cổ của dân nước Việt, khi con người còn chưa có đủ vải để may quần áo, lại ở xứ nóng, nhiều lúc ngoài phần hạ bộ được che kín, hầu hết cơ thể da thịt để trần. Sự vẽ mình thuận tiện trong việc nhận diện, phân biệt các thành phần: vua, quan, quân đội, dân thường có hình vẽ trên thân mình khác nhau. Chính các hình vẽ trên thân thể con người có thể là một trong những gợi cảm bức xúc khiến dân Việt sớm có chữ viết và chữ viết có những nét lượn vòng uốn cong (khoa đẩu). Ðiều này trùng hợp với nhiều nơi trên thế giới có chữ viết sớm, dân có tục vẽ mình cùng ở các miền nhiệt đới gần nước, có sinh hoạt nhiều về ngư nghiệp và giao lưu đường thủy.
Vị trí giao lưu trên bộ, trên sông và cửa biển khiến dân nước Việt cổ gặp gỡ nhiều sắc dân có ngôn ngữ khác, thấy có người nước ngoài đã biết dùng chữ, có ích lợi cho việc sinh hoạt, nên cũng có nhiều bức thiết thúc bách dân Việt cần phải có chữ sớm.
Về chữ viết như đã nói trước đây, sách cũ có ghi câu chuyện "rùa thần nghìn tuổi" có khắc chữ trên lưng rùa loại chữ "khoa đẩu". Qua hoa văn trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, đã thấy nhân sinh quan và vũ trụ quan của dân Việt từ sơ khởi có giá trị cao. Việc chép sử kể từ khi có trời đất trở về sau khắc trên mai rùa, có thể coi là sự việc có sở cứ. Việc phải dùng chữ để trao đổi ghi nhận ngôn ngữ, không thể nào thiếu được. (Nhà văn Nguyễn Ðổng Chi trong tác phẩm "Việt Nam cổ văn học sử" có sưu tầm được 35 chữ cái của đồng bào Mường, nét chữ cũng có dạng giống như con nòng nọc). Chữ cổ đại của nước Việt cần có sự tìm tòi nghiên cứu thêm để tìm ra dấu vết hoàn toàn đáng tin cậy. Ngành khảo cổ Trung Quốc, khoảng năm 1927 tìm thấy ở An Dương, Hà Nam có những mai rùa trên khắc một loại chữ cổ (dẫn theo "Lịch sử thế giới" của Nguyễn Hiến Lê trang 109 và "Triết học Ðông Phương" của Nguyễn Ðăng Thục trang 44).
Gần đây người ta có khám phá một di tích tại thung lũng Mường Hoa, Hoàng Liên Sơn cách thị trấn Sapa khoảng sáu cây số (địa phận Lào Cai). Tại địa phận này có khu rừng đá gồm 159 hòn đá lớn, nhỏ, hòn nhỏ cao khoảng 1 mét, hòn lớn cao khoảng 15 mét. Trên các mặt đá có khắc các hoa văn hình mặt trời, hình người, hình bánh xe quay nước. Tại bản Pho trong thung lũng kế cận, người ta tìm thấy những hòn đá có khắc văn tự cổ của người Việt. Gần đó trên khu ruộng bậc thang thuộc địa phận hai xã Lao Chảy và Hầu Thào cũng tìm thấy những hòn đá có khắc dạng chữ cổ.
Ngoài ra nhiều vùng dân tộc miền cao như Thái, Mường v..v. cho tới nay nhiều nơi lưu giữ các sách bằng lá, bằng tre, bằng vỏ cây, hoặc giấy gió viết các loại chữ cổ rất ít người đọc được.
Hy vọng rằng người ta có thể nghiên cứu đọc được các loại chữ cổ nói trên, từ đó, nếu nguồn gốc là chữ nước Việt cổ, hiển nhiên là những đóng góp lớn vào sự khảo cổ văn minh các dân tộc Việt.
Tới thế kỷ thứ năm trước công nguyên, có lẽ chữ viết gốc tối cổ của dân tộc Việt, dần dần được cải biến, dung hợp được nhiều tính chất giao dịch đa dạng, có hình dáng gần giống với chữ nho. Loại chữ này một số người tìm hiểu về chữ viết cổ, đặt tên cho nó là loại chữ "Việt nho".
Chữ quốc ngữ ở thế kỷ hai mươi và hai mươi mốt ngày nay, dân Việt đang sử dụng được bắt đầu hình thành vào đầu thế kỷ thứ mười bảy. Buổi đầu các tu sĩ Ki Tô giáo tới truyền đạo tại Việt Nam, họ gặp các khó khăn bất đồng ngôn ngữ. Ðể thông thạo ngôn ngữ Việt cũng như để truyền bá kinh sách, giảng đạo bằng tiếng Việt cho người Việt có thể hiểu được, các giáo sĩ Ki Tô dùng các mẫu tự La Tinh ghi âm tiếng nói người Việt. Ðầu tiên là các giáo sĩ Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha, Ý Ðại Lợi và Pháp. Tiêu biểu là các giáo sĩ: Christophoro Borri, Antorrio Barbora, Alexandre de Rhode. Phần đông các tu sĩ viết loại tiếng Việt phiên âm sang mẫu tự La Tinh một cách chưa hoàn hảo, chưa thống nhất. Dẫu vậy loại chữ này đã đem lại thuận tiện và ích lợi lớn cho sự truyền giảng đạo Ki Tô cho dân Việt, nó còn vươn ra ngoài tầm sử dụng của các nhà truyền đạo. Nó có quá trình diễn tiến cấu tạo kéo dài từ năm 1630 tới năm 1950. Từ đó chữ quốc ngữ đóng vai trò chủ yếu trong văn học và đời sống người nước Việt. Tương lai dân tộc và vận mệnh đất nước Việt sau này, một phần lớn sẽ chịu ảnh hưởng của chữ quốc ngữ. Nó cũng là thứ chữ mẫu tự La Tinh có mặt sớm ở châu Á. Theo tài liệu còn được lưu lại do Christophoro Borri viết quốc ngữ năm 1631, chữ quốc ngữ buổi đầu chỉ là dạng chữ của người ngoại quốc biết mẫu tự La Tinh viết để ghi âm, còn chưa chính xác, do chưa thông thạo tiếng Việt.
Hãy so sánh:
Chữ năm 1631                  Chữ ngày nay
Sayc chu                  =                      Sách chữ
Dan Trão                  =                      Ðàng Trong
Onsaij                       =                      Ông sãi
Bũa Chiuua              =                      Vua Chúa
Quan Guya               =                      Quảng Ngãi
Chiguin                     =                      Qui Nhơn
Ongne                       =                      Ông nghè
Ma qui                       =                      Ma quỉ
Chiampa                   =                      Chàm
Sinnua                       =                      Thuận Hải
Một chứng tích do nghe âm không rõ, rồi phiên âm tiếng Việt thành sai là: vùng đất Ða Kao tại Sài Gòn, xưa có tên là Ðất Hộ, các người phương Tây đã nghe không chính xác, rồi viết sai là Ða Kao, cái tên sai ấy dùng vào địa lý cho tới nay vẫn còn. Cũng như thị trấn Faifo (Hội An) ở miền trung, cũng đã bị viết sai tên, thực tên của thị trấn xưa kia được gọi là Hoài Phố.
Công lao lớn buổi đầu tạo thành chữ quốc ngữ, nhận xét cho thực đúng vẫn là do những người Việt thông thạo tiếng, chữ ngoại quốc, hệ mẫu tự La Tinh và cũng đọc viết được cả chữ nôm. Vì tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của họ, nên chỉ có họ mới là những người chuyển hóa tiếng nói Việt đúng với mẫu tự La Tinh và cũng đúng với âm ngữ tiếng Việt. Phần đông họ là các thầy giòng Ki Tô chính gốc Việt. Lịch sử truyền giáo nói về những người có công buổi đầu với chữ quốc ngữ, có ghi danh những người như: Bento Thiện, Philipphê Bỉnh v..v... là những người có công nhiều. Chắc hẳn chủ nghĩa thực dân Pháp cũng muốn dùng chữ quốc ngữ làm lợi khí cho sự đô hộ nước Việt, nhưng dân Việt đã biết dùng ngay chữ quốc ngữ làm thứ vũ khí lợi hại nhất để chống lại chủ nghĩa thực dân, dành quyền tự chủ độc lập.
(phần tài liệu trên này phỏng theo cuốn "Lược đồ văn học Việt Nam" của Thanh Lãng, Trình Bày xuất bản năm 1967 tại Sài Gòn).
Tòa lâu đài chữ quốc ngữ đáng được coi là chữ quốc ngữ, phải là giai đoạn vun bồi, bắt đầu từ năm 1905 tới năm 1950, các học giả, các nhà văn như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Ðức Kế, Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Hoàng Xuân Hãn, Nhất Linh v..v... các báo chí như Nam Phong, Ðông Dương tạp chí, Tiếng Dân, Hữu Thanh, Tứ Dân Văn Uyển, Ngày Nay... và đặc biệt là Hội Truyền Bá Quốc Ngữ cùng các phong trào Bình Dân Học Vụ. Những sách báo quốc ngữ phổ thông trong dân chúng cùng các phong trào chống mù chữ tranh đua nhau tạo căn bản nền văn tự mới, khí thế văn hóa mới, dù cho khác khuynh hướng tư tưởng, khác thành phần xã hội, mọi tầng lớp người Việt chung nhau đắp nền ngôi nhà chữ quốc ngữ, ai ai cũng góp công nhiệt tình tin chữ quốc ngữ sẽ mở đường cho tương lai dân tộc. Sự hình thành chữ quốc ngữ rất xứng đáng được coi như "cuộc cách mệnh nhung vĩ đại". Cuộc Cách mệnh Nhung chẳng những mở ra tương lai rực rỡ mà không mất giọt máu nào của dân tộc, không tổn hại bất cứ viên gạch hay ý thức văn hóa nhỏ bé nào của quốc gia. Trái lại sự mê cuồng chủ nghĩa ngoại lai có thể thiêu sống hàng chục trệu đồng bào vào ngọn lửa chiến tranh, xóa nát mọi công trình văn hóa, kiến trúc, kéo lùi lịch sử tiến hóa nhiều chục năm, mà không có bất cứ ích lợi thiết thực nào đối với cuộc sống.
Tượng nhà văn Trương Vĩnh Ký
Dân Việt vì hoàn cảnh lịch sử, dứt khoát khước từ nền văn tự chữ nôm, một loại chữ học rất tốn thời gian, khi đọc hay viết cứ phải học thông thạo chữ nho rồi mới đọc và viết được. Qui luật tiến hóa khẳng định: "ngôn ngữ người Việt phải có chữ viết đúng với ngôn ngữ, hữu dụng và thuận tiện của người Việt".
Cũng nên có ít suy nghĩ về chữ nho là loại chữ tượng thanh, tượng hình, tượng ý ở quá khứ do nhiều dân tộc miền Ðông Á tạo nên, trong đó có dân Việt. Nếu cho chữ nho là chữ của riêng người Tàu, điều đó là sự sai lầm. Tần Thủy Hoàng sau khi diệt các chư hầu nhà Chu, thành lập Trung Hoa với ý đồ muốn thống nhất thành một nước lớn, tại các nước trước đó và các địa phương có chữ viết khác nhau rất nhiều. Chữ viết có nhiều đến độ khi là quốc gia lớn, thật khó duy trì trật tự xã hội, thống nhất tư tưởng. Chế độ nhà Tần đã phải ban lệnh "Hiệp thư" cấm viết và học nhiều loại chữ. Chữ viết chỉ còn để lại một thứ chữ duy nhất, thích hợp cho mọi địa phương sử dụng ngôn ngữ khác nhau sử dụng chung, kẻ nào đọc sách, viết bằng chữ lạ đều bị trị tội. Thứ chữ để nhiều nơi có thể áp dụng, dù khác ngôn ngữ, vẫn là chữ nho. Vì vậy nhà Tần duy trì chữ nho, cũng phát âm từ chữ nho ra một thứ ngôn ngữ chung, dùng cho hệ thống hành chính, văn thư toàn cõi nước Tần. Về sau gọi là quan thoại (ngôn ngữ dùng trong giới quan lại), nay gọi là tiếng phổ thông. Sự tận diệt nhiều loại văn tự của nhà Tần, đem lại lợi ích nhỏ cho riêng việc cai trị của Tần, nhưng đã kéo lui nền văn minh Á châu, đánh mất nhiều giá trị tiến bộ văn hóa của nhiều nước khác. Triều Hán thay Tần và các đời sau ở Trung Quốc đều thừa kế theo sự áp dụng văn tự của Tần. Sự kiện này truờng tồn nhiều nghìn năm mang theo trên lưng nó ích lợi lớn cho hệ thống chính trị bành trướng, độc tài toàn trị đồng thời cũng tai hại rất lớn gấp nhiều lần, vì đã hạn chế rất nhiều công trình văn hóa, tư tưởng, phát kiến dân trí, dân sinh, tiến bộ của đại bộ phận nhiều dân tộc bị bạo quyền ức chế văn tự trong nhiều sinh hoạt.

Vào thời Hồng Bàng, xã hội nước Việt có nền văn minh khá cao, hơn cả xã hội Trung Quốc thời Nghiêu, nên người Việt mới đem truyền bá nền văn minh được khắc chữ trên mai rùa. Ở thời ấy Việt đã có loại chữ riêng biệt, ghi chép các sự việc từ khi mở ra trời đất. Ðối với vua Nghiêu, ông ta đã nhận ra những chữ khắc trên mai rùa là đáng quý, nên đã truyền lệnh cho các sử quan cùng các bậc trí thức trong triều đình Trung quốc lúc ấy sao chép lại.
Theo thần thoại thánh Tản Viên có "gậy thần sách ước" như phần nào muốn biểu thị thời đại nước Việt có Tản Viên đã có sách và chữ viết. Học chữ cũng như học nghề, người dân Việt rất hiếu học dù nền kinh tế nông nghiệp ngày xưa còn thấp kém:
"Làng ta có cây móc cả làng đi học,
Làng ta có cây muống cả làng làm ruộng".
Tại xã Nam Cường huyện Nam Thanh, Phú Thọ, có truyền thống tổ chức lễ "hú mo" vào ngày mùng bảy tháng giêng mỗi năm. Vị chủ tế miệng hú to: "hú hú hu hơ...Làng ta có cây móc cả làng đi học... Làng ta có cây muống cả làng làm ruộng". Ðiều này chứng tỏ đã từ cổ xưa, dân Việt hiếu học và đã có chữ. Cũng đã từ cổ xưa nhiều làng quê Việt có phần "học điền" là phần ruộng cấy lúa chỉ dành riêng cho người hoàn cảnh nghèo đi học được hưởng.
Làng Ðoan Hạ nằm trên bờ sông Ðà, hàng năm có tục mở lễ hội nấu cơm thi để khao quân. Mục đích mở hội để kỷ niệm sự tích ngày xưa Tản Viên hành quân qua làng vào ngày mùng bốn tết. Trước khi nấu cơm thi, có hai người giữ chức vụ chánh và phó trong làng chỉ đạo cuộc lễ, đã diễn lại tích cổ bằng cách: "hai người chánh, phó, mỗi người cầm một quyển sách và cây bút, làm giả động tác hí hoáy cầm bút viết trên sách, trong khi đi tới các nơi đóng quân tượng trưng để ghi chép". Ðó là nghi thức biểu diễn lại khi xưa Tản Viên hành quân qua làng, nghỉ lại cho quân sĩ ăn cơm. Việc nấu cơm phục vụ cho số đông quân đội ăn, phải có những người phụ trách cầm sổ sách ghi chép quân số, người ốm đau phải được chăm sóc, ăn uống và điều dưỡng khác người bình thường khỏe mạnh. Mọi tình trạng ăn uống, nhu cầu thực phẩm của các nơi đóng quân, cũng cần có chữ viết ghi chép mới đầy đủ chi tiết để phục vụ được chu đáo. Qua lễ tục trên, chứng tỏ thời Tản Viên đã có sách vở chữ viết và đã biết áp dụng chữ viết, văn thư vào việc hậu cần binh bị.
Nhà văn Lê Dư năm 1932 trên tạp chí Nam Phong, đã đưa ra nhận định nước Việt có chữ từ thời cổ. Theo sự sưu tầm của ông, ông được biết có nhà nho học thời Tự Ðức là Văn Ða cư sĩ đã có bài viết về: "Sĩ Nhiếp dịch chữ Trung Quốc sang chữ Việt". Lê Dư có nhận xét:
Ta học chữ Tàu, thầy dạy hay học trò học, thế nào cũng phải lấy tiếng nước ta mà giải thích mới có thể hiểu; lại cần phải có một thứ chữ gì để làm phù hiệu, ghi cho dễ nhớ, nhân vậy Sĩ Vương (Sĩ Nhiếp) mới lựa những thứ chữ Hán nào phát âm như tiếng ta, lấy những chữ ấy để làm phù hiệu, âm các tiếng chữ Tàu. Nhân vậy mới lấy một nửa hình chữ Hán khác hợp lại thành chữ hoặc dùng nghĩa, hoặc dùng ý hội, đem làm phù hiệu dịch thứ tiếng của ta.
Vả chăng Sĩ Vương người đất Quảng Tín quận Thương Ngô (đất Thương Ngô vào thời cổ và thời Hai Bà Trưng thuộc lãnh thổ nước Việt), thuộc nước Tàu bây giờ, mà bên ấy xưa cũng có một thứ chữ tục tự hệt như chữ nôm của ta. (Liệu có nên lật ngược lại vấn đề: có chữ nôm trước, rồi sau mới có chữ nho?).
Những người thông suốt việc liên hệ cách viết giữa chữ nho và chữ nôm, có nhận định như sau :
Nguồn gốc chữ nôm chưa xác định rõ đã có từ thời nào? Có thể chữ nôm còn có trước khi có chữ nho. Ở thời Tự Ðức có Nguyễn Văn San, hiệu Hải Chu Tử, biệt hiệu Văn Ða Cư Sĩ, người làng Ða Ngưu, huyện Văn Giang (trước đây ở về phía nam huyện Thuận Thành) thuộc tỉnh Bắc Ninh. Ông từng là tác giả các bộ sách : Quan Châm thực lục ; Ðộc thư cách ngôn ; Ðại Nam Quốc Ngữ và Quốc Văn Tùng Ký. Theo Văn Ða Cư Sĩ vào thời Sĩ Nhiếp (176 - 266) đã có chữ nôm rồi. Sau này nhà văn Trương Vĩnh Ký cũng dày công nghiên cứu và cho rằng chữ nôm có từ trước thời Sĩ Nhiếp. Bằng chứng cụ thể có trong sử Việt là: khi Phùng Hưng khởi nghĩa vào cuối thế kỷ thứ 8, ông được tôn là Bố Cái Ðại Vương. Hai chữ Bố Cái có nghĩa là cha mẹ, do từ gốc của ngôn ngữ cổ của người Việt, tất phải viết theo chữ nôm. Thời Ðinh Tiên Hoàng tên nước là Ðại Cồ Việt, nghĩa chữ Cồ theo nghĩa nôm có nghĩa là to lớn vĩ đại, dĩ nhiên cũng phải có chữ nôm mới viết được.
Có nhiều phương pháp cấu tạo nên việc viết chữ nôm, do vì sự thất truyền, nên phương pháp viết không còn qui củ thống nhất, nhiều người tự nghĩ ra cách viết chữ nôm do chuyển dạng từ chữ nho. Chữ nho nguyên khởi là thứ chữ tượng thanh, tượng hình, tượng ý và ghép chữ, nhiều dân tộc bất đồng ngôn ngữ sống và giao lưu tại miền Ðông Á tạo nên, thực sự không phải chỉ do riêng dân Trung Hoa tạo ra. Sự khởi đầu có chữ nho cũng có thể có nhiều chữ nôm có dạng gần giống chữ nho chung góp sức với nhiều thứ chữ khác tạo ra chữ nho ở thời cổ.
- Có những chữ nho đồng âm, đồng nghĩa và viết giống với tiếng Việt, khi viết những chữ nôm ấy người ta viết giống đúng như chữ nho, thí dụ như các chữ : quan, dân, đồng, oán v..v.
- Viết chữ nôm bằng cách lấy chữ nho để thêm dấu, tăng âm, giảm âm, bỏ dấu để trại dấu, trại âm, thí dụ : chữ ư chuyển sang chữ nôm có dấu sẽ đọc là chữ ơ, chữ ý có dấu đọc là chữ ấy, chữ mai thêm dấu đọc là may, chữ can thêm dấu đọc thành cơn, chữ cô thêm dấu đọc thành côi v..v.
- Dùng hai hoặc nhiều chữ nho để tạo thành một chữ nôm, thí dụ phải ghép hai chữ chí và điển mới viết thành chữ đến của chữ nôm. Cũng như thế phải ghép hai chữ nho thiên và thượng mới viết thành chữ trời của chữ nôm.
Tùy theo mỗi địa phương và tùy theo thời gian, thậm chí tùy theo người viết sáng tạo chữ nôm theo cách riêng của mỗi người, mà việc viết chữ nôm có nhiều lề lối, cách thức, khác nhau. Vì vậy việc đọc chữ nôm chưa chắc đã hoàn toàn đúng với ý của người viết. Muốn đọc một đoạn chữ nôm viết hơi dài, thì phải đọc nhiều lần vận dụng sự xét đoán, so sánh mới mong tạm đọc hoàn toàn đúng! Có những bản chữ nôm viết theo cách tự nghĩ ra cách viết của người viết, thì chỉ có chính người viết mới đọc được chữ của mình.
Sự mòn mỏi tồn tại của chữ nôm, từ ngày xưa nghề ấn loát yếu kém, người biết viết chữ rất ít, các chế độ phong kiến từ cách học, cách viết cho tới các đơn từ, sắc lệnh, bố cáo mọi thứ cần tới văn tự đều không sử dụng chữ nôm nên chữ nôm mất hết quy luật truyền thống chung cho việc viết và đọc. Hậu quả là dân hèn nước yếu nguyên nhân lớn nhất cũng tại do tiếng nói một đằng mà cách viết nhiều nẻo, khó học, khó phổ cập.
Dân nước Việt, chữ viết chịu và tạo ảnh hưởng lớn lao với các làn sóng giao lưu từ mọi phía tới, luôn luôn có cải thiện, thay đổi. Thay đổi không đánh mất bản ngã mà để tìm ra những hiệu năng mới bảo vệ bản ngã. Sau thời gian dài bị mất văn tự đúng với ngôn ngữ của dân Việt, tới thế kỷ hai mươi, nền văn tự Việt bước vào thời kỳ phồn thịnh mới. Những cái mới ấy cũng là những giá trị khai nguồn lại các tinh hoa truyền thống lâu đời, từng bị những ý đồ xâm lăng văn hóa, những ảnh hưởng bất lợi từ bên ngoài phủ lấp.