Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

12. Nêu giả thuyết phụng sự Tổ Quốc Việt của Mỵ Châu & Trọng Thủy

Tìm hiểu và luận thêm hồi kết thúc cuốn phim lịch sử tranh bá đồ vương giữa Triệu Ðà và Thục Phán, như hiện ra cả hai phía đều có những sai lầm nghiêm trọng.
Thời nhà Tần bắt đầu cực thịnh mang quân xâm chiếm miền nam (năm 216 trước công nguyên): Ðồ Thư cùng năm mươi vạn sĩ tốt dần dần đều bị tiêu diệt, chỉ còn lại một số quân ở một ít nơi, có lẽ chỉ để chờ thời gian ngắn sẽ cũng chấm dứt. Khi nhà Tần bắt đầu mất thiên hạ, lực lượng chống đối nổi dậy mạnh nhất cũng tại phía nam. Năm 208 trước công nguyên (Quý tỵ), con Tần Thủy Hoàng là Tần Nhị Thế lên ngôi mới là năm thứ hai, tại dọc hai bờ bắc và nam sông Dương Tử (khi chưa sát nhập vào Tần hai miền ven sông này được gọi là hai nước Sở và Việt), bắt đầu nổi dậy hai cuộc binh biến lớn: Ở nước Sở (tức phần đất phía bắc sông Dương Tử, đến thời nhà Hán về sau đổi thành châu Kinh, nay là tỉnh Hồ Bắc và vài miền phụ cận) có Hạng Lương lập Sở Hoài Vương lên làm vua, chiêu quân dấy nghĩa nêu danh chống Tần cứu Sở. Cũng vào lúc này tại miền nam sông Dương Tử, có Triệu Ðà bội phản thỏa hiệp hòa bình với An Dương Vương của nước Âu Lạc đem quân tấn công kinh thành Cổ Loa, rồi huy động quân đội chiếm giữ khắp miền phía nam sông Dương Tử, tự xưng làm vua, thành lập nước Nam Việt, đóng đô tại Phiên Ngung (sử cũ thường viết là Phiên Ngu, nay là Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Ðông ở Trung Hoa).
Tóm tắt nội dung theo ÐVSKTT viết thì: Triệu Ðà, lên ngôi vào năm 207 trước công nguyên (Giáp ngọ), ở ngôi được bảy mươi mốt năm, thọ một trăm hai mươi mốt tuổi (?), tự xưng là Nam Việt Ðế, cai trị một nước có muôn dân cho tới các quan dưới quyền từ trong cung đình tới ngoài biên cương đều là người Việt, thậm chí cả lý tưởng chống Tần từ phương bắc tới xâm lược cũng là lý tưởng của người Việt. Ðiều này khiến Triệu Ðà nhờ đó có vận hội dựng nghiệp rất lớn, hơn cả Hạng Vũ và Hán Cao Tổ là hai kẻ thiếu may mắn, chậm chân hơn Triệu Ðà. Nhưng sai lầm lớn khiến Triệu Ðà buông tay bỏ chẳng những mất đế nghiệp lâu dài, còn bỏ mất cả lịch sử vô cùng huy hoàng của đám con cháu Ðà sau này, đáng lý không phải lao đao, tử tận chấm dứt nghiệp vương bá. Ấy là việc Ðà không biết hòa hợp với văn hóa và triết lý nhân sinh truyền thống của người Việt, không biết tôn trọng và vận dụng văn minh lý tưởng chung của người Việt trong nhiều công việc trị nước.
Nhớ lại lúc Nhâm Ngao giao cho Triệu Ðà đem quân đóng tại núi Trâu Sơn nhưng biết không thể đánh thắng nỏ Thần, nên Ðà cùng An Dương Vương thỏa thuận chia đất, lấy sông Tiểu Giang làm ranh giới. Ít lâu sau Ðà lại cho con trai là Trọng Thủy sang xin làm túc vệ, rồi Trọng Thủy tự tạo được lòng tin, được làm con rể vua Thục kết duyên cùng Mỵ Châu. Việc Trọng Thủy được An Dương Vương thuận cho làm con rể là biến chuyển thay đổi mới rất quan trọng trong mối liên kết giữa An Dương Vương và Triệu Ðà. Ðiều này đáng lý cũng là dấu chấm hết chiến tranh hai bên, không thể còn bất cứ ngờ vực hay tham vọng nào làm mờ mắt Triệu Ðà trước lòng thành thực giao hảo tốt của An Dương Vương. Vì khi Mỵ Châu đã là vợ của Trọng Thủy, dù An Dương Vương còn sống trong chuỗi ngày tuổi già, toàn cõi đất nước Âu Lạc còn lại cũng đã thuộc về con trai và con dâu của Triệu Ðà cai trị. Việc trị nước người xưa có quan niệm: Cuộc chiến thắng vĩ đại nhất là cuộc chiến thắng không mất một mũi tên, không mất một giọt máu. Há rằng Triệu Ðà là người từng dụng binh bao nhiêu năm lại không biết ích lợi tột cùng của câu nói đó hay sao? Có được tình huống tốt đẹp hòa hợp, nhận được điều lợi lớn, tại sao Triệu Ðà không nâng cao tình tốt đẹp hòa hợp hơn nữa với An Dương Vương? Có như thế Ðà mới chắc chắn có hậu phương nhiều nhân tài, nhiều tài nguyên, nhiều tinh thần lý tưởng tích cực chống ngoại xâm phương bắc, khi Ðà thành lập nước Nam Việt.
Tự nêu những câu hỏi thắc mắc lịch sử, để rồi tự đặt ra những câu trả lời, cũng chỉ là việc đi tìm những ảo tưởng lịch sử. Hãy xét ở huyền sử những lời nói thốt ra từ chính hai con tim Trọng Thủy và Mỵ Châu vào lúc lâm biệt chia phôi:
- Tình phu phụ thì không nỡ quên, mà ơn phụ tử cũng không nên bo (Trọng Thủy quan tâm nêu tình vợ chồng trước cả tình cha con), ta nay về thăm cha mẹ mà vạn nhất hai nước thất hòa, Nam, Bắc cách biệt, ta trở lại tìm nàng thì nàng lấy vật gì làm dấu cho ta biết?
Mỵ Châu nói:
- Thiếp là nhi nữ gặp phải bước phân ly thực khó thắng được tình cảm; thiếp có chiếc áo choàng gấm lông ngỗng thường mang trên người, đến lúc ấy thì thiếp lấy lông ngỗng mà rải ở các ngã ba để chỉ cho chàng biết chỗ thiếp đi mà đến cứu.
Những lời nói của Trọng Thủy nói với Mỵ Châu bằng những lời chan chứa tình cảm vợ chồng chân tình. Xét qua những lời nói, như khẳng định Trọng Thủy tự nhận nhiều trách nhiệm làm chồng, làm cha, làm con rể. Thực tình mà xét, kể từ khi xin làm chân túc vệ được hầu cận và bảo vệ Thục An Dương Vương, sau nữa được làm con rể rồi có con cùng Mỵ Châu cho tới lúc chia tay Mỵ Châu, thời gian Trọng Thủy sống với An Dương Vương đã kéo dài khá nhiều năm. Bản thân là một con tin, tự nguyện làm một chân túc vệ, chỉ để Triệu Ðà không dám tấn công thành Cổ Loa (lúc ấy Triệu Ðà mới chỉ là viên huyện lệnh dưới quyền sai khiến của Nhâm Ngao), rồi Trọng Thủy được cất nhắc lên trọng trách đặc biệt được làm con rể vua, nhưng đặc biệt hơn nữa là vua chỉ có một con gái, tất chàng lại là người sẽ được làm vua cai trị nước Âu Lạc trong tương lai. Rõ ràng tình cảm cùng lòng tin giữa An Dương Vương và Trọng Thủy trong thời gian sống chung gần nhau, cả hai bên đã trau chuốt, tô điểm thành tình thâm chung thủy cao độ, có thể coi như trên cả tình cha con ruột thịt nếu so sánh với tình Triệu Ðà đối với Trọng Thủy. Cả hai người chắc cũng đã nhiều khi chung một niềm tâm sự bàn luận, định tình cho hướng đi, sự liên kết giữa tình thông gia theo chiều xoay chuyển mới lịch sử, chờ một ngày sắp tới. Ấy là cái ngày họa bạo Tần bị tuyệt diệt, các chủng tộc Việt được phục hồi với rực rỡ hào quang thời đại mới.
Riêng giao tình đối với Triệu Ðà thì Thục An Dương Vương không thể không nhớ tới gương sáng tình cảm bao la vĩ đại trước đây vua Hùng và thánh Tản Viên đã nhường nước Văn Lang cho ông cai trị, dứt nạn binh đao, hết cảnh ruột thịt tương tàn gây nhiều tang tóc cực khổ trong nhân dân. Chắc hẳn ông cũng nghĩ rằng khi ông nhận Trọng Thủy làm con rể thì chính Triệu Ðà phải rất sáng suốt biết ơn ông và không bao giờ nghĩ tới việc tấn công thành Cổ Loa!
Là con người có trí lự, quyết đoán giỏi, dày dạn kinh nghiệm trong chiến tranh bạo lực, thì lại chính kinh nghiệm, tham vọng chiến tranh bạo lực che khuất tầm nhìn lương tâm, tình cảm và lẽ phải có ở Triệu Ðà, khi bắt đầu xây dựng sự nghiệp đế vương.
Sai lầm lớn nhất trong đời Triệu Ðà chính là sự táng tận lương tâm, bội phản thỏa hiệp giao hảo hòa bình với An Dương Vương: bất ngờ đem quân tấn công thành Cổ Loa. Dù khi làm công việc hệ trọng ấy, có thể Ðà đã nghĩ việc dụng binh cho phép binh bất yếm trá (việc binh không bỏ sự dối trá) và nếu không cướp nước Âu Lạc tất không có hậu phương lớn để đánh chiếm lên miền bắc. Nhưng điều ngu của Ðà là đã đem quân đánh chiếm một hậu phương thực sự đã hoàn toàn là hậu phương thuộc quyền chỉ đạo của Ðà mà Ðà không biết. Còn nói tới thuật dụng binh có quyền áp dụng phương pháp binh bất yếm trá, Ðà áp dụng vào trường hợp đánh thành Cổ Loa, thì khí độ của Ðà lúc ấy hẹp hòi, chỉ như một tên tiểu tướng ác bạo vô danh, tự đánh mất phong độ của hạng người quân tử biết nhìn xa trông rộng, đem đại nghĩa cứu dân để khởi nghiệp đế vương. Sự đánh chiếm Cổ Loa của Ðà chỉ khiến cho muôn dân nước Nam Việt nơi nơi oán hận Ðà là kẻ phản phúc bội tín, phi nhân nghĩa, chiếm được nước mà không chiếm được lòng dân.
Khi Triệu Ðà đã làm vua ở phía nam sông Dương Tử, cũng lúc ấy ở phía bắc con sông này, Hạng Vũ kế nghiệp Hạng Lương tranh hùng với Lưu Bang, dẫn tới hai bên chia đôi nước Tàu gây chiến tranh (Hán, Sở tranh hùng) gần mười năm. Năm Ất tỵ (196 trước công nguyên) Lưu Bang đã thắng Hạng Vũ lên ngôi tức Hán Cao Tổ, rồi cho sứ giả là Lục Giả đem ấn đồng thao xanh sang phong cho Triệu Ðà làm Nam Việt Vương. Khi sứ giả tới Triệu Ðà tỏ ý coi thường sứ thần nhà Hán, nên ngồi xổm mà tiếp sứ. Viên sứ Hán là Lục Giả phải dùng lời đe dọa: Vương vốn người bên Hán. Thân thích mồ mả đều ở bên Hán. Nay trái với tục gốc, toan giữ đất này làm địch quốc chống chọi với Hán, há chẳng lầm sao? Vả chăng nhà Tần bỏ mất con hươu, hào kiệt trong đời cùng đua đuổi. Chỉ có vua Hán khoan nhân, thương người, dân đều vui lòng theo. Nổi lên từ Phong, Bái, vào trước cửa ải; giữ đất Hàm Dương, trừ diệt kẻ đầu tội. Trong khoảng năm năm, dẹp đời loạn đưa lại đường chính, bình định bốn biển. Ðó chẳng phải sức người mà có lẽ là trời cho! Vua Hán nghe Vương làm chúa đất này, vẫn toan quyết một trận được thua. Nhưng vì thương trăm họ vừa mới khó nhọc, cực khổ nên thôi việc ấy. Sai sứ đem ấn thao đưa sang cho Vương. Vương nên đón từ ngoài thành, lạy tiếp để tỏ lòng tôn kính. Nay đã không thế, sắp đủ lễ mà ra mắt sứ giả, cũng còn là được! Cớ chi lại cậy mình có đám dân Bách Việt, khinh nhờn sứ giả của Thiên tử. Thiên tử nghe tin cất quân hỏi tội, thì Vương sẽ làm thế nào?
Nghe những lời vừa dọa nạt vừa dụ dỗ của sứ Hán, tuy chưa biết thực hư sức mạnh nhà Hán, Triệu Ðà đã sửng sốt đứng dậy nói: Ở đây đã lâu ngày, hồ bỏ mất cả lễ nghĩa!
Ðạo trị nước người xưa thường không quên nguyên tắc: Văn chương bất thành giả bất khả chu diệt, đạo đức bất hậu giả bất khả sử dân, chính lệnh bất thuận giả bất khả dụng nhân tài ; tạm dịch có nghĩa rộng thêm cốt hợp với nghĩa chữ thời cổ là: Văn chương chủ thuyết không thành, không hợp nhân tâm thì đừng đem bạo lực chu diệt nước khác, đạo đức không khoan hậu thì không thể sử dụng dân vào bất cứ việc gì, lệnh trên ban xuống cấp dưới không làm theo, lòng người oán hận, tất không thể làm các kế hoạch hay, không thể sử dụng người có tài.
Triệu Ðà là cá nhân đơn độc, lợi dụng được nhiều tình huống, hoàn cảnh và nhân dịp thời thế tạo anh hùng có một không hai đến với Ðà, nên thành công mau chóng, rồi Ðà lại vội bỏ quên, phản bội ngay những đặc ân, do may mắn đã có được. Nên khi Ðà ngồi trên ngai vàng một đất nước thuộc chủng tộc Việt, mà lại không biết bảo vệ tôn trọng lý tưởng văn hóa quý giá của người Việt, khiến Ðà chợt tự thấy vô vàn chênh vênh đổ ngã đến với Ðà. Thân làm vua mà bị ngay con ruột tìm cái chết để từ bỏ, khi tiếp sứ giả phải ngồi xổm và nhiều khi phải tự thân ẵm cháu. Cái mà Ðà tưởng rằng khinh nhờn sứ giả nước Tàu thì cũng đã phơi bày nhiều nỗi cô thân độc thế. Ðà đang làm vua một nước nhưng thực lực nội tình trong nước đã phạm vào điều nguy làm mất nhiều sự tin cậy của quần thần, nhân dân trong nước. Nhất là những điều sứ giả nhà Hán là Lục Giả nói với Triệu Ðà chỉ bằng mớ lý luận: vốn là người bên đất Hán. Thân thích, mồ mả đều ở bên đất Hán... rồi cuối cùng là câu: Cớ chi lại cậy mình có đám dân Bách Việt, khinh nhờn sứ giả của Thiên tử. Thiên tử nghe tin cất quân hỏi tội, thì vương sẽ làm ra thế nào?
Lời của Lục Giả chỉ là những lời khua môi múa mép, còn thực lực của nhà Hán lúc ấy cũng đang gặp nhiều sự bất an: Cái họa Lữ Hậu tiếm ngôi, cướp giang sơn nhà Hán ngay kề trước mắt. Tuy thế những lời nói của Lục Giả đã là những nhát dao thọc sâu vào tim gan Triệu Ðà, khiến Ðà vội vàng thay đổi thái độ tỏ ý xin được thần phục nhà Hán.
Lục Giả thay mặt vua Hán mang ấn đồng thao xanh vốn là biểu tượng ước hội mang tính truyền thống cổ xưa của người Việt, sang phong cho Triệu Ðà làm Nam Việt Vương vào năm 196 trước công nguyên. Cũng năm ấy loạn nổi ngay giữa cung đình Hán, do Lữ Hậu lộng quyền âm mưu giết và ám hại Hàn Tín, Bành Việt, Anh Bố và bọn vương hầu cùng các trọng thần tay chân trọng yếu trong hệ thống triều đình nhà Hán, rồi tự cai trị nước, kết bè đảng mưu toan cướp giang sơn nhà Hán vào tay họ Lữ. Ðồng thời đúng lúc ấy Lưu Bang Hán Cao Tổ cũng băng hà không còn giữ ngôi vua. Những sự kiện quan trọng này dồn dập xảy ra ở bên Hán, chính thời gian Lục Giả đang ở Việt cũng không biết, hoặc có biết cũng không dám hé lộ cho Triệu Ðà hay, vì sợ Ðà biết các suy yếu trong nội tình Hán. Ấy thế mà Triệu Ðà hậu đãi Lục Giả như bậc tri kỷ, giữ ở lại nước Việt hàng tháng, đã tặng cho Giả hàng nghìn lượng vàng, tới khi Giả về Tàu lại tặng thêm hàng nghìn lượng. Khí độ cùng sự hiểu biết kém cỏi của Ðà về nội tình Hán và về lịch sử, văn minh cùng nhân sinh quan của người Việt bộc lộ ngay trong câu nói Ðà nói với Lục Giả: Trong đất Việt không ai đáng nói chuyện! Từ khi chàng đến khiến ta hàng ngày được nghe những chuyện chưa nghe! (Những đoạn chữ nghiêng ở phần này đều trích trong Ðại Việt Sử ký toàn thư ).
Suy ra trong câu nói ngắn, Triệu Ðà đã tự xóa nhân cách, giá trị, phản bội ngay chính bản thân Ðà, phản bội chính dân tộc cùng đất nước Ðà đang được thừa hưởng ngôi cao, đồng thời tự lột trần sự yếu kém trị nước an dân của Ðà cho viên sứ giả địch quốc biết rõ. Mọi cái họa mất nước, con cháu Ðà diệt vong về sau, hầu như có nguyên nhân phát khởi ngay ở thời Triệu Ðà.
Có những lúc ngồi tranh luận với Lục Giả rồi cả hai so sánh sự nghiệp của Triệu Ðà với sự nghiệp của Hán Cao Tổ, tất nhiên Lục Giả phải hết lời phân biện Hán Cao Tổ hơn Triệu Ðà vì có dân và nước lớn hơn. Triệu Ðà đã thốt lên câu nói: Ta giận thân không nổi lên ở bên ấy ! Ðâu đã chịu không bằng Hán! Khiến cho viên sứ Lục Giả phải nín lặng với vẻ mặt tiu nghỉu! Có điều lạ là khi Lục Giả đưa ra lời đe dọa: nếu chống Hán thân thích, mồ mả đều ở bên Hán cũng đã làm Triệu Ðà kinh sợ. Quả thực cái đảm lược của Ðà không thể ngang bằng với nhiều bậc lãnh tụ nghĩa khí phất cờ khai quốc khởi nghĩa chống bạo ngược. Làm người ta ai mà chẳng có thân thích, mồ mả, người có hùng khí nghĩa cả lúc đương đầu với kẻ thù, kẻ thù thường đem sinh mạng người thân và mồ mả tổ tiên là những thứ mình thương mến, tôn quý, để uy hiếp dụ hàng. Trước những tình huống khó xử như vậy, người làm đại nghĩa thường phải lấy nghĩa cả cao lớn chung của nhân quần xã hội lên trên tình riêng. Có đâu lại vì ít nắm xương khô, vài chút tình riêng mà bỏ nghĩa cả! Vì đã là nghĩa cả tất nhiên gồm cả bao nhiêu người tôn thờ cũng phải bỏ tình riêng để theo nghĩa cả. Kẻ làm vua khi đã vị tình riêng không giữ được nghĩa cả, liệu có còn là gương sáng cho muôn triệu người noi theo không? Xuyên qua lịch sử từ Hán Cao Tổ bên Tàu, cho tới về sau nhiều vị vua bên Việt, khi đương đầu với kẻ địch, những nhà lãnh đạo thường cũng phải quay mặt trước cảnh quân thù đem thân thích, mồ mả ra uy hiếp, họ quyết tâm đặt nợ nước và nghĩa cả lên trên tình nhà.
Lịch sử xưa, nay và mãi mãi về sau luôn luôn cảnh giác: mọi sự, vì tình riêng,ướng ngoại phản lại lý tưởng bản nguyên dân tộc, phản lại quyền lợi, nguyện vọng nhân dân đều dẫn tới hậu quả bi thảm.
Khi Trọng Thủy xin phép được cha vợ cho về thăm cha, ở huyền sử cũng để lại những lời ân cần dặn dò đề phòng nhiều bất trắc xảy ra mà chàng và Mỵ Châu nói với nhau lúc chia tay. Nhưng sự ra đi được cha vợ đồng tình của Trọng Thủy, liệu giữa Thục An Dương Vương và Trọng Thủy khi tạm biệt nhau có sự dặn dò, giao phó hay nhận trách nhiệm nào giữa hai người không? Ðã là con rể vua, Trọng Thủy lại đã cũng cùng Mỵ Châu sinh được một con trai cho An Dương Vương có cháu, hiển nhiên là niềm an ủi hạnh phúc khá lớn trong cảnh tuổi già của An Dương Vương. Việc cho Trọng Thủy trở về gặp lại Triệu Ðà, nhìn cả hai phía nghi thức cùng tình nghĩa không thể coi là việc phóng thích một viên túc vệ làm con tin như khi Trọng Thủy mới tới xin làm túc vệ. Hoàn toàn trên thực tế là: Sự bang giao hai nước qua tình thông gia liên kết, hòa hiếu, có nhiều điểm tương xứng, thích nghi, tiến tới việc liên bang hai miền giang sơn trở thành một nước lớn.
Huyền sử cũng như lịch sử không để lại ghi dấu nào trong nội dung việc Trọng Thủy rời kinh đô Cổ Loa và vương quốc Âu Lạc, về thăm cha ruột đang hùng cứ tại miền Phiên Ngu quận Nam Hải. Về mặt hình thức nghi lễ tiễn đưa có thể là một cuộc tiễn đưa lớn hoặc nhỏ, song giá trị quan trọng hẳn phải có là ngoài những lời thăm hỏi cầu chúc theo nghi thức vương giả thông thường, chắc hẳn Thục An Dương Vương còn trao cho Trọng Thủy sứ mạng trình quốc thư cùng những lý lẽ thương thảo, thuyết phục mọi việc với cha ruột, để sự kết hợp hòa bình giữa hai bên gia tăng, không bao giờ thay đổi (lúc này Tần vừa mới mất, thế lực Triệu Ðà đang từ nhỏ mau chóng trở thành lớn). Nhất là đối phó với các biến chuyển mới, sự kết hợp chỉ có lợi chung cho cả hai. Xét cho đúng sự thực: sự Trọng Thủy được An Dương Vương cho phép về thăm cha, do chính bản thân Trọng Thủy tạo được lòng tin với An Dương Vương nhiều hơn là do nhờ Mỵ Châu xin với cha nàng.
Có điều quan hệ cho lịch sử mai sau của nước Việt, nhưng Thục An Dương Vương lại không thể lường trước, hay ít nhiều ông có nghĩ tới, nhưng nghĩ tới mà lại không có những phương cách dự phòng vẹn toàn, đó là nếu sự việc diễn ra ngoài dự tính của An Dương Vương. Những việc ông phó thác cho Trọng Thủy, có thể Trọng Thủy đã hết lòng thuyết phục Triệu Ðà, nhưng không được Triệu Ðà chấp thuận. Quyền giao hảo hòa bình hay bất ngờ gây chiến với nước Âu Lạc là do Triệu Ðà chứ không phải do Trọng Thủy có quyền quyết định. Nếu An Dương Vương đặt hết sự thành công bang giao vào Trọng Thủy thì chính ông đã đặt sự khó khăn vượt ra ngoài khả năng Trọng Thủy. Ngoài ra nếu việc ngoại giao Trọng Thủy không làm nổi, còn tự tạo cho vua Thục gặp nỗi nguy hiểm có tính bất ngờ, khi Triệu Ðà tấn công Cổ Loa. Kinh đô Cổ Loa thất thủ chỉ thấy sử viết vì lý do nỏ Thần không linh nghiệm. Không thấy nói ngoài nỏ Thần, sức mạnh bảo vệ thành của quân dân trong thành, sự cứu ứng của quân dân ngoài thành ra sao và cũng tại sao khi chạy tới Diễn Châu thuộc Nghệ An, hầu như chỉ còn lại nhà vua cùng con gái ngồi trên lưng ngựa? Phải chăng khi thoát thân ra khỏi thành Cổ Loa, đi theo nhà vua chỉ có một số ít quan quân hộ giá. Việc chạy giặc cũng phải vượt qua nhiều cảnh đường khuất nẻo và đường tắt khó đi, cốt sao cho quân giặc không tìm ra dấu vết đuổi kịp. Từ những khó khăn trở ngại gặp trên đường đã khiến đám quân ít ỏi đi theo nhà vua bị mất dần.
Cùng ngồi trên lưng ngựa chạy giặc nhưng tâm trạng Thục An Dương Vương hoàn toàn khác tâm trạng Mỵ Châu. Nhà vua rất lo lắng khi thấy đoàn quân ít ỏi chạy theo mình mỗi lúc một thưa dần. Suốt nẻo đường dài chạy giặc trải qua nhiều ngày đêm, lúc mỏi mệt đi chậm, lúc nghe tin giặc gần đuổi tới vội vã chạy nhanh, có điều đặc biệt nhà vua nhận thấy: đám quân giặc đuổi theo ông bám sát rất gần, như hình với bóng. Dù khi qua những khu rừng hoang bao la, khuất khúc, không bóng người, tự phải tìm hướng đi, tưởng như nếu có quay lại muốn theo lối cũ chính nhà vua cũng khó tìm ra đường. Nhưng thật rất khó hiểu, lắm khi chỉ một lúc người ngựa dừng chân nghỉ mệt bên đường, ông đã nghe người đi đường loan tin có giặc đang đuổi theo sau. Với nhà vua, tâm trạng ông đã bật phát ra sự nghi ngờ ma quái ám ảnh kinh hoàng: quỉ thần dẫn đường chỉ lối cho bọn giặc tìm đường giết cha con ông!
Mỵ Châu ngồi trên lưng ngựa sau lưng cha, nàng cũng rất lo sợ trên đường chạy giặc, sự lo sợ của nàng còn hơn cả vua cha. Nàng luôn thận trọng rắc dấu lông ngỗng trên các ngả đường rẽ, kín đáo không mảy may sơ xuất để lộ cho vua cha biết, vì sợ người ngăn cấm. Tâm trạng nàng lúc ấy, điều duy nhất ước mong là sinh mạng của cha nàng được an toàn. Sinh mạng của chính nàng, nàng không quan ngại bằng sinh mạng vua cha. Chắc hẳn vạn nhất gặp chuyện không hay, cha nàng có mệnh hệ nào, nàng cam nguyện chết thay cha hoặc không thể chết thay, nàng cũng quyết chết theo cha.
Khác hẳn với cha lo sợ giặc đuổi kịp, từng giây từng khắc Mỵ Châu trông mong người chồng tình nghĩa Trọng Thủy của nàng mau chóng đem quân tới cứu hộ. Với nàng, chàng có tên là Trọng Thủy, cái tên gọi mang ý nghĩa là con người tôn trọng tình yêu thuở ban đầu. Nhớ con người ấy với cái tên ấy, nàng biết rõ chàng coi trọng tình yêu phút ban đầu giữa chàng và nàng, và cũng như tình thâm của cha nàng ngay từ thuở ban đầu đã ban nhiều ân sủng cho chàng. Những tình yêu ấy với chàng, chẳng hề bao giờ có thể phai lạt và không tình cảm hoặc sức mạnh nào làm mất được. Nàng tin chắc chồng nàng không quên lời vợ căn dặn sẽ rắc lông ngỗng trên các ngã đường rẽ để chàng biết đường tới cứu cha nàng, tới cứu nàng. Bi kịch diễn ra ở con người và lịch sử lắm khi thường vẫn do chính con người và lịch sử, từ vô tình tới hữu ý, tự dẫn dắt tới bi kịch.
Khi ra khỏi thành Cổ Loa, có muôn nghìn hướng đi, cũng có những hướng rẽ ngang, quay vòng, tại sao hướng đi của Thục An Dương Vương lại theo chiều dài của đất nước?
Liệu có phải chỉ vì giặc từ phương bắc tràn tới nên tất nhiên nhà vua phải chạy về hướng nam? Liệu có phải chỉ vì sắc màu trắng oan nghiệp những vụn lông ngỗng chỉ đường đã khiến vó câu bôn tẩu nhà vua luôn luôn bị động, không ngày hoặc đêm nào không bị ngựa giặc bám theo, nên càng phải tìm đường dài để chạy, càng chạy dài càng mau kiệt sức? Còn phía quân giặc đuổi theo nhà vua, cứ mỗi ngã rẽ lại phải mất thì giờ ngừng lại để tìm dấu màu trắng áo lông ngỗng chỉ đường, mới tìm ra lối đi nhà vua chạy để quyết định đuổi theo. Chắc quân giặc không được phép đuổi theo nếu không tìm thấy dấu lông ngỗng, cũng vì thế, việc đuổi bị chậm trễ nên mãi vẫn không thể bắt kịp được nhà vua.
Miền đất Diễn Châu cách nay khoảng hai nghìn hai trăm năm, vào thời điểm Thục An Dương Vương cùng Mỵ Châu ngồi trên lưng ngựa chạy giặc, liệu có phải là miền đất đã gần phần đất tận cùng của nước Âu Lạc? Hay lãnh thổ nước Âu Lạc phía bắc đã bị giặc Tần lấn chiếm? Phía nam miền biên giới đất nước cũng không được ổn định?
Núi rừng Diễn Châu thời xa xưa là một vùng rừng rậm, núi cao, càng tới gần càng cảm thấy cảnh vật cây cối núi non hoang vu như biết biến hóa cao và hoang vu thêm. Trước mặt hướng về phía nam là bạt ngàn cây xanh to cao, lớp này chồng lớp khác. Nhìn xuyên qua màu xanh đen chằng chịt cây, gai, cỏ dại, hẳn là chỉ thấy không hở một lối đi nhỏ. Nơi rừng núi nguyên sơ ấy cũng là nơi con người sống bản chất suy nghĩ thuở nguyên sơ, không mấy ai được biết phải đi thêm xa xôi biết tới cuối trời nào mới hết cảnh hoang vu. Những cõi hoang vu ấy không có sự sống của con người chăng? Chỉ có voi dữ, hổ gầm, rắn độc cùng muôn nghìn loài ác thú.
Thục An Dương Vương nhìn cảnh núi rừng Diễn Châu lúc bước đường cùng chạy giặc. Dẫu sao Diễn Châu cũng còn là phần đất thuộc giải phía nam của Âu Lạc, một đất nước ông từng ngự trị trên ngai vàng cho tới lúc cùng đường chạy giặc đã là năm chục năm. Ông cũng biết rõ ở cõi phương nam xa xa còn có các miền đất Lâm Ấp, Tượng Lâm. Trong quá khứ nhiều lần ông cũng muốn vương thổ mở rộng về phương nam. Thực tại trước mắt nhiều đau xót, ông chỉ là con chim bằng gãy cánh, con cá kình sắp chết khô trên bờ cạn. Giá ở những cõi xa xôi Lâm Ấp, Tượng Lâm, lại có những con người vì nghĩa cử, biết ông đang gặp nạn cho quân binh tới cứu giá, hẳn ông tri ân biết bao. Song sự thực vô cùng bi thảm, không có bất cứ may mắn nào đến với ông, dù chỉ là tia hy vọng nhỏ.
Thục An Dương Vương ngước mặt nhìn về phía tây: rặng Trường Sơn từng dãy núi cao, lớp trên chồng lên lớp dưới chạy dài, chênh chếch phía trước lại một dãy núi như muốn ngăn cách cả đất lẫn trời thành hai vùng cách biệt, mù mịt hoang vu, ẩn chứa muôn vàn trắc trở hiểm nguy. Ông không thể cho con ngựa quá mệt mỏi, đưa ông và con ông vào con đường tuyệt mệnh ấy. Thăm hỏi tin từ một số người tất tả vội đi trên đường chạy giặc, nhà vua được biết quân giặc cũng lại đang trên đường truy tìm ông, sắp đuổi tới nơi. Ông vội vàng cho ngựa kín đáo rẽ vào con đường nhỏ, mấp mô, ít bóng người đi. Những con đường khuất nẻo như vậy, cùng với con gái ngồi trên lưng ngựa ông thường đã đi qua, tin là quân giặc rất khó tìm ra dấu vết để đuổi theo. Nhưng tất cả những con đường vết chân ngựa ông đi qua đều đã là những con đường oan nghiệt, do những cơ năng huyền bí lịch sử khuôn xếp thành định mệnh tai ương!
Không thể cho ngựa hướng chạy về nam, hay rẽ theo hướng tây, nhà vua cho ngựa chạy về hướng biển. Ông lại mong manh nghĩ về ảo tưởng biết đâu nhờ trời cứu: giữa sóng nước muôn trùng biển cả bao la, hiện lên một cánh buồm cứu giá.
Cảnh trí miền biển đông bao la sóng gió cũng lại hiện ra trăm nghìn nỗi hiểm nghèo hơn cả núi rừng hoang vu. Càng lại gần, các triền sóng dữ càng dâng cao. Cái bao la của biển hòa đồng cùng âm vang sóng lớn đập liên hồi vào các mỏm đá sườn non, như muốn nuốt chửng hai con người cô đơn, ngồi trên ngựa chịu đựng cùng kiệt niềm oan trái đau thương cơn quốc nạn. An Dương Vương muốn phóng ngựa thật nhanh vào nước tìm thuyền tới cứu, ông chỉ thấy sóng nước ào ào chực dìm ngay cả người lẫn ngựa xuống đáy biển. Ông quay ngựa trở lại, thì trước mắt thấy sự linh nghiệm quá kinh hoàng: bọn giặc đã được quỉ thần chỉ đường, qua đám bụi mù người ngựa của chúng đang tranh nhau cướp đường tiến về phía ông. Ông vung gươm, thét lên thực to, trong âm vang tiếng thét pha hòa cả thực tại lẫn hoang tưởng. Bàng hoàng tâm trí, ông cảm thấy đang được giáp mặt với trời cao và đang cùng nói chuyện với Giang Sứ thần Rùa Vàng là đứng thần linh đã giúp ông xây thành Cổ Loa, đã cho ông móng rùa thiêng làm lẫy nỏ Thần:
- Trời để mất ta sao? Giang sứ ở đâu mau tới cứu ta!
Tiếng thét lớn, những đường gươm vung cao cùng các cử động khác thường của nhà vua khiến con ngựa lồng lên như muốn hất Mỵ Châu xuống đất. Tự biết đã đến lúc nàng sắp gặp lại chồng, nàng phải có những lời lẽ, hành động nhanh chóng bày tỏ lên vua cha. Cũng là lúc gấp rút, nàng phải nói rõ ràng ngay việc quân giặc biết đường tìm tới do chính nàng rắc lông ngỗng chỉ đường cho Trọng Thủy tới cứu. Nàng phải nói để cha nàng cũng tin Trọng Thủy như nàng. Trọng Thủy không phải con người bội phản. Tâm trí nàng vẫn luôn nghĩ: tên của chàng đã chứng minh cho chàng là người tôn trọng tình yêu ban đầu. Nàng phải cầu lạy cha, xin cha bình tâm trở lại. Những ý nghĩ ấy nhen lên rất nhanh trong cõi lòng Mỵ Châu.
Nhà vua cho ngựa chạy, vẫn chỉ là hai hướng, về hướng biển rồi lại chạy về hướng bọn giặc đang đuổi tới. Con tuấn mã lồng lên cao, rít lên những tiếng hí to vang, hoàn toàn mất hướng chạy, dưới sự điều khiển thiếu chính xác của nhà vua. Thanh gươm nhà vua cầm trên tay vun vút vung lên, chỉ là những đường chém loạn xạ, khi hướng vào phía giặc khi vào sóng biển hay vào khoảng không. Cùng lúc con ngựa bị mất đà và Mỵ Châu cũng tự buông tay rơi người khỏi lưng ngựa. Nàng mắt lệ đầm đìa van xin cha tha tội cho nàng đã rắc lông ngỗng cho Trọng Thủy tìm đường. Nàng cũng xin cha bình tâm vì toán giặc đang đi tới có thể là đám quân của Trọng Thủy tìm đến cứu giá. Lúc thân người nàng rơi va đập mạnh vào đất, ngửng mặt nhìn cha, chính Mỵ Châu cũng vụt biến mất mọi sự bình tâm, cháy tan hết cả niềm hy vọng cha con nàng có thể tìm thấy con đường cứu sống. Nàng không còn đang ngồi sau lưng vua, mà đang nhìn thẳng vào mặt vua, nàng chợt nhìn thấy ánh mắt dữ tợn của vua cha khác hẳn bình thường, tràn đầy sát khí. Hai ánh mắt sắc như đao, nhìn xuyên thẳng vào mặt nàng, không mảy may còn chút tình cha con, bừng bừng ác nộ như nhìn một tử tội phản bội. Chắc nhà vua không còn thể nghe bất cứ lời trần tình nào của con gái. Những tiếng: ...lông ngỗng...Trọng Thủy... giặc... thốt lên tự miệng nàng, với nhà vua, lại gợi ra âm vang như là những lời Rùa Thần truyền bảo cho nhà vua trong hoang tưởng là phải giết nàng. Nàng chính là giặc đã ngồi sau lưng nhà vua! Nghịch cảnh đã thực sự giết chết tình thâm phụ tử. Mỵ Châu nhận rõ không thể còn lời nói hay nước mắt nào cứu sống đuợc cha con nàng ra khỏi bi cảnh khủng khiếp. Nàng đành ôm lấy chân ngựa, thân thể nàng quằn quại, cố gắng ngước mắt lệ lên, lần này nàng cầu trời:
Thiếp là con gái nếu có lòng phản nghịch mưu hại tới phụ thân thời chết hóa thành bụi trần, bằng như một lòng trung tín, chỉ vì bị lừa gạt thì cho biến thành ngọc trai để rửa cái thù nhục nhã này.
Những lời van xin của Mỵ Châu thất thanh đứt quãng trong nước mắt và thổn thức; đứt quãng cả trong âm vang sóng biển và cả trong lời thét lớn của vua cha đang hoảng loạn lập lại nhiều lần câu nói:
- Trời để mất ta sao? Giang sứ ở đâu mau tới cứu ta!
Nhìn xuyên qua sóng biển, cũng trong hoang tưởng, mắt nhà vua thấy rõ thần Rùa Vàng hiện ra trên mặt nước. Nhìn lại ông thấy con gái đang xin tha tội đã rắc lông ngỗng cho giặc tìm đường, ông tin chắc lời Rùa Vàng là đúng: giặc đã ngồi sau lưng ông, giặc chính là con gái ông. Ông quyết định đem hết sức mạnh dồn vào đường gươm oan nghiệt, của thanh gươm mà đáng lý khi cần cấp, ông sử dụng nó để bảo vệ sinh mạng con gái. Trong phút hiểm nghèo bi ai nghịch cảnh, chính tay ông vung mạnh đường gươm hạ sát con gái. Rồi ông phóng ngựa lao nhanh vào sóng biển cuồn cuộn dâng trào, ở nơi ấy ông tin chắc đang có thần Rùa Vàng chờ ông.
Đền thờ Mỵ Châu phía bên trái đền An Dương Vương 
 Liệu đường gươm giết con gái của An Dương Vương có phải chỉ là đường gươm vẽ ra bi cảnh kết thúc một thời đại? Hay còn là đường gươm có hậu quả liên hệ tới cả nhiều trang sử về sau của dân tộc Việt?
Lịch sử cùng huyền sử để lại những nét ngắn, gọn, nhưng giá trị rộng lớn, thiêng liêng. Ðặc biệt ở huyền sử, giống như bản thông điệp truyền kiếp cho mọi thế hệ về sau có bổn phận xét soi từng nguyên nhân, có khi rất nhỏ bé, nhưng dẫn tới hậu quả khiến lịch sử chuyển hướng từ an sang nguy hay ngược lại. Chính thức lịch sử cũng là cánh tay dài, cái gốc nhỏ nghìn xưa có thể đảo ngược lịch sử nghìn sau, bằng nhiều diễn biến, ảnh hưởng lớn tới vận mệnh dân tộc. Lịch sử không bao giờ lập lại, nhưng truyền cho muôn đời kinh nghiệm đạt tới sự thông minh, tránh mọi sai lầm trong quá khứ cuộc sống.
Từ các cơ năng diễn biến, việc suy diễn bi tình Thục sử bằng các giả thuyết dưới đây, thiết nghĩ có thể cũng đem lại ít nhiều nhận thức hữu ích:

Nếu An Dương Vương không chém Mỵ Châu.

Bi kịch tình thâm phụ tử nếu không xảy ra ở Diễn Châu, tất nhiên tình nghĩa cha con Thục Vương Phán và Mỵ Châu được giữ nguyên vẹn. Khi đã còn nguyên vẹn, cũng vẫn là việc tất nhiên, Thục An Dương Vương và con gái quyết định mở ra các hướng giải quyết khác. Thí dụ: nhà vua không chém con gái, rồi cho ngựa chạy theo bờ biển lánh nạn trong một nhà dân. Sau đó bỏ ngựa cải trang thành dân thường, với trí thông minh nảy ra trong cơn hoạn nạn, vua hay Mỵ Châu đều có thể nghĩ ra các phương thức thoát nạn, thậm chí cũng có thể đưa ra được các quốc kế, rồi sau hợp lực cùng nhiều lực lượng nhân dân phục hồi dân tộc qua cơn quốc nạn.
Mỵ Châu không rắc lông ngỗng cho Trọng Thủy tìm đường.
Tâm trạng và ngay cả ý chí cùng lòng tin của con người, nhiều khi, do ngoại cảnh bị tâm lý tác động, vẫn có thể thay đổi. Mỵ Châu cũng có những phút yếu lòng, nàng âu lo trăm nghìn nỗi trên đường ngồi sau cha trên lưng ngựa chạy loạn. Có lúc nào đó vì quá xót thương cha già hốt hoảng gấp rút chạy giặc đang đuổi gần tới, nên quyết định thôi không rắc lông ngỗng, khiến Trọng Thủy không còn biết tìm đường đuổi theo. Ở trường hợp này chắc câu chuyện bi tình Thục sử cũng không thể diễn ra tại bờ biển Diễn Châu. Nhà vua và Mỵ Châu cùng với đội quan quân tùy tòng, sau cơn thoát nạn khi thành Cổ Loa bị thất thủ, tìm đường chạy tới bất cứ nơi nào trong đất nước Âu Lạc nương náu ở nơi an toàn, nơi mà quân Triệu Ðà không thể truy bắt. Từ khởi điểm mưu đồ phục quốc ban đầu, rồi nhà vua liên hệ với các cựu thần, các anh tài, hào kiệt. Sự thành bại còn tùy thuộc nhiều yếu tố cùng diễn biến, nhưng hẳn là trang sử Thục vào giai đoạn cuối khác hẳn những gì đã xảy ra.
Nêu ra hai trường hợp kể trên, là hai trong nhiều giả thuyết có thể xảy ra khác với huyền sử, nếu các biến cố từ huyền sử có những yếu tố khác biệt tự phát sinh sự thay đổi. Nhưng chợt nghĩ đến tuổi già của Thục An Dương Vương, nghĩ tới việc Thục An Dương Vương không có con trai rồi nghĩ tới khoảng năm mươi năm trước, khi được nhuờng ngôi vua, nhường nước Văn Lang cho ông cai trị, An Dương Vương đã cất lên lời thề trước cột đá thề: Nguyện có trời cao lồng lộng chứng giám xét soi, xin đời đời giữ gìn non sông bền vững, trông nom miếu vũ họ Hùng, sai thề sẽ bị trăng vùi gió dập. Qua những lời thề này, chỉ cần nghĩ đơn giản: sự thề nguyện dù chỉ là sự ghi khắc của lương tâm và trách nhiệm. Liệu Thục An Dương Vương đã thực hiện được nhiều hay ít các trách nhiệm suốt năm mươi năm ngồi trên ngai vàng? Liệu ông có phạm lỗi lầm nghiêm trọng nào đối với công lao dựng nước của thời đại Hồng Bàng và đối với cả dân tộc, giang sơn nước Lạc Việt? Lời thề ấy có khiến lương tâm ông day dứt về chính các việc làm dẫn tới hậu quả linh nghiệm lời thề, trong thời gian trên ngai vàng và ngay cả trong giờ phút nguy khốn nhất ở lúc sắp chấm dứt cuộc đời ông không?
An Dương Vương và Mỵ Châu gặp được Trọng Thủy tới cứu giá.
Trong mọi trường hợp đặt ra giả thuyết, biến cố lịch sử đều có thể thay đổi, trường hợp Trọng Thủy có cơ duyên và may mắn đem quân cứu cấp, gặp được An Dương Vương và Mỵ Châu để hộ giá, là trường hợp giả thuyết tốt đẹp và thích hợp cùng hoàn cảnh lịch sử.
Trước hết, hãy nhìn vào sự khác biệt về nhân sinh quan giữa hai cha con: Triệu Ðà và Trọng Thủy.
Triệu Ðà là người sinh ra đời sống trong bối cảnh xã hội bạo loạn thời đại Tần Thủy Hoàng cai trị nước Tàu. Là một công dân nước Tàu, chứng kiến sự thành công to lớn và thống nhất mau chóng của chế độ bạo Tần, sau Ðà được tuyển vào lập công trong quân đội, có chức vụ là hạng quan chức nhỏ. Khi quân giặc Tần lấn chiếm được nhiều miền đất phía nam sông Dương Tử, nếu kể cả các miền thượng nguồn con sông này, thì bao gồm miền đất lớn chia ra thành các đơn vị quận, huyện. Tổng số các huyện có tới khoảng gần trăm huyện. Triệu Ðà giữ chức huyện lệnh coi huyện Long Xuyên. Trên Ðà là viên quận thú Nhâm Ngao coi quận Nam Hải. Dưới quyền Ðà có số quân lính Tần, hầu hết là bọn cướp của, ác nhân giết người, cưỡng hiếp phụ nữ. Sở nguyện ban đầu của Triệu Ðà là trung thành, tận tâm lập công theo chính sách tàn bạo chế độ Tần, mục đích để Ðà càng ngày càng có quyền chức cao trọng hơn. Lý tưởng cuộc đời Triệu Ðà theo đuổi là tuân hành bạo lực, hoàn toàn gác ra ngoài mọi sự trắc ẩn lương tâm và cân nhắc chân lý, không bao giờ nghĩ tới việc vun bồi nhân nghĩa.
Ðối tượng trấn áp của đoàn quân khổng lồ tàn bạo Tần, trong đoàn quân đó có Triệu Ðà, là tàn sát, hủy diệt nền văn minh tự trị và nếp sống văn hiến yêu hòa bình, hợp tác nhân ái của các chủng tộc thuộc giòng giống Bách Việt. Mục đích giặc Tần áp dụng bạo ngược để đồng hóa chủng tộc, thiết lập chế độ cai trị cuộc sống người dân bị đàn áp cưỡng bách tận cùng trong hệ thống bóc lột và nô lệ. Triệu Ðà là người mê cuồng bạo lực. Niềm tin vào bạo lực trong tâm khảm Triệu Ðà là bạo lực hủy diệt được hết thảy, rồi cũng từ quyền năng, bạo lực làm nên được, tạo lập được mọi thứ. Tất nhiên những người như Ðà không thể nào biết và hiểu nổi giá trị hợp tác xây dựng trong hòa bình của ý nghĩa bang giao ấn đồng thao xanh, có mục đích đem lòng nhân ái vị tha kiến tạo cuộc sống mỗi ngày tốt đẹp hơn. Triệu Ðà cũng không thể nào biết và hiểu nổi các giá trị nhân sinh, triết lý vũ trụ, của thuyết bánh dầy bánh chưng và giá trị hệ thống tổ chức nếp sống nền dân chủ xã thôn tự trị, của đời sống từ nghìn xưa các chủng tộc dân Việt đã có.
Về sau, mãi cho tới khi nhà Tần sụp đổ, tuy Triệu Ðà quay sang đường lối chống Tần, nhưng chính sách xâm lược, hủy diệt và bạo lực vẫn được Ðà tận lực sử dụng để đạt được một số thành quả theo chủ hướng của Ðà.
Tuy là người con trai duy nhất của Triệu Ðà, quan niệm nhân sinh của Trọng Thủy khác rất xa Triệu Ðà. Triệu Ðà gốc là người Hán, ngược lại bản thân Trọng Thủy mang nặng bản chất giòng giống, tâm hồn Việt tộc. Có thuyết cho rằng mẹ Trọng Thủy là người Việt, vì khi làm huyện lệnh trên đất Việt tới lúc ấy Triệu Ðà mới lập gia đình và mới có con. Nghiêm lệnh của nhà Tần áp dụng cho đám quân quan đánh chiếm miền dân Bách Việt là: đồng hành với việc tàn sát thực nhiều nam giới thì cũng được quyền bức chế cưỡng bách nữ giới người Việt trở thành các thê thiếp, nô lệ tình dục. Việc Triệu Ðà có vợ, thậm chí có quyền cưỡng bách phụ nữ người Việt làm lao động không công và nô lệ tình dục, rồi đẻ con cho Ðà, cũng chỉ là việc làm theo đúng luật cưỡng bách đồng hóa chủng tộc chung của nhà Tần.

Mẹ Trọng Thủy là một trong số những người bị bắt bớ, cưỡng bức làm vợ hay thiếp, hay con hầu của Triệu Ðà. Ðiều này khi xảy ra, là sự bi phẫn quá đau lòng trước là mẹ, sau là cho cả hai mẹ con Trọng Thủy. Cảnh đời bi phẫn diễn ra nhiều, kéo dài suốt thời kỳ tuổi thơ Trọng Thủy. Các cảnh giữa ban ngày, giữa chỗ đông người bọn lính Tần vô cớ tàn sát dân vô tội, cưỡng hiếp phụ nữ, lùng bắt gái đẹp, bắt các thợ giỏi, người tài về làm nô lệ hay lưu đày sang Tàu làm việc vất vả không ngày về... Những việc đau lòng bi thiết ấy luôn luôn hiện ra trước mắt các cảnh bi thảm, nghe rõ âm thanh ai oán não nùng trong tai Trọng Thủy. Ở thời Tần cũng như Hán về sau, tại các trị sở huyện lỵ vì sợ dân chúng bất ngờ nổi loạn, xung quanh đều có xây tường thành. Là con trai của một viên huyện lệnh, sống trong thành, Trọng Thủy hàng ngày tận mắt, bên tai chứng kiến việc bọn quan quân bạo Tần đánh đập, tra khảo, gông cùm, cưỡng hiếp, bắt đi đày những người dân Việt. Mọi bi cảnh đã trở thành cuốn phim dài ám ảnh nỗi đau lòng cùng cực trong tâm can Trọng Thủy. Các cảnh đau lòng cũng đã lưu giữ ở trí nghĩ chàng niềm mơ ước con người có cuộc sống thương yêu nhau, mất hết mọi cảnh tàn bạo thương đau. Là con người giàu lòng trắc ẩn lương tri, chàng luôn luôn mang hoài bão mong có cơ hội tạo lập được cuộc sống con người chấm dứt cảnh bi đát như đang diễn ra dưới chế độ bạo Tần.
Đền thờ Trọng Thủy bên phải đền thờ An Dương Vương
Bạo lực nhà Tần xua quân đánh chiếm miền nam, chủ ý lấy chiến tranh bạo lực tự nuôi chiến tranh bạo lực, việc tiếp viện binh lực, quân trang, lương thực từ chính quốc đem tới các miền đất đang xâm lược hầu như không có. Huyện Long Xuyên mà Triệu Ðà trị nhậm là miền đất tiếp giáp với miền đất còn lại của Thục An Dương Vương. Ở thời điểm nước Tần cả hệ thống cai trị khổng lồ bắt đầu rời rã rơi vào bế tắc, các miền xa mới lấn chiếm như huyện Long Xuyên lâm vào thế rất khó giữ yên việc dân nổi dậy. Cả Nhâm Ngao cai trị toàn quận Nam Hải và Triệu Ðà coi huyện Long Xuyên, đành thôi không dám lấn chiếm Âu Lạc, quyết định tạm thời theo chính sách cầu hòa. Chủ mưu kế hoạch cầu hòa là Triệu Ðà. Con trai duy nhất của Ðà là Trọng Thủy bị coi như vật hy sinh được dùng làm con tin giao nộp cho Thục An Dương Vương, cốt cầu sao mong An Dương Vương ngưng gây chiến trong khi Ðà cần củng cố lực lượng.
Ðối với Triệu Ðà việc cầu hòa thành công. Nhưng đối với Trọng Thủy, con người có nhân sinh quan hướng thiện khác hẳn với cha, chắc chắn hoàn toàn bất mãn khi thấy cha ruột coi nhẹ tình thâm phụ tử: nỡ đem đứa con ruột thịt duy nhất giao cho nước địch quốc, sự sống chết của con tùy thuộc lòng nhân ái rộng lượng của vua cùng triều đình địch quốc. Quả thực thâm tình phụ tử Trọng Thủy với Triệu Ðà, từ trước đã khác biệt nhau về tâm tính, tới khi bị giao làm con tin, Trọng Thủy lại càng coi nhẹ tình cha con đối với Triệu Ðà nhiều hơn.
Lúc nhà Tần sụp đổ, Ðà được Nhâm Ngao khuyên bảo, rồi truyền cho cầm quyền thay chức, bỗng nhiên thế mạnh Triệu Ðà từ một viên huyện lệnh nhỏ trở nên kẻ cầm quyền cai trị vùng đất lớn, trong tay có hàng vạn quân binh, không còn bị dưới quyền ai. Mộng bá vương, đế nghiệp ở Triệu Ðà lúc ấy, cả về ý chí lẫn thực lực cùng thuận lợi thời thế, so với Thục An Dương Vương thì Ðà có thế mạnh thời cơ hơn nhiều.
Triệu Ðà bừng sôi khí thế vươn sức mạnh nhân đà sụp đổ nhà Tần, lấn át các anh hùng hào kiệt khác, mưu đồ thay thế Tần, chiếm ngôi hoàng đế. Chính cũng vào lúc ấy, Trọng Thủy được lệnh của Thục An Dương Vương với sự đồng thuận của Mỵ Châu, được phép từ kinh thành Cổ Loa về thăm cha tại thủ phủ Phiên Ngu. Cụ thể sự bàn thảo về các biến chuyển tình thế, từ quan điểm tới nhận định, giữa hai cha con Triệu Ðà và Trọng Thủy khi gặp mặt ở Phiên Ngu, giống nhau hay khác biệt, không thấy sử nói tới bất cứ điều gì. Song nếu suy đến tình cảm và trí nghĩ giữa hai người, chắc hẳn không có thể cùng chung quan điểm và đồng thuận về các việc làm. Vị thế của Trọng Thủy khi về thăm cha cũng không được mọi người coi là đã có quyền chức. Có thể chàng còn bị Triệu Ðà cũng như đám quan tướng xung quanh Triệu Ðà coi như chỉ là một con tin mới được phóng thích. Một con tin chưa chiếm được lòng tin nhiều người, mới được trở về từ một tiểu vương quốc đang là mục tiêu sắp bị đánh chiếm. Chàng không được dự bàn bất cứ điều gì quan trọng về quốc sự.
Triệu Ðà bất ngờ huy động đoàn quân đánh chiếm thành Cổ Loa với quyết tâm nhất định chiến thắng. Chắc chắn phải có mặt Trọng Thủy trong đoàn quân này vì các lẽ: Triệu Ðà cần có chàng trong đội quân tiên phong vì chàng hiểu rõ các đường đi thuận tiện cho việc hành quân. Về phần chàng, chính chàng cũng muốn được lãnh nhiệm vụ nào đó trong quân, có thế mới thuận tiện cho việc chàng theo dấu lông ngỗng để tìm đường ứng cứu Thục An Dương Vương cùng Mỵ Châu.
Như đã lược dẫn ở đoạn trên, tình huống khi An Dương Vương chạy giặc, thoát khỏi thành Cổ Loa nhà vua chạy trên các đường lớn, hay ngay cả khi rẽ vào các con đường nhỏ khuất nẻo, tưởng như không có ai biết lối chạy của nhà vua, nhưng rồi bọn giặc vẫn cứ biết đường đuổi theo. Việc này tỏ rõ đội quân truy đuổi nhà vua chính là đội quân do Trọng Thủy chỉ huy. Chỉ có chàng mới hiểu các dấu lông ngỗng rắc trên các ngã rẽ dẫn tới chỗ vua chạy, do chính bàn tay Mỵ Châu rắc báo hiệu cho chàng biết.
Nếu giả thuyết Trọng thủy gặp được An Dương Vương và Mỵ Châu để cứu giá, tình huống khác hẳn với các sự việc ở bi kịch huyền sử Mỵ Châu và Trọng Thủy, thì tất là đường gươm An Dương Vương hạ sát con gái mang nặng hệ lụy không thể có, mà diễn biến các sự việc còn đem lại nhiều cơ may lịch sử:
Trong cơn nguy khốn, An Dương Vương có thêm được một người con, dù là con rể, nhưng rất đáng tin cậy. Thêm nữa đám quân tùy tòng theo Trọng Thủy dẫu có ít nhưng cũng hữu dụng trong nhiều việc. Trọng Thủy vốn là người bị giao làm con tin từ nhỏ, cho tới khi được làm con rể vua, hẳn thời gian ở Cổ Loa gây được nhiều người thân tín đều là người Việt. Ngay trong đám quân chàng mang theo, hầu hết là những hàng binh người Việt, chàng tuyển chọn khi quân Triệu Ðà chiếm thành. Chàng rất cần có đám quân sĩ người Việt như vậy, vì thực sự, từ thuở nhỏ không tiếp xúc nhiều với người Tàu, chàng cũng không nói thông thạo tiếng Tàu để chỉ huy đám quân Tàu. Ngược lại trong đám quân Tàu cũng khó tìm ra người thông thuộc đường lối và nói được tiếng Việt, để thuận lợi cho việc tìm đường cứu giá An Dương Vương.
Ðội quân của Trọng Thủy khi được tới gần nhà vua, không thể An Dương Vương lại lầm tưởng là quân Triệu Ðà tới bắt hay giết ông. Vì đoàn quân ấy, càng tới gần càng thấy rõ: từ áo quần tới ngôn ngữ vóc dáng thái độ đều là người Việt. Khi gặp mặt vua cùng Mỵ Châu, đội quân cũng không có thái độ nghênh ngang, không dám dương oai vung gươm giáo sáng lòa. Tất cả từ chủ tướng lẫn quân sĩ đều cúi đầu quỳ phủ phục chào lạy nhà vua. Tới khi nhìn kỹ, cả vua cha cùng Mỵ Châu mới biết viên chủ tướng tưởng là giặc, lại chính là Trọng Thủy.
Triệu Ðà là nguời nhiều tham vọng trong mê cuồng bạo lực, nên mất đi sự sáng suốt thương con. Luôn luôn Ðà nghĩ càng tạo nên nhiều quyền năng bạo lực để lại cho con, tức là càng thương con nhiều hơn, dù vì bạo lực phải gây tác động xấu cho con. Thực tình Ðà cũng thương Trọng Thủy theo cách thương con riêng của Ðà.
Khi Trọng Thủy trở về Phiên Ngu, trong lòng Triệu Ðà dứt được mối lo đứa con trai duy nhất phải làm con tin trong tay An Dương Vương và Ðà yên trí việc đánh thành Cổ Loa không còn gặp trở ngại lớn nữa. Nhưng nếu khi thành Cổ Loa thất thủ, rồi Trọng Thủy tìm đường cứu giá An Dương Vương, rồi chàng lại ở lại với An Dương Vương, tất mối lo của Triệu Ðà về con tin nằm trong tay An Dương Vương lại hiện ra trở lại. Sự lo nguy hiểm về con tin với Ðà lúc ấy được nhân lớn hơn gấp ba lần, cả sinh mạng cháu nội và con dâu cùng với con trai đều nằm trong tay An Dương Vương. Cả ba con tin gồm: con trai, con dâu và cháu nội của Triệu Ðà liên hệ và gắn kết không thể tách rời. Có nghĩa là sự Trọng Thủy trở về với An Dương Vương khiến Triệu Ðà không dám truy đuổi, không dám gây hại An Dương Vương vì sợ con trai và cháu nội bị hại. Con đường An Dương Vương phục quốc mở ra chiều hướng mới nhiều thuận lợi. Thậm chí có thể dẫn tới việc Triệu Ðà phải cầu hòa cùng An Dương Vương. Hai nước Âu Lạc và Nam Việt cùng đoàn kết hòa hợp trở thành sức mạnh cường dũng hiên ngang, khuất phục mọi sự xâm lăng phát sinh từ phương bắc. Song hành với việc các chủng tộc Bách Việt kết hợp trong thanh bình, nền văn minh Lạc Việt thời Hồng Bàng cũng bừng tỏa sáng trở lại, mở ra các phát triển, tiến bộ, kiến thức trong cuộc sống, khỏi bị chìm đắm vào các thuyết phong kiến phản tiến hóa, bất bình đẳng, từng bao trùm bóng tối hàng nghìn năm trên kiếp người Ðông Á.
Gác kiếm tòng thiện (tượng Phật chùa Tây Phương)
Ngày nay đi trên quốc lộ số 1 theo hướng từ bắc vào nam, khi tới địa phận tỉnh Nghệ An và còn cách thành phố Vinh khoảng 40 cây số, ngay sát quốc lộ ở phía tay trái có ngôi đền Thục An Dương Vương, dân địa phương thường gọi là đền Cuông. Ðền xây hơi cao trên chân núi Mộ Dạ thuộc xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Ðền thờ phía ngoài có cổng cao lớn, qua sân đền vào trong có ba dãy điện thờ, đều xây theo chiều ngang gồm: tiền điện, trung điện và hậu điện. Ðặc biệt tại dãy điện thờ trung điện, ngay trong lòng gian chính giữa đền, có một cái giếng hình vuông, nhân dân lập lên để tỏ lòng tôn thờ Trọng Thủy ngày xưa đã lao đầu xuống giếng tự tử bày tỏ lòng trung thành đối với An Dương Vương và Mỵ Châu. Vì chàng cảm thấy nếu sống ở trên đời không còn Mỵ Châu và vua Thục thì cuộc sống của chàng không còn ý nghĩa gì nữa. Ðiều đặc biệt đáng suy ngẫm: cái giếng biểu tượng sự tử tuẫn của Trọng Thủy lại được nhân dân nhiều đời tôn thờ ngay chính trung cung đền thờ An Dương Vương. Cái giếng như được cùng hưởng sự thiêng liêng, tôn trọng ngang hàng với An Dương Vương! Dường như lòng dân coi sự tử tuẫn của Trọng Thủy thể hiện chàng muốn thoát khỏi không bị vướng mắc vào chế độ đế quyền hung bạo của cha chàng là Triệu Ðà, người đã quên hết lương tri, nghiền nát gia đạo và lý tưởng nhân đạo trong cơn mê cuồng. Và cũng dường như sự tử tuẫn vẽ ra dấu chấm hết mọi giá trị, ý nghĩa cuộc sống cùng lý tưởng nhân sinh cao đẹp, mà trên là vua cha An Dương Vương mơ ước, tiếp theo là sự kế thừa thực hiện do Trọng Thủy cùng Mỵ Châu mong thừa hành đã không còn nữa.
Giếng nước hình chữ nhật, thờ tưởng niệm sự chết mang nhiều ý nghĩa của Trọng Thủy
Phía bên trái đền An Dương Vương có một ngôi nhà xây dọc làm điện thờ Mỵ Châu, thường ngày dân chúng, nhất là nữ giới, nhiều người tới đây dâng cúng hoa quả đèn hương, trước hết bày tỏ lòng thương xót Mỵ Châu, sau như cảm ứng mọi oan khiên của nàng trở nên linh thiêng, có sức mạnh vô hình cứu giúp người các đời sau thoát khỏi nhiều tai họa oan khuất, gặp các điều lành.
Phía bên phải đền cũng có ngôi nhà xây dọc, hướng vào đền, cách xây cùng mọi sự kiến trúc giống hệt điện thờ Mỵ Châu, như đã có hình ở trên, là nơi thờ Trọng Thủy.
Phía sau đền thờ có cổng sau và có đường mòn đi lên núi Mộ Dạ.
Ðền Cuông thờ An Dương Vương xây dựng trên ngọn núi nhỏ gần núi Mộ Dạ, núi nhỏ này có hình dáng con công đang xòe cánh. Sở dĩ đền có tên gọi là đền Cuông, vì tại địa phương, nhất là ngày xưa, có nhiều người gọi chim công là chim cuông. Theo một số người dân địa phương bình phẩm: điều đáng tiếc là khi người ta làm đường quốc lộ, do không hiểu thế đất đền Cuông, hoặc không muốn đoạn quốc lộ không thẳng, nên đã làm đường quốc lộ quá sát đền. Việc làm đường này, vẫn theo sự bình phẩm địa lý, đã khiến quốc lộ chạy đè lên mỏ con chim cuông. Chim cuông không mở được miệng, không thốt được tiếng kêu biểu lộ niềm u uẩn xuất phát tự đáy lòng!
Giả thử câu chuyện phong thủy địa lý có nhiều linh ứng, thì huyền sử Mỵ Châu Trọng Thủy, khi chim cuông được mở miệng, thiên bi tình Thục sử có được tỏa ra hào quang và âm thanh nói lên những giá trị mới cho đời sau suy ngẫm hay không?