Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

5 . Ðất nước Tổ Hùng

"Ðại Việt sử ký toàn thư" chép: "Con Lạc Long Quân không rõ tên húy, đóng đô tại Phong Châu, nay là huyện Bạch Hạc. Hùng Vương lên ngôi vua dựng nước gọi là Văn Lang. Nước ấy phía đông giáp biển Nam, phía tây tới Ba Thục, phía bắc tới hồ Ðộng Ðình, phía nam tiếp với nước Hồ Tôn". (Sách "Việt sử lược" cũng có câu: "Hữu dị nhân dĩ huyền thuật, phục chư bộ lạc, lập Văn Lang quốc, tự xưng Hùng Vương, đô cư Văn Lang". Có nghĩa: Có bực dị thường dùng phương thuật huyền diệu, thu phục các bộ lạc, lập ra nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang).
Chia nước thành mười lăm bộ: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Ðịnh, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Ðức và Văn Lang. Ðặt ra tướng văn gọi là lạc hầu, tướng võ gọi là lạc tướng. Con trai vua gọi là quan lang, con gái vua gọi là mệ nàng, các quan coi việc gọi là bồ chính..."
Cuốn "Việt sử lược" là cuốn sử khuyết danh tác giả ở thời cổ viết câu: "Hữu dị nhân dĩ huyền thuật, phục chư bộ lạc, lập Văn Lang quốc", có ngụ ý thời kỳ lập nước Văn Lang, vị Hùng đầu tiên lấy sự liên kết từ hòa hợp tín nghĩa, nền văn minh "ấn đồng thao xanh" để bang giao thành lập nước. Trong khi ấy ở phương Bắc lấy chiến tranh chinh phục, áp dụng nền văn minh "thắt đai đội mũ" bất ngờ đem binh tướng hung dữ cướp phá tàn sát để mở nước. Việc có bực dị nhân dùng phuơng pháp huyền diệu để kết hợp các bộ lạc thành nước Văn Lang sự thực chỉ là phương thức bang giao kết hợp "ấn đồng thao xanh".
Cuốn "An Nam thông sử" là sách đời sau lại có viết đầy đủ các tên hiệu muời tám đời vua Hùng:

1 ) Kinh Dương Vương   10 ) Hùng Hưng Vương
2 ) Hùng Hiền Vương      11 ) Hùng Trinh Vương
3 ) Hùng Quốc Vương     12 ) Hùng Vũ Vương
4 ) Hùng Diệp Vương      13 ) Hùng Việt Vương
5 ) Hùng Hy Vương          14 ) Hùng Anh Vương
6 ) Hùng Huy Vương        15 ) Hùng Triệu Vương
7 ) Hùng Chiêu Vương    16 ) Hùng Tạo Vương
8 ) Hùng Vi Vương           17 ) Hùng Nghi Vương
9 ) Hùng Ðịnh Vương      18 ) Hùng Tuyên Vương
Theo "An Nam thông sử" là sách viết vào thời sau, dẫn ra các tên hiệu trên, cũng chỉ có ý tự đặt các tên hiệu các triều đại vua Hùng sao cho hợp ý nghĩa được ít hay nhiều theo từng triều vua, cho hợp thông lệ để tiện việc triều đình phong sắc cùng dân gian thờ cúng. Nguyên khởi không có các tên đó từ các đời Hùng truyền lại.
Bộ Giao Chỉ là một trong mười lăm bộ của nước Văn Lang (vào thời Hán mới có tên Giao Chỉ). Theo "Lĩnh Nam chích quái" thời cổ bộ Giao Chỉ có tên là Long Uyên, rồi Long Biên, nay thuộc miền Hà Nội, Hưng Yên và rộng tới Thái Bình. Việc gọi và đặt tên nước Việt là Giao Chỉ cũng là thâm ý của người Tàu, cố tình coi cả mười lăm bộ của nước ta chỉ còn như có một bộ Giao Chỉ. Tên gọi này gián tiếp có ý nghĩa thâm độc chia rẽ và thu nhỏ lãnh thổ nước Việt. Vì vậy các triều đại tự chủ, độc lập của Việt không thời nào lấy quốc hiệu là Giao Chỉ, thường có tên là Ðại Việt hay Việt Nam, hoặc Ðại Nam.
Thời Hồng Bàng tên nước ta là Văn Lang, hiệu vua là Kinh Dương Vương, nhưng chính xác lúc ấy chưa có tên hai châu Kinh và Dương vì hai châu này còn là địa giới cổ của người Việt. Chỉ biết tới thời Hán, nước Tàu mới có tên hai châu Kinh, Dương (cùng với các châu khác là: Duyện, Dự, Thanh, Ký, Ung, Từ, Lương, gồm cả là chín châu). Trước thời Hán là thời Tần hai châu Kinh, Dương là gồm các đất: Sở quận, Ngô quận, Cối Kê quận và Nam quận. Tới thời An Dương Vương và Triệu Ðà ở nước ta phần châu Kinh bị mất đi, lãnh thổ thời Hồng Bàng bị co lại, nước ta chỉ còn phần châu Dương ở phía nam sông Dương Tử, nên thời Thục Phán mới có tên nước là Âu Lạc, tên hiệu vua là An Dương Vương và sau đó thời Triệu Ðà có tên nước là Nam Việt, ngụ ý địa giới đất nước chỉ còn lại châu Dương ở phía nam sông Dương Tử. (Thường tên hiệu vua lấy theo tên đất và phần nhiều các tên cũng do các nhà viết sử đời sau đặt ra).
Chính xác hơn nên hiểu: thời cực thịnh của các tộc Việt kết hợp trong thể chế liên bang, dùng biểu tượng "ấn đồng thao xanh" làm tín vật giao lưu hòa hợp, về mọi mặt, có thể có nền văn minh khá cao. Ðã như thế ảnh hưởng của nền văn minh này bao trùm cả hai bờ sông Dương Tử. Việc biên giới cổ giáp Ba Thục và bao gồm cả hồ Ðộng Ðình, sử cũ đã viết đúng sự thực.
Theo "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi có sự chú thích của các trí thức các thời sau thì mười lăm bộ trong nước Văn Lang là:
Giao Chỉ, thuộc miền từ Hà Nội, Hưng Yên rộng tới Thái Bình.
Chu Diên, thuộc Sơn Tây.
Phúc Lộc, thuộc một phần Sơn Tây và Hà Ðông.
Vũ Ninh, thuộc Bắc Ninh.
Việt Thường, thuộc Quảng Bình.
Ninh Hải, thuộc Quảng Ninh.
Dương Tuyền, thuộc Hải Dương.
Lục Hải, thuộc Lạng Sơn.
Vũ Ðịnh, thuộc Thái nguyên, Cao Bằng.
Hoài Hoan, thuộc Nghệ An.
Cửu Chân, thuộc Thanh Hóa.
Tân Hưng, thuộc Tuyên Quang, Hưng Hóa và Yên Báy.
Hai bộ Bình Văn và Cửu Ðức tuy có liệt kê tên trong số mười lăm bộ, nhưng các sử sách về sau không chú thích được về phần đất nào. Theo cuốn "Việt Nam sử lược" của Trần Trọng Kim thì: Cửu Ðức thuộc miền đất Hà Tĩnh, còn bộ Bình Văn vẫn không biết thuộc về đâu?
Còn bộ Văn Lang thuộc miền đất Việt Trì, Phú Thọ, sử của Ngô Sĩ Liên đã cho biết là nơi đóng đô của các triều đại thời Hùng.
Một trong những bản "Lĩnh Nam chích quái" chép, thì từ xưa ở phía nam đã có bộ Nhật Nam, thuộc miền đất Thừa Thiên và bộ Quế Lâm ở phía bắc sau thuộc vào đất Trung Quốc.
Lãnh thổ nước Văn Lang gồm mười lăm bộ, các sử gia Việt, sau Nguyễn Trãi, kê cứu cùng chú thích như trên, hoàn toàn sai với các giòng cổ sử cho biết lãnh thổ nước Văn Lang: "phía đông giáp biển Nam, phía tây giáp Ba Thục, phía bắc tới hồ Ðộng Ðình, phía nam tiếp với nước Hồ Tôn".
Cũng nên rất quan tâm để hiểu: thời "Hồng Bàng" kéo dài trên hai mươi sáu thế kỷ, qua nhiều thời thịnh, suy, nếu ở vào thời cực thịnh của các tộc Việt hợp quần thành một nước lớn có thể chế liên bang, tất địa giới nước phía tây giáp Ba Thục, phía bắc giáp hồ Ðộng Ðình, phía đông giáp biển, thậm chí có thể còn rộng lớn hơn nữa. Nhưng ở vào thời kỳ suy yếu của nước Văn Lang lãnh thổ bị thu hẹp lại rất nhiều, con số mười lăm bộ các sử gia về sau kê cứu, chú thích cũng có thể là sự thực, nhưng là sự thực của thời kỳ đất nước Văn Lang bị thu hẹp địa giới.
Lãnh thổ các cư dân Việt tộc có những thời kỳ đất nước rộng lớn như sau:

I ) Thời thịnh trị của họ Hồng Bàng.
Mở đầu thời kỳ Hồng Bàng cách nay gần năm nghìn năm, các tộc Việt liên bang xây dựng được đất nước xã hội văn minh, có chữ viết, có tổ chức chế độ lành mạnh, hợp quần trong thanh bình (thời kỳ Việt truyền bá văn minh lịch sử "rùa thần" cho vua Nghiêu sao chép làm "lịch rùa"). Có thể vào thời kỳ này dân cả hai nước Sở và Ngô ở thời Xuân Thu nhà Chu về sau, lúc ấy cũng nằm trong hệ thống Việt tộc.
II ) Thời kỳ nước Nam Việt (Từ năm 207 tới năm 111 trước công nguyên).
Chế độ nhà Tần thay thế nhà Chu ở Trung Quốc, nhưng vẫn thất bại, không thể hoàn toàn khuất phục được các chủng tộc Việt tại phương nam. Ngay sau khi Tần Thủy Hoàng mất, vào năm 208 trước công nguyên, Triệu Ðà là viên huyện lệnh Long Xuyên (thuộc Quảng Ðông bây giờ) biết nương theo sức mạnh chống Tần của dân Việt, khi Tần đang sụp đổ đã cùng với dân Việt nổi dậy chống Tần, thành lập được nước Nam Việt do Triệu Ðà làm vua.
Năm 196 trước công nguyên Hán Cao Tổ phải cho Lục Giả sang dâng vua Nam Việt "ấn đồng thao xanh" (tín vật thừa nhận sự bang giao và nền văn hiến độc lập của Việt tộc). Hán Cao Tổ chỉ mong Triệu Ðà đừng đem quân vượt sông Dương Tử tiến về phía bắc, vì miền đất Dĩnh (tức châu Kinh), trước đó cũng thuộc hệ thống đất và dân của người Việt.
Từ năm 183 tới 181 trước công nguyên, quân nước Nam Việt đánh Trường Sa, nêu cao lá cờ tập hợp các chủng tộc Việt hợp nhất thành nước lớn, lãnh thổ lúc bấy giờ bao gồm hầu hết đất đai miền nam sông Dương Tử đều thuộc về nước Việt.
Tín lệnh cùng phù hiệu để duy trì kết hợp liên bang và tổ chức hành chính là "ấn đồng thao xanh". Có sách dẫn rằng: "ấn đồng" là đồng nấu chảy đúc đổ thành khuôn có hoa văn và chữ tượng trưng cho tín nghĩa; "thao xanh" là thứ lụa dệt từ tơ tằm nhuộm màu xanh lá cây tượng trưng cho lòng dạ con người. Khi kết giao (xưa thường dùng các từ: kết mường, kết chạ) hoặc truyền lệnh: bên ban lệnh và bên nhận lệnh đều cùng đã có phiên bản "ấn đồng thao xanh" giao cho nhau từ khi thệ ước. Khi nhận lệnh phải đem mẫu "ấn đồng thao xanh" đã có ra so sánh, kiểm tra, nếu thấy đúng thực mới nhận lệnh. Tín hiệu "ấn đồng thao xanh" là tín hiệu các dân tộc Việt sử dụng lâu đời, đã thành qui ước không thể thiếu trong bang giao. Vì vậy khi Triệu Ðà thành lập nước Nam Việt, vua Hán Cao Tổ bên Tàu phải tuân thủ nghi thức bang giao của Việt, cho Lục Giả sang Việt mang theo "ấn đồng thao xanh".
III ) Thời đại chế độ Trưng Vương.
Dưới chế độ tàn sát, bóc lột, đàn áp phi nhân của nhà Hán, dân Việt luôn bất khuất chống lại, đáng kể là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng khởi sự vào năm 39 sau công nguyên, chỉ trong vòng một tháng, tổng cộng có tới chín quận thuộc tộc Việt là: Giao Chỉ, Thương Ngô, Quế Lâm, Nam Hải, Hợp Phố, Châu Nhai, Ðạm Nhĩ, Cửu Chân, Nhật Nam bao gồm sáu mươi lăm huyện thành, đồng loạt đánh đuổi bọn giặc Hán chạy về Tàu, xây dựng nền tự trị độc lập với chế độ mang tính phân quyền lập pháp và hành pháp có "hai vua".
Hiện nay tại hồ Ðộng Ðình và tại các miền phụ cận còn có các di tích:
a) Bên bờ sông Tương gần hồ Ðộng Ðình có ngọn núi nhỏ, cao khoảng 180 thước có tên là Thiên Ðài, ngọn núi này nằm trong dãy núi Quế Dương thuộc địa phận Toàn huyện của tỉnh Hồ Nam. Theo truyền thuyết Thiên Ðài là nơi xưa kia lập đàn tế trời chia đất từ thời Kinh Dương Vương. Tới thời Hai Bà Trưng có vị tướng quân là Ðào Hiển Hiệu được lệnh ngăn chặn giặc Hán tại nơi đây, chỉ với mục đích làm chậm đường tiến quân giặc Hán. Nhưng tướng Ðào Hiển Hiệu cùng đoàn quân nhìn thấy đền Thiên Ðài, chạnh lòng nghĩ tới đất xưa của tổ tiên để lại, đã không chịu rút quân, dù quân ít cũng quyết đánh giết hàng vạn giặc Hán do Lưu Long chỉ huy, rồi sau tướng Ðào Hiển Hiệu cùng đoàn quân đều chết trong trận địa. Dân địa phương lập miếu thờ tướng Ðào Hiển Hiệu trên núi. Vào các thập niên cuối thế kỷ hai mươi, một số nhà nghiên cứu thuộc Viện Pháp Á (Institut Franco Asiatique) có tới núi Thiên Ðài và nhiều nơi khác miền Hoa Nam tìm hiểu, họ còn nhìn thấy tại đền Thiên Ðài (sau biến dạng giống như chùa), có đôi câu đối khắc vào đá:
"Thiên đài đại đại phân Nam, Bắc,
Lĩnh địa niên niên dữ Việt Thường."
Có nghĩa: Ðền thờ trời đời đời phân rõ Nam, Bắc; Ðất Ngũ Lĩnh năm năm mãi thuộc về nước Việt Thường.
Chỗ miếu thờ tướng Ðào Hiển Hiệu cũng có đôi câu đối:
"Nhất kiếm Nam hồ kinh Vũ đế;
Thiên đao Bắc lĩnh trấn Lưu Long.
Có nghĩa: Một thanh kiếm giao tranh ở phía Nam hồ Ðộng Ðình làm kinh hoàng vua Quang Vũ nhà Hán; Nghìn tay đao tại phía Bắc núi Ngũ Lĩnh trấn áp được đoàn quân xâm lược của tướng Lưu Long.
b) Khách du lịch từ thủ phủ Trùng Khánh đi ngược lên miền Vân Nam, Tứ Xuyên, khi tới ngã ba sông Ô Giang chảy vào sông Trường Giang (Dương Tử giang) tới một bến nước có tên là bến Bồ Lăng. Tại địa danh này người dân lập tòa miếu lớn thờ ba vị tướng của Hai Bà Trưng là: Ðào Chiêu Hiển, Ðào Ðô Thống và Ðào Tam Lang. Theo sự tích: vào năm 42 của thế kỷ thứ nhất, ngay tại bến nước này, ba tướng chỉ với đoàn quân rất ít, đã anh dũng, thao lược chống lại quân giặc Hán đông gấp hàng chục lần do tướng Vương Bá chỉ huy. Quân ít thế cô, ba vị tướng họ Ðào đành bày tỏ lòng trung với vua Trưng và với nước bằng cách tử chiến để tuẫn tiết. Sau nhân dân nơi đây cảm nhớ công ơn cùng dũng khí của ba tướng, nên đã lập lăng mộ cùng miếu lớn để thờ.
c) Vào năm 39 ngay khi cuộc khởi nghĩa thành công, tên thái thú Tô Ðịnh chạy trốn, bà Trưng Nhị cùng với các tướng: Phật Nguyệt, Trần Thiếu Lan, Trần Năng, Lại Thế Cường đem quân đuổi đánh giặc Hán, tiến về phía bắc, đại chiến với giặc ở bãi Trường Sa. Trong trận này nữ tướng Trần Thiếu Lan chiến đấu anh dũng, bà đã đền nợ nước tử trận giữa chiến trường. Dân quanh vùng mến mộ, tưởng nhớ ơn bà, đã lập đền, xây mộ tại ghềnh sông Tương, nơi thông với hồ Ðộng Ðình. Sứ thần nước ta các triều: Lý, Trần, Lê và Tây Sơn khi đi qua đền này đều sắm lễ phẩm vào dângễ.
d) Trong năm 42 có trận đánh lớn trên mặt hồ Ðộng Ðình bao la, tương truyền xác giặc Hán trôi ngập cả mặt hồ và giòng sông Dương Tử. Vị tướng nổi danh của Hai Bà là nữ tướng Phật Nguyệt chỉ huy trận đánh vô cùng oanh liệt. Trải qua giai đoạn lịch sử dài, dân sống tại quanh hồ Ðộng Ðình và dọc hai bờ sông Dương Tử để lại truyền thuyết tôn vinh bà Phật Nguyệt là Nữ Vương Phật Nguyệt, tin tưởng bà không chết và hoàn toàn thắng giặc Hán, chỉ vì thương dân lành vô tội cùng quân lính giặc hầu hết là nạn nhân chết oan, họ phần đông gốc là dân Việt mới bị Tàu đồng hóa, nên bà bãi bỏ việc chiến tranh rồi về trời. Nhân dân khắp nơi trong miền đất trải dài các tỉnh: Vân Nam, Tứ Xuyên, Quý Châu, Quảng Tây (đặc biệt nhất là khu tự trị của người Choang), Quảng Ðông và cũng đặc biệt nữa là tỉnh Hồ Nam đều có tín ngưỡng thờ "Ðạo Vua Bà" đồng thời có nghi lễ "lên đồng" dâng hoa, quả, hương khói thờ cúng Hai Bà Trưng, thờ bà Phật Nguyệt cùng các tướng lĩnh, quân sĩ của Hai Bà.
Đền Hai Bà Trưng tại Hà Nội
Việc xác định nhân chủng cũng không thể bỏ qua, không nói tới việc kiểm nghiệm ADN (Acide désoxyribonucléique) theo phương pháp khoa học ngày nay, tiến bộ, chính xác hơn việc xét nghiệm chỉ số sọ người trước đây. Các kiểm nghiệm tiến bộ mới cho thấy: thống kê, phân tích, so sánh các công việc khai quật tìm mồ mả, dụng cu sinh hoạtﬠy phục, răng xương v..v. người từ thượng cổ cho đến hết thế kỷ thứ nhất thì các giống người Việt, Lào, Thái cùng cư dân sống tại phía nam sông Dương Tử đều có chung hệ thống chủng tộc.
Lãnh thổ cùng vùng cư dân nước Việt cổ, qua sự phân tích hệ thống ADN đã dần đi tới sự xác định: Cách nay nhiều chục nghìn năm trước, nguồn gốc người Việt cùng với các chủng tộc Ðông Nam Á khác, từ khởi đầu châu Phi vừa di chuyển vừa lưu cư theo hướng nam dãy Himalaya, các tộc Việt đã có mặt trên lãnh thổ nước Việt cổ, ít nhất cũng khoảng hai hay ba chục nghìn năm trước. Cũng sau thời điểm này, khoảng hai chục nghìn năm trước, lại có một giòng người cũng từ châu Phi, di chuyển theo hướng đông bắc Himalaya rồi cư ngụ tại miền lưu vực sông Hoàng Hà của Trung Quốc, (Các tộc Việt sinh sống tại miền Ðông Nam Á có mặt sớm hơn Hoa Tộc ở Ðông Á, ít nhất, khoảng năm nghìn năm).
Sự phân tích, khảo nghiệm nhân chủng kết hợp cùng các chứng tích cổ sử đã là minh chứng xác nhận lãnh giới nước Việt cổ: "tây giáp Ba Thục, bắc tới hồ Ðộng Ðình, đông giáp biển, nam giáp nước Hồ Tôn" hoàn toàn là sự thực (xem bản đồ cư dân Bách Việt trang 416).
Sự cấu tạo địa lý cũng góp phần xác nhận chủng tộc Việt có mặt trên đất đai nước Việt cổ sớm hơn trước khi chủng tộc người Hoa có mặt trên đất đai thời cổ của họ. Hàng trăm, hàng chục nghìn năm trước khi giòng người lần lượt vừa di chuyển vừa lưu cư, từ Phi sang Á, họ phải tránh vượt qua dãy núi cao Himalaya rộng lớn, bao la băng tuyết, nên việc di chuyển và lưu cư chia thành hai nhánh người di chuyển, tùy theo sự thuận tiện, có những giòng người đi theo phía nam và cũng có những giòng giòng người đi theo phía bắc dãy Himalaya. Giòng người đi theo phía nam, khi gặp miền đất ở đầu phía đông của dãy núi thuộc Ðông Nam Á, họ tỏa ra các nơi có nhiều đầu nguồn các con sông lớn như: Iravadi, Saluen chảy vào miền Miến Ðiện, Thái Lan; rồi đầu các sông: Mékong, Hồng Hà, Tây giang, Dương Tử giang chảy về các miền: Lào, Chiêm Thành, Việt Nam và miền Hoa Nam. Sự di chuyển giòng người lưu cư xuôi theo các giòng sông là sự di chuyển thuận tiện nhất. Vì vậy giòng giống các tộc Việt có mặt sớm tại Nam Á, trước khi Hoa tộc phải đi vòng ngược về phía bắc dãy Himalaya đường đi xa hơn, gặp nhiều trở ngại rồi sau mới tới được miền Ðông Á.
Sách "An Nam chí" của Cao Hùng Trưng chép: "Ðất Giao Chỉ khi chưa có quận huyện, có ruộng lạc do nước triều lên xuống. Khẩn ruộng ấy là lạc dân. Cai trị dân ấy là lạc vương. Giúp việc ông vua ấy là các lạc tướng. Ðều "ấn đồng thao xanh", gọi là nước Văn Lang".
Trên đây là những giòng sử sơ lược của một tác giả Trung Quốc viết về nước Văn Lang. Rất tóm lược nhưng những giòng sử ấy lại cho biết chức vị vua của nước Văn Lang là Lạc Vương do từ các chữ "lạc thủy" là nước lạc, "lạc điền" là ruộng lạc, nên có ông vua coi dân là vua Lạc, ngụ ý do nước lũ mùa mưa và nước triều lên xuống mới có nước và ruộng để trồng lúa. Thêm nữa hai chữ "hùng" và "lạc" khi viết theo dạng chữ nho nhìn rất giống nhau, vì hai chữ chỉ khác nhau có một nét. Từ đó có giả thuyết chữ "Hùng Vương" là do chữ "Lạc Vương" mà ra.
Năm 1941, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Tố căn cứ vào cuốn "An Nam chí lược" của Lê Tắc cùng bài khảo cứu của Henri Maspéro đăng trên tờ tạp chí trường "Viễn Ðông Bác Cổ" (Bulletin de l École Francaise d Êxtrême Orient) cho là "Lạc Vương" chứ không phải "Hùng Vương".
Ngay sau đấy, nhà văn Lê Dư viết bài nhận định: "Hùng Vương" chứ không thể là "Lạc Vương" được (nội dung bài viết đăng trong 2 số nội san của Hội Khai Trí Tiến Ðức tháng 1 và tháng 6 năm 1942).
Theo các truyền thuyết, truyện ký của Việt, thường đều nói Hùng Vương, di tích núi Hùng, đền Hùng cũng chứng tỏ không thể không có Hùng Vương.
Thời kỳ các nước còn trong giai đoạn phôi thai, mỗi dân tộc mới hình thành xong đất nước, theo ngôn ngữ riêng, đều có tên hiệu cho ngôi vị đứng đầu nước. Ở Mông Cổ người dân gọi vua là "Hãn". Ở Vân Nam, Quí Châu bên Trung Quốc khi còn là đất nước Nam Chiếu, người dân ở đó gọi vua là "Chiếu". Ðối với dân Việt cũng thế, buổi đầu dựng nước, người dân gọi vua là "Hùng" hay là "Lạc".
Chữ "hùng" biểu thị ông vua có đức tính dũng cảm, tài thao lược xuất chúng, dùng võ nghiệp trị loạn an dân. Cũng như các quan võ "hùng hầu" có tài tiễu trừ giặc cướp, gìn giữ biên cương, bảo vệ an ninh trật tự cho dân.
Chữ "lạc" buổi đầu đối với dân Lạc Việt có nghĩa là vua, vì như đã nói, đất nước ta trong mỗi năm về mùa mưa nước nhiều, hết mưa nước rút, để lại nhiều phù sa, trồng lúa, trồng cây rất tốt, do đó có thể xuất phát từ nền nông nghiệp cổ mới có câu: "Nhất niên chi kế mạc như chủng cốc. Thập niên chi kế mạc như chủng mộc. Bách niên chi kế mạc như thụ nhân". Các quan văn thời cổ cũng được gọi là "lạc hầu". (thực nghĩa của các chữ: lạc hầu, lạc tướng, hùng hầu, hùng tướng cũng chỉ có nghĩa là các quan chức của các vị vua nước Việt cổ là các đấng lạc, đấng hùng).
Các tác giả Trung Quốc viết về sử Việt, đối với hai chữ "hùng" và "lạc" có lẽ nhiều người cũng không quan tâm lắm việc viết sao cho chính xác. Quan điểm và mục đích viết sử Việt của họ, điều quan hệ nhất là làm một bản báo cáo lên vua cùng triều đình Trung Quốc về tình hình và lịch sử nước Việt. Rồi mục đích của vua cùng triều đình Trung Quốc không có gì hơn là tham vọng khuất phục dân Việt, còn việc danh xưng của vua nước Việt chính xác là gì cũng chẳng cần quá lưu tâm.
Cũng dễ hiểu, rất đơn giản chẳng khác gì và tương tự như hiện nay người ta thấy dân nước Anh gọi vua là "king", còn dân nước Pháp gọi vua là "roi". Giống như cách thức ấy, ở thời xưa buổi đầu dựng nước, người dân Việt gọi vua là "hùng" hay "lạc". Chữ "hùng" có nghĩa là vua còn được sử dụng ở một số nước tương cận trong hệ thống Việt tộc thời cổ. Thí dụ nước Sở thành lập nước từ trước thời Xuân Thu nhà Chu bên Tàu cũng gọi vua là "hùng" qua các tên vua như: "hùng Thông", "hùng Dịch", "hùng Nghệ", "hùng Cừ" v..v. có nghĩa như: vua Thông, vua Dịch, vua Nghệ, vua Cừ v..v.
Thời Hồng Bàng tính từ năm 2.879 tới năm 257 trước công nguyên kéo dài 2.622 năm do 18 đời Hùng cai trị nước Văn Lang. Nếu cho rằng 18 đời Hùng là 18 đời vua cha truyền con nối liên tục thì hiển nhiên là sự phi lý không thề chấp nhận. Trong khoảng thời gian dài đó, có thể không hoàn toàn do một giòng họ làm vua theo cha truyền con nối ngôi. Qua các biến cố, ngôi "hùng" do nhiều triều đại các giòng họ thay phiên nhau giữ ngôi hùng (ngôi vua), 18 đời Hùng chỉ nên coi là 18 triều đại và mỗi triều đại có thể có một hoặc nhiều ông vua (ngôi hùng) truyền ngôi nhau đảm nhiệm việc nước. Về lịch sử cũng không tránh khỏi có những lúc đất nước mất ổn định kéo dài, ngôi "hùng" bị bỏ trống, chưa có đấng tài đức trị vì chăm lo đời sống muôn dân (có thể dẫn chứng: kể từ thời Ngô Quyền tự chủ của dân Việt như các triều đại: Ngô, Ðinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Nguyễn. về sau, kể từ năm 939 tới năm 1945, thời gian chỉ khoảng một nghìn năm mà cũng có khoảng mười triều đại). Thời gian 2.622 năm thời các đấng hùng, việc 18 triều đại mỗi triều đại lại có nhiều vua, thay phiên nhau trị nước không phải là việc không thể xảy ra.
Vấn đề khác cần nêu lên là: nếu 18 đời vua cai trị nước Văn Lang đều có họ "Hùng" hay "Lạc", tất nhiên về sau dân Việt phải có nhiều người mang họ "Hùng" hay "Lạc", song điều này hầu như không thấy có. Ðền thờ Hai Bà Trưng tại Hát Môn, Sơn Tây và tại thôn Gia Phúc, xã Nguyệt Ðức, Vĩnh Lạc, Vĩnh Yên, cả hai nơi cùng có bức hoành phi đề bốn chữ: "Lạc, Hùng chính thống", có nghĩa là Hai Bà Trưng xứng đáng là chính thống có giá trị như các vị: Lạc, Hùng. Cũng tại các đền này còn có đôi câu đối:
"Trâm thoa tự tướng bài Tô, Mã,
Cổn miện xưng vương kế Lạc, Hùng".
Có nghĩa là: Cài trâm thoa tự làm tướng trừ Tô Ðịnh, Mã Viện; Mặc áo mũ xưng làm vua kế nghiệp Lạc, nghiệp Hùng.
Ðời sống nhân dân nước Văn Lang dưới sự chăm sóc của các đấng Lạc, đấng Hùng có thấy truyện tích Hồng Bàng trong "Lĩnh Nam chích quái" ghi lại một số nét sống của cư dân nước Việt thời cổ:
"...Ban đầu quốc dân ăn mặc chưa đủ, phải lấy cỏ cây làm áo mặc, dệt cỏ ống làm chiếu nằm, lấy gạo ngâm làm rượu, lấy cây quan lang, cây xoa đồng làm bánh. Lấy cầm thú, cá, tôm, làm nước mắm, lấy rễ gừng làm muối, lấy dao cày, lấy nước cấy (ngụ ý làm lúa nước). Ðất trồng nhiều lúa nếp, lấy ống tre nấu cơm, gác cây làm nhà để tránh nạn hổ lang, cắt ngắn tóc để tiện vào rừng núi, con đẻ ra lót lá chuối cho nằm, nhà có người chết giã gạo cho hàng xóm nghe mà chạy đến cứu giúp. Trai gái lấy nhau trước lấy muối làm lễ hỏi, sau giết trâu để làm lễ thành hôn, đem cơm nếp vào phòng cùng ăn rồi mới thông thương..."
Ðoạn trích dẫn trên trong truyện tích mô tả phương thức sinh sống của cư dân Việt thời cổ. Họ sống hầu khắp trên các miền đất Việt ngày nay và miền Hoa Nam. Ngành nhân chủng xác nhận những di chỉ và xương người tìm thấy giống người cổ Việt tương cận với các chủng tộc: Mélanésien, Indonésien, Polynésien, Australien và một phần tỷ lệ rất ít giống người Négrito. Trong khi chủng tộc Việt giống với người cổ miền Hoa Nam, thì ngược lại, khác hẳn với người cổ miền Hoa Bắc ở nước Trung Hoa. 
Truyện tích Hồ Tinh trong "Lĩnh Nam chích quái" ghi lại: "Ở núi Ba Vì có vị thần dạy dân cày ruộng, dệt vải". Ở truyện Ngư Tinh viết: "Có người cổ đã sống ở miền bờ biển và các đảo miền Hạ Long". Như vậy qua các truyền thuyết cũng hàm ý các chủng tộc Việt đã có từ nguyên thủy, dù rằng trong truyện tích có pha ít nhiều chất "quái" vào nội dung:
"Thời thượng cổ có loài cá giống hệt như mặt người, thường đi chơi trên bờ biển Ðông, hóa thành nguời, sau dần biết nói và thành ra người. Ở hải đảo có giống người mọi, trước còn bắt người để sống, sau cũng thành như người thường, vẫn qua lại trao đổi hàng hóa với người".
Những giòng truyện tích trên cũng ghi lại theo truyện Ngư Tinh trong "Lĩnh Nam chích quái", khiến người ta có thể nghĩ tới các giống người tiền sử, người vượn, sống ở các hải đảo cách nay hàng chục nghìn năm. Tất nhiên truyện tích, ít hoặc nhiều, cũng có những mâu thuẫn khó tin, nếu xét theo sử học.
Truyền thuyết vua Hùng dạy dân trồng lúa làm ruộng còn truyền lại cho đến ngày nay, như sự giải thích sau thời gian dài nhân dân sống hoang dại, đã được nhà vua khai sáng truyền bá nền nông nghiệp:
"Xưa, dân chưa biết cày cấy làm ra lúa gạo để ăn, chỉ sống bằng thịt thú rừng, tôm cá và rễ cây, rau quả cùng lúa mọc hoang.
Vua Hùng thấy đất phù sa bồi sau những ngày mùa nước, trồng lúa rất tốt. Nhà vua dạy cho dân biết cách lựa lúa giống, cách ương và gieo mạ, cách cấy, cách gặt và xay giã lúa. Chính đích thân nhà vua cùng cày cấy với nhân dân. Khi buổi trưa trời nắng, vua và dân cùng nghỉ dưới các gốc cây to có bóng mát, như các cây đa, cây đề".
Do từ truyền thuyết trên, nên cho tới ngày nay tại xã Minh Nông (kẻ Nú) thuộc vùng Việt Trì có tục lệ tế lễ vua Hùng vào dịp đầu mùa cày cấy tại gốc một cây đa lớn.
Ở huyền thoại Việt, dân gian thường hay nói: vua Hùng, vợ vua Hùng, con vua Hùng đã dạy dân các công việc, chứ không thể biết rõ việc xảy ra vào đời vua Hùng thứ mấy hoặc xảy ra đã bao nhiêu lâu. Có thể những sự việc xảy ra đã hàng chục nghìn năm người dân cũng cứ ghép vào thời đại các vua Hùng. Tất nhiên cũng có rất nhiều các phát kiến về nghề nghiệp, sinh hoạt do từ nhân dân mà ra, song người dân có thói quen cứ nói là do vua Hùng dạy bảo, do vua Hùng tạo nên, để câu chuyện có ấn tượng, được nhiều người tin hơn.
Về cơ cấu tổ chức hành chính nước Văn Lang, xuyên qua các thần phả, thần tích, truyền thuyết ước định có hệ thống như sau:
Ðứng đầu nước là chức vị Hùng hay Lạc, cũng có thể có những lúc có sự phân quyền có cả hai chức vị Hùng và Lạc cùng coi việc nước. Vị Hùng coi các quan: hùng hầu, hùng tướng; vị Lạc coi các quan lạc hầu, lạc tướng, hoặc hai chức Hùng, Lạc có tính phân quyền gần giống như hai cơ quan lập pháp và hành pháp. Các vị Hùng, Lạc chủ trì các công việc tế lễ trời đất, lễ cầu Lạc Long Quân, Âu Cơ và thần Lúa. Các vị cũng phát động các công việc đại sự như lễ cấy cày, tuyên bố chiến tranh, quyết định thỏa ước hòa bình và hiệu triệu toàn dân tham gia việc nước khi có những công việc trọng đại, đồng thời có quyền quyết định tối hậu các vấn đề khi ý kiến các quan trong triều đình chưa dứt khoát. Các vị Hùng, Lạc cũng còn tiêu biểu cho toàn dân về: đạo đức, phẩm hạnh, phong cách như gương mẫu tốt cho mọi người dân noi theo.
Phụ trách tổng quát công việc giúp vua là chức trưởng đô đài (chức này có thấy ghi trong thần phả thánh Tản Viên). Phụ tá chức trưởng đô đài có các chức tả, hữu đô đài, một coi về binh bị và một coi về chính trị. Trông coi, quản trị các công việc chuyên môn là các chức đô đài, thường được gọi vắn tắt như đô nỏ, coi về việc cung tên, vũ khí; đô nồi coi việc chế tác các vật dụng, nung đúc đồ đồng, giáo, mác, mũi tên đồng và đồ gốm; đô kiệu coi việc kiệu cờ, xe ngựa di chuyển v..v... Cấp bộ ở thời Văn Lang có mười lăm bộ tương đương với cấp tỉnh ngày nay, thí dụ như bộ Giao Chỉ, bộ Vũ Ninh, bộ Hoài Hoan. do các chức vị hùng hầu, lạc hầu cai quản, dưới các cấp bộ là cấp huyện do các chức lạc tướng, hùng tướng, dưới nữa là cấp xã, thôn, mường, bản có những chức như: quan lang, bồ chính, xảo xứng thường theo qui chế tự trị. Chức quan lang thường ở nhiều nơi do cha truyền con nối, còn các chức bồ chính, xảo xứng do dân bình bầu, tới phiên, tới lượt và được dân cắt cử thì ra đảm nhận việc thôn xã. Chức lạc tướng coi cấp huyện còn thấy có cho tới thời Hai Bà Trưng, nhưng chức hùng tướng có lẽ coi về quân binh về sau không còn thấy có (cha của Hai Bà làm lạc tướng huyện Mê Linh, ông Thi Sách làm lạc tướng huyện Chu Diên). Chức bồ chính, xảo xứng tuy tên gọi sau này có thay đổi thành: chánh tổng, hương cả, hương quản, lý trưởng v..v... nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: "dân Việt có nền "dân chủ xã thôn tự trị" lâu đời, từ nhiều nghìn năm trước, truyền lại cho tới đầu thế kỷ hai mươi còn tồn tại".
Sự truyền, ban lệnh và kết mường, kết chạ, kết nghĩa, giao hiếu là sự bang giao, thông tin giữa các cấp trên, dưới, hoặc nơi này bang giao với nơi khác, thời Hồng Bàng lấy "ấn đồng thao xanh" làm tín hiệu.
Tục vẽ mình (vẽ mình theo chữ nho có nghĩa là văn thân, có thể là cũng do tục vẽ mình nên mới có tên nước là Văn Lang), trong truyện tích có thấy viết: "...Dân ở vùng rừng núi xuống sông ngòi đánh cá, thường bị giao long làm hại nên tâu với vua, vua truyền bảo: - Dân sống ở rừng núi cùng với loài thủy tộc có khác, bọn chúng ưa đồng ghét dị, cho nên mới làm hại. Vua bèn khiến lấy mực chạm thành hình thủy quái ở thân thể. Từ đó tránh được nạn giao long cắn hại. Tục văn thân của giống Việt bắt đầu có từ đấy".
(theo "Lĩnh Nam chích quái")
Ngoài dân chúng, ngay cả các bậc vua quan xưa kia cũng có tục vẽ mình, mãi tới đầu thế kỷ mười ba vua Trần Anh Tông mới cho bỏ tục lệ ấy và tới năm 1323 vua Trần Minh Tông hạ lệnh cấm trong quân đội không ai được vẽ mình.
Trong huyền sử Mường "đẻ đất đẻ nước" có nói tới cây Si khổng lồ và cây Chu bông thau quả thiếc, huyền sử Việt cũng có nói về cây chiên đàn là một loại cây trầm hương lớn ở truyện tích Mộc Tinh. Cây chiên đàn cũng còn được nhắc tới trong truyện Kim Qui, khi chim Si Hưu ngậm thư bay lên cây chiên đàn.
Chiên đàn là loại cây quí mọc lâu ngày thành đại thụ ở miền Bạch Hạc. Tương truyền cây mọc từ thời thượng cổ. Các giống chim bạch hạc, hồng hạc và chim thước thường tới làm tổ trên cây này. Khi cây quá già chết khô hóa làm tinh quái (Mộc Tinh), tinh khí ác độc thường hay làm chết hại người dân. Mỗi năm vào dịp ngày ba mươi tháng chạp, dân phải dùng người sống tế lễ, yêu tinh mới thôi hại dân. Do đó dân Việt sống tại miền ngã ba sông Bạch Hạc (Việt Trì) truyền lại câu chuyện về cây chiên đàn với nội dung như sau:
"Ở ngã ba sông trước thành Văn Lang có cây chiên đàn, có con hạc thành tinh thường bắt người ăn thịt, xương chất thành đống trên bờ sông. Nhà vua lo buồn không có cách gì trừ được. Sau có chàng trai trẻ xin vua cho đi trừ chim ác. Chàng trai cầm câu liêm sắc chiến đấu với chim, chim bị chết, nhưng chàng trai cũng biến mất, không biết đi đâu. Có người lại nói chàng trai ấy là đức Long Quân hiện lên".
Chim hồng, chim lạc làm tổ ở phương Nam cũng là biểu tượng của dân tộc Việt. Cây đại thụ chiên đàn là nơi muôn chim đậu làm tổ. Huyền sử lại nói sau khi cây già quá chết, hóa thành tinh, hay thương xót nhân dân thường ăn thịt người. Truyện Mộc Tinh có đoạn viết:
"Long Quân dùng thần thuật đánh yêu tinh, nhưng không trừ dứt được. Tới thời Tần Thủy Hoàng có Nhâm Ngao làm lệnh Long Xuyên. Yêu tinh giận làm chết Nhâm Ngao" (theo Ð.V.S.K.T.T. thì Nhâm Ngao giữ chức úy coi quận Nam Hải còn Triệu Ðà lúc ấy làm lệnh Long Xuyên là một huyện thuộc quận Nam Hải).
"Ðại Việt sử ký toàn thư" cũng viết:
"...Năm thứ 37 Tần Thủy Hoàng, mùa đông, tháng mười, Tần Thủy Hoàng mất ở Sa Khâu. (Lúc ấy) Nhâm Ngao, Triệu Ðà mang quân sang xâm lấn nước ta. Ðà đóng quân ở Tiên Du, huyện Bắc Giang, đánh nhau với nhà vua (Thục Phán). Nhà vua đem "nỏ thiêng" bắn, Ðà thua chạy. Khi ấy, Nhâm Ngao đem quân đi thuyền đóng ở Tiểu Giang tức bến Ðông Hồ ngày nay, phạm tới thần Ðất mắc bệnh ..."
Theo các giòng sử trên thì Nhâm Ngao chết vì phạm vào thần Ðất của nước Việt. Trong truyện Việt Tỉnh của "Lĩnh Nam chích quái" còn viết rõ: "Tháng giêng, ngày mùng ba, Nhâm Ngao bị thần Xương Cuồng (tức Mộc Tinh) đánh chết". 
Cư dân nước Việt cổ có "ruộng lạc" sản xuất ngũ cốc, nhờ có "nước lạc" người nông dân cũng trở thành các ngư dân thành thạo. Người Việt cổ đã trải qua thời gian dài làm việc và chiến đấu khắc phục thiên nhiên hoang dã. Sức mạnh dân Việt sống tại miền đất trũng, đòi hỏi phải có trí tuệ và khôn khéo. Họ không thể chiến đấu trực diện với ác thú. Buổi đầu họ phải đốt lửa khai hoang cùng trấn áp muông thú. Tổ tiên giống Việt đương đầu với sự nguy hiểm lớn mà một số các dân tộc không ở vào vị trí tiếp cận nước đã không gặp phải. Việc chiến đấu chống các loài bò sát khổng lồ như: giao long, thuồng luồng, cá sấu lớn hung dữ, chúng có thể bơi lặn dưới nước và cũng có thể chạy phóng nhanh trên cạn. Với con người chúng nguy hiểm hơn hổ, báo, voi, gấu, vì lửa đốt nóng với chúng cũng vô hiệu, khi nóng chúng lặn dưới nước. Chúng có vảy cứng, dày, các loại vũ khí thô sơ giáo, mác, cung, nỏ không thể làm hại chúng được.
Dưới đây là mẩu truyện tích ngắn phản ánh ngày xưa dân Việt phải mạo hiểm hy sinh chiến đấu chống loài bò sát hung dữ:
"Tại vực Ðậu Dương, thuộc địa hạt Tam Nông, Phú Thọ (thường gọi là kẻ Nung) ở vào khoảng ngã ba sông Hồng và sông Ðà, vào thời cổ có con thuồng luồng lớn, hay ăn thịt người và làm đắm nhiều thuyền bè. Hàng năm dân phải tế sống người cho thuồng luồng ăn thịt. Sau có ông Hộ sức khỏe hơn người lại không lập gia đình sống độc thân, đã tự nguyện xin nộp mạng cho thuồng luồng. Khi đi nộp mạng ông Hộ mang theo một con dao nhọn, lúc bị thuồng luồng nuốt vào bụng, ở trong bụng con vật, ông Hộ dùng dao nhọn rạch nát ruột gan con thuồng luồng. Thuồng luồng chết, ông Hộ cũng chết. Tới nay ở xã Thượng Nông (Phú Thọ) vẫn còn miếu thờ ông Hộ".
(theo "Truyền thuyết Hùng Vương")
Người dân Việt thời cổ phải chiến đấu, chế ngự các loài bò sát hung dữ bằng cách:
Cảm tử hy sinh để giết ác thú.
Dùng trí tuệ tạo các cạm bẫy, hố săn.
Mạo hiểm tìm tới các hang ổ bắt thú mới sinh.
Ðốt phá các hang ổ cùng môi trường sinh sống của thú dữ.
Các công việc trên đòi hỏi: sự can đảm, trí tuệ và còn cần có thời gian lâu dài. Trong thời gian ấy để vũ trang sức mạnh tinh thần, giống người Việt tự trang bị cho mình lý tưởng chiến đấu có tính thần thoại: "Lạc Long Quân là chúa tể các thần thánh, là vị vua Rồng coi giữ trời, mây và biển cả. Người là đấng quyền uy có khả năng hàng phục tất cả mọi loài bò sát, thủy quái hung dữ. Lạc Long Quân đã sinh ra giống nòi Việt thì không loại thủy quái nào dám xâm phạm tới người Việt." Cũng từ đó càng khiến tục vẽ mình của người Việt thêm nhiều. 
Qua truyện tích Ngư Tinh đã trích dẫn trước đây, với sự trừu tượng nhận xét, có thể là: từ lâu đời người Việt đã có kỹ thuật đóng được thuyền lớn, ít nhất là loại thuyền có khả năng vượt được sóng gió miền ven biển. Truyện tích viết:"Lạc Long Quân thương dân bị Ngư Tinh làm hại, làm một chiếc thuyền, lại ra lệnh cho loài quỉ Dạ Xoa dưới nước cấm thần Biển không được làm sóng gió, rồi chèo thuyền tới núi Ngư Tinh ở, giả như đem người lại cho Ngư Tinh ăn, Ngư Tinh há miệng toan nuốt, bị Long Quân ném khối sắt nung đỏ vào miệng". Việc ném khối sắt nung đỏ vào miệng Ngư Tinh, như huyền sử muốn nói từ rất xưa dân ta đã có kỹ thuật rèn luyện sắt, hay ít nhất đã tìm ra quặng sắt, do các cuộc đốt phá rừng núi, hoặc nung vôi ăn trầu, phát hiện các loại kim loại cứng, giữ độ nóng cao, mở lối tìm ra đồng, sắt.
Ðất nước Văn Lang khởi đầu bằng hình thức "kết mường, kết chạ", nghĩa là nhiều làng, nhiều vùng kết hợp lại với nhau. Mỗi mường, mỗi chạ đều có tục lệ, qui ước áp dụng trong đời sống cộng đồng xã hội người dân, gọi là "lệ làng". Thực tế thì "lệ làng" cũng do tập tục, thói quen áp dụng trong dân cốt làm sao tạo thành ước lệ, như một quy ước chung duy trì được hạnh phúc chung và riêng cho cuộc sống dân cư từ cá nhân tới tập thể trong làng, lâu thành lệ. Khi lệ làng đạt tới những qui lệ mọi người dân yêu thích, tôn trọng, tạo được cuộc sống tiến bộ an bình, dù không có chữ viết, nó cũng trở thành bản "hiến pháp bất thành văn" của làng, xã, mường, bản. Về sau ở nhiều nơi "lệ làng" được viết thành chương, mục, trong có ghi rõ các điều khoản lấy tên là "hương ước" hay "khoán ước" thì thực sự "lệ làng" đã trở thành bản "hiến pháp" chứa đựng nhiều tính chất qui ước phù hợp với nguyện vọng cuộc sống người dân. Sự "kết mường, kết chạ" hay "giao hiếu" tiến tới sự kết hợp nhiều làng, nhiều miền thành một xứ, một nước, nếu không bằng phương pháp chinh phục, đàn áp vũ lực, tất phải là sự thỏa ước, dung hợp nhiều bản hương ước thành một tổng thể xứng đáng là bản "hiến pháp" của một nước. Ðiều này là tiêu mục, kế hoạch chủ yếu của các đấng Hùng thành lập nước Văn Lang.
Trong truyện tích "Dưa hấu" có kể việc vua Hùng nuôi An Tiêm từ lúc An Tiêm mới lên sáu, bảy tuổi, do thuyền buôn ngoại quốc chở tới. Truyện tích Chử Ðồng Tử và Tiên Dung cũng có chỗ nói các thương nhân, thuyền buôn ngoại quốc tới buôn bán ở nước ta đông đảo, sinh sống tại chợ Hà Lõa, tôn Tiên Dung cùng Chử Ðồng Tử làm chủ mộ vùng thị tứ sầm uất, phồn thịnh. Ðó là điển hình một cách kết chạ rồi từ những kết chạ trở thành nước. 
Lại có những truyện tích trở thành thứ keo sơn muôn đời bảo vệ đất nước, dân tộc, tới nay dân ở miền đền Hùng ai ai cũng biết:
" Vua Hùng mở nước, đặt tên nước là Văn Lang, cung vua ở núi Nghĩa Lĩnh. Một trăm con voi từ các nơi trong khắp đất nước, rủ nhau về triều yết, cúi đầu chào đền vua. Tất cả như hình ảnh trăm con hướng về một mẹ. Trong đàn voi có một con quay lưng lại, đầu nó hướng về phương bắc. Vua Hùng trao kiếm cho con gái là nàng Bầu. Nhận kiếm của vua cha, nàng Bầu đi về phía con voi quay đầu trái hướng, kể rõ tội trạng, rồi chém một nhát kiếm vỡ sọ và đứt cổ voi. Từ thuở khai núi mở sông dựng nước ấy, cho tới nay, con voi bất nghĩa vẫn còn đứng trơ trơ và dòng máu đỏ còn cứ chảy từ cái cổ bị đứt, cái sọ bị vỡ".
Câu chuyện voi bị chém vỡ sọ mục đích lấy núi đồi tự nhiên tạc nên hình tượng cảnh giác mọi sự phản bội, được cấu trúc từ hình dạng địa lý miền núi đền Hùng. Quanh ngọn núi Hùng cao, có nhiều đồi núi nhỏ chập chùng, trông giống như đàn voi con nằm phủ phục chầu mẹ. Trong số đó có ngọn đồi thuộc địa phận xã Phú Lộc gần quốc lộ 2, đồi có hình dáng giống con voi nằm quay đầu về phương bắc, chỗ cổ voi có lạch nước nhỏ màu đất đỏ giống như máu chảy ra, đầu voi là chỗ nước chảy xoáy, trông như vỡ sọ.
Ý nghĩa sự đoàn kết trong thanh bình giao hảo, tất cả trăm voi chung một mẹ. Ý thức cảnh giác lại sừng sững là cảnh quan núi đồi dàn bày ra trước mắt, để ai ai cũng trông thấy mà dè chừng. Nét đẹp hùng vĩ, cảnh giác trong thanh bình đem lại tình người hợp quần trong giống Việt, để không ai phản bội và cũng không có những con người vì phản bội bị chém, đầu rơi máu chảy. 
Theo truyện tích Hồng Bàng từ thời mở nước, tài nguyên cùng sản phẩm trong nước đã có: "Kỳ hoa, dị thảo, trân cầm, dị thú, tê, tượng, đồi mồi, vàng bạc, châu ngọc, hồ tiêu, nhũ hương, trầm đàn, sơn hào, hải sản". Có tài nguyên tất phải có giao thương mậu dịch. Việc giao lưu buôn bán đường sông đường biển của nước Văn Lang, hai nhà nghiên cứu sử Nhật Bản Youco Ishi và Yumio Sakurai viết trong cuốn "Minh họa lịch sử thế giới cổ" xuất bản năm 1980 tại Kyoto, cho biết con đường hàng hải thời cổ đại châu Á, khởi đầu từ vùng biển Nhật Bản đi ven biển theo hướng xuôi nam, dọc theo ven biển Việt Nam ngày nay rồi qua phía Thái Lan, Mã Lai. Như vậy sự giao lưu với các ngánh sông, các bến thuyền giáp biển cùng các hải đảo diễn ra từ khởi thủy lập quốc. Với hải đạo được kể, ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống dân Việt thời cổ. Những địa điểm như Phố Hiến, Hội An, liệu có những điểm tương tự như vậy đã xuất hiện từ thời cổ? Nghi vấn này khiến có thể liên tưởng tới chợ Hà Lõa của thời Tiên Dung và Chử Ðồng Tử với thiên đường Tự Nhiên, với nhiều sự viêc không hẳn chỉ là truyện tích trong tưởng tượng.
Khoảng hai năm 1943 - 1944, có Louis Malleret là người Pháp, giám đốc viện bảo tàng Sài Gòn đã khảo sát di chỉ cổ tại phần đất ranh giới hai tỉnh Long Xuyên, Rạch Giá ở địa danh Mỹ Lâm, Kiên Hảo gần núi Ba Thê (nền văn minh Óc Eo). Trong công việc khảo sát này phát hiện nhiều di vật cổ của dân tộc Phù Nam. Căn cứ vào các di vật tìm thấy, vào thế kỷ thứ hai, đã có người Ấn Ðộ, La Mã giao thương với Phù Nam. Ðặc biệt tìm thấy một đồng tiền vàng ở vào thời vua Antonin le Pleux trị vì La Mã đầu thế kỷ thứ hai. Cũng cần nói thêm, đất nước Phù Nam bị người Khơ Me chiếm vào thế kỷ thứ bảy, mười thế kỷ sau, vào thế kỷ thứ mười bảy, người dân Việt mới lập nghiệp sinh sống tại miền đông nam hạ lưu sông Mékong. Tới nay có lẽ dân tộc Phù Nam còn sót lại các giống người: Che Ma, Stieng, Mnông và Kill rải rác tại miền Lâm Ðồng, Tây Nguyên.
Thường các thuyền đi biển ngày xưa, tránh bão, sóng lớn, nên đi theo các hải lộ ven bờ biển. Vị trí giao thương nước Việt cổ, chính là điểm giao lưu trọng yếu thời cổ tại châu Á. 
Trống đồng một trong những biểu tượng văn minh cổ, các di tích về trống ngày nay còn tìm thấy trong phạm vi lãnh thổ khá rộng lớn, ở những nơi có cư dân Việt cổ. Các sắc thái tiết tấu âm thanh trống đồng, vừa như nguồn động lực lại vừa như cổ xúy sinh hoạt đời sống con người. Âm thanh của nó, thời xưa, người ta cảm nhận như bản hùng ca, từ trống đồng chứa đựng ngôn ngữ hồn thiêng lịch sử đất nước và như vũ bão dội tai họa thảm bại lên đầu bọn phong kiến ngoại xâm. Sau cuộc chiến tranh Mông Cổ đánh Việt Nam năm 1291, viên lễ bộ thượng thư nhà Nguyên là Trần Phu sang sứ nước ta, khi nghe tiếng trống đồng đã viết nên bài thơ cảm tác, trong đó có câu: "Ðồng cổ thanh trung bạch phát sinh", có nghĩa: nghe âm thanh tiếng trống đồng làm cho tóc bạc mọc ra. Lời thơ còn đọng lại nỗi kinh hoàng những trận thảm bại của quân Nguyên. Theo sự phân tích của các nhà khảo cổ thì thường tỷ lệ các hợp kim có trong trống đồng gồm: đồng 53%, thiếc 16%, chì 18%, còn lại 4% là vàng và bạc cùng một số các hợp kim khác có tỷ lệ nhỏ. Ðó là tỷ lệ đúc đồng được giới chuyên môn đánh giá có kỹ thuật khá cao.
Trống đồng có hình dáng hình trụ, mặt và đáy trống hơi loe, phía giữa thành trống nhỏ hơn. Trên mặt các trống lớn có hình nổi những con cóc, tất cả các loại trống đều có khắc hoa văn, thường là trang trí: hình mặt trời chính giữa, tỏa các tia sáng chan hòa xuống các cảnh: đoàn người múa hát, chèo thuyền, thổi khèn, cầm gươm, cầm cờ, cầm lao... cùng với hươu nai, chim... tất cả người và vật đều hướng mặt theo ngược chiều quay kim đồng hồ. Ngày xưa trống đồng được cất giữ tại các nhà quan lang, lạc hầu, lạc tướng, cung vua và các nơi đền miếu tôn kính. Nơi cất giữ trống cũng là nơi trung tâm chỉ đạo sinh hoạt, ban truyền mệnh lệnh (đền Ðồng Cổ trên núi Ðồng Cổ, gần phố Cát, Thanh Hóa, trước đây có một trống đồng nặng 100kg. Tương truyền trống này được đúc từ thế kỷ thứ ba trước công nguyên. Gần đây tại Nha Trang, Khánh Hòa cùng nhiều nơi khác người ta cũng còn đào thấy trống đồng cổ).
Khi đánh trống đồng, kê trống sát mặt đất, âm thanh nhỏ và đục. Nếu kê trống trên đá, gạch, âm thanh gắt chói. Kê trống trên vật mềm âm thanh dịu nhưng nhỏ. Phương thức đúng nhất để đánh trống đồng là treo trống bằng bốn sợi dây buộc vào bốn con cóc bằng đồng trên mặt trống, đáy trống song song và cách mặt đất chừng hai tấc. Ngay mặt đất dưới đáy trống, đào một hố tròn, có chiều sâu khoảng hai, ba tấc, kích thước cũng rộng tương xứng với đáy trống. Thực hiện đúng quy cách như vậy, khi đánh trống, tiếng trống như sấm vang, như thác đổ, náo động, trầm tỏa nhưng hùng vĩ. Dùi đánh trống là một khúc cây tròn có đường kính khoảng bốn phân và chiều dài khoảng từ sáu tấc tới một thước, tùy theo trống lớn, nhỏ, đầu dùi để đánh xuống mặt trống thường quấn vải và bọc ngoài bằng da thú khô. Tiếng trống khi đánh vào giữa mặt trống trầm và âm vang; đánh vào các vành hoa văn tiếng trong và vọng dội; đánh vào vành ngoài nổi lên thanh âm sắc, gọn nhưng chói gắt. Người Mường cũng có cách thức đánh trống đồng, họ gọi là "chàm thau". Vào dịp hội hè đông người, số người tham dự đánh trống đồng thường là hai người, có khi lên tới tám người, khi nhiều người tham dự đánh trống, dùi trống cầm dựng đứng, trong đó có phân biệt người cầm cái trống và những người phụ. Cũng có nhiều trường hợp chỉ cần một người đánh trống, nhưng người đó phải được huấn luyện thành thạo cách đánh trống. Vì tiếng trống khi vang lên, tùy theo âm và nhịp khúc, hồi vận, chẳng những là âm thanh chế ngự khắp vùng mà còn mang cả chỉ thị để dân chúng tuân theo một mệnh lệnh từ cấp trên ban hành. Tiếng trống không phù hợp với lễ hội, cũng là điều không thể tha thứ. Việc bảo quản và sử dụng trống hết sức cẩn trọng.
Nhìn các hình khắc trên trống đồng, thể hiện quan niệm thời xưa về sự vận hành mặt trời và trái đất. Mặt trời được khắc cố định ở trung tâm. Những hình người, hình thuyền, hình cầm thú của các hệ sinh thái: sự sống của con người cùng các loài trên mặt nước; sự sống của con người và các loài trên mặt đất, trên núi cao cùng các loài chim trời. Tuy vậy mặt đất lại như một hình vành khăn, quay xung quanh mặt trời, cùng với chiều quay trái đất và ngược lại chiều quay kim đồng hồ (qua các hình vẽ này có thể cũng là sự biểu thị trái đất quay vòng quanh mặt trời). Chiều hướng người đi trên trống đồng còn thấy cùng chiều đi với những điệu múa trong hát xoan. Trong hát xoan các vai nam, nữ cài lông chim lên đầu, ca múa và đi vòng quanh theo ngược chiều quay kim đồng hồ.
Không thể đoán chắc người Việt xưa đã có nhận thức trái đất quay quanh mặt trời hay không? Nhưng dẫu sao người xưa cũng đã xác nhận: cuộc sống con người cùng muôn loài đều chịu sự tác động trực tiếp của ánh sáng mặt trời và sự vận hành của vũ trụ. Ở thời Hồng Bàng, có Lang Liêu với "bánh dầy bánh chưng" là người đã đưa ra luận án cùng sự giải thích cụ thể về nhân sinh quan và vũ trụ quan. Chắc chắn cũng từ các hoa văn, hình khắc trên trống đồng, có những liên hệ tư tưởng với Lang Liêu về việc chứng minh tường tận trời và đất bằng "bánh dầy bánh chưng". Ðiển hình cho sinh hoạt tiến hóa cuộc sống trên trái đất là "bánh chưng". Vũ trụ bao la không giới hạn, không có bắt đầu, không có kết thúc là "bánh dầy", vì vậy tuy được gọi là bánh, nhưng "bánh dầy" không có nhân (ngụ ý không có bắt đầu) và cũng không có lá bao bọc (ngụ ý không có giới hạn).
Thời đại Lang Liêu quan niệm về nhân sinh và vũ trụ đã đạt tới chân lý tuyệt hảo. Khi đưa ra quan điểm của mình, không hẳn Lang Liêu không gặp những lý luận bảo thủ, nhưng phát kiến thông minh, sáng suốt của ông đã là chân lý đưa ông đạt mọi chiến thắng. 
Người Việt có tập quán tổ chức những ngày hội vào dịp tháng ba âm lịch. Các hội hè có mục đích chính: tưởng nhớ và biểu diễn lại sự nghiệp cùng cuộc sống người xưa. Người phương Tây ghi nhớ người xưa vào dịp sinh nhật. Người Trung Hoa ghi nhớ người xưa vào ngày chết (ngày giỗ). Nhưng người Việt cổ ghi nhớ sự nghiệp người xưa vào dịp "tháng ba hội hè". Có lẽ so sánh với Thần đạo của Nhật Bản việc thờ cúng thần linh của người Việt có một số nét tương tự, nhất là đối với các bậc có công lao với Tổ Quốc. Sau này có những ngày hội, một số người Việt lại cho là ngày giỗ, do bị ảnh hưởng tập quán kỷ niệm ngày chết của người Trung Hoa. Sự thực phải nói: hội đền Hùng, hội thánh Gióng, hội đền Và, các lễ hội tưởng niệm công đức tổ tiên tuy rất tôn kính thiêng liêng nhưng cũng giống như các hội đua thuyền, hội rước nước, hội chọi trâu v..v... Tất cả đều được gọi là ngày hội, với các trò nghi lễ, trình diễn hội đủ các điều ghi nhớ công trạng tiền nhân, tràn ngập trong không khí hào hứng, vui tươi. Các anh hùng, liệt nữ tổ tiên người Việt, vào thời Hùng, theo phong tục cổ, người xưa chỉ kỷ niệm vào dịp tháng ba, tháng tư.
Với câu ca dao:
"Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày hội Tổ mùng mười tháng ba".
Sau có lẽ vì lầm giữa ngày hội và ngày giỗ nên nhiều người cứ nói: ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Suy nghĩ cho kỹ thì không thể nào 18 triều đại các vị Tổ Hùng chết chỉ làm giỗ kỷ niệm một vị, hoặc tất cả các vị Hùng cùng mất vào ngày mùng mười tháng ba âm lịch .
Câu ca dao: "Dù ai đi ngược về xuôi" cũng đừng nên hiểu đơn giản dù ai đi lên miền ngược hay xuống miền xuôi vì công việc, vì sinh sống, tới ngày hội Tổ ai ai cũng phải nhớ. Và với ai gần về dự hội đền Hùng, còn ai xa xôi cách trở, năm ba người thắp nén hương tưởng niệm Tổ cũng được. Bốn chữ "đi ngược về xuôi" có tầm ý nghĩa bao quát sâu rộng: Ngoài việc mọi người cần tổ chức nghi lễ tưởng nhớ công ơn Quốc Tổ, về tư duy con người có thể tự do suy nghĩ hành động theo khuynh hướng của mình về đạo lý, tín ngưỡng, tư tưởng, chủ nghĩa, lập đảng này, theo phe khác, nhưng không ai được quên nguồn gốc Tổ Hùng. Có giữ vững nguyên tắc thiêng liêng "bất di dịch" về nhớ Tổ như thế, người công dân Việt khi vùi mình vào những khuynh hướng, đảng phái, chủ nghĩa khác nhau, vẫn còn tự nhận ra được bản thân mình là người công dân Việt, là con cháu Tổ Hùng. Từ đó sẽ vẫn còn nhận ra được các đồng bào với mình đều là công dân Việt và cũng là con cháu tổ Hùng. Tình nghĩa chung tổ tiên thiêng liêng khiến đồng bào ruột thịt thương yêu lẫn nhau, không chém giết tương tàn lẫn nhau vì chủ nghĩa này hay chủ nghĩa khác và cũng chẳng ai vì tư lợi, tham vọng mà đang tâm làm hại đồng bào ruột thịt. Cũng từ tình nghĩa đồng bào "trăm con chung một bọc" sẽ thâu nhận được cái hay, cái đẹp của các chủ nghĩa, tín ngưỡng, biết loại trừ đi những gì không thích hợp, để tạo nên những giá trị tinh thần, tinh hoa cuộc sống bốn phương hội nhập, hòa hợp trong cộng đồng dân tộc Việt:

Cây có cội mới xanh cành, tốt ngọn,
Nước có nguồn mới biển rộng, sông sâu.
Dân ta có Tổ từ lâu:
Hồng Bàng thời đại khởi đầu Hùng Vương.

Miền quê hương đất Tổ cũng có câu ca dao:
"Ai đi đằng ấy đường xa,
Có về kẻ Sỏi với ta thì về.
Kẻ Sỏi là đất xứ quê,
Bốn bên là núi tứ bề là non."
Những câu ca dao trên, hầu như nhiều miền đất nước ta, ai ai khi tưởng nghĩ về quê hương cũng có những câu ca dao tương tự ý nghĩa và âm điệu. Khi người ta thay đổi những tên đất, tên quê bằng tên quê, tên đất của quê mình là người ta có được bốn câu ca dao hay để nhớ quê. Ý nghĩa ca dao tưởng như đã chẳng còn là ca dao. Nó như âm vang thức tỉnh của một trống đồng huyền bí nào vọng lại. Nó như thoáng giây thảng thốt đến với con người, những con người đang trên đường đi xa muôn nghìn dặm, lại có dịp chợt tỉnh trở về cố quận trong tâm khảm! Nó là tiêu mục định hướng để con người sau bao nhiêu trầm kha, nhờ một phút giây thức tỉnh, trở về với bản chất nguyên thủy tổ tiên nòi giống, không tự bỏ quên chính bản thân mình.
"Kẻ Sỏi" là tên nôm na thường gọi của làng Sơn Vi ở đền Hùng, nơi quê hương xuất phát nghìn đời của nước Việt. Ở đấy đối với những ai đã một lần hành hương về đất Tổ, tận mắt nhìn thấy cảnh trí cùng cuộc sống con người, mộc mạc, cần cù, nhẫn nại như quê hương của muôn nghìn quê hương khác, cũng ruộng, đồng, núi, sông, dàn trải ngấm sâu hòa nhịp với các nẻo quê hương, rồi thực sự thấy hiện tại có được là do từ nguồn gốc quá khứ. Xung quanh nơi này có những núi non chập chùng như thành lũy bảo vệ, nhìn xa xa lại có:
"Nhất cao là núi Ba Vì,
Thứ ba Tam Ðảo, thứ nhì Ðộc Tôn".
Núi Hy Cương cao: nơi có di tích đền Hùng
xung quanh có nhiều đồi núi
Cứ quên đi những gì là biểu tượng phô bày "sóng lớp phế hưng" trong mọi thời đại, tìm lại được những cảm quan "về nguồn" trong ngày hội Tổ Hùng. Hẳn đó cũng là lúc người dân Việt tắm mát tâm hồn, thể xác, lắng nghe được tiếng nói nghìn thu.
Các sinh hoạt của người Việt cổ tìm hiểu các trò diễn xuất ngày hội, ngày đám, thường thấy tiềm ẩn trong các nghệ thuật:
Trước khi có chèo cổ, dân Việt đã có nghệ thuật sân khấu, đó là "trò nhời". Trong "trò nhời" các tài tử hóa trang ra biểu diễn trên sân khấu, dùng lời nói và cử chỉ để phô diễn vai trò mình đóng. Ngoài "trò nhời" còn có các nghệ thuật biểu diễn như: "trò trình nghề", "trò trám". Nếu có một số người cho nghệ thuật "chèo cổ" là do một nghệ sĩ Trung Hoa (Lý Nguyên Cát) trong hàng ngũ quân Nguyên, bị quân nhà Trần bắt làm tù binh, đã biểu diễn cho quân và dân nước ta xem, sau thành nghệ thuật trong nước. Ðó là điều không hoàn toàn đúng, sự việc ấy chỉ nên coi là sự bổ sung nghệ thuật, từ gốc vốn có là "trò nhời".
Các phong cách múa hát: múa săn, múa xuân ngưu, múa mo, múa chạy cày, múa đầu rối (tức múa rối nước), múa rồng rắn, múa xoan, múa sinh tiền, múa mỡi và các loại múa trình diễn võ thuật: cung, kiếm, gậy, vật là các nghệ thuật trình diễn sinh động, phản ảnh cuộc sống trung thực, có từ thời cổ trên đất Lạc Việt.
"Trò nhời" như bài diễn văn hoặc lối kể truyện pha hoạt cảnh: khi hùng tráng, khi bi ai, khi hưng phấn, khi hài hước do một hay nhiều người diễn trên sân khấu, phần nhiều diễn lại các tích cổ. "Trò trình nghề" gồm các tài tử trên sân khấu, được hóa trang và tay có cầm các dụng cụ nghề nghiệp: thầy đồ cầm sách bút, thợ cày vác cày bừa, thợ cấy tay cầm bó mạ, thợ mộc cầm cưa bào, đi buôn cầm tay nải và quang gánh, thợ săn cầm cung, nỏ, lao, mác, ngư dân cầm lưới đánh cá v..v... Họ mang mặt nạ hay vẽ mặt một cách ngộ nghĩnh trong khi diễn xuất và hát đầy tính hài hước, chê bai, đả phá thói giả dối, hợm hĩnh của những con người xấu, lợi dụng nghề nghiệp làm những việc đáng trách, đồng thời ca ngợi những người hành nghề chân chính. "Múa xuân ngưu" là cách múa xung quanh bàn thờ thần, trên và cạnh bàn thờ có để: bầu đựng nước, trứng gà, gàu tát nước và cày bừa. Khi cử hành lễ có những người đóng vai cày, bừa, tát nước và giả làm trâu bò. Các động tác, nhịp điệmúa hát phỏng theo các động tác lao động nghề nông, ca ngợi cảnh được mùa. Trong khi cử hành lễ có người lấy nước trong bầu vảy nước giả làm trời mưa. Mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa không bị nắng hạn. "Múa mo" cũng là hình thức múa trình nghề, những người trình diễn đều đeo mặt nạ bằng mo cau, cũng có vẽ mặt, bôi hề tùy từng vai diễn, nội dung của múa tái hiện nhiều sinh hoạt đời sống. Múa "chạy cày", người dân miền Tam Ðảo trước đây hay múa theo cách: mười sáu chàng trai nông dân cường tráng, tay cầm đáp cày làm dụng cụ múa, họ múa phỏng theo các công việc cày bừa trong một khu đất rộng vừa có thể múa vừa cho nhiều người xem. Có lẽ múa "chạy cày" biểu diễn việc tập hợp dân chúng đồng loạt thi đua cày bừa để sớm kịp thời vụ nhà nông. "Múa rối" (hoặc đầu rối) tương truyền tướng Ðào Khang (có đền thờ tại Ðặng xá, Thạch Thất, Hà Tây) thời Hai Bà Trưng đã cho trình diễn điệu múa này để giúp vui, cổ vũ lòng yêu nước trong quân đội. Múa "rồng rắn" biểu diễn các thần tích, cổ tích, các chuyện cười, chuyện ngụ ngôn trong dân gian. "Múa xoan" là điệu múa có từ đời Hùng dựng nước. Theo truyền thuyết: "Vợ vua Hùng mải xem hát múa của điệu múa này, quên cơn đau khi sinh đẻ và đẻ được con trai dễ dàng". Từ đó vua Hùng khuyến khích nghệ thuật múa hát, vì thấy rõ có ích lợi rất nhiều trong mọi sinh hoạt cuộc sống. Vì khi đoàn múa trình diễn cho vợ vua xem vào mùa xuân, nên điệu múa được lấy tên mùa xuân là "múa xoan" (thời xưa tiếng "xuân" còn được đọc là "xoan").
Sau này tới thời vua Lê Thánh Tông múa và hát "xoan" lại được các ông Ðỗ Nhuận và Thân Nhân Trung sáng tạo thêm các nhạc điệu, vũ khúc bổ sung. Nếu "trò nhời" là gốc của hát chèo thì "hát xoan" là gốc của nhiều nghệ thuật ca múa. Múa"sinh tiền" là điệu múa buổi đầu biểu thị bằng múa và sử dụng một nhạc cụ, giống như múa sinh thực khí, mục đích ca ngợi sự sinh sôi nảy nở của giống nòi. Sau dần dần điệu múa được cải biến cả về vũ điệu lẫn lời ca. Cả tên gọi sau cũng được đổi tên là múa "cánh tiên", do các cô gái xinh đẹp múa dâng nước dâng trầu lên bàn thờ trong các ngày hội, ngày lễ. Tới nay, các điệu múa cánh tiên, múa quạt, múa nón, múa lụa tuy mỗi điệu có phong cách nghệ thuật riêng, nhưng xét từ đầu cũng do múa "sinh tiền" mà ra.
Cũng nên nhớ tới một lễ nghi được gọi là "rước tiếng hú" trước đây có ở vài nơi trong đồng bào các nơi Phú Thọ và Việt Trì. Khi bắt đầu vào vụ cấy, dân chúng tổ chức rước một bó mạ, một phụ nữ trang sức y phục lộng lẫy đi theo sau, được gọi là "mẹ lúa", tới thửa ruộng đã định, "mẹ lúa" sẽ lấy bó mạ trên kiệu rước để cấy lúa. Trong khi: mẹ lúa cấy lúa, mọi người đều cất tiếng hú vang to: "hú hú hu...hơ...". Chỉ sau khi nghi lễ này đã được tổ chức, mọi người dân trong vùng mới bắt đầu vào vụ cấy lúa. Người dân tin rằng có tổ chức rước như thế việc trồng lúa mới bội thu được nhiều.
Tại các làng Vi Cương và Triệu Phú gần núi của đền thờ các vua Hùng, dân chúng thường vào ngày mùng sáu tháng giêng, chọn lựa các chàng trai tuấn tú để biểu diễn lễ "hú tùng di", mỗi chàng trai tay cầm một đòn gánh sơn son thiếp vàng (từ lâu đời miền đất Tổ đền Hùng có nghề sơn son thiếp vàng, sau tiến bộ thành nghề sơn mài). Các chàng trai gánh mạ bằng các đòn gánh đẹp ấy, vừa đi vừa múa hát biểu diễn. Họ mặc áo the dài phủ ngoài, bên trong là áo vải màu đỏ nhạt, khăn đen, thắt lưng xanh theo kiểu bó que thả giải ngang sườn. Trong khi vừa đi vừa múa, miệng họ cất tiếng hú: "hú hú hơ... tùng di... hú hú hơ..tùng di...". Mọi người đi xem lễ hú đông đảo cũng đồng thanh cất tiếng hú to: "hú hú hơ...tùng di...hú hú..hơ tùng di...". Sau khi múa và hú xong, vị chủ lễ tung xôi và bánh trên bàn thờ rơi xuống cho mọi người lấy vạt áo, nón, khăn, quạt, hứng nhận lộc thánh thần để ăn, coi như nhận được sự may mắn của một mùa gặt hái nhiều nông sản sắp tới.
Ðiểm xuất phát nền văn minh cổ còn lại là di tích đền Hùng. Kẻ thù nào của dân Việt, chúng cũng muốn hủy diệt hết các di tích bản nguyên, ngày nay ở miền đền Hùng, có những thứ thực sự là di tích như: núi, đồi, sông, đầm cùng những đồ bằng đá to lớn, những thứ chôn sâu dưới lòng đất mới phát hiện, mới là di tích đáng tin cậy. Còn hầu hết là các công trình trùng tu, kiến tạo của các đời sau. Ðáng tiếc hơn nữa là các công trình trùng tu của các thời đại sau không biểu lộ, lưu tâm tới ý thức bảo vệ nền văn minh nguồn cội cổ. Chứng tỏ các triều đại trùng tu, kiến tạo chưa mấy triều đại biết dựa vào bản nguyên sức mạnh dân tộc để xây dựng chế độ và con người. Thường, ở mỗi chế độ trùng tu chỉ để nhân đó lợi dụng quảng bá tuyên truyền cho chế độ của mình, coi những công trình của mình gắn vào việc trùng tu nguồn cội cũng là vĩnh cửu. Vô tình: cái hiện tại che lấp cái nguồn cội, khó tránh khỏi sự vong bản, đồng thời khiến cho không tìm ra nguyên lý để sáng tạo tinh hoa mới.
Các công trình xây dựng đền Hùng gồm có:
Cổng đền cao 8 mét 50, rộng 4 mét 50 (hình bìa trước sách này có ảnh cổng đền), nóc cổng lợp hình tám mái chồng, mỗi lớp bốn mái. Hai bên tường hoành cổng đắp tượng nổi hai võ sĩ: một võ sĩ cầm búa lưỡi bán nguyệt, võ sĩ còn lại cầm dao có cán hơi dài. Cả hai võ sĩ có y phục cùng phong thái giống người Việt cổ. Tuy vậy cổng đền chỉ mới làm vào đầu thế kỷ thứ hai mươi.
Chùa Thiên Quang, một kiến trúc làm vào thời nhà Nguyễn. Có lẽ việc làm chùa gần như vì nhu cầu tín ngưỡng của giới phật tử, nhất là đối với các cụ, các bà già, để khi hành hương đền Hùng có chỗ thắp hương, lễ Phật.
Đền Hạ
Ðền Hạ là ngôi đền đi từ cổng vào, có phong quang dễ nhận thấy và đẹp, bước đi lên khoảng 225 bậc đá, qua mặt chùa Thiên Quang phía bên phải là tới đền. Tương truyền đền này xây ở nơi bà Âu Cơ sinh ra "bọc trăm trứng".
Đền Trung
Muốn lên đền Trung phải đi từ đền Hạ thêm 170 bậc đá nữa, tới tầm cao quá lưng núi Nghĩa Lĩnh và ở về sườn núi phía nam. Ðền Trung có kiến trúc đơn giản, cao khoảng 3 mét, tường xây gạch, các xà kèo đều gối đầu vào tường. Theo truyền thuyết, đền Trung xây ở nơi các vua Hùng thường tề tựu các lạc hầu, lạc tướng hội bàn việc nước. Ðền Trung cũng là nơi Lang Liêu dâng vua cha "bánh dầy bánh chưng" cùng trình bày chủ thuyết nhân sinh quan, vũ trụ quan của ông trước triều đình. Về sau, đền Trung là nơi thờ cúng các vị Tổ Hùng.
Đền Thượng
Ðền Thượng nằm trên đỉnh ngọn núi Hùng, phải đi từ đền Trung lên thêm khoảng 100 bực đá. Công trình kiến trúc đền Thượng đã trải qua nhiều đời trùng tu. Có lẽ những di tích cổ kính ban đầu của thời dựng nước,chỉ còn lại một số: cột, bệ, trụ, gạch, nền bằng đá. Qua các thời chịu nạn xâm lăng: Tần, Hán, Ðường... và nhất là thời giặc Minh sau này, các di tích cổ bị phá hủy nhiều. Các di tích còn lại do dân Việt cất dấu, hoặc do sau cơn biến loạn còn sót lại nên tồn tại tới ngày nay.
 Theo lịch sử truyền miệng: đền Thượng thờ trời từ đầu thời đại nước Văn Lang. Tới đời Hùng thứ sáu (có thuyết nói thứ ba), vua lập đàn tế trời, cầu người tài giỏi để dẹp giặc Ân tại đền Thượng. Sau khi dẹp giặc xong thánh Gióng về trời, vua cũng đặt bàn thờ vọng tại đền này.
Lăng Vua Hùng
Lăng vua Hùng xây phía bên trái đền Thượng, tương truyền nơi này thời xưa là mộ vua Hùng thứ sáu, nay chỉ là ngôi mộ xây dựng lên để tỏ lòng tôn trọng, trước kia mộ bằng đất, phía trên có phiến đá. Tới năm 1847 mộ được tôn tạo với qui cách nhà mộ hình chữ nhật, có bốn cửa bốn phía, trên có bốn mái lửng, trên nữa là lầu giả có bốn mái chóp. Kích thước mộ vừa phải, chỉ giống như một tháp chuông, hay giống như một nhà bia, có lẽ các đời sau nên lưu tâm tôn tạo thêm nữa.
Cột đá thề
Cũng tại đền Thượng, đứng trước đền nhìn về phía trái, còn lưu giữ lại được một cột đá cổ gọi là " cột đá thề". Cột đá này là chứng tích khi vua Hùng thứ mười tám nhường nước cho Thục An Dương Vương, đã buộc Thục Phán thề trước cột đá tôn trọng sự nghiệp các thời Hùng. 
Dưới chân núi Hùng có giếng Ngọc (sau có xây nhà mái che). Cũng theo truyền thuyết kể lại: các con gái vua Hùng thường ra chơi soi bóng dưới mặt giếng. Có thể nơi này, xưa là nơi sinh hoạt hàng ngày của vợ con cùng gia đình nhà vua. Vì ở thời cổ, vợ và các con gái vua tham gia các công việc: giáo dục, chăn tằm, dệt vải, nấu ăn, chăn nuôi v..v...
Tổng thể đền Hùng cùng phong cảnh xung quanh, với các truyền thuyết đã có, để lại nhiều giá trị lịch sử. Quanh đền Hùng trong vòng bán kính năm chục cây số, ngành khảo cổ khám phá hàng trăm địa điểm có di tích nền văn minh cổ thời đại Văn Lang, chứng tỏ đền Hùng chính xác là trung tâm văn minh, là thủ đô thời đại Hồng Bàng, ít nhất cũng trải qua nhiều nghìn năm.
Việc trùng tu, kiến tạo đền Hùng, các chính quyền đời sau nên xây dựng, kiến trúc sao để có thể bảo vệ được các giá trị lịch sử, triết lý nền văn minh cổ của dân tộc. Ðền xứng đáng là nơi lưu giữ di sản muôn đời, toàn dân nhớ ngày mùng mười tháng ba: hội đền Hùng, người dân khắp trong nước, người dân Việt sống khắp bốn biển năm châu, bồi hồi ngưỡng mộ, tôn kính, hướng về nơi ghi dấu công ơn dựng xây giang sơn TỔ QUỐC VIỆT NAM.