Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

3. Huyền sử Mường


 Dân tộc Kinh có huyền sử "cha Rồng mẹ Tiên", dân tộc Mường cũng có huyền sử "Tẻe tất tẻe rắc" (Ðẻ đất đẻ nước).
Dân tộc Kinh và dân tộc Mường trước đây chỉ là một dân tộc. Khi nói "dân tộc Mường", ba tiếng nói này xét kỹ ra, không có ý nghĩa chỉ tên một dân tộc, vì chữ "mường" nguồn gốc ý nghĩa không phải là tên riêng một dân tộc.
Miền địa phương đất Tổ đền Hùng cùng khắp nơi trong nước có bốn câu ca dao hay được nhắc tới:
"Tổ Hùng là vị cha chung,
Trăm con ở khắp mường trong miền ngoài.
Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày hội Tổ: mùng mười tháng ba".
Người Mường thường dùng từ "mường" để chỉ một vùng, một miền, một xứ, một làng. Thí dụ họ nói: mường Thanh, mường Pi, mường Nang thì chỉ có nghĩa là họ nói: xứ Thanh, xứ Pi, xứ Nang. Dân sống ở miền có sông nước họ gọi là mường Nước. Với thế giới người chết thì được gọi là mường Ma. Thậm chí ở trên trời họ cũng gọi là mường Trời. Xét theo ngôn ngữ từ "mường" chỉ có nghĩa là "miền".
Tại các miền đồng bằng hội nhập nhiều sinh hoạt trù phú và nhiều chủng tộc trong cộng đồng dân tộc Việt, người Mường thường gọi các miền này là mường Chợ, mãi về sau này được gọi là dân tộc Kinh. Từ ngữ "Kinh" cũng không phải là tên riêng để chỉ riêng một dân tộc. Ðó là từ ngữ chỉ một sắc dân hợp chủng đa số là tộc Việt, đã sống hòa hợp lâu đời tại các miền đồng bằng thị tứ như các miền châu thổ sông Hồng, sông Mã, sông Cửu Long v..v...
Về ngôn ngữ trước đây giữa Việt và Mường cùng chung một ngôn ngữ, hiện nay hai ngôn ngữ có những nét rất giống nhau:
Hãy so sánh:
"Mơ chi eng piếng thùng oàng,
Thùng tôi nén pạc cho nàng cầm thay" (Mường).
Chuyển sang tiếng Việt là:
"Mơ chi anh biến thành vàng,
Thành đôi nén bạc cho nàng cầm tay".

"Thương thiết ơ lại thương nồng,
Thương pao như cun cút ngạo" (Mường).
Chuyển sang tiếng Việt là:
"Thương thiệt ơ lại thương nồng,
Thương sao như cun cúi quấn"

"Mần cun í chưa măng khang,
Mần lang í chưa măng chú măng còo
Cón măng tức thong noò
Cón măng khoò thong xân" (Mường).
Chuyển sang tiếng Việt là:
"Mần cun í chưa mang sang
Mần lang í chưa mang giàu mang có
Còn mang tức trong lòng
Còn mang khó trong tim"
Ðọc qua âm ngữ vài câu hát trên, ngôn ngữ ngày nay giữa Kinh và Mường nhiều dạng còn giống nhau, nhất là về văn phạm hầu như không có gì khác. Vì vậy nếu nói Kinh và Mường trước đây cùng chung nhau một ngôn ngữ là điều hoàn toàn đúng.
Từ cái gốc chung ngôn ngữ, sự tách biệt giữa Kinh và Mường đã diễn ra theo chiều dài lịch sử. Thoạt đầu những người Việt gốc Mường sống ở những miền đất đai có sự giao lưu nhiều, hòa hợp với các giống Việt khác như: Dao, Thái, Nùng, Mèo v..v... tạo nên sự pha trộn nhiều chủng tộc Bách Việt, kèm theo sự đa dạng ngôn ngữ, sau thành giống người Kinh nói tiếng Việt ngày nay.
Vì các lẽ đó muốn tìm hiểu huyền sử dân tộc Việt, không thể bỏ qua không tìm hiểu huyền sử dân tộc Mường.
Huyền sử Mường thường thấy các thầy mo (thầy cúng) phổ biến trong dân gian vào dịp cúng người chết. Khi ấy thầy mo có thể đọc một bài thơ thật dài theo giọng ngân nga của thầy cúng, nếu đầy đủ kéo dài tới mười hai đêm, nội dung thuật lại nguồn gốc cuộc sống con người: Từ lúc có trời đất, rồi có tổ tiên loài người, cách sinh hoạt, tổ chức trong quần thể loài người. Thầy mo ngâm thơ tụng như thế gọi là "mo rang" cho hồn người chết nghe và cho tất cả mọi người dự đám tang cùng nghe. Bài khấn tụng nói lên huyền sử đất nước, được đặt tên là "Tẻe tất tẻe rắc" (Ðẻ đất đẻ nước). Dưới đây là nội dung hết sức tóm lược bằng tiếng Việt:
"Thuở xa xưa khi còn chưa có trời đất. Cõi trời đất lúc ấy còn mung lung chưa phân biệt, kể cả thời tiết gió mưa cũng chưa có. Ðột nhiên có trận mưa lớn kéo dài, rồi từ khoảng trời đất mung lung hiện ra một cây khổng lồ có chín muơi cành. Những phần cành ở trên cùng có lá xanh biết cử động, biến hóa thành ông Thu Tha. Những phần cành ở lưng chừng cây khua động, phát ra tiếng nói đàn bà, rồi hóa thành bà Thu Thiên. Hai phần từng cành trời đất là lá của cây khổng lồ có những hiện tượng tự biến hóa, để ông Thu Tha thì thành ra bầu trời bao la, còn bà Thu Thiên thì hóa ra cõi đất. Dần dần cõi đất hấp thụ những tác động của bầu trời sinh ra: sông núi, cây cỏ, côn trùng và nhiều loài vật. Ở trên trời thuở ban đầu có nhiều mặt trời làm cho trái đất luôn luôn nắng hạn, khiến cây cỏ và các sinh vật không có đủ nước để sống. Bấy giờ có vị thần nước tên là Pồng Pêu mở lời cầu ước có một trận mưa thật lớn, hạt mưa to bằng trứng chim. Lời cầu ước của thần Pồng Pêu trở thành sự thật, trên trời cao đặc kín mây rồi có mưa to, lại có cun Sấm, nàng Sét tới trợ giúp làm cho mưa đã to càng to hơn, giông bão thật lớn. Trận mưa to kéo dài nhiều ngày, nước dâng ngập cả những núi đồi cao. Nhờ trận mưa to đất trở nên màu mỡ, mềm và tơi, bỗng từ lòng đất mọc lên một cây si. Cây si lớn rất nhanh, chỉ trong một ngày đã to lớn rất nhiều lại sinh ra bảy mươi cành. Từ trên cao trời thấy cây si lớn nhanh quá, trời sợ bóng cành lá của cây si sẽ tỏa ra che hết ánh nắng của trời, mà lúc ấy còn có nhiều mặt trời thi nhau tỏa ánh nắng xuống trần gian. Trời có ý muốn đạp cho cây si đổ, sau trời lại sợ cây si to lớn đổ sẽ làm chết nhiều sinh vật khác. Trời bèn tạo ra một loài sâu to và dài, bịt sắt vào răng sâu, rồi cho đàn sâu to dài hàng thước xuống trần đục ăn cây si. Cây si bị sâu nhà trời cắn phá nên dù to lớn cũng đổ nát. Thân cây si hóa thành rắn "lì kì lài cài" có chín tai, muời hai đầu, rất độc ác. Các lá cây si biến thành các giống vật hiền lành. Khi cây si đổ có tới 1.919 cành, mỗi cành biến thành đất của một mường, sau này thành ra tất cả các mường sống rải rác trong nước. Ðặc biệt có ba cành của cây si đổ hóa ra đầu mình và chân tay của bà Da Dần (bà Già Dần). Bà Da Dần biết ăn cơm và cá rồi bà đẻ được hai cái trứng, trứng nở ra được hai người con trai là cun Bướm Bạc và cun Bướm Bờ.
Bướm Bạc và Bướm Bờ ăn rất khỏe, mau lớn, trở thành hai chàng trai khỏe mạnh, diện mạo tuấn tú. Có một ngày từ trên trời bỗng xuất hiện mười hai nàng tiên bay xuống dưới trần gian chơi. Trong cuộc du chơi trần giới của các nàng tiên này, có nàng tiên Ả và nàng tiên Hai là hai nàng tiên xinh đẹp nhất trong số các nàng tiên xinh đẹp, trong khi ngắm cảnh lạ nơi trần gian, sông núi nhiều vẻ đẹp khác với vẻ đẹp trên trời, hai nàng đi dạo nhiều nơi nên đã gặp Bướm Bạc và Bướm Bờ. Lúc ấy hai chàng trai đang đi săn trong rừng núi. Hai nàng tiên hỏi chuyện hai chàng về mọi cảnh vật, muông thú, chim bướm... Rồi cùng vui chơi trò chuyện, mải mê: người dưới trần muốn biết chuyện trên trời, người trên trời cũng muốn hỏi cho biết mọi chuyện dưới trần, quên cả thời gian, hai nàng tiên khi chợt nhớ thì không còn biết các nàng tiên khác đã đi nơi đâu, lại cũng lạc mất lối đi tìm. Ngày dài đã hết, trên trời cao cửa nhà trời cũng đã đóng, nàng tiên Ả, nàng tiên Hai không còn biết làm cách nào để trở về trời. Hai nàng tiên đành phải ở lại trần gian, như hai mối lương duyên tiên giới và trần gian đầu tiên của loài người, vừa do ý trời và lòng người tác tạo. Nàng Ả trở thành vợ của Bướm Bạc và nàng Hai trở thành vợ của Bướm Bờ. Không bao lâu cả hai nàng đều có thai, mang thai lâu tới muời hai năm chín tháng, đẻ ra rất nhiều con. Nàng Ả đẻ ra các con về sau con cháu đều làm lang. Nàng Hai đẻ ra các con sau này các con cháu đều làm họ nhà dân. Tới lần sinh thứ mười, hai nàng không đẻ ra người mà sinh được hai trứng chim, gọi là trứng chim trống Tùng và trứng chim mái Tót, nở ra chim Tùng, chim Tót. Mới đầu hai chim Tùng, Tót sống mà không có chỗ đậu, không có chỗ ở cũng không có gì để ăn nên rất buồn, chỉ có ý định tìm cách để chết. Bà Da Dần thương hai chim là cháu nội của bà, nên dạy cho chim biết tìm sâu ăn, biết tìm chỗ đậu và biết tìm hang để ở.
Hai chim Tùng, Tót cũng lớn rất mau, biết đi khoét núi moi đá làm hang, tạo thành hang Trống và hang Hao. Hai chim lại đẻ được 1.919 cái trứng, đặc biệt có một trứng hình "bảy góc chín cạnh", ấp mãi trứng này vẫn không nở. Sau nhờ chim công tới ấp giúp nhiều ngày đêm, trứng vẫn không nở. Chim tào trào và chim chiền chiện là hai loại chim nhỏ, nhưng khi hai chim này tới ấp giúp, biết che bớt ánh sáng buổi sáng và buổi chiều nên trứng đã nở được. Trứng nở ra được các giống người: Lào, Kinh, Mường, Thái, Tày, Mèo... Trong số người do trứng nở ra có những nhân vật đặc biệt như các ông: Dịt Dàng (vua Việt), Lang Tà Cái, Lang Cun Cần, Bướm Khang, Sang Si, nàng Vạ Hai Chiếng và nàng Mằm. Người sau cùng khi nói ra điều gì cũng là điềm báo hiệu sẽ có việc xấu hoặc tai họa xảy ra. Nhiều người nguyền rủa khi nàng Mằm nói, nhưng cũng có nhiều người nghe nàng nói, e dè, cẩn trọng trong mọi việc làm nên giảm đi được nhiều tai ương.
Vì trên bầu trời có nhiều mặt trời, nhiều mặt trăng quá, có từ thuở mở trời dựng đất. Thần Cuông Minh Vàng Rậm và nàng Ả Sấm đã đúc ra các mặt trời, mặt trăng. Tất cả có chín mặt trời và muời hai mặt trăng. Kể từ khi cây si hóa ra bà Da Dần, kế tiếp các con bà là Bướm Bạc, Bướm Bờ sinh con đẻ cháu nên mặt đất có nhiều người. Mọi người thấy có quá nhiều mặt trời và mặt trăng rất trở ngại cho cuộc sống. Rất may trong số người sống vào thời ấy có người họ Ngao bắn nỏ rất giỏi. Ông họ Ngao được các mường cử ra bắn rơi tám mặt trời và muời một mặt trăng.
Về thời gian người ta nhờ có gà và vịt trời cho biết giờ giấc khi nghe tiếng gà gáy và vịt trời bay đi, bay về. Nhân đó ông Thu Tha và bà Thu Thiên dạy cho người ta biết cách chia ngày, tháng, năm (Dân Mường trước đây có nhiều nơi áp dụng thứ lịch và chữ viết riêng của người Mường, ngày Tết khoảng đầu tháng mười âm lịch, gần giống với dương lịch ngày nay. Người dân Mường có câu chuyện kể là: "Vào thời vua Hùng, vua đi chơi thuyền trên sông đánh rơi viên ngọc quí, cho người lặn xuống nước mò tìm mãi cũng không thấy ngọc. Sau có người dân Mường có tài tiên tri nói chắc rằng: vua không cần phải cho người tìm mò ngọc, rồi cũng sẽ thấy lại được ngọc. Quả nhiên sau có người tặng vua con cá chép lớn, khi sai người mổ bụng cá để làm đồ ăn, vua lại thấy lại ngọc quí. Phục tài nhà tiên tri, vua cho phép người này làm ra lịch, để cho dân gian biết ngày tháng và thời tiết, nắng, mưa áp dụng vào cuộc sống").
Tập thể xã hội loài người cần có tổ chức và có người chỉ huy. Ðầu tiên các mường mời ông Dịt Dàng làm lang, ông này không làm nổi lang. Sau các mường mời Lang Tà Cái, nhưng chỉ được ít hôm ông này cũng không làm nổi lang. Cuối cùng các mường mời Lang Cun Cần làm lang. Ông này có tài trị thú dữ, trừ ma quỉ nên đã làm được lang. (Lang Cun Cần trở thành nhân vật sống rất lâu, coi như bất tử trong huyền sử Mường, tương tự Lạc Long Quân của huyền sử Việt).
Trong mường có người đi săn vào rừng bắt được con rùa đen lớn. Rùa biết nói tiếng người, nó khẩn khoản xin người đi săn tha cho đừng giết làm thịt. Rùa hứa sẽ trả ơn bằng cách chỉ cho người biết cách làm nhà để ở. Rùa tự chỉ vào các bộ phận thuộc cơ thể của rùa như: mai rùa, vỉ bụng rùa và các thành phần tạo nên bộ phận khung bao quanh che chở cho cơ thể rùa, rồi giảng giải cho người đi săn biết cách về làm nhà để ở. Song rùa đen đã không thực tình giúp, nên rùa nói đi tìm cỏ, tre, gỗ non mà làm nhà ở, nhà làm xong chỉ ở đuợc vài ngày thì nhà đổ. Thấy thế người đi săn tức giận lại vào rừng tìm bắt rùa đen, lần này người đi săn không gặp rùa đen mà lại gặp một con rùa vàng lớn. Rùa vàng cũng năn nỉ van xin người đi săn tha cho đừng giết làm thịt. Rùa vàng cũng hứa dạy cho người biết cách làm nhà ở. Nhưng vật liệu làm nhà rùa vàng dặn người tìm các loại tre, gỗ, cỏ già cứng làm nhà, nhờ vậy nhà làm để ở, chắc chắn không còn bị đổ nữa. Từ đó mọi người biết cách làm nhà để ở.
Lang Cun Cần thấy dân chưa có nước sạch và lửa, lang sai Viếng Cu Linh (con bọ hung) tới nhà Tà Cắm Cọt để xin nước và lửa đem về. Trên đường về Viếng Cu Linh để nước thấm vào lửa làm lửa tắt. Viếng Cu Linh bị phạt, từ đấy phải sống dưới đống phân. Lang Cun Cần lại sai Tun Mun (con ruồi trâu) tới nhà Tà Cắm Cọt xin nước và lửa, khi xin lửa Tun Mun bay lẻn vào trong, nhìn biết Tà Cắm Cọt làm ra lửa bằng cách cọ sát nứa già vào nhau cho tóe ra lửa, lại lấy nứa khô tước nhỏ để gần cho bắt lửa. Sau khi xin được nước và lửa của Tà Cắm Cọt, Tun Mun cảm ơn rồi đem lửa về, giữa đường đi lửa cũng bị nước thấm vào làm tắt. Nhờ đã học được cách biết làm cho ra lửa, Tun Mun về dạy cho mọi người biết cách lấy lửa. Ðể ban thưởng cho Tun Mun, Lang Cun Cần cho phép Tun Mun đuợc phép hút máu trâu của người nuôi.
Có con chuột tía chuyên ăn lúa, nó biết ở nước vua Tiên có nàng Tiến Tiên Mái Lúa có giống lúa tốt. Chuột tía bảo cho người Mường biết mà đi xin giống lúa. Có nàng Dật Cái Dành là người đảm đang, chăm chỉ, được các mường cử đi xin giống lúa về trồng. Hổ và Trâu trước kia cùng sống ở trong rừng, có lần hổ mẹ nhờ trâu mẹ trông con hộ, hổ con sang ở chung với trâu con, vì nhớ mẹ hổ con khóc nhiều, làm cho trâu con tức giận húc chết hổ con. Khi về thấy hổ con chết, hổ mẹ tức giận đuổi mẹ con nhà trâu ra khỏi rừng. Bị đuổi, trâu đành phải tới ở với Lang Cun Cần để giúp việc cày bừa. Thằng Pập và thằng Bờm chăn trâu cho nhà lang, chẳng may để trâu đi lạc sang mường của Lang Khấm Dậm. Trong khi đi tìm trâu lạc, Pập và Bờm lén học được cách làm rượu về truyền cho mường biết cách làm rượu.
Lang Cun Cần muốn có vợ và muốn cưới nàng Vạ Hai Chiếng làm vợ. Mọi người dân trong mường can ngăn, vì là hai anh em cùng do trứng chim Tùng chim Tót nở ra. Lang Cun Cần không nghe, cứ lấy nàng Vạ Hai Chiếng, nên khi đẻ con chỉ đẻ được con ngây dại hoặc con chỉ sống được vài tháng rồi cũng chết. Lang Cun Cần cũng tự nhận thấy sự sai lầm, nên đã cưới các vợ khác là:
Nàng Vậm Ðầu Ðất con vua Binh Lạc.
Nàng Vạc Cuối Trời con vua mường Nước.
Nàng Ả Sao Ả Sáng Ả Rạng con vua mường Trời.
Nàng Ả Mái con một thường dân người Mường.
Sau khi cưới vợ đã lâu ngày, các vợ của Lang Cun Cần không có con, phải nhờ bà mụ Rỏ hái cỏ cây làm thuốc cho uống, các vợ của Lang Cun Cần mới có thai và đẻ con:
Nàng Vậm Ðầu Ðất đẻ ra Cun Tồi.
Nàng Vạc Cuối Trời đẻ ra Cun Tàng.
Nàng Ả Sao Ả Sáng Ả Rạng đẻ ra Lang Cun Khương.
Nàng Ả Mái đẻ ra Toóng In.
(Toóng In sau xúi dục Cun Tồi, Cun Tàng nổi loạn, bị Lang Cun Khương nhờ trời diệt trừ bắt giết. Hồn Toóng In xuống thủy phủ lại đem thủy quái về gây thù báo oán tạo tai họa ngập lụt vào mùa mưa hàng năm liên miên).
Các người con của Lang Cun Cần nói trên, so sánh tài năng, đức hạnh, chỉ có Lang Cun Khương là người có khả năng hơn cả. Vào giai đoạn cuối của huyền sử "Tẻe tất tẻe rắc", Lang Cun Khương được dân Mường cử lên làm lang coi mường. Ở trong mường có chàng trai khỏe mạnh, thông minh, giàu óc mạo hiểm, yêu chuộng các tìm tòi khám phá mới. Chàng thường vào rừng sâu, đi tới những nơi chưa có ai đi tới, nhờ vậy chàng tìm thấy cây lạ: cành lá trên cây đều là các kim loại tỏa ra ánh sáng lấp lánh, sáng chói. Nghe biết được chuyện có cây quí lạ trong rừng xa, nhà lang nhờ chàng trai dẫn đường tìm được một cây quí trong rừng, đó là: "cây chu là lá chu đồng bông thau quả thiếc" (ngụ ý cuộc sống chuyển sang thời đại đồng thau). Kể từ khi ấy trở đi, trên là nhà lang cho tới xuống mọi người dân, giàu hay nghèo, khắp trong dân Mường có đời sống trù phú hơn, sung sướng hơn, các sinh hoạt được mở rộng. Sau nữa dân lo liệu quần áo, kiệu cờ rước Lang Cun Khương về nơi "đồng chì tam quan kẻ chợ" để làm vua".
Huyền sử "Ðẻ đất đẻ nước" của dân tộc Mường tóm lược như trên đã phải lược bỏ hầu hết các chi tiết, sự việc, tên người, tên đất. Ngay cả nội dung chính cũng nhiều chỗ phải lược bỏ bớt. Nếu thuật lại đầy đủ phải mất hàng trăm trang giấy. Xét tới huyền sử dân tộc Việt mà không nói tới huyền sử Mường là điều thiếu sót. Nói cho đúng và xác thực, huyền sử Mường cũng chỉ là một trong hàng chục huyền sử khác của nhiều dân tộc khác cùng thuộc chủng tộc Việt. Khi xét ý nghĩa các huyền sử Việt, nên khách quan có nhận định chung: nhiều dân tộc Việt đều có huyền sử riêng, nhưng mang tính chung cội nguồn đều là giống Bách Việt. Thí dụ huyền sử Mèo (Hmông) có nét đặc trưng rất giống huyền sử Việt, hơn cả huyền sử Mường, vì ý chính nội dung cũng là:
"Sau một trận mưa lụt lớn, loài người chết hết chỉ còn hai anh em một gia đình sống sót, nhờ chui vào một quả bầu khô lớn nổi trên nước. Trời thương tình cho hai anh em thành vợ chồng. Khi có thai tới kỳ sinh nở, người vợ đẻ ra một "cục thịt", định đem quăng bỏ, bỗng nghe từ trên trời có tiếng nói bảo đem băm nhỏ thành trăm mảnh, bèn làm theo lời trời dạy. Qua một đêm "trăm cục thịt nhỏ" biến thành "trăm người con".
Huyền sử Mèo cũng có trăm con giống huyền sử Việt. Ngoài ra các dân tộc Việt nói chung, đều có huyền sử coi các dân tộc cận chủng tộc cùng là chủng tộc Việt, dù khác ngôn ngữ, cũng có tình anh em "trăm con chung một bọc".
Dân tộc Việt ngày nay gồm nhiều chủng tộc Việt kết hợp, các huyền sử của trên năm chục tộc Việt đang sinh sống trong phạm vi đất Việt đều đáng tôn trọng và cũng đều góp phần ý nghĩa vào huyền sử chung dân tộc. Giá trị ý nghĩa ấy là sự tương thân đoàn kết, bình đẳng, trong tình đồng bào ai ai cũng thắm thiết thương nhau như tình ruột thịt.