Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

11. Thần Rùa Vàng.

"Ðại Việt sử ký toàn thư" viết: "Vua Hùng có người con gái Mệ Nàng xinh đẹp, vua Thục nghe tin ấy tới xin cưới, vua Hùng toan nghe theo. Hùng hầu can nhà vua: Hắn muốn lấy nước ta mượn cớ hôn nhân đó thôi. Bị từ chối, vua Thục ngậm hờn. Ðời Thục Phán có sức khỏe và mưu lược bèn đánh lấy nước Văn Lang".
Có hai nguyên nhân đáng nêu ra khiến thời đại Hồng Bàng chấm dứt và nước Văn Lang bị mất:
Nước của Thục Phán là nước cũng thuộc giòng Bách Việt, thống nhất được nhiều nước, nhiều bộ lạc miền tây bắc nên trở nên hùng mạnh.
Thục Phán muốn cưới con gái Hùng Vương để nhân cớ vua Hùng không có con trai, sẽ thừa kế gồm thâu cai trị nước Văn Lang.
Xuyên qua địa bàn cùng các truyện tích kể về các hoạt động do lực lượng tấn công của Thục Phán đánh nước Văn Lang, chứng tỏ Phán đầy đủ sức mạnh cả về bộ binh lẫn thủy binh. Có những giòng sử thuật: trước đời Thục Phán đã có việc vua nước Thục cầu hôn nhưng không thành. Tới đời Thục Phán sau khi cầu hôn không được, Phán huy động vũ lực tấn công nước Văn Lang. Với ý chí nuôi hận, Thục Phán lợi dụng tất cả những ưu thế sức mạnh có lợi cho sự tấn công. Ông không từ khước áp dụng các chiến lược vũ công bạo lực và thời cơ dẫn tới chiến thắng, dù trong lúc muôn dân đang bị thiên tai bão lụt và có gieo rắc nhiều thảm họa cho dân vô tội.
Các lực lượng tấn công của Thục Phán thường chia thành nhiều mũi nhọn. Từ mạn núi rừng phía tây giáp nước Dạ Lang (Lào), bọc quanh miền rừng núi đông bắc, đều có thể trở thành các mũi tấn công vào nước Văn Lang. Về thời gian và thời tiết, Thục Phán chủ động xuất kích, huy động tấn công thủy binh vào lúc mùa mưa nước lụt dâng cao, dễ điều động thủy quân. Ðúng vào lúc dân và triều đình nước Văn Lang phải lo đối phó với nạn nước lụt, sức chống giặc bị hạn chế rất nhiều.
Vị trí Cổ Loa là trung tâm quan trọng chỉ đạo chiến tranh, tập trung cùng huấn luyện quân thủy, quân bộ, có những thủy đạo thuận tiện, nhanh chóng để các binh thuyền tiến thẳng vào nhiều nơi tại nước Văn Lang. Cổ Loa có lẽ được củng cố, xây đắp, ngay từ khi Thục Phán phát động chiến tranh, dù sau này khi chiến tranh kết thúc, thành mới thực sự được xây hoàn hảo.
Cuộc hôn nhân giữa Tản Viên và Mị Nương (hay Mệ Nàng) con gái vua Hùng thứ mười tám là sự hôn phối hợp lý. Tản Viên đã mang lễ phẩm hôn nhân tới trước, xứng đáng là chàng rể đúng theo ước hẹn của nhà vua. Cả vua Hùng và Mị Nương đều muốn Tản Viên làm rể trong việc kén chọn. Vua Hùng cũng không thể trao gả con gái cho Thục Phán, vì nếu Thục Phán cưới được Mị Nương là tương lai đất nước Văn Lang phải sống dưới quyền ngự trị của Thục Phán. Xét tình hình buổi đầu của đất nước cùng sự quyết định của vua Hùng thứ 18 về việc gả con, không có điều gì là không thuận lý.
Triều đình cùng toàn dân nước Văn Lang đều cảm mến Tản Viên. Và Tản Viên cũng huy động được lực lượng quân bị và chỉ đạo nhiều trận đánh chiến thắng quân Thục Phán. Nhưng chiến thắng của ông chưa thể tận diệt được mầm chiến tranh kéo dài, do đối phương phục hận. Việc điều quân đánh các bộ lạc có trang bị quân sự tại miền tây bắc suốt trong lịch sử Việt từ trước về sau là khó khăn, vì trở ngại núi rừng, sông thác, nên có tiến quân, song rất khó vận chuyển tiếp tế lương thực, không thể nào thực sự chiến thắng được các toán quân chia nhỏ ẩn sâu trong rừng núi. Cách dùng người dùng binh biết lựa thời cơ tấn công vào Văn Lang khi nước lụt của Thục Phán, so với tài kinh bang tế thế của Tản Viên, cả hai xứng đáng là kỳ phùng địch thủ của nhau, thực tỏ ra ngang tài ngang sức.
Chiến tranh ruột thịt tương tàn, giữa hai chủng tộc Việt tương cận, lại cùng sống chung trên giải giang sơn đất nước Việt kéo dài mãi, sẽ có lúc đại họa ập tới. Quân của một nước cường địch từ phương xa tràn tới bờ cõi, lúc ấy cả muôn dân trăm họ, dù là Lạc Việt hay Âu Việt, cũng cùng chung họa tang thương mất nước.
Ðể giải quyết cuộc chiến tranh nội bộ không lối thoát, tránh đại họa cho dân tộc và đất nước, Tản Viên tin tưởng: bạo lực không khuất phục được chân lý, không thay đổi được lương tâm cùng tình cảm con người. Một dân tộc như dân tộc Văn Lang có nền văn hiến khá cao và lâu đời, một dân tộc đã sản xuất những con người như: thánh Gióng, Chử Ðồng Tử, Lang Liêu sẽ mãi mãi phải còn tồn tại. Ðược chấm dứt chiến tranh dù ông không được thừa kế ngôi vua, nhưng trong tương lai nước Âu Việt có thể được dân nước Lạc Việt cảm hóa để cùng chung sống trong nền văn minh thanh bình truyền thống nguồn cội tốt đẹp. Như vậy việc chấm dứt chiến tranh thành lập nước Âu Lạc đã diễn ra trong thanh bình. Thục Phán được vua Hùng nhường ngôi, lấy hiệu là An Dương Vương và Thục Phán đã phải thề trước cột Ðá Thề những lời thề: "Nguyện có trời cao lồng lộng chứng giám xét soi, xin đời đời giữ gìn non sông bền vững, trông nom miếu vũ họ Hùng, sai thề sẽ bị trăng vùi gió dập".

Ngoài ra An Dương Vương còn cho lập đền thờ và lăng mộ cha mẹ Tản Viên tại động Lăng Xương, để tỏ lòng nhớ ơn Tản Viên đã khuyên vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán.
Sự chấm dứt thời đại Hồng Bàng với mười tám triều Hùng trị vì đất nước Văn Lang, từng kéo dài 2622 năm, ngày nay tại đền Hùng còn để lại một "cột Ðá Thề" với biết bao niềm tưởng niệm ngậm ngùi của muôn nghìn thế hệ đời sau.
Thục Phán thành lập nước Âu Lạc, có thủ đô Cổ Loa vững vàng, nhưng sách sử không sưu tầm được nhiều những công trình chính trị, xã hội, văn hóa có giá trị trong thời gian năm mươi năm cai trị nước của An Dương Vương. Có lẽ do ông phải đảm nhận sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn có nhiều diễn biến khắc nghiệt. Nửa thế kỷ ông làm vua nước Âu Lạc từ năm 257 tới năm 207 trước công nguyên, tại miền lục địa lớn ở châu Á là Trung Hoa đã diễn ra biến chuyển: Tần Thủy Hoàng cai trị một nước chư hầu ở phía tây trở thành lớn mạnh, đã chinh phục toàn cõi Trung Hoa, xóa bỏ chế độ phong điền kiến địa nhà Chu. Sự việc ấy tạo ra các nguyên nhân, trực hoặc gián tiếp, ảnh hưởng lớn tới chính sách cùng sự nghiệp An Dương Vương tại Âu Lạc. Ngay cả lãnh thổ đất nước, buổi đầu rộng lớn về sau bị Tần xâm lấn dần cũng bị thu nhỏ lại.
Qua một số truyện tích sắp được trích dẫn, xét ra Thục Phán không phải là nhà chính trị có biệt tài, thời gian ông ngự trị ngai vàng chỉ áp dụng chính sách sức mạnh và uy quyền, để giữ nước trị dân. Ông tổ chức lực lượng quân đội hùng mạnh với thành cao hào sâu, nhưng chỉ để phòng thủ có tính thụ động, không thấy sử nói ông có bất cứ chiến tích anh hùng nào đánh thắng được quân Tần. Sự thất bại của Ðồ Thư do tiềm năng kháng cự nhiều nơi của dân Việt, chứ không thấy nói lực lượng chính do quân đội nhà nước Âu Lạc chiến thắng. Trận chiến giữa An Dương Vương và Triệu Ðà có nói tới sức mạnh "nỏ Thần", nhưng đó chỉ là khi nhà Tần đã đang đà sụp đổ. Sự nghiệp đáng kể nhất của ông còn ghi dấu là thành Cổ Loa cùng "nỏ Thần".
Thành Cổ Loa được xây cách nay hơn hai nghìn năm, dấu tích nền, móng chân thành, những địa thế: gò, bãi, cồn, ao, sông, hồ cùng những hình thể cấu tạo nên tòa thành cổ vĩ đại cho thấy, xét về chứng tích, công sức người, tiền của của thời ấy so với những thời sau, ở nước Việt không có kiến trúc thành lũy nào hơn.
Theo "Lĩnh Nam chích quái" khi xây dựng thành Cổ Loa đã có những diễn biến:
"Phán muốn hoàn thành ý chí của tổ tiên, cử binh đánh vua Hùng, diệt nước Văn Lang, cải hiệu là Âu Lạc, đắp thành ở đất Việt Thường. Thành đắp xong lại sập. Vương (Thục Phán) lập đàn trai giới cầu đảo ba tháng bỗng thấy một ông già theo hướng tây đến thẳng cửa thành, vừa đi vừa than:
- Xây đắp thành này thì bao giờ cho xong?
Vương rước vào ngồi trên điện lạy và khóc:
- Ta đắp thành này sắp xong lại bị đổ, hao công tốn sức mà rồi lại không thành là tại sao?
Ông già thưa:
- Ngày nào có sứ giả Thanh Giang cùng đắp với nhà vua thì thành mới xong. Nói xong cáo từ.
Sáng hôm sau vua đứng ở cửa sông trông ra thấy một con Rùa Vàng theo hướng đông bơi lại. Rùa đứng trên mặt nước, nói được tiếng người ta, tự xưng là sứ giả Thanh Giang biết rõ lẽ trời đất, âm dương, quỉ thần. Nhà vua mừng nói:
- Ðiều đó đã có ông già bảo cho ta biết. Bèn sai lấy kiệu vàng rồi rước Rùa vào trong thành mời ngồi trên điện, rồi lại hỏi vì cớ gì mà thành đắp không xong? Rùa Vàng nói:
- Ở đây có linh khí núi sông con vua trước phụ vào để báo thù nước, lại có con gà trắng sống nghìn năm, hóa làm yêu tinh ẩn ở núi Thất Diệu (thuộc huyện Yên Phong, Bắc Ninh). Tại núi có quỉ. Nguyên trước có một nhạc công chôn tại đó hóa ra quỉ. Ở gần đó có cái quán cho hành khách qua lại ngủ nhờ. Chủ quán tên là Ngộ Không có đứa con gái và con gà trắng là dư khí của quỉ thần. Hễ có khách đi qua ngủ nhờ, quỉ tinh hóa ra thiên hình vạn trạng mà giết. Bây giờ nên bắt con gà trắng và con gái của chủ quán mà giết đi, tinh quái sẽ hết. Nhưng chắc sau đó lại hóa ra yêu thư, sai chim Si Hưu ngậm thư bay lên cây chiên đàn, tâu với thượng đế để xin phá thành đi. Thần này xin cắn cho rơi thư ấy, nhà vua lập tức thu lấy, tất nhiên thành đắp mới xong.
Rùa Vàng bảo nhà vua giả làm khách đi đường xin vào ngủ trọ trong quán. Nhà vua để Rùa Vàng trên ngưỡng cửa.
Chủ quán Ngộ Không nói:
- Quán này có yêu tinh đêm thường giết người, không nên ở lại, trời cũng chưa tối, nên đi chỗ khác để tránh khỏi họa.
Nhà vua cười nói:
- Sống chết có mệnh ma quỉ mà làm gì! Ta không sợ. Và nhà vua ngủ lại. Tới đêm khuya có quỉ tinh tới gọi cửa:
- Ai ở trong nhà phải mở cửa ra mau!
Rùa Vàng mắng:
- Cửa đóng thì mày làm gì nào?
Quỉ tinh phóng lửa ra biến hóa nhiều phép để khủng bố, nhưng cuối cùng cũng không vào được trong nhà. Ðến sáng có tiếng gà gáy, tinh khí các quỉ đều tan chạy. Rùa Vàng bảo nhà vua đuổi đến núi Thất Diệu, tinh khí quỉ tan biến vào núi hết. Nhà vua trở lại quán trọ.
Sáng ngày ra chủ quán đem người đến để chôn thi thể của khách ngủ lại đêm qua, thấy nhà vua ngồi đó nói cười như không có gì cả. Chủ quán tới vái lạy nói:
- Ðược như thế tức là thánh nhân rồi, xin đem pháp thuật linh để cứu các sinh linh.
Vua bảo:
- Hãy giết con gà trắng của ngươi đi mà cúng thì yêu quỉ tan hết.
Chủ quán Ngộ Không đem giết con gà trắng, tự nhiên đứa con gái cũng ngã nhào xuống mà chết. Vua bèn sai người đào tại núi Thất Diệu thì được nhạc khí thời cổ và một hài cốt, lại sai đốt thành tro mà quẳng xuống sông.
Tới buổi chiều nhà vua cùng Rùa Vàng đi lên núi Việt Thường, tinh quỉ đã hóa ra chim Si Hưu ngậm sách bay lên cây chiên đàn. Rùa Vàng bèn hóa ra con chuột bò theo sau cắn chân chim làm sách bị rơi xuống đất. Vua tìm nhặt lấy thì sách đã bị sâu ăn một nửa.
Từ đó tinh khí quỉ tan hết không còn hiện ra phá hoại.
An Dương Vương cho đắp thành nửa tháng đã xong. Thành dài và rộng nghìn trượng, xoáy tròn như hình con ốc, đặt tên là thành Tư Long. Thời nhà Ðường về sau gọi thành này là Sát Quỉ Côn Lôn, vì thành có vẻ cao lớn đáng sợ.
Rùa Vàng ở lại với nhà vua ba năm rồi cáo từ về. Nhà vua nói:
- Nhờ ơn của người thành đã vững chắc, nếu có giặc ở ngoài vào đánh, biết lấy gì mà chống đỡ?
Rùa Vàng thưa:
- Vận nước ngắn hay dài, non sông an hay nguy là vận của trời, nhưng nếu người biết tu đức thì có thể lâu dài được. Vua đã có lòng mong ước, tôi đâu dám tiếc. Bèn cởi cái móng chân đưa cho vua mà nói:
- Nếu có giặc đến dùng móng này làm lẫy bắn nỏ đánh giặc thì không có gì đáng lo.
Nói xong Rùa ra về miền biển đông.
Vua sai bề tôi là Cao Lỗ làm nỏ, lấy móng Rùa, làm máy, lấy tên là "Nỏ Thiêng móng Rùa"(nguyên văn là: Linh quang Kim trảo Thần Nỗ). Sau đó Triệu Ðà đem quân tới xâm lăng cùng nhà vua giao chiến, vua đem nỏ Thần ra bắn, quân Triệu Ðà bị tan vỡ thua chạy, đóng đồn ở núi Trâu Sơn, đối diện với nhà vua. Triệu Ðà biết nhà vua có nỏ Thần không dám gây chiến nữa cho sứ tới giảng hòa. Nhà vua mừng, cắt từ sông Tiểu Giang trở về bắc cho Triệu Ðà cai trị, từ phía nam sông do nhà vua cai trị. (Có sách chú thich Tiểu Giang, sau gọi là Thiên Ðức, tức sông Ðuống chảy ngang tỉnh Bắc Ninh, là một nhánh sông Hồng chảy xuống sông Thái Bình. Việc cắt đất này cho thấy Triệu Ðà đã lấn chiếm đất Âu Lạc rất nhiều. Thành Cổ Loa có con sông Cà Lồ chảy vào hơi bao quanh cũng rất gần với sông Tiểu Giang).
Ðược ít lâu Triệu Ðà lại cho con sang làm túc vệ, xin được cầu hôn lấy con gái Thục Phán tên là Mỵ Châu. Nhà vua không ngờ gian kế của Triệu Ðà nên thuận cho. Con Triệu Ðà là Trọng Thủy dụ dỗ Mỵ Châu cho xem trộm Nỏ Thần, rồi lén đem lẫy nỏ giả đổi lấy lẫy nỏ bằng vuốt Rùa dấu đi. Sau đó lại nói với Mỵ Châu là phải về thăm cha mẹ và dặn dò thêm:
- Tình phu phụ không nỡ quên, ơn phụ tử cũng không thể bỏ, ta nay về thăm cha mẹ mà hai nước vạn nhất xảy ra chuyện bất hòa, nam bắc cách biệt, ta trở lại tìm nàng thì nàng lấy gì làm dấu hiệu cho ta biết mà tìm?
Mỵ Châu nói:
- Thiếp là phận nhi nữ gặp bước phân ly thật khó mà thắng được tình cảm. Thiếp có chiếc áo choàng gấm bằng lông ngỗng thường mang trên người, đến lúc ấy thiếp lấy lông ngỗng mà rắc ở các ngã ba để chỉ cho chàng biết chỗ thiếp đi mà đến cứu.
Trọng Thủy từ tạ, đem lẫy nỏ lấy cắp được về báo cho Triệu Ðà. Ðà rất mừng liền phát binh đánh An Dương Vương. Nhà vua không lo phòng bị, đang ngồi đánh cờ, nghe tin cười nói:
- Ðà không sợ Nỏ Thần của ta sao?
Khi quân Triệu Ðà tiến tới gần, nhà vua xách Nỏ Thần ra bắn thì không còn linh nghiệm. Quân sĩ sợ chạy tán loạn.
Vua cho Mỵ Châu cùng lên ngựa chạy về hướng nam, đến bờ biển cùng đường không có thuyền, nhà vua lớn tiếng than:
- Trời để mất ta sao? Giang Sứ ở đâu mau tới cứu ta!
Bỗng Rùa Vàng nổi lên trên mặt nước mắng rằng:
- Người cưỡi ngựa ngồi sau lưng là giặc đó, hãy giết nó ta mới cứu.
Nhà vua bèn tuốt gươm chém Mỵ Châu.
Mỵ Châu ngửa mặt lên trời cầu xin:
- Thiếp là con gái nếu có lòng phản nghịch mưu hại tới phụ thân thời chết hóa thành bụi trần, bằng như một lòng trung tín, chỉ vì bị lừa gạt thì cho biến thành ngọc trai để rửa cái thù nhục nhã này.
Mỵ Châu chết tại bờ biển, máu chảy xuống nước, trai, sò biển ăn vào hóa thành loại ngọc minh châu (từ Thanh Hóa theo quốc lộ 1 hướng về phía thành phố Vinh và cách khoảng 40 cây số thì tới núi Mộ Dạ, từ xa nhìn một phía núi, có chỗ núi giống hình con công xòe cánh, nên dân nơi này gọi là núi Cuông, trên núi có đền thờ An Duơng Vương, cũng gọi là đền Cuông. Ở Biên Sơn từ Thanh Hóa theo hướng nam vào khoảng 60 cây số, đối diện với hòn Mê ngoài biển, cũng có đền thờ Mỵ Châu).
Thục Phán được Rùa Vàng cho sừng vân tê rẽ nước xuống biển.
Đền thờ Thục An Dương Vương
Triệu Ðà đem quân đuổi theo vua Thục chỉ thấy Mỵ Châu đã chết. Trọng Thủy đem thây nàng về chôn tại Loa thành, cạnh giếng ngọc. Trọng Thủy thương xót vô cùng, sau cũng nhảy xuống giếng mà chết. Tương truyền sau này ai mò được ngọc trai tại biển Ðông, đem về lấy nước giếng ngọc tại Cổ Loa rửa, ngọc trai sẽ đẹp và sáng thêm".
(theo "Lĩnh Nam chích quái")
Nước mất, con gái chết, thân cũng không còn sống trên đời, khi phải đối địch với cường Tần là nước mạnh, Thục Phán chưa đến nỗi hoàn toàn mất nước, thực đáng buồn, chỉ với Triệu Ðà mượn hơi người khi Tần đã kiệt sức, vậy mà Thục Phán bị mất nước. Nguyên nhân do ở cơ năng thời gian biến đổi sự thế hay lỗi ở Phán?
Nước Âu Lạc bị xóa đi để sát nhập vào nước mới, dưới sự cai trị của Triệu Ðà, lấy tên là nước Nam Việt. Về dân số và địa lý, nước Nam Việt lớn hơn nhiều so với nước Âu Lạc khi sắp chấm dứt.
Suy theo từ trước, khi quận Nam Hải do Nhâm Ngao coi gồm sáu huyện là: Phiên Ngu, Bác La, Trung Túc, Long Xuyên, Tứ Hội và Yết Dương, thì Triệu Ðà được giao coi huyện Long Xuyên. Nhờ gặp nhiều cơ hội thuận lợi, lại biết quyền biến khi Tần sụp đổ, Triệu Ðà lúc đầu chỉ là viên huyện lệnh, chức nhỏ, sau lên làm vua nhưng toàn cõi đất nước, dân đều toàn là người các giống Việt sống trên đất Việt.
Huyền thoại Rùa Vàng hiện ra lúc Thục Phán xây thành lập nước và tới khi Thục Phán nhờ sừng vân tê rẽ nước xuống biển (hiểu đúng sự thực là nhảy xuống biển tự tử) lại một lần nữa Rùa Vàng hiện ra. Sự biến hiện của Rùa Vàng linh nghiệm hơn ngọc tỷ hộ quốc. Vì chính Rùa Vàng đã dạy Thục Phán đắp thành giữ nước cùng nói rõ sự phạm vào nhược điểm làm mất nước.
Truớc khi ông tự tử, Thục Phán giết con gái, nếu không vì tâm trí hoảng loạn, tất là điều thô bạo, hoàn toàn thiếu thông minh và lòng nhân ái của đấng từ phụ. - Nên đổ lỗi cho Rùa Vàng huyền sử sui khiến ông giết con, hay đúng theo thực tế việc giết con chỉ do lỗi quẫn chí cùng đường của ông? Ðường gươm oan nghiệt Thục Phán chém con gái, ngoài bi kịch tình sử, liệu còn có để hậu quả đau lòng cho cả những trang sử về sau? Sự mất nước không phải lỗi tại Mỵ Châu. Nàng là người con gái nhiều tình cảm, biết vâng lời cha và tin lời chồng, chắc chắn nếu Thục Phán không gả Mỵ Châu cho Trọng Thủy, tất không có nội gián là con rể (dù cho xét chí tình chỉ là sự hàm oan). Phán là người chỉ biết nghĩ và áp dụng những kế hoạch không theo đúng được lời dạy của thần Rùa Vàng. Lật ngược vấn đề cũng nên xét: Trọng Thủy có phải là người táng tận lương tâm đành lòng làm nội gián khiến Mỵ Châu bị giết, tiếp theo với bao hậu quả tang thương đau lòng khác?
Lược bỏ những hoang đường thần thoại, có thể thần Rùa Vàng chỉ là những phương thức được khắc chữ trên mai rùa. Có lẽ do may mắn nào đó, Thục Phán tìm thấy rùa có khắc chữ "khoa đẩu" trên mai rùa ở một dòng sông, nên mới có tên là Giang Sứ hay sứ giả Thanh Giang. Và những giòng chữ khắc trên mai rùa chính là học thuyết trị quốc từ thời Hồng Bàng trước kia truyền lại.
Từ thuở Lang Liêu trình bày luận thuyết nhân sinh, phần cơ bản là chế độ dân chủ xã thôn tự trị, trên chế độ xã thôn là hệ thống giao hiếu, dần cao hơn là hệ thống liên bang thành lập nước. Ðiều đáng nói là thuyết nhân sinh của Lang Liêu bảo đảm được:
-Người là vàng, của là ngãi (của cải là phương tiện chỉ nên sử dụng nâng cao cuộc sống xã hội).
-Sống ở làng sang ở nước (đời sống người dân đặt trên hạ tầng cơ sở, khi là người tài đức được sử dụng trên thượng từng kiến trúc xã hội).
-Ơn vua giấy vàng, ơn làng giấy trắng (có công với nước được đãi ngộ xứng đáng, có công với cộng đồng quê hương chỉ nên coi như bổn phận).
-Phép vua thua lệ làng (tôn trọng nguyên tắc dân chủ, đặt quyền lợi của nhân dân lên trên quyền lợi hệ thống triều đình, theo quan niệm: tổn thượng ích hạ, viết : ích ; tổn hạ ích thượng, viết: tổn (kẻ bề trên bị thiệt người ở dưới có lợi, là điều ích lợi nên làm ; người ở dưới bị thiệt kẻ bề trên có lợi, là điều tổn hại không nên làm). Xét cho thực sự ích lợi thiết thực đối với cuộc sống: hệ thống cầm quyền bên trên do dân mà có, nhờ dân nuôi mà sống, mục đích chính là để phục vụ dân và chỉ là một tỷ lệ nhân sự rất ít so với con số đông đảo đại đa số nhân dân. Sự vụ lợi của kẻ trên, hiển nhiên là sự phản bội dẫn đến tai họa tự diệt đối với toàn dân và nguy hiểm trước tiên đối với bộ phận cầm quyền chế độ.
Nhờ những nguyên tắc trên, tinh thần dân chủ và sức mạnh nhân dân tạo nên những sức mạnh kiến quốc và hộ quốc phi thường.
Ngoài việc Rùa Vàng hiện lên tự nhận là sứ giả Thanh Giang, còn có những hoang đường: "Tinh khí núi sông cùng con vua trước hiển linh để báo thù nước; gà trắng sống nghìn năm ở núi Thất Diệu; hài cốt nhạc công chết hóa thành quỉ; chim Si Hưu ngậm thư bay lên cây chiên đàn v..v..."
Các sự việc hoang đường ở huyền sử, có nhiều việc ngụ ý chống lại việc xây thành Cổ Loa. Nhưng những hoang đường ấy tượng trưng cho những giá trị và ý nghĩa gì? Có thể giải thích: đó là lòng người lòng dân mến nhớ lại các thời Hùng của nước Văn Lang, muốn chống lại đời sống hà khắc của triều đình Âu Lạc. Hài cốt nhạc công, gà trắng hóa thành quỉ, thành yêu tinh như tượng trưng cho nền âm nhạc cùng sinh hoạt nhân dân không phù hợp với chính thể mới. Núi Thất Diệu là ngọn núi nhiều nghìn năm sau, kể cả cho tới ngày nay, còn để lại các di tích thời Hùng. Con gái chủ quán Ngộ Không cùng với yêu quái hại người, ngụ ý nói các quán xá, trạm dịch trong hệ thống bắt dân phu đắp thành Cổ Loa tổ chức không được kiện toàn, dân phu oán than vì bị lao động quá sức, bệnh tật, chết chóc. Lại có những sự việc như chim Si Hưu cắp thư lên tâu thượng đế, tưởng như việc đắp thành của An Dương Vương lòng người đồ thán và lòng trời cũng không dung.
Rùa Vàng tận tình giúp đỡ An Dương Vương, mọi sự lộng hành của ma quỉ cản trở việc đắp thành đều bị giải trừ.
Nhiều việc diễn ra được hiểu như: buổi đầu An Dương Vương trị nước bằng sức mạnh uy vũ, dân sợ và làm việc theo sự cưỡng chế. Dần dần dân chịu đựng nhiều từng chỉ huy áp chế, nhiều khổ ải chồng chất, dân bất mãn, thụ động, tiêu cực, tiến tới ngấm ngầm chống lại chế độ. Muốn chế độ tồn tại, An Dương Vương thay đổi chính sách cai trị áp dụng một số phương thức chăm sóc dân của các đời Hùng để lại, đó cũng là phương thức trị dân khắc trên mai rùa. Có thể mai rùa ghi học thuyết trị quốc an dân ở thời xưa được nhiều người cho là thần linh phán truyền. Từ đó dẫn tới huyền thoại Rùa Vàng biết nói tiếng người. Nhờ có Rùa Vàng một số các chính sách thay đổi khiến An Dương Vương nhận được thành quả.
Khi đã lợi dụng được, An Dương Vương lại muốn lợi dụng nhiều hơn, lưu tâm những gì có lợi nhất cho thể chế quân quyền ngai vàng của ông. Ông chống lại các giá trị văn hóa, nếp sống của dân Văn Lang, những gì ông thấy ngược lại với tham vọng của ông. Ông cho đào di tích hài cốt nhạc công, dụng cụ văn hóa, âm nhạc của thời đại Văn Lang đem đốt đi rồi quăng tro xuống sông. Ðáng lý những thứ ấy ông cần phải bảo lưu. Xét như thế ông quả đã quá tàn nhẫn đối với nền văn hóa của thời đại Hồng Bàng. Nếu ông đã cho những di tích văn hóa, âm nhạc là dư khí của ma quỉ thì chắc ông chỉ cho những di tích ấy là điều bất lợi.
Buổi đầu An Dương Vương cai trị cả miền đất đai rộng lớn bao gồm cả châu Dương, các bực tài đức của nước Văn Lang nhiều người làm việc phục vụ triều đình. Cụ thể như ông Ðô Nồi (người xã Tân Canh, Vĩnh Yên) từng giúp An Dương Vương làm võ tướng chỉ huy quân giữ thành Cổ Loa, có tài đúc binh khí cùng vật liệu kim khí và ông Ðô Nỏ tức Cao Lỗ giúp vua chế tác cùng chỉ huy việc sử dụng Nỏ Thần (ông Ðô Nỏ có cha và chính ông trước đã làm quan coi nỏ Thần từ thời Hùng).
Sau khi thành Cổ Loa xây xong, có sông Cầu ở sát gần và sông Cà Lồ bao quanh, tường thành cao, dày và dài, phía bên trong dốc thoải cho quan quân trong thành dễ đi lên mặt thành, ngược lại phía mặt ngoài dựng đứng quân địch tấn công thành khó có thể vượt qua, toàn thành tường chạy dài và vòng xoáy hình con ốc, phía trong tường thành luôn cao hơn phía ngoài. Thành có nhiều cửa ăn thông nhau và còn có những gò, bãi cao dùng để dựng các lầu canh. Theo sách "An Nam chí" của Cao Hùng Trưng thì từ ngoài đi vào giữa thành nếu không được đi qua các cửa thông, phải qua chín lần tường thành cao bao quanh.
Rùa Vàng chỉ ở với An Dương Vương ba năm rồi bỏ ra biển Ðông, để lại chiếc móng chân làm lẫy nỏ giữ nước. Việc này có thể tỏ thấy Thục Phán không áp dụng chính sách cởi mở trong dân được bao lâu, chế độ dân chủ "xã thôn tự trị" thời Lang Liêu bị bóp nghẹt, lòng dân chán nản, nhiều nhân tài thôi không giúp việc nhà vua, khi tình thế bất an không có nhiều nơi dân tự động nổi lên ứng cứu triều đình. Việc mất nước về sau nguyên nhân cũng từ đó. Thục Phán không theo được lời dặn của Rùa Vàng:
"Vận nước ngắn hay dài, non sông an hay nguy là vận của trời nhưng nếu người biết tu đức thì có thể lâu dài được".
Thiên tình sử ban đầu huyền thoại dân tộc là mối tình trong truyện tích "trầu cau". Ở mối tình này sân khấu tình yêu có sự mất quân bình: giai nhân là con gái ông thầy dạy học có một, phía xứng duyên giai ngẫu lại những hai anh em học trò, nhưng tình yêu đã diễn ra đầy tình nhân ái, nhường nhịn, lễ giáo. Từ tình yêu dần dần thể hiện các mối tình cao quí: tình anh em, tình vợ chồng, tình cha con, tình thầy trò, tình vua tôi, lan rộng ra cả tình nhân quần xã hội qua ý nghĩa "miếng trầu đầu câu chuyện".
Mối tình thứ hai diễn ra trong tình sử là Chử Ðồng Tử và Tiên Dung. Mặc dù có ngang trái do sự bất đồng của vua cha, nhưng mối tình đã tỏa hào quang muôn màu, muôn sắc, đã tạo nên thiên đường Tự Nhiên, xây dựng được triết lý hòa bình, hòa hợp đẳng cấp, hiếu nghĩa, nhân ái và đoàn kết dân tộc.
Tới thiên tình sử Mị Nương, Sơn Tinh, Thủy Tinh, tình yêu bị coi nhẹ để những ý đồ khác được xen vào. Việc vua Hùng thứ mười tám tuyển chọn người tài đức kén rể, đã thấy vấn đề tiên khởi của hôn nhân không phát sinh từ tình yêu. Nàng Mị Nương khi được Tản Viên đón về xây tổ ấm uyên ương đã có lúc nhớ cha mẹ, không chịu đi nốt quãng đường về nhà chồng. Mặc dù nàng công chúa có cảm tình với Tản Viên hơn Thục Phán, nhưng mối tình vẫn không được cấu tạo bởi bản chất chân thực, thuần túy tình yêu lúc ban đầu. Trong truờng hợp này không có thứ tình yêu tuyệt bích như mối tình Tiên Dung, Chử Ðồng Tử. Kết quả là mọi ý đồ người ta đặt trên tình yêu để lợi dụng đều bị tan vỡ. Một cuộc chiến tranh do tham vọng quyền lợi cũng vẫn diễn ra. Thục Phán đã lợi dụng hôn nhân trắc trở để gây chiến. Khi đóng vai khách đông sàng cầu hôn, Thục Phán không được làm rể vua Hùng, không được nhường ngôi, nhường nước. Tới khi đã được nhường nước, được làm vua, làm cha, đóng vai vua cha gả con gái Mỵ Châu cho Trọng Thủy, thì Thục Phán tự chọn được chàng rể để rồi xảy ra nhiều tai họa: mất nước, mất ngôi vua; con gái, con rể đều chết, thân cũng không còn. Những suy tính thiếu sáng suốt dẫn tới sai lầm của Thục Phán liệu bên trong còn những nguyên ủy nào đáng cân nhắc không?
Oan tình của Mỵ Châu, nàng công chúa gặp mối tình bi đát nhất trong số những nàng công chúa bị gả chồng vì ích lợi cương thổ. Theo sau số phận của nàng, cũng có nhiều nàng công chúa Việt khác, cam nhận mối tình vua cha đặt để vào sứ mệnh phục vụ đất nước.
Năm 571 công chúa Cảo Nương con gái Triệu Việt Vương, kết duyên cùng Nhã Lang là con trai Lý Phật Tử. Chàng rể cũng lấy cắp "móng rồng" tái diễn lại tấn bi kịch Mỵ Châu, Trọng Thủy.
Năm 1306, công chúa Huyền Trân kết duyên cùng vua Chiêm Thành là Chế Mân, đồ sính lễ hôn nhân gồm hai châu Ô, Ri, là miền địa giới bao la từ nam tỉnh Quảng Bình cho tới chân đèo Hải Vân. Phần đất rộng lớn này đem lại những ưu thế lịch sử Nam tiến cho dân tộc Việt nối tiếp những thành công. Nếu Mỵ Châu gặp hoàn cảnh như Huyền Trân chắc nàng cũng được dân Việt muôn đời ghi ơn bất diệt.
Năm 1620 công chúa Ngọc Vạn con chúa Nguyễn Phúc Nguyên sánh duyên với vua Chei Chetta nuớc Chân Lạp để dân Việt được nhường đất tiến sâu thêm về phía nam.
Còn biết bao nhiêu nàng công chúa Việt khác tuân theo lời vua cha đi lấy chồng nước người, cảnh ngộ của họ nếu không được ghi công, cũng nên thương, thực tình họ chẳng tự làm nên tội để đáng phải trách cứ.
Lịch sử xóa bỏ những chế độ phi lý cùng hệ thống cai trị bạo ngược của nó đúng theo qui luật đào thải, kèm với cả những điển hình nhân quả. Trọng Thủy đánh cắp "lẫy nỏ" khiến nỏ Thần hết hiệu nghiệm, có lẽ chưa hoàn toàn đúng. Vấn đề thắng bại trong việc giữ thành Cổ Loa, kế hoạch của Thục Phán là: "nhận giao hảo với Triệu Ðà, cho Trọng Thủy làm chân túc vệ hầu cận và sau lại gia ân cho được ở rể để coi Trọng Thủy như con tin, Ðà sẽ không dám gây hấn chiến tranh vì sợ con trai bị tội". Trong khi đó kế hoạch của Triệu Ðà đánh Thục Phán là: "cho Trọng Thủy làm con tin lúc còn yếu thế, xóa bỏ không khí chiến tranh, Thục Phán sẽ không còn tấn công hay phòng bị. Trọng Thủy ở với Thục Phán để cho Ðà dễ tìm hiểu tình hình nước Âu Lạc qua Trọng Thủy và biết rõ trận địa bố trí nỏ Thần, đồng thời biết cả phương thức nào tấn công thành Cổ Loa có lợi nhất".
Khi Trọng Thủy nhờ Mỵ Châu nói hộ và xin phép được Thục Phán cho về thăm cha, kể từ giờ phút ấy số phận thành Cổ Loa đã nằm trong tay Triệu Ðà.
Triệu Ðà có những mưu lược và lực lượng đáng kể hơn Thục Phán. Vì Phán ỷ vào thành cao hào sâu, cố thủ ở trong thành, sẽ sao lãng tình hình bên ngoài. Giữa triều đình và nhân dân cùng các nhân tài, hào kiệt sống ngoài thành, ít có liên hệ, có thể nhiều nơi đất đai cũng đã bị Ðà lấn chiếm.
Nhưng nói đến cuộc tranh hùng giữa Triệu Ðà và Thục Phán, phải nói tới nhiều điều khó khăn lớn Thục Phán đã gặp, khiến Phán chỉ còn cai trị nước ở tình trạng suy yếu. Ðó là áp lực của chế độ bạo Tần đối với nước Âu Lạc. Sách "Ðại Việt sử ký toàn thư" cho biết áp lực xâm lăng của Tần lúc ấy:
"Năm thứ 31 đời Tần Thủy Hoàng (vào năm 216 trước công nguyên) vua Tần ra lệnh bắt các kẻ trốn lẩn ở các đạo, các kẻ ở rể, các lái buôn dùng vào việc binh lính, sai hiệu úy Ðồ Thư dùng quân thủy chèo các thuyền có lầu, sai Sử Lộc đào sông để vận tải lương thực (Sử Lộc gốc người Việt làm nghề lái buôn, dẫn đường cho giặc vào nước, lại tìm cách đắp cừ giữ cho mực nước cao ở các sông, các thác, cho giặc dễ vận tải lương thực khí giới). Toàn bộ quân Tần đều tiến sâu vào miền Lĩnh Nam (tức năm dãy núi: Ðại Dữu, Kỵ Ðiền, Ðô Bàng, Mạnh Chử, Việt Thành thuộc địa giới các tỉnh: Quảng Tây, Hồ Nam, Quảng Ðông bây giờ, ở thời cổ và thời đầu của nước Âu Lạc cũng thuộc địa phận lãnh thổ nước Việt). Trước hết quân Tần chiếm lấy đất Lục Lương đặt ra các quận: Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận. Dưới quyền Ðồ Thư có Nhâm Ngao làm chức Úy coi Nam Hải, Triệu Ðà làm chức Lệnh coi Long Xuyên là một huyện thuộc quận Nam Hải".
Sự việc vua Tần cử Ðồ Thư đem nửa triệu quân xâm lấn phía Nam, vào thời An Dương Vương cai trị nước Âu Lạc, có nhiều sử gia Trung Hoa nhận định: đó là việc Tần Thủy Hoàng "giết gà bằng dao mổ trâu". Sự nhận định này do một số sử gia không hiểu hết thâm ý của Tần Thủy Hoàng và cũng không lượng định được hết những khó khăn việc xâm lấn miền Nam. Thời điểm ấy nhà Tần đã thống nhất và cai trị khắc nghiệt toàn cõi Trung Hoa 33 năm, lòng dân khắp nơi oán hận như mối loạn ngầm báo hiệu sự nguy hiểm sắp tàn lụi của chế độ Tần. Ðời sống xã hội người dân Tần đa số chịu cảnh nghèo khổ cùng cực diễn ra, phát sinh nhiều tai họa: tầng lớp dưới cùng là dân nghèo, nhiều kẻ bất chấp pháp luật hà khắc, làm nghề trộm cướp, hoặc nhát gan đành phải làm nghề "ở rể" lao động không công cho bọn nhà giàu bóc lột, hi vọng tương lai xa xôi mong manh được chủ gả con gái, còn bọn bất lương buôn gian bán lận, giả dối cũng có rất nhiều. Tất cả những tệ nạn xã hội ấy lớn dần trở thành tai họa quá nguy hiểm ngay trong lòng chế độ đối với Tần, bắt buộc nhà Tần phải sớm tận diệt bằng cách cưỡng chế tòng quân, cưỡng chế lao động một số đông quần chúng bất hảo nếu muốn tồn tại.
Trong quá khứ trước thời Tần, việc phương Bắc huy động lực lượng chiếm phương Nam, đã từng diễn ra từ thời vua Thuấn cho tới các đời Hạ, Ân, Thương, Chu không thời nào không có. Ngay ở thời Chu trước Tần, nước Sở (tiên khởi trước cũng thuộc gốc Bách Việt) từng cường mạnh nhiều khi là nước chư hầu mạnh hơn cả Tần khi Tần còn là chư hầu, cũng không thể đem quân vượt Ngũ Lĩnh chiếm các miền đất của dân Lạc Việt.
Chế độ Tần ra lệnh ngặt nghèo lùng bắt các phần tử: trộm cướp, ở rể, buôn bán bất lương càng được nhiều càng hay, rồi cưỡng bách vào quân đội. Việc bắt lính, trước mắt chính sách của Tần đã diệt được mối họa lớn ngay trong lòng đất nước.
Nửa triệu quân Tần là những phần tử bất hảo nói trên, vượt sông Dương Tử đánh chiếm miền đất Việt có ba chủ đích:
1) Dùng bọn quân đội gốc là tội phạm hung đồ để giết hại tính mạng, cướp phá tài sản lương dân Việt.
2) Cho bọn quân đội gốc là những kẻ đi "ở rể" đánh chiếm đất đai rồi đóng quân, bức hiếp phụ nữ Việt làm vợ, lập nghiệp lâu dài đồng hóa dân Việt thành dân Tần.
3) Dung dưỡng luật thương mại bóc lột, ưu tiên cho bọn lái buôn quân đội, gốc là bọn gian thương vào việc dẫn đường chỉ lối cho quân Tần đánh chiếm nước Việt, sau đó vơ vét sản vật, tài nguyên, nhân lực thợ thuyền khéo của Việt đem về Tần.

Lực lượng nửa triệu quân, trừ bọn quan tướng chỉ huy là người gốc nước Tần, đa số còn lại là dân nước Sở, dân nước Ngô và dân nước Việt (ở thời Xuân Thu nhà Chu), sau khi Tần chiếm được lãnh thổ các nước Sở, Ngô và Việt lập ra Sở quận, Ngô quận và Cối Kê quận.
Khi đoàn quân của Ðồ Thư vượt sông Dương Tử tiến vào khu vực hồ Ðộng Ðình và năm dãy núi cao, trùng điệp miền Lĩnh Nam thì cũng là lúc đoàn quân khổng lồ này đối đầu với sự kháng chiến nguy hiểm. Ở khắp mọi miền có dân Việt sinh sống, càng ở những miền nhiều rừng núi, quân Tần càng gặp nhiều hiểm nguy. Ðiều nan giải không thể gỡ được lối thoát cho quân Tần là chính sách quân sự tàn bạo phi nhân, tưởng như dễ dàng đè bẹp sức kháng cự của dân Việt, lại làm cho tất cả mọi người dân Việt căm hận. Ðã là người Việt dù trẻ hay già, nam hay nữ đều tham gia vào các công việc đánh giặc. Lực lượng kháng chiến chống Tần hình thành cả về chỉ đạo và hành động ở tổ chức có qui mô lớn là khắp nước, ở các tổ chức vừa và nhỏ là ở từng bộ lạc, từng thôn xóm, đều tự động trở thành những pháo đài, những chiến lũy, những toán quân du kích bất ngờ gây tổn thất, kinh hoàng cho quân Tần.
Cũng từ những sức mạnh kháng cự như trên nên quân Tần mới mệnh danh cho những vùng kháng cự chúng là các miền đất Lục Lương, có nghĩa ám chỉ là miền đất của các vùng tự trị không thể bị khuất phục, không thể thiết lập hệ thống cai trị. Theo các tài liệu như: "Lĩnh Nam Di Thư", "Thái bình hoàn vũ ký" và "Khâm định Việt Sử" có chung nhận định tổng quát: "Ðoàn quân Ðồ Thư bị thảm bại trên đất Việt. Khi quân Tần mới vào, dân Việt trốn vào các vùng rừng núi để sinh sống, không ai chịu sự cai trị của người Tần. Sau người Việt có những người tài giỏi chỉ huy, ngầm tổ chức lực lượng đánh úp, giết được Ðồ Thư. Con số 50 vạn quân Tần từ trước đã bị tiêu hao ở miền Quế Lâm, Nam Hải, số sang tới Âu Lạc lại bị chết bệnh, đoàn quân 50 vạn còn lại số tàn quân phải chạy trốn hay ra hàng các lực lượng kháng Tần".
Giặc Tần không thể đặt chế độ cai trị quận, huyện trên toàn cõi Âu Lạc, nhưng Tần cũng đã lấn được đất rất nhiều. Thục An Dương Vương còn làm vua cho tới sau khi vua Tần Thủy Hoàng chết. Rồi chế độ nhà Tần ở Trung Hoa lung lay, khắp nơi loạn lạc và nhanh chóng sụp đổ, để ba năm sau Triệu Ðà nổi lên. Mãi tới lúc ấy Thục Phán mới mất ngôi, mất nước.
Dù cường Tần không chiếm được toàn cõi lãnh thổ nước Âu Lạc để sát nhập vào Tần được, song ảnh hưởng cùng áp lực chế độ nhà Tần không phải không có nhiều tác động tới công việc nội trị của nước Âu Lạc. Các truyện tích ghi trong "Lĩnh Nam chích quái" có nhiều truyện tích nói lên ảnh hưởng của chế độ Tần. Truyện Việt Tỉnh cho biết: "Thôi Lạng người Việt làm quan với Tần tới chức ngự sử đại phu, thường hay đi qua núi trước kia Ân Vương bị Thánh Gióng giết, Lạng đã bỏ tiền ra lập miếu thờ Ân Vương".
Truyện tích Lý Ông Trọng (ông họ Lý có sức nặng) thuật theo "Lĩnh Nam Chích Quái" có nội dung:
"Vào cuối đời Hùng ở hạt Từ Liêm thuộc Giao Chỉ (Giao Chỉ là tên thời Hán về sau đặt, ở thời Hùng hạt Từ Liêm thuộc đất Long Biên), có Lý Thân người cao lớn, tính nóng nảy, phạm tội giết người, đáng lý phải tử hình, song vua Hùng thương là người có tài không nỡ giết. Ðến đời An Dương Vương lúc Tần Thủy Hoàng cho quân sang đánh nước ta, An Dương Vương bèn đem Lý Thân sang cống hiến. Thủy Hoàng dùng Lý Thân làm quan tư lệ hiệu úy. Ở Tần, Lý Thân được coi quân trấn giữ đất Lâm Thao (thuộc Thiểm Tây bên Trung Quốc ngày nay). Hung Nô không dám cho quân sang xâm phạm biên giới, nên Lý Thân được phong tước Vạn tín hầu và cho được trở về nước. Sau Hung Nô lại xâm phạm bờ cõi, Tần Thủy Hoàng nhớ tới Lý Thân cho sứ sang vời. Thân không chịu đi, trốn vào rừng suối ở. Vua Tần trách hỏi, An Dương Vương tìm lâu không được nói dối là Thân đã chết rồi. Vua Tần hỏi chết vì cớ gì? An Dương Vương trả lời rằng bị đau bệnh tả. Thủy Hoàng sai sứ sang khám nghiệm xem thực hư ra sao, An Dương Vương phải cho nấu cháo đổ xuống ao để làm thực tích. Thủy Hoàng truyền đem xác Thân sang. Sau cùng kế trốn không thoát, Lý Thân phải tự vận chết. Người ta lấy thủy ngân ướp xác Lý Thân đem sang Tần nạp. Thủy Hoàng thương tiếc bảo lấy đồng đúc thành tượng ông, ban hiệu là Lý Ông Trọng. Tượng Lý Thân được đặt tại cửa Tư Mã đất Hàm Dương, trong ruột tượng rỗng có thể chứa được vài mươi người, mỗi khi có sứ bốn phương tới, vua Tần sai người ẩn vào bên trong ruột tượng làm cho tượng biết cử động. Nhờ đó Hung Nô tưởng rằng hiệu úy còn sống, không dám xâm phạm bờ cõi".

Tượng thờ Lý Thân
Ba công dân nước Việt còn được sử sách nhắc tới đã làm việc dưới chế độ Tần Thủy Hoàng là Lý Thân, Thôi Lạng và Sử Lộc, cho thấy chính sách nhà Tần đã ảnh hưởng lớn tới nước Việt. Ðặc biệt tình tiết câu chuyện Lý Thân, một nhân tài của Việt bị đem cống hiến cho Tần, nhiệm vụ hoàn thành ông được trở về, sau vua Tần lại cho đòi sang, ông không muốn phục vụ cho nước ngoài bỏ trốn vào rừng. Qua sứ giả đi lại, hạch hỏi An Dương Vương đủ điều để phải giao nộp Lý Thân. Cuối cùng Lý Thân phải tự tử và xác ông phải ướp thủy ngân đem sang nộp Tần. Chứng tỏ chính quyền nước Âu Lạc bị nhà Tần gây áp lực rất nặng, phần nhiều sức kháng cự làm cho Tần tổn hại, hoàn toàn tự phát tại các nơi trong tiềm lực nhân dân. Nay tại làng Chèm cách trung tâm Hà Nội khoảng tám cây số và tọa lạc ngay trên bờ sông Hồng có đền thờ Lý Ông Trọng và vợ ông, tương truyền là công chúa con gái vua Tần.
Sử Lộc là kẻ phản dân, phản nước làm quan với Tần hoàn toàn vong bản, vọng ngoại, chỉ vì tư lợi, tự đem sáng kiến, thông minh của bản thân để vạch đường dẫn lối cho địch quốc, thật đáng khinh.
Thôi Lạng là kẻ phản quốc vì thích chức trọng quyền cao, táng tận lương tâm làm việc cho nuớc địch, cũng là hạng người đáng chê trách.
Bọn phản dân, phản nước làm việc cho ngoại địch, thường bị coi như những kẻ tự đánh mất bản thân. Trong rừng chuyện vui cười của dân Việt, có câu chuyện vui khá điển hình về việc đánh mất bản thân:
"Có chú lính được lệnh quan giải một nhà sư phạm tội lên quan trên. Ðể tránh quên và tránh sơ xuất các việc: giấy trát giải tù nhân, nhà sư trọc đầu phạm tội, cái gông trên cổ nhà sư và gói tang vật bằng chứng phạm tội. Bốn thứ ấy đều phải cùng đem theo, nên chú lính nảy ra ý nghĩ tự cho là hay và dễ nhớ trong đầu, là chỉ cần nên nhớ bốn tiếng: "trát, trọc, gông, gói". Chú lính đinh ninh tự nhủ rằng nếu nhớ được bốn tiếng ấy, mọi việc trong công vụ chú làm sẽ không quên, không sai sót điều gì. Nghe được chú lính lẩm nhẩm trong miệng bốn tiếng: trát, trọc, gông, gói, nhà sư cũng thấu rõ gan ruột chú lính. Nhà sư khôn ngoan nghĩ ra kế lợi dụng chú lính để bỏ trốn. Gặp một quán bán hàng bên đường, nhà sư mời chú lính vào quán nghỉ chân ăn cơm và tự nguyện đãi chú một bữa ăn thịnh soạn. Sau bữa ăn ngon, chú lính uống rượu say mèm, nhà sư mượn dao cạo trọc đầu chú lính, đeo gông vào cổ chú, rồi bỏ lại gói tang vật, nhanh chân tìm đường trốn thoát. Khi tỉnh cơn say nhìn quanh rồi chú lính sờ lên đầu mình vẫn thấy còn có "trọc", sờ túi vẫn còn "trát", đưa tay lên sờ cổ thấy có "gông" và cả "gói" tang vật cũng trông thấy sờ sờ trước mắt. Chú lính bình thản cổ đeo gông, tiếp tục lên đường làm công vụ, yên chí khi gặp quan trên sẽ được khen là hoàn thành tốt việc giải giao phạm nhân!"
Chuyện chú lính kể trên có thể chỉ là câu chuyện vui cười không có trong thực tế. Nhưng những kẻ đánh rơi bản thân để ngoại cảnh, tham vọng và đam mê lợi danh đến độ tự đeo gông vào cổ, ở thời đại nào cũng có rất nhiều. Thậm chí có những kẻ tự đeo gông vào cổ, trong tâm trí còn tự hào, luôn luôn biết ơn, tôn thờ chiếc gông trên cổ!
Ở thời An Dương Vương đáng thương và bi thiết nhất là Lý Thân, ông có tài và cũng không đánh rơi bản thân. Hoàn cảnh của ông không may sinh vào thời loạn, hi sinh cho nước để làm kẻ bị cống hiến, cốt tuân lệnh vua và cũng mong cường Tần không chiếm nước. Ðọc truyện ông, khi thấy ông trốn vào rừng, rồi phải tự tử để vua có xác ông đem nộp Tần, người đọc không khỏi chạnh lòng bi thiết. Ðấng trượng phu có tài như ông phải tìm cái chết bất đắc dĩ như thế. Tấm lòng ái quốc trung quân phải sống trong thời đại nhiều nghịch cảnh, không thể nói ông thiển cận hay quẫn chí. - Liệu câu chuyện Lý Ông Trọng đời này truyền đời khác có là gương soi cho các người lãnh đạo tự nhận trách nhiệm phải làm, không để sức mạnh nước ngoài áp chế, khiến người dưới quyền và dân chịu cảnh sống phẫn uất bi thương?
Triệu Ðà trước khi lấy được nước Âu Lạc đã có những chuyển biến trình tự, tùy lúc, tùy thời thế, tùy hoàn cảnh để Ðà khôn khéo thích nghi hành động đạt thành công:
Khi Ðồ Thư mưu đánh chiếm miền Lục Lương lập ra Quế Lâm, Nam Hải và định chiếm cả Âu Lạc còn lại để lập ra Tượng quận. Lúc ấy Triệu Ðà chỉ mới là viên huyện lệnh coi huyện Long Xuyên (ước lượng vào thời ấy một huyện miền đồng bằng trung bình diện tích có khoảng từ hai tới ba nghìn cây số vuông, dân số cũng vào khoảng có từ năm cho tới tám chục nghìn người). Long Xuyên là một trong sáu huyện thuộc quận Nam Hải. Tất nhiên Ðà dưới quyền Nhâm Ngao và Nhâm Ngao dưới quyền Ðồ Thư.
Tình hình nước Âu Lạc thời đại bấy giờ, cuộc sống người dân cùng tổ chức nhà nước nhiều thứ còn giữ được nề nếp thời đại Hồng Bàng. Vì mãi tới thời Hán sau Tần, khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, cha của Hai Bà còn giữ chức lạc tướng coi huyện Mê Linh và ông Ðặng Thi Sách là lạc tướng coi huyện Chu Diên, là hai trong số mười huyện của quận Giao Chỉ. Như vậy thời Âu Lạc còn độc lập tự chủ chắc hẳn vẫn còn các chức lạc tướng coi các huyện.
Có lẽ sau khi Ðồ Thư bị chết, sức kháng Tần do nhiều nơi dân tự động chống Tần còn rất mạnh. Nhâm Ngao, Triệu Ðà thấy dụng binh lực không thành công nên đem mưu kế ngoại giao cầu hòa để An Dương Vương thần phục và triều cống nhà Tần, mặt khác đem quân xâm lấn đất đai theo kế tằm ăn dâu. Năm 212 truớc công nguyên, Nhâm Ngao cùng Triệu Ðà đem quân chiếm miền núi Tiên Du (Bắc Ninh). Rồi Nhâm Ngao bị bệnh. Truyện tích Việt Tỉnh trong "Lĩnh Nam chích quái" có chỗ viết: "con Thôi Lạng là Thôi Vĩ tới chữa bệnh cho Nhâm Ngao, lại có tư tình với con gái Ngao, nên bị Nhâm Phu là con trai Ngao mưu tính bắt nộp mạng cho thần Xương Cuồng (Mộc Tinh). Nhưng Thôi Vĩ đã trốn thoát được".
Ở "Ðại Việt sử ký toàn thư" của Ngô Sĩ Liên cũng có chỗ viết với đại ý: "Nhâm Ngao đem quân đi thuyền đóng ở Tiểu Giang tức bến Ðông Hồ (làng tranh Ðông Hồ, Bắc Ninh), phạm vào thần Ðất, mắc bệnh phải quay về. Tháng mười năm ấy khi nghe tin Tần Thủy Hoàng mất ở Sa Khâu là lúc Nhâm Ngao đang bị bệnh. Ngao bèn bảo Ðà: "Tần mất rồi, dùng kế đánh Phán có thể dựng thành nước". Ngao trở về Phiên Ngu (thủ phủ của quận Nam Hải), còn Ðà ở lại đánh An Dương Vương nhưng không địch lại nỏ Thần, phải đóng binh án ngữ tại núi Vũ Ninh rồi cho sứ sang giảng hòa. An Dương Vương mừng, chia đất từ Bình Giang ngược về phía bắc thuộc Ðà cai Trị, xuôi về nam thuộc An Dương Vương cai trị. Sau Ðà lại sai con là Trọng Thủy vào hầu An Dương Vương xin được kết hôn cùng Mỵ Châu".
Năm 210 trước công nguyên, lúc này Nhâm Ngao bị bệnh trầm trọng sắp chết, Tần Nhị Thế đã thay Tần Thủy Hoàng nối ngôi vua, tình hình khắp nước Tần rối loạn. Ngao biết Ðà là người làm được việc lớn, nên gọi Ðà đến nói: "Nghe đồn bọn Trần Thắng làm loạn (Trần Thắng còn có tên là Trần Khuê, người khởi đầu trong việc lật đổ nhà Tần, nhờ đó sau này: Hạng Vũ, Triệu Ðà, Lưu Bang mới giấy nghiệp lên được), lòng dân chưa biết ngả về đâu. Ðất này hẻo lánh xa xôi, ta sợ giặc ngoài xâm phạm, muốn chặn đường đi lại với chúng, tự giữ mình đợi xem biến chuyển ở chư hầu. Ðất Phiên Ngu (thủ phủ miền Quảng Ðông) tựa núi cách sông, đông, tây đều rộng vài nghìn dặm, thế cũng đủ dựng nước làm vua, làm chúa một phương. Các quan đầu hạt không ai đáng cùng mưu toan, nên triệu ông đến bảo cho biết".
Nhâm Ngao dặn dò Ðà xong, lại tự cất chức cho Ðà thay thế Ngao, cơ hội thật may cho Ðà vì ít lâu sau đó Ngao chết. Ðúng như Nhâm Ngao đã nhận định: trong đám huyện lệnh dưới quyền Ngao, không có ai hơn Ðà. Ðà là người có nhiều tham vọng quyền lực, tính quyết đoán, biết nhìn thời cuộc, định việc vũ lược ít khi sai, nên biết rõ ý nguyện của các vùng cư dân thuộc chủng tộc Việt sống từ sông Dương Tử dài xuống phía nam đều có ý chí tự chủ, độc lập, cường dũng chống chế độ nhà Tần. Triệu Ðà tự biết muốn thực hiện mộng vương bá, nhân lúc Tần sụp đổ, không gì hơn bằng cách nương theo ý nguyện của dân Việt, phất lên ngọn cờ giấy nghiệp chống Tần, để vỗ yên thiên hạ, chắc hẳn đại nghiệp thành công.
Nhân danh được Nhâm Ngao cho thay quyền trước khi Ngao chết, Triệu Ðà ban lệnh triệu tập gấp các huyện lệnh trước đó ngang quyền với Ðà cùng các quan chức thuộc quyền tới họp, lại cho phục binh sẵn. Trong buổi họp Ðà tuyên bố ý định giấy binh dựng nghiệp của Ðà, rồi xem ý thấy kẻ nào lộ vẻ không tuân lệnh, còn trung thành với Tần, lập tức Ðà đều ra hiệu cho phục binh vào bắt đem đi chém, ( Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư trong sách này có nhiều chỗ viết tắt là: Ð.V.S.K.T.T có viết: "Họ Triệu nhân nhà Tần suy loạn, giết các trưởng lại nhà Tần, xưng đế"). Ðem uy vũ khuất phục mọi người xong, Ðà xưng đế hiệu, rồi tuyển chọn những người tín cẩn, trung thành với Ðà, cất chức cho người hợp với việc nào vào việc nấy. Ðà cất quân đánh An Dương Vương, vì Ðà nghĩ rằng vừa để có thêm hậu phương lớn lại vừa yên tâm không lo ngại gì về mặt phía nam. Về phía nước Âu Lạc, câu chuyện tình Mỵ Châu, Trọng Thủy đã cho thấy nội tình đất nước ra sao, thêm nữa Thục Phán cũng đã giữ ngôi vua cai trị nước Âu Lạc kéo dài 50 năm, tuổi quá già cũng chưa định được người nối ngôi. Không thấy sử nói ông có con trai hay không, nhưng khi mất ngôi chạy nạn chỉ có người con duy nhất chạy theo ông là Mỵ Châu, có thể đoán là ông không có con trai nối nghiệp. Sự việc Triệu Ðà đánh chiếm Âu Lạc, ngoài chuyện "nỏ Thần" hết linh nghiệm, còn có những duyên cớ khác như: việc lãnh thổ Âu Lạc bị thu hẹp, việc con rể vua là con vua ngoại địch, đều là những bất lợi về phía Thục Phán, khiến Triệu Ðà mau chóng chiến thắng.
Triệu Ðà là viên huyện lệnh Tần, nhờ có chí lớn, xong đáng kể là được Nhâm Ngao mở đường chỉ lối cho biết cách dựng nghiệp, lại truyền cho Ðà chức vụ, ấy là sự gặp may lớn cho Ðà. Ðọc "Sử ký" của Tư Mã Thiên nói đến sự nghiệp to lớn của Ðà về sau có được, nhiều điểm tưởng như còn hơn cả Hán Cao Tổ dựng nghiệp nhà Hán bên Tàu cũng vào thời điểm ấy. Những lời của Nhâm Ngao đáng kể là các lời hệ trọng. Tuy thế việc Ðà biết ngả về phía dân Việt để chống lại phương bắc, thành lập nước Nam Việt độc lập, tự chủ mới thực sự càng hệ trọng hơn, vì điều này là yếu tố sức mạnh chính, quyết định thành công buổi đầu của Ðà.
Về phía Thục Phán, ngoài nhiều nguyên nhân thất bại, ông còn phạm lỗi nghiêm trọng là không biết nghe theo lời các bề tôi nhiệt tâm trung thành. Truyện tích dưới đây là một dẫn chứng về cách sử dụng nhân tài của Thục Phán:
Anh em ông Ðô Nỏ có tên là Cao Lỗ và Cao Tứ, trước làm quan ở kinh đô nước Văn Lang, biết chế ra nỏ Thần, mỗi lần bắn ra nhiều mũi tên đồng. Khi An Dương Vương được vua Hùng nhường ngôi, anh em Cao Lỗ, Cao Tứ cũng về Cổ Loa giúp An Dương Vương chế nỏ Thần, lập trận địa bố trí nỏ Thần tại thành Cổ Loa. Vì có nỏ Thần, Triệu Ðà đánh thành nhiều lần không thắng, sau phải dùng kế cho Trọng Thủy làm túc vệ, rồi sau lại cho làm con rể An Dương Vương. Cao Lỗ, Cao Tứ hết sức khuyên An Dương Vưong đừng mắc kế Triệu Ðà. Nhưng An Dương Vương không nghe, cứ gả Mỵ Châu cho Trọng Thủy, dần dần còn tỏ ý không trọng dụng anh em Cao Lỗ, Cao Tứ. Hai anh em họ Cao đành phải xin từ quan về sống tại miền quê, (nay là xã Cao Ðức thuộc huyện Gia Lương, Bắc Ninh). Lúc Triệu Ðà đem quân đánh Thục Phán, anh em Cao Lỗ họp cùng nhiều cựu thần đã từ quan, lại ra đánh giặc cứu nước, vì thế lực còn kém nên không thắng được quân TriệⵠÐà. Cao Lỗ bị tử trận, còn Cao Tứ đem quân chạy về giữ sông Tô Lịch, nhưng quân ít, thế cô, khi quân giặc tới ông cự chiến không lại, phải nhảy xuống sông tuẫn tiết. Các đời sau tại các ngôi đình Ngũ Ðằng và Hương Nghĩa tại Hà Nội có lập đền thờ Cao Tứ. Trong đình có đôi câu đối:
"Tô thủy nộ ba đào, nhất phiến tình trung truyền Thục sử;
Loa thành huyền nhật nguyệt, cửu trùng hoa cổn tại đình triều."
Có nghĩa:
Sông Tô sóng giận hờn, tấc lòng trung truyền lại sử Thục,
Thành Loa sầu ngày tháng, áo gấm hoa còn tại cửu trùng .
(lược thuật lại theo cuốn "Truyền thuyết Hùng Vương" của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phú).
Truyền thuyết về ông Ðô Nồi là tổ nghề đúc nồi đồng, khí giới, mũi giáo, mũi tên bằng đồng và nung đồ gốm cùng nồi đất. Ông từng làm quan chỉ huy quân giữ thành Cổ Loa, sự tích cũng có tình tiết tương tự như truyền thuyết về ông Ðô Nỏ. Ông Ðô Nồi có đền thờ tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Ðông Anh, Phúc Yên (nay là ngoại thành Hà Nội). Ngoài ra, tại các xã Hương Canh và Hiển Lễ thuộc tỉnh Vĩnh Yên dân đều làm nghề đúc đồng và nghề gốm, chế tác đúc nồi đồng, nung nồi đất. Theo lệ truyền từ xưa xã Hương Canh chỉ nặn và đúc nồi không có vung, vì khi ông Ðô Nồi đánh giặc Triệu Ðà tử trận, xác không đầu của ông trôi về xã Hương Canh. Còn đầu ông Ðô Nồi thì lại trôi về xã Hiển Lễ, nên xã này chỉ làm vung nồi đem đúc, đem nung chứ không làm nồi. Tuy nhiên cả hai xã cùng thờ ông Ðô Nồi.
Tìm hiểu qua các đền miếu, thần phả cũng như các truyền thuyết về những người chế tác và sử dụng nỏ Thần, cho thấy nỏ Thần đã có từ thời Hùng. Huyền thoại Rùa Vàng biết nói tiếng người và móng rùa làm được lẫy nỏ linh thiêng nên trả về huyền sử.
Ngoài truyện tích về các ông Ðô Nỏ, Ðô Nồi, theo truyền ngôn của truyền thống nghề làm pháo, thời dân ta chống Triệu Ðà còn phát minh cách làm "tên lửa" bằng các vật liệu tre, gỗ thô sơ, chế tạo theo phương pháp thủ công. "Tên lửa" lúc ấy được gọi là "pháo trời", sau lại gọi là "pháo thăng thiên", nơi chế tác "tên lửa" gọi là làng Bình Ðà (Thanh Oai, Hà Tây), tên làng có ngụ ý là bình định giặc Triệu Ðà. Trong cuộc thế chiến thứ hai của thế kỷ hai mươi, những người phát minh ra các loại tên lửa V1 và V2 cho Ðức quốc xã áp dụng vào chiến tranh, buổi đầu họ có nhận thức: người Á Ðông đã làm ra tên lửa trước đây hàng nghìn năm. Liệu việc khởi thủy phát minh ra tên lửa ngày nay, khởi đầu nguyên do có phải do người dân Việt thời xưa phát minh ra hay không?
Qua các truyện tích cũng thấy An Dương Vương biết dùng nhân tài, nhưng chỉ dùng khi hữu sự, không tin dùng vào việc trị nước an dân dài lâu, dĩ nhiên cách dùng người như thế không phải là biết trọng hiền đãi sĩ giữ nước trường cửu.
Chưa chắc là An Dương Vương đã giữ được thành, được nước, nếu không có cuộc hôn nhân Mỵ Châu, Trọng Thủy. Có cuộc hôn nhân mà hệ thống trị nước quốc kế dân sinh hoàn hảo, vẫn có thể chỉ làm cho thành, cho nước vững mạnh thêm mà thôi. Nếu khi Triệu Ðà cầu hòa, cầu hôn cho con, An Dương Vương không chấp thuận, hoặc chấp thuận nhưng có chính sách và dự mưu cao kiến, lại biết nghe các triều thần trung tín can ngăn những việc làm sai, dùng nhân tài góp ý, góp sức vào việc giữ nước chăm sóc dân, chắc chắn thiên tình sử bi lụy không diễn ra và vận nước cũng có thể đổi thay.
Có những lý luận kết tội Mỵ Châu và cho việc nàng bị giết là hợp lý, vì khi Mỵ Châu ngồi cùng cha trên lưng ngựa, nàng đã rắc lông ngỗng cho Trọng Thủy tìm thấy đường.
Ðối với những sự việc quan trọng về sử, không nên nhìn sự việc một cách quá đơn giản và nên xét cho kỹ. Mỵ Châu không có tội, với nàng Trọng Thủy không phải là giặc, ám hiệu lông ngỗng rắc trên đường cũng chỉ có Trọng Thủy biết mà thôi. Ngoài chàng ra bọn quân tướng bên giặc không kẻ nào biết ám hiệu rắc lông ngỗng chỉ đường. Nàng kết hôn cùng Trọng Thủy là vâng theo ý cha. Khi đã thành hôn, tình chồng vợ giữa nàng và Trọng Thủy trong cuộc sống, người này không thể sống thiếu người kia, mới là đạo vợ chồng chung thủy. Trong cơn binh lửa hai nước giao tranh, tất ngọc đá khó phân giữa đám loạn quân, Mỵ Châu hy vọng, khi chạy giặc, nếu gặp được Trọng Thủy: mạng sống của cha nàng và của nàng được đảm bảo hơn. Sự hy vọng ấy không phải là niềm hy vọng đáng kết tội, vì đã từng sống với chồng, nàng biết chồng nàng không phải là người bỏ mất lương tâm. Ðiều này được chứng minh khi Trọng Thủy tìm thấy xác nàng đã thương xót vô cùng, sau khi chôn nàng xong, về tới Cổ Loa chàng cũng nhảy xuống giếng tự tử để được chết theo nàng. Từ tình nghĩa vợ chồng chung thủy, Trọng Thủy cũng nhìn thấy cuộc sống tranh bá đồ vương của cha chàng là phi lý, phi nhân, từ tham vọng quyền lực dẫn tới bạo tàn, thiếu sáng suốt. Cha chàng cũng tự dẵm nát hạnh phúc, đánh mất hướng tương lai của chính con mình. (Trọng Thủy, Mỵ Châu trước khi mất đã có con, sau này khi tiếp sứ Hán, Triệu Ðà có nói: "Lão ở Việt đã 49 năm, nay đã có cháu ẵm rồi". Và theo một số truyền thuyết: chính Trọng Thủy cũng có mẹ là người Việt).
Trọng Thủy đã chết vì chính chàng cũng chỉ là nạn nhân của những tham vọng con người đáng lý không nên có. Dù nên hay không, cái chết của Trọng Thủy đã rõ ràng minh oan cho việc Mỵ Châu rắc lông ngỗng cho chồng tìm đường không phải là điều đáng trách. Riêng về Thục Phán, có thể coi như một bóng đen nhờ nhận được những ân sủng của người Lạc Việt có được nước Văn Lang vào hồi thời Hồng Bàng sắp kết thúc, sau đó, chính bóng đen lại tự tan trong đêm tối! Họ Thục được nhường ngôi, nhường nước, giống như con cá kình vẫy vùng trong không gian trên bờ cạn, nhưng khi phải đối đầu với những nguy biến lớn, chẳng tồn tại được, rồi cũng đành kiệt sức.