Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

8. Thánh Gióng

Tượng thờ Thánh Gióng ở làng Phù Đổng 
Các sách cũ chép truyện tích Thánh Gióng, cũng như một số các truyện tích khác, không thống nhất được về thời gian. Các bản khác nhau của "Lĩnh Nam chích quái" có bản chép sự việc xảy ra vào đời Hùng thứ sáu, lại có bản chép xảy ra vào đời Hùng thứ ba. Sách này ghi theo một bản chép sự việc xảy ra vào đời Hùng thứ ba, có nội dung:

" Ðời Hùng thứ ba, thiên hạ thái bình, dân gian sản vật đầy đủ, vua Ân lấy cớ nước ta thiếu lễ vật triều cống, giả đi tuần thú để xâm chiếm.
Vua Hùng nghe tin cho hiệu triệu quần thần lại hỏi về kế hoạch đánh giặc giữ nước. Có nhà phương sĩ tâu rằng:
- Không gì bằng cầu Long Quân để nhờ âm phù.
Vua nghe theo, cho lập đàn, trai giới thanh tịnh, đặt vàng bạc lụa là lên bàn thờ rồi đốt hương cầu tế ba ngày. Trời nổi sấm mưa, thoắt thấy một ông già cao lớn, đầu tóc râu mày bạc phơ ngồi ở ngã ba đường nói cười ca múa. Người ta trông thấy ông già cho là bậc phi thường nên tâu lên với vua. Vua thân hành ra bái yết rước ông già vào trong đàn. Ông già không ăn uống cũng không nói năng gì về việc nước. Vua Hùng tới trước mặt hỏi:
- Nay binh nhà Ân sắp sang đánh nước ta, được thua ra sao nếu có kiến thức thì xin bày tỏ cho.
Ông già ngồi yên lặng trong giây lát rồi rút thẻ ra bói, thưa với vua rằng:
- Sau ba năm giặc mới sang đánh. Vua hỏi kế hoạch đánh giặc, ông già đáp:
Nếu có giặc đến phải nghiêm chỉnh khí giới, tinh luyện sĩ tốt để cho nước có uy thế, rồi cho tìm khắp thiên hạ xem có ai dẹp đuợc giặc thì phong cho tước, ấp, nếu được người tài thì dẹp được giặc ngay.
Nói xong, ông già bay lên không mà đi, mới biết đó là Long Quân.
Vừa đúng ba năm, ngoài biên cảnh cấp báo có quân Ân sang, vua Hùng theo lời nói của lão nhân, sai sứ đi khắp thiên hạ tìm người dẹp giặc.
Sứ giả đến làng Phù Ðổng, quận Vũ Ninh. Trong làng có một người nhà giàu đã hơn sáu mươi tuổi mới sinh được một người con trai, đã ba tuổi không biết nói, không biết ngồi, chỉ biết nằm ngửa. Bà mẹ nghe sứ giả đến làng mới nói đùa với con:
- Sinh được thằng này chỉ biết ăn uống, chứ không biết đánh giặc để lĩnh thưởng của triều đình, đền công bú mớm.
Ðứa bé nghe mẹ nói, đột nhiên cất tiếng nói:
- Mẹ ra gọi sứ giả vào đây, con thử hỏi xem có việc gì?
Bà mẹ cả kinh nói với khắp láng giềng, xóm làng với nỗi mừng:
- Con tôi đã biết nói!
Mọi người trong xóm thấy sự lạ kéo đến xem, lại thấy đứa trẻ nói đánh được giặc mới mời sứ giả tới.
Sứ giả hỏi:
- Mày là đứa trẻ mới biết nói mà bảo kêu ta tới đây làm gì?
Ðứa bé ngồi dậy bảo sứ giả:
- Lập tức về tâu với vua đúc cho ta một con ngựa sắt cao mười tám thước, một gươm sắt dài bảy thước, một cái nón sắt, trẻ này cưỡi ngựa đội nón đi đánh giặc, giặc sẽ phải tan tành, nhà vua việc gì mà lo.
Sứ giả về trình tâu với vua. Vua mừng bảo:
- Thế thì ta không lo gì vậy. Các quần thần đều tâu:
- Một người đánh giặc làm sao nổi?
Vua nói:
- Ðó là Long Quân giúp ta, lời lão nhân đã nói trước không phải là không có. Các ngươi chớ nên ngờ.
Rồi vua sai người tìm sắt luyện đúc thành ngựa sắt, gươm sắt, nón sắt. Sứ giả đem tất cả đến chỗ đứa trẻ, bà mẹ thấy thế cả kinh, sợ họa đến con mình, lo sợ hỏi con. Ðứa trẻ cười nói rằng:
- Mẹ đem cơm thật nhiều cho con ăn, con đi đánh giặc mẹ đừng lo sợ. Ðứa trẻ lớn rất mau, áo cơm hàng ngày bà mẹ cung cấp không đủ. Láng giềng hàng xóm nấu thêm cơm, rượu, bánh trái, thịt trâu để cho đứa trẻ ăn, đứa trẻ vẫn không no bụng. Vải lụa gấm vóc đứa trẻ mặc chẳng kín người, lại phải lấy hoa cây lau mà che. (thực tế là cơm gạo, áo vải dùng vào việc lương thực, quân trang cung cấp cho việc triệu tập nghĩa quân).
Khi quân nhà Ân kéo đến Trâu Sơn, đứa trẻ duỗi chân, vươn vai đứng dậy, mình cao hơn mười trượng, hắt hơi hơn mười tiếng vung gươm lên thét lớn:
- Ta là thiên tướng đây!
Nói xong đội nón nhảy lên lưng ngựa phi chạy như bay, múa gươm đi trước, quan quân đi theo sau đến sát lũy giặc dàn trận trước núi Trâu Sơn. Quân Ân bị vỡ trận quay giáo chạy. Ân Vương chết ở Trâu Sơn còn dư đảng sụp lạy dưới đất la liệt nói:
- Hết thảy chúng tôi xin đầu hàng thiên tướng.
Ðứa trẻ đi đến núi Việt Sóc, cởi bỏ áo mặc rồi cưỡi ngựa bay lên trời, chỉ lưu lại dấu chân trên đá dưới núi mà thôi.
Vua Hùng nhớ công lao không biết lấy gì báo đền, mới tôn là Phù Ðổng Thiên Vương. Sau tới triều nhà Lý, vua Lý Thái Tổ lại phong làm Xung Thiên Thần Vương, truyền lập miếu tại làng Phù Ðổng bên cạnh chùa Kiến Phúc, tạc tượng ở núi Vệ Linh, xuân thu đều có tế lễ".
Người đời sau có thơ đề:
"Vệ Linh năm tháng đám mây nhàn,
Muôn tía nghìn hồng chói thế gian.
Ngựa sắt ở trời danh ở sử,
Uy linh lừng lẫy khắp giang san."
(theo "Lĩnh Nam chích quái")
Đền thờ vọng Thánh Gióng ở Sóc Sơn
Ðọc truyện tích thánh Gióng, một trong những truyện tích lịch sử thượng cổ dân tộc, khi đọc đòi hỏi người đọc góp công tìm lại những tài sản quí giá, theo thời gian đã bị vùi lấp qua nhiều cơn sóng gió. Thậm chí ngay cả thời điểm lịch sử diễn ra sự việc cũng không thể xác định đã xảy ra ở thời điểm đời vua Hùng thứ mấy?
Các sách sử của dân Việt bị mất nhiều, đáng kể là trong ba năm 1407 tới năm 1410, vào thời gian giặc Minh sang xâm lược nước ta, thêm một lần nữa chúng định đổi tên nước Việt thành quận Giao Chỉ. Tuy chẳng bao lâu, chúng bị Lê Lợi lãnh đạo quân dân cả nước đánh bại. Nhưng Minh Thành Tổ lúc ấy đã ra lệnh cho bọn quan lại Tàu tận diệt di tích sách vở của dân tộc Việt. Chỉ riêng về sách, theo sách "Lịch Triều Hiến Chương văn tịch chí" của Phan Huy Chú thì: "hầu hết các sách về lịch sử, binh thư, văn học của dân Việt bị giặc tịch thu đem về Kim Lăng". Các bia đá bị đốt phá, thậm chí lệnh hủy diệt cho phép mỗi khi quân giặc bắt gặp hay khám phá được sách, bia, di tích văn hóa là hủy diệt ngay, không cần phải tàng trữ chuyển nạp, phòng khi di chuyển sẽ bị lấy hay mua lại.
Trong những sách và tài liệu còn lại cho tới ngày nay, là những truyện tích được truyền miệng hoặc được cất dấu rải rác trong dân, các nhà sưu tầm tìm thấy như "Việt điện u linh tập". Hay do gom góp, thu lượm mà có như "Lĩnh Nam chích quái". Ðã có nhiều ý kiến xác nhận "Lĩnh Nam chích quái" ra đời năm 1492 do công của Vũ Quỳnh hiệu đính và phổ biến. Việc sưu tầm truyện tích do Trần Thế Pháp có công thu góp trước đó khoảng một trăm năm.
Cuốn "Việt điện u linh tập" do Lý Tế Xuyên làm quan dưới thời nhà Trần, giữ chức "Thủ Ðại tạng thư văn, chính trưởng trung phẩm phụng ngự, An Tiêm lộ, chuyển vận sứ" viết vào năm 1329, nội dung gồm có: 6 truyện Lịch đại đế vương (nói về sáu vị vua nước Việt); 11 truyện Lịch đại phụ thần (nói về sự tích mười một vị quan); 10 truyện Hạo khí anh linh (nói về các bậc anh kiệt, hạo khí, nhân tài trong dân gian). Cuốn "Việt điện u linh tập" có giá trị cao siêu hình, thần học đối với các bậc anh hùng chống ngoại xâm, và các bực kiệt xuất trong cuộc sống. Tuy vậy cuốn sách có ít nhiều vướng vào lệ thuộc quá nặng nền văn học Trung Hoa, đề cao những cái tưởng như không thể có: thí dụ việc Sĩ Nhiếp chết rồi, đêm đêm dưới mộ còn văng vẳng nghe tiếng ông ta giảng dạy kinh Xuân Thu của Khổng Tử! (Thực tế Sĩ Nhiếp cũng chỉ là người có lý tưởng gây dựng cùng đề cao nền văn hóa cùng nền tự chủ của dân Việt).
Kẻ viết sách tự nghĩ, khi tìm hiểu giá trị lịch sử, nhất là về sự nghiệp thánh Gióng, căn cứ theo truyện tích trong "Lĩnh Nam chích quái" dễ lĩnh hội bức tranh lịch sử hơn. Nhưng nếu nghiên cứu trên giá trị thần học thì "Việt điện u linh tập" là tác phẩm đáng lưu tâm.
- Thời gian sự tích thánh Gióng xảy ra vào đời Hùng thứ mấy?
Ðối chiếu theo niên biểu các thời đại, vào đời Hùng thứ ba, bên Trung Hoa chưa có nhà Ân. Vào năm 2208 trước công nguyên, ở Trung Quốc có việc: "vua Thuấn tuần thú phương Nam dẹp Tam Miêu bị chết ở Thương Ngô". Sự việc này phù hợp với đời Hùng thứ ba ở Việt. Vị trí Thương Ngô (Quảng Tây) cũng gần với miền Vũ Ninh (Bắc Ninh). Ở thời thượng cổ, khi người ta còn gọi các chủng tộc Việt là giống Tam Miêu, sự phân địa giới giữa miền Bắc Ninh và Quảng Tây chưa có, ranh giới phân biệt hai nước Việt Nam và Trung Hoa cũng chưa có, tất cả còn được gọi chung là miền đất Thương Ngô. Sự việc "Ân vương chết tại núi Trâu Sơn" có thể tin là sự việc: "Vua Thuấn tuần thú phương Nam dẹp Tam Miêu bị chết ở Thương Ngô". Theo "Ðại Việt sử ký toàn thư" (Nhượng Tống dịch), trang 170 có trích dẫn lời sớ của thái thú quận Hợp Phố là Tiết Tổng trình tấu tại triều đình nhà Ngô (thời Tam Quốc) vào năm 231, nói việc vua Thuấn chết tại Thương Ngô. Sách "Thượng thư" của Trung Hoa, đoạn viết về vua Thuấn, đã viết: "Thuấn soán Tam Miêu vu Tam Nguy" (Thuấn tìm bắt các người Tam Miêu đày ở miền Tam Nguy), cũng lộ ý cho biết: Thuấn tìm mọi phương cách từ tuần thú sát hại, cướp phá tới lưu đày để loại trừ và đồng hóa giống Tam Miêu (Bách Việt). Ngược lại người Tam Miêu, nhìn vào lịch sử người Việt từ thời Văn Lang cho tới mãi mãi về sau chống ngoại xâm, đã bảo vệ tồn tại chủng tộc, nền độc lập, tự chủ, anh dũng kiên cường.
Có tài liệu và thần phả viết tên húy của thánh Gióng là Thiết Lung, hoặc Thiết Lang, như thế có nghĩa thánh Gióng là cái lồng bằng sắt, hoặc chàng trai bằng sắt. Qua các tên húy của thánh Gióng như chính các tên húy của thánh đã ngầm giải thích: thánh Gióng không phải là người bằng xương bằng thịt, không phải là người thật. Thánh chỉ là người được đan kết lại bằng sắt hoặc là cái giàn, cái khung bằng sắt dựng lên thành hình người.
Danh từ "Thánh Gióng" với ý nghĩa nôm na của từ "Gióng" tự nó cũng lộ rõ: "gióng" là một động từ có nghĩa là kết hợp rồi dựng thành một cái gì đó. Thí dụ: "gióng trống khua chiêng"; "gióng binh"; "gióng quân nổi cờ"; hoặc là "gióng quang để gánh"; "gióng khung cửi để dệt vải". "Thánh Gióng" cũng có nghĩa là một cuộc gióng quân thần thánh, kỳ diệu phi thường, có hiệu lực chỉ trong chớp nhoáng có được đoàn quân nhiệt tình, đông đảo dũng cảm. Lại có nghĩa như một ông Thánh được người ta "gióng" lên, người ta dùng vật liệu kết đan mà tạo nên.
Tất cả những điều ấy chứng minh có một sự kiện phi thường: đang bỗng không chợt hiện ra một đoàn quân tướng đông đảo, oai dũng như là dân Việt biết phép "rắc đậu thành binh", mọi tham vọng muốn chinh phục dân Việt tất phải dẫn tới cái chết.
Tình hình cuộc chiến tranh giữa giặc Ân và nước ta, sự chuẩn bị đánh nước ta chắc phải ba năm sau giặc mới đánh. Vua Hùng cũng biết trước ba năm sau giặc mới đánh, do ông già xuất hiện trong cơn mưa gió khi nhà vua làm lễ cầu Long Quân, đã nói cho biết.
So sánh sự mạnh yếu giữa lực lượng ta và giặc, có những điểm nổi bật:
- Giặc Ân tự thấy lực lượng xâm lăng của họ mạnh, nước ta yếu, mới có ý định xâm lăng, dùng bạo lực quân sự đánh chiếm, dưới chiêu bài giả danh nghĩa tuần thú.
- Triều đình nước ta hoàn toàn chểnh mảng việc quốc phòng. Nhà vua khi được tin có giặc chỉ biết lo sợ và cúng bái. Vận mệnh muôn dân và đất nước đặt vào tay bọn thầy cúng, bói toán.
Vua như thế, triều đình như thế, khi có giặc tới xâm chiếm, sự thắng bại trong chiến tranh như đã được định trước. Tình trạng dân gian, sơn hà sắp bước vào nguy khốn, nếu tất cả nhân dân phó mặc cho nhà vua cùng triều đình định liệu, chiến tranh sẽ diễn ra trong cảnh không nương tay tàn sát, cướp phá của quân giặc. Cảnh chết chóc, tàn phá tang thương bi thảm do giặc tạo ra sẽ vô cùng khủng khiếp, để rồi toàn dân, những ai còn sống sót, bắt buộc phải cam tâm sống dưới cảnh nô lệ bị bóc lột, đày đọa, ô nhục. Trong lúc nguy cấp, mạng dân, mệnh nước như chỉ mành treo chuông, những công dân yêu nước thương nòi, hẳn có nhiều người trước tình thế hiểm nghèo, đã lo lắng tìm kế cứu nước.
Lược bỏ tất cả những sự việc vô lý không thể có được trong thực tế, từ đó nội dung truyện tích tự bày tỏ gần hết sự thực.
Việc ông già râu mày bạc phơ ngồi giữa ngã ba đường nói cười ca múa, lại có sẵn trong người mấy cái thẻ để bói việc "quốc sự", trong khi nhà vua đang lập đàn cúng bái. Sựiệc này có vẻ như có bàn tay nào xếp đặt đạo diễn, không thể tự nhiên mà có được. Chắc chắn ông già lạ thường ấy không phải là Long Quân hiện ra. Sự xuất hiện của ông già hẳn phải phát xuất từ mưu cơ của một tổ chức công dân yêu nước thương dân biết: "trá hình dùng thần thuật linh thiêng để chỉ đạo óc mê tín của nhà vua cùng một số người trong triều đình".
Khi thấy nhà vua chỉ lo lập đàn cúng bái cầu sự âm phù của Long Quân, rất có thể đã có một tổ chức bí mật thương dân yêu nước đã dàn xếp, đạo diễn đưa ra ông già đóng trò quái dị vào dịp nhà vua cúng bái. Và ông già đã nói với vua:
"Nếu có giặc đến phải nghiêm chỉnh khí giới, tinh luyện sĩ tốt để cho nước có uy thế, rồi tìm khắp thiên hạ xem có ai dẹp được giặc, phong cho tước, ấp, nếu được người tài thì dẹp được giặc ngay."
Nhờ có câu nói trên, vua lưu ý việc quốc phòng và tin chắc rằng sau này có giặc, chỉ việc tìm trong nước sẽ có người tài xuất chúng dẹp được giặc. Như thế cũng có nghĩa khi giặc tới người có tài được phong "tước" (nắm quyền chỉ đạo chống giặc) và được phong "ấp" (có chiến khu lập trung tâm chỉ huy, tập luyện binh sĩ chống giặc); hoàn toàn cả hệ thống đánh giặc được chuẩn bị trong dân chúng yêu nước, thay thế khối óc mê tín của nhà vua.
Bộ tham mưu thánh Gióng đã biết vận dụng sức mạnh từ mê tín dị đoan (tiêu cực) tới có lòng tin chắc chắn, tạo thành sức mạnh thực hiện đại cuộc chống giặc thành công (tích cực). Cũng nhờ vào sự vận dụng thần thánh kỳ diệu ấy, khi có giặc, còn có lực lượng của triều đình nghe theo lời Long Quân tinh luyện sĩ tốt. Ðáng kể hơn nữa là, qua sự loan truyền có thánh Gióng xuất hiện, tạo được lực lượng đoàn quân ứng nghĩa tự phát cùng tâm lý trong nhân gian đồng loạt nhiệt tình hướng vào mục tiêu chống giặc.
Thánh Gióng đòi ngựa sắt, nón sắt, gươm sắt, sắt ở thời đại ấy nếu có thì cũng rất hiếm, nhà vua vẫn cũng phải cung cấp đầy đủ đòi hỏi của thánh Gióng. Nhiều lần đúc ngựa, đúc gươm không đủ sắt, gươm gãy, ngựa oằn, lại phải tìm kiếm sắt thêm để đúc lại.
Nguyên lý bất di bất dịch của chiến tranh là: "biết mình, biết người, trăm trận đánh, trăm trận thắng". Buổi đầu cả bên phía nước ta và bên phía giặc Ân đều biết tình hình của nhau. Ta biết sau ba năm giặc Ân sẽ mượn cớ tuần thú để xâm lăng. Giặc Ân cũng biết tình hình và lực lượng của nước ta yếu và vua quan triều đình nhiều người mê tín, chỉ lo dốc sức vào việc cầu cúng, bói toán.
Sau khi ông già đầu tóc bạc phơ xuất hiện, giặc Ân không thể biết sự mê tín của triều đình ta bắt đầu có sự chuyển hướng. Mê tín đã biến thành sức mạnh. Tất cả những con người, những kế hoạch, những lực lượng chỉ đạo, những vận động quần chúng cả về thực lực và tâm lý ở đâu và do đâu? Những điều quan trọng ấy hoàn toàn giặc Ân không biết. Ðối tượng để chúng tìm hiểu vẫn chỉ là cái triều đình yếu ớt và mê tín, từ lâu chúng đã nhìn thấy và biết quá rõ ràng. Truớc nguyên lý chiến thắng, sự bại trận đáng lý ở phía nước ta đã bắt đầu chuyển sang phía giặc Ân phải gánh chịu. Chúng đã không thể biết những cái cần phải biết trong chiến tranh. Cánh giây cung sức mạnh nhân dân đã được căng lên, mũi tên chiến thắng được đặt vào, rồi sự việc thánh Gióng xuất hiện vào đúng lúc cần được xuất hiện, sẽ đẩy mạnh mũi tên phá giặc Ân nhanh hơn cơn giông, ánh chớp.
Gần như có sự kèo nài trả giá giữa triều đình và thánh Gióng về số lượng cần thiết sắt để đúc ngựa, nón và gươm bằng sắt (thực tế là để có nhiều sắt rèn khí giới trang bị cho nghĩa quân theo thánh Gióng). Ngoài việc đòi có ngựa, gươm và nón bằng sắt, đứa trẻ còn đòi có nhiều cơm ăn, nhiều vải may quần áo, bao nhiêu vải cũng không đủ mặc, bao nhiêu cơm ăn cũng không đủ no (số lượng lương thực và vải càng nhiều càng tuyển dụng và trang bị được nhiều nghĩa quân). Khi quân Ân kéo tới núi Trâu Sơn, mãi tới lúc ấy sự việc thánh Gióng mới thực sự được thể hiện: "đứa trẻ duỗi chân vươn vai đứng dậy, mình cao hơn mười trượng".
Bí quyết góp thành công lớn của chiến dịch thánh Gióng là: "đứa trẻ chỉ thực sự trở thành thánh Gióng to lớn đúng vào lúc quân giặc kéo tới núi Trâu Sơn".
Truyện tích thánh Gióng truyền lại một công trình vận động lịch sử chống giặc vĩ đại, trước đó và về sau đều không thể có được. Trí thông minh tuyệt vời của những công dân yêu nước, nhiệt tình lo đánh giặc thời đó, khó có thời nào sánh kịp. Ðiều đặc biệt của chiến dịch chỉ có những người chỉ đạo biết. Triều đình cùng nhân dân sau khi thánh Gióng đánh thắng giặc cũng không biết thánh Gióng là gì? Là ai? Nên cả dân, cả nước đều không thể đền đáp công ơn của thánh. Sự việc thánh Gióng cũng không để lại bất cứ tên tuổi nào để lịch sử được hân hạnh ghi tên. Muốn biết, phải cảm hội được mới giải thích được.
Cuộc vận động cứu dân cứu nước nào cũng phải có đông đảo nhân dân tham gia mới thành công. Muốn thế cuộc vận động phải gây được sự tin tưởng trong mọi tầng lớp xã hội đời sống người dân. Nhưng kế hoạch và chương trình hoạt động cần tuyệt đối giữ bí mật. Vấn đề là biết đặt ra bí quyết phương thức nào đó, để được toàn dân tin theo tham gia hưởng ứng mà bí mật vẫn được bảo toàn. Ðiều này là yếu tố then chốt dẫn tới thành công.
Cũng vẫn là vấn đề then chốt, toàn dân tham gia vào cuộc vận động vì tin chắc đạt được thành công. Song sức mạnh đem đến thành công lại chính là sự đông đảo toàn dân tham gia, không phải bản thân kế hoạch tự tạo được sức mạnh đạt thành công. Kế hoạch vận động đánh giặc của thánh Gióng dồn dập nhiều yếu tố bất ngờ: chỉ trong thời gian rất ngắn tạo được lực lượng vĩ đại, rồi cũng rất nhanh chóng phá tan giặc như ánh chớp, cuối cùng cũng nhanh như ánh chớp thánh Gióng bay lên trời!
Tạm ước định những sự thực bí mật ẩn bên trong truyện tích thánh Gióng có thể diễn biến như sau:
Trước cảnh muôn dân cùng đất nước sắp bị chém giết, cướp phá bi thảm, một số người nhiệt tình yêu nước, thương nòi đã bàn mưu tính kế thành lập tổ chức thương dân cứu nước để đánh giặc. Họ cố ý tạo nên một vị thiên tướng kích động triều đình và toàn dân hướng vào công cuộc đánh giặc, ngay cả khi khởi sự đánh giặc cũng bất ngờ bộc phát vụt lớn mạnh sức chiến đấu trên trận địa, làm kinh hoàng quân giặc, đồng thời nâng cao khí thế diệt giặc cùng lúc quật khởi của quân dân ta. Vị thiên tướng ấy là thánh Gióng.
Ðầu tiên bộ tham mưu thánh Gióng cho ông già đầu tóc bạc phơ ra đứng giữa ngã ba đường tạo các cử chỉ lạ thường, khiến mọi người chú ý và vua đã đặc biệt lưu tâm, thân hành tiếp đón để vấn kế. Ông già đã nói cho vua nghe những điều cần nói, gây ấn tượng cho vua cùng nhiều người nghĩ là có Long Quân giúp cho việc đánh giặc. Vẫn hoạt động mưu trí, bộ tham mưu thánh Gióng tìm một gia đình có đứa con ba tuổi bị tật không biết nói, không biết ngồi, thay thế nó bằng một đứa trẻ thông minh khác, rồi khéo léo thuyết phục người mẹ cùng gia đình đứa trẻ, dặn dò cách đối đáp với sứ giả nhà vua khi triều đình cho người tới tìm nhân tài (có thể cũng là một bộ phận công việc do người của bộ tham mưu thánh Gióng được cắt cử ra đảm trách). Bộ tham mưu cũng cho người len lỏi vào dân gian quanh vùng, tạo ra sự tuyên truyền tế nhị, linh hoạt, theo đúng khuynh hướng tâm lý ở thời xưa, có từng bước chuyển biến của công tác vận dụng. Lúc sứ giả nhà vua đến, đứa trẻ có tật không biết nói được thay thế bằng đứa trẻ thông minh, biết nói và nó đã nói những điều được dặn cần thiết phải nói với sứ giả, khiến cho sứ giả tin rằng có thần nhân xuất hiện.
Việc loan truyền đứa trẻ không biết nói, đột nhiên lại biết nói và nói những việc của bậc siêu nhân thần thánh là sẽ dẹp yên được giặc nước, tất tạo được sự kinh dị trong quần chúng quanh vùng, làm gia tăng độ tuyên truyền, lan rộng mau chóng khắp nơi trong nhân dân.
Chắc hẳn tổ chức thương dân yêu nước và bộ tham mưu thánh Gióng phải bố trí và cách ly nghiêm ngặt, không phải ai muốn tiếp cận thánh Gióng cũng có thể được. Chỉ một số người chủ yếu trong bộ tham mưu mới được quyền đưa ra các yêu cầu của thánh Gióng. Ngược lại các ban truyền của nhà vua đến với thánh Gióng cũng qua những người chủ yếu trong bộ tham mưu nhận lệnh, ngoại trừ lần đầu, khi đứa trẻ mới biết nói là lần duy nhất sứ giả được gặp mặt thánh Gióng.
Bản thân vị sứ giả khi tới gặp đứa trẻ cũng đã sẵn có định kiến: "đứa trẻ chắc hẳn là thần nhân, đã có nhiều nguồn tin đồn về đứa trẻ ấy, đứa trẻ kỳ lạ, lẽ nào không phải là bậc thiên tài xuất hiện?". Nên khi được nghe đứa trẻ nói: "về tâu với vua đúc cho ta ngựa sắt" khiến sứ giả dễ dàng chuyển từ ngờ vực tới tin chắc có thiên tài xuất thế, nhất là đối với xã hội thời thượng cổ có nhiều người còn tin vào thần quyền. Những sự việc xảy ra bình thường thì không thể tin được, nhưng đã sự thực xảy ra, đã bao người từng cho là có, chính mắt chính tai sứ giả cũng nhìn và nghe thấy. Trong đáy lòng sứ giả, một bày tôi trung mang sứ mệnh truyền đạt giữa nhà vua và thần nhân, cũng chỉ hằng mong có sự việc kỳ lạ như thế sẽ xảy ra. Vậy sứ giả cũng chẳng cần tìm hiểu sự thực thêm nữa, cứ mau chóng hồi triều, trung thực tâu lại lên vua những gì ông đã tai mắt nghe và nhìn biết được.
Còn nhà vua khi được tin có sứ giả về báo thần nhân đã xuất hiện, sau khi nghe tâu trình, ông đã nói: "-Ðó là Long Quân đã giúp ta, lời lão nhân đã nói trước không phải là không có". Ông gạt đi mọi sự ngờ vực của một số cận thần. Ðã thế, tất nhiên ông tận tình ra lệnh giúp đỡ thánh Gióng, thực hiện mọi yêu sách thánh Gióng đã đưa ra.
Nhờ cách vận dụng và hoạt động khéo léo, ngoài việc từ vua quan tới đông đảo dân chúng tin tưởng, tổ chức "Thánh Gióng" còn được cung cấp đầy đủ vật liệu, sắt, lương thực, vải, quần áo để xây dựng chiến khu, tuyển lựa nhân tài, nhân lực, luyện tập quân sĩ, chế tác vũ khí, quân trang dùng trong chiến trận. Ðồng thời khi có giặc và có hiệu lệnh của thánh Gióng ban ra, tất nhiên rất mau chóng, cũng có rất nhiều trai tráng, dân đinh hưởng ứng theo thánh Gióng đi đánh giặc lập công. Trước hết, họ hưởng ứng để được đánh giặc cứu nước, và cũng thỏa mãn được lòng mong ước và hiếu kỳ được theo thánh, được tận mắt trông thấy thánh Gióng xuất hiện trong đám ba quân. Chắc hẳn thánh có nhiều phép thần thông đánh tan bọn giặc Ân nhanh trong chớp mắt!
Ðể nhận định được những sự nghiệp cùng sự hưởng ứng của nhân dân đánh giặc Ân trong phong trào thánh Gióng dưới thời đại Hồng Bàng đã bị mất sử, suy nghĩ kỹ tưởng như còn hiên ngang và đảm lược hơn cả truyện tích "Con ngựa gỗ thành Troie" trong thiên sử thi Illiade của Homère về truyện cổ tích phương Tây. Nên lưu ý tới các di tích:
Tại các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và nhiều tỉnh phụ cận, dân chúng truyền tụng rất nhiều sự tích, di tích thánh Gióng. Ngựa của thánh đi qua nơi nào, quân tướng của thánh theo sau, nay đều thành các ao, chuôm, hồ nhỏ nối dài liên tiếp nhau. Khi thánh Gióng đánh giặc, quân nhiều đến nỗi phải nhổ tre, chặt tre làm khí giới. Sau khi đuổi đánh giặc xong, quân ta quăng bỏ tre đi, nay các tre ấy mọc thành nhiều rặng tre theo lối quân thánh đi.
Làng Cựu Tự có một cột đá, dân gian truyền lại là nơi thánh buộc ngựa. Ngựa của thánh mệt quá, sủi bọt mép, bọt mép ngựa rơi xuống thành bãi Bạch Nhạn sa (có lẽ là nơi đóng quân của thánh Gióng dừng quân nghỉ, nay thuộc huyện Quế Võ). Cũng ở vùng này có một làng có tên gọi là làng Bầu. Sở dĩ có tên đó là khi quân của Thánh đi qua khát nước, dân làng đã đem nước ra dâng cho quân sĩ uống nước bằng các bầu đựng đầy nước.
Ngay tại thị xã Bắc Ninh, trước đây có một làng tên là làng Nưa. Khi giặc Ân sang đánh nước ta, năm anh em trai một nhà trong làng, mổ bò khao quân, dựng cờ hiệu triệu tráng dân trong vùng họp lại chống giặc. Vì thế giặc quá mạnh, năm anh em phải rút quân, sau hợp lực theo quân thánh Gióng đánh giặc lập được nhiều công to.
Tương truyền tại làng Phù Ðổng (vì có thánh Gióng nên làng mới có tên này), thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh, vào thời vua Hùng có giặc Ân đã có người nghĩ ra cách rèn sắt. Khi có thánh Gióng người này được giao việc rèn đúc binh khí. Ông chỉ huy dân trong vùng vào núi tìm các nguyên liệu làm sắt. Ông tuyển ở các xã Y Na, Mai Cương được một nghìn thợ rào (thợ lò rèn) về làm việc suốt ngày đêm để đúc khí giới. Ngày nay trong vùng còn có làng có tên là làng Mòi có nhiều đám xỉ sắt (mòi là tiếng ngày xưa và một số địa phương ngày nay gọi để chỉ phế liệu sau khi rèn, đúc sắt còn lại tạp chất). Cũng ở miền này còn có tên những khu đất có tên như: gò Phó Lò, gò Cây Táo là địa danh tương truyền trước kia là những nơi thánh Gióng cho đúc khí giới bằng sắt. Từ truyện tích thánh Gióng, nên xét lại một số thuyết sai lầm cho rằng việc tìm ra sắt, rèn sắt cũng như nhiều phát minh, sáng kiến, kỹ thuật khác, người Việt phải học của người Tàu. Sự thực việc tìm và rèn sắt cùng nhiều kỹ thuật phát minh, sáng tạo khác, khi người Tàu dùng bạo lực chinh phục Việt, hoặc đi tuần thú cướp bóc, hay đòi triều cống, thường bắt các thợ khéo, người tinh thông nghề nghiệp đem sang Tàu. Chính sách bắt người tài làm nô lệ khiến cho kỹ thuật nhiều mặt của người Việt bị mai một, người có nghề khéo không ai dám làm nghề và cũng không muốn truyền lại cho con cháu. Nếu về sau người Việt có học lại của người Tàu, nguồn gốc xuất phát nhiều thứ, từ khởi đầu, cũng do từ người Việt mà ra.
Ở thời thánh Gióng tại thành Long Biên (Hà Nội) có ông Lý Tiến được vua giao cầm quân chống giữ hai bên bờ sông Tô Lịch. Khi giặc Ân tới, ông đánh thắng giặc Ân nhiều trận, chẳng may ông bị trúng tên chết, ông báo mộng cho vua Hùng mau triệu thánh Gióng đánh giặc. Khi giặc thua dân Long Biên lập đền thờ ông, đền này được gọi là đền ông Ðô, sau lại được gọi là đình Giáp Ðông ở vào thôn Ðông Thuận (nay là phố hàng Cót), trong đền có đôi câu đối ghi nhớ sự tích:
"Nhất khí quán sơn hà, Hùng quốc, Long thành lưu di tích;
Song tang huyền nhật nguyệt, Ðông Kiều, Ngư Phố ký dư tung".
Có nghĩa: Một khí thiêng khắp sông núi, nước Hùng, thành Rồng còn di tích; Hai làng tang sầu ngày tháng, cầu Ðông, bến Cá giữ dấu xưa.
Cho mãi tới năm 1945, tại phố hàng Cót còn giữ được đền thờ Lý Tiến, trong đền cũng còn một đôi câu đối khác đáng ghi nhớ:
"Mộng giáng hoàng long, Tô Lịch giang biên lưu hiển tích;
Chí thành danh tướng, Vũ Ninh sơn ngoại lẫm trung can".
Có nghĩa:
Mộng báo rồng vàng, sông Tô Lịch giữ dấu hiển linh;
Chí thành tướng giỏi, núi Vũ Ninh ngoài nổi tiếng gan trung.
Xa nơi thánh Gióng xuất phát hơn nữa, tại xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình, dân chúng có dựng ngôi đền thờ thánh Gióng trong khu đất có nhiều tre đằng ngà mọc. Theo truyền thuyết khi thánh Gióng đánh giặc gươm bị gãy, phải nhổ tre làm vũ khí, giặc thua chạy, thánh đuổi giặc tới nơi đây, giặc đầu hàng. Thánh Gióng quăng bỏ tre, về sau tre mọc dày đặc nên dân lập đền thờ ghi nhớ công ơn. Hàng năm dân chúng vùng này vào dịp đầu tháng tư âm lịch, người dân tề tựu tới đền làm lễ kỷ niệm thánh Gióng. Ngoài ra còn nhiều nơi ở nhiều tỉnh khác có đền thờ thánh Gióng. Ðối với hình dáng, màu sắc tre đằng ngà, hầu như mỗi người dân Việt trải qua nhiều nghìn năm, những khi nhìn thấy bóng dáng tre lại nghĩ tới truyện tích thánh Gióng đánh giặc cứu dân, cứu nước.
Lưng chừng núi Tam Ðảo, tỉnh Vĩnh Yên có ngôi đền thờ cổ có tên gọi là đền Tây Thiên. Nơi đây thờ người con gái có công lao to trong việc đánh giặc Ân. Ðền này cũng được coi là ngôi đền thờ nữ thần núi Tam Ðảo, do sự tôn kính của nhân dân đối với người con gái đánh giặc, nên tôn xưng như vị nữ thần của núi. Nữ thần còn được tôn là "Trụ Quốc Mẫu thái phu nhân". Dưới đây là truyền thuyết về sự tích vị nữ thần, theo lời dân chúng sống quanh vùng núi Tam Ðảo:
"Khi có giặc Ân, có một thiếu nữ sống trên núi Tam Ðảo, thường ăn trái cây và mặc quần áo tự dệt may bằng vỏ cây, nàng tình nguyện xin được vua cho đi đánh giặc. Nàng qui tụ được nhiều nữ binh và nghĩ ra cách đánh giặc bằng cách chế ra các máy bắn đá có khoảng cách xa, từ trên núi cao có thể bắn đá xuống đường quân giặc đi. Trận nữ thần thắng giặc lớn nhất là trận nữ thần dàn trận cho các nữ binh phục kích giặc từ các đỉnh núi cao, bắn đá và ném đá xuống đầu bọn quân giặc đang tiến quân trên đường đi cạnh các núi đồi miền ngã ba Bạch Hạc. Trận đánh này nữ thần cùng các nữ binh đã chặn đứng cùng đánh bại đoàn quân giặc định tiến đánh kinh đô nước Văn Lang.
Sau khi giặc Ân bị thánh Gióng đánh tan, trong một cuộc hội triều quan trọng, Lang Liêu trình bày trước vua cùng triều đình luận thuyết cùng mô hình "bánh dầy bánh chưng", chàng được lên ngôi vua. Lang Liêu đã đích thân lên núi Tam Ðảo mong tìm và được gặp mặt người nữ tướng có công đánh giặc Ân năm xưa. Chàng đã không phí công len lỏi trong rừng sâu núi cao, Lang Liêu đã mãn nguyện, tìm và gặp được nàng con gái lừng danh nữ tướng anh thư, trong khi nàng đang đi săn thú rừng. Sau khi được giáp mặt, trò chuyện, Lang Liêu rất cảm mến vị nữ tướng, chàng thành thực ngỏ ý xin được cầu hôn cùng nàng. Về phía nữ tướng, nàng cũng thầm cảm mến đức độ cùng trí tuệ của Lang Liêu nên thuận ý kết duyên cùng chàng. Lễ cưới được tổ chức long trọng tại kinh đô nước Văn Lang với sự vui mừng của toàn dân, khi thấy nhà vua tự chọn được vị hoàng hậu tài đức song toàn".
Ðền Tây Thiên tại núi Tam Ðảo nêu trên, cách nay không lâu còn lưu giữ được một bức phù điêu cổ có giá trị cao về cả hai mặt bảo tàng sử học và nghệ thuật. Bức phù điêu có hình thức vừa là bức tranh sơn lại vừa là tác phẩm điêu khắc gỗ, kích thước bề ngang khoảng hai mét, bề cao khoảng hai mét rưỡi. Tranh chạm hình mười một người phụ nữ, phần đông là thiếu nữ đang múa hát trong mây và hoa rơi lơ lửng trông như hoa đang bay. Quần áo các phụ nữ này mặc theo phong thái cổ, cũng như các đàn, sáo, nhạc cụ các phụ nữ sử dụng đều có hình dáng nhạc cụ của thời nguyên thủy nền văn minh cổ nước Việt. Người phụ nữ ngồi trên cao nhất đang đánh đàn, các thiếu nữ, phụ nữ khác đều cầm đàn, sáo hay quạt ở các tư thế đang múa hát hòa cùng các điệu nhạc. Hình thái những làn mây, hoa bay trong tranh như biểu tượng của núi cao chìm trong mây và hoa, quan sát nghệ thuật chạm và màu sắc tranh lại giống như phong cảnh thần tiên của mùa xuân bất tận. Bức chạm nổi này là tác phẩm nghệ thuật cổ của dân tộc, đáng nên lưu tâm gìn giữ cho ngày nay và cho cả mai sau.
Như thế trước khi Hai Bà Trưng, tiêu biểu cho khí phách anh thư, đảm lược đệ nhất của phụ nữ Việt, ngoài nàng Bầu chém voi đất vọng ngoại của huyền sử, lại còn có nữ thần núi Tam Ðảo đánh giặc Ân có công lớn là truyện tích sự thực lịch sử, nhưng vì bị mất sử nên đã được huyền thoại hóa.
Qua các sự tích đã lược ghi về thánh Gióng, hiện ra hai phần sự thực và huyền thoại:
Phần sự thực có những điểm được xác định: nhiều nơi và nhiều truyện tích khác nhau, tỏ rõ việc thánh Gióng đánh giặc là sự thực. Cuộc chiến đấu đánh giặc Ân đã kéo dài đường đuổi giặc lớn, được coi là cuộc chiến chống ngoại xâm có nhiều người, nhiều địa phương tham gia.
Phần huyền thoại không có trong sự thực là các sự việc: đứa trẻ tàn tật bỗng nhiên biết nói và vươn vai thành người khổng lồ; thánh Gióng và ngựa sắt bay lên trời; các vết chân ngựa thánh bước đi sau trở thành ao, chuôm. Dù vậy, phần huyền thoại luôn luôn có ý nghĩa góp phần biện chứng cho những yếu tố cốt lõi của phần sự thực, khiến người ta dễ hiểu ra tại sao có phần huyền thoại ấy. Các sự việc lịch sử khi trở thành các truyện cổ tích truyền miệng thường được thần thánh hóa các sự việc, vì nếu diễn tả bằng sự thực câu chuyện phải dài dòng và không tạo được nhiều sự chú ý, hợp lòng hiếu kỳ cho số đông người nghe. Các hình thể núi sông trong huyền thoại cũng thường được đem ra làm chứng tích. Các chứng tích ấy nhiều thứ không phải đúng với sự thực, nhưng chúng là những địa hình sừng sững và cụ thể trước mặt mọi người (thí dụ núi Sóc, đảo Bạch Long Vĩ, hồ Tây v..v...). Nhờ các núi sông ghép vào sự tích, khiến mọi người cứ nhìn thấy núi sông lại nhớ tới sự tích cùng công lao người xưa. Ðiều này cũng là cách tạc tượng hay lập đài kỷ niệm của người xưa, rất hiệu quả, rất có ích lợi cho cuộc sống, là một thứ hồn thiêng gắn liền với truyền thống dân tộc, dù muốn phá hoại cũng không kẻ thù nào phá được các núi sông ghi dấu lịch sử.
Giặc Ân kéo tới núi Trâu Sơn, chỉ lúc ấy thánh Gióng mới xuất hiện trước ba quân, và xuất hiện trong không khí náo động muôn nghìn cảnh huống kinh hoàng dồn dập: giặc tràn tới, súc vật, người già, phụ nữ, trẻ em, giày xéo nhau tìm đường chạy. Ngược lại trai tráng từng toán người hăm hở cầm đao, kiếm, dao, búa xông ra đánh giặc. Rồi nhà cửa bị đốt, khói lửa mù mịt trời đất, người bị giết, bị thương, tiếng kêu khóc, chân tay, ruột gan, cơ thể xác người lìa đứt, máu loang khắp đất, đầu người bị chém rơi, ngựa hí, quân reo hò hòa với tiếng binh khí, gươm giáo va chạm nhau chát chúa v..v... Dù ngay với các chiến sĩ dũng cảm: quyết tâm tử chiến để cứu dân, trong cảnh ấy nhiều người cũng cảm thấy đang sống chơi vơi giữa trần gian và địa ngục. Ðó là bối cảnh thực thích hợp để thánh Gióng bằng khung sắt kết cỏ trông giống như người khổng lồ xuất hiện. Hiển nhiên ngay giữa chiến trường bao trùm chết chóc, tàn sát, kinh hoàng, bỗng vụt từ dốc núi cao lao xuống ngựa và người một vị thiên tướng to lớn, đứng gần trông tưởng to hơn cả núi. Không ai biết, nhất là bọn giặc, vị thiên tướng ấy đã từ dưới đất hiện lên hay từ trên trời bay xuống xông thẳng vào trận đánh giết bọn giặc Ân đông đảo? Ðó là thánh Gióng, miệng ngựa thánh phun ra các tia lửa nóng rực, các khối lửa to bằng đầu người rơi lên đầu giặc, và bọn giặc cũng chỉ còn biết quăng hết gươm giáo, cùng ôm đầu chạy trốn, vì theo sau ngựa của thánh, một đoàn quân đông đảo, hùng dũng, gươm sắt sáng lòa, đúng là đoàn thiên binh tiến ập vào đuổi đánh tàn sát bọn giặc. Chẳng có sách vở binh thư hay trận pháp nào dạy bọn giặc Ân cách đối phó với sự tập kích kinh hoàng như thế. Ðúng là ngựa nhà trời đánh trận nên tất cả miệng, mắt, mũi, tai của ngựa đều có những khối lửa bay ra (vì ngựa là khung sắt đan kết, bốn chân ngựa được lắp bánh xe, người trong bụng ngựa có thể ném các khối vật liệu tẩm dầu đốt lửa xuống đầu giặc).
Trước cảnh ấy, cũng không hơn gì những tên giặc khác, vua Ân kinh hoàng không còn tin vào chính tai, chính mắt của mình, cũng chẳng có phương cách nào để truyền lệnh cho bọn tướng sĩ, quân binh ra khỏi cảnh kinh hoàng. Các tướng giặc cũng bó tay, tối tăm trí tuệ, không biết xử trí ra sao trước cảnh ba quân kinh hồn, táng đảm: tên giặc này hô hoán kêu gọi tên giặc khác tìm đường trốn chạy, quân quăng bỏ gươm giáo, tướng vứt hết cờ lọng. Vua Ân bị sa vào đám loạn quân rồi mất mạng giữa đám nghĩa quân hùng dũng.
Sau khi thắng trận, vua giặc đã bị chết, hầu hết tướng giặc không còn, nếu có còn sót tên nào cũng quẳng giáp buông gươm giả làm tên lính bại trận hay dân thường mong thoát chết. Bấy giờ bọn giặc đông như kiến vứt khí giới dẵm lên nhau chạy trước, quân dân ta càng đông hơn, người cầm giáo mác, người cầm khí giới của giặc bỏ lại, thậm chí nhiều người nhổ, chặt cả tre đằng ngà cầm tay để đuổi giặc. Giặc trước, ta sau cùng chung một lối chạy và đuổi băng qua ruộng, hồ, ao, gò để lại một lối đi toàn những ao, chuôm, liên tiếp nhau, người đời sau truyền lại là "lối đi của ngựa thánh Gióng".
Cảnh chiến trường chính, nơi đại thắng giặc tại chân núi Sóc, sau khi thắng đã giết được vua giặc, là nơi là lúc có hoàn cảnh thuận tiện để thánh Gióng và ngựa sắt di chuyển lên đỉnh núi. Vì theo truyện tích viết: "Ðứa trẻ đi lên núi Việt Sóc, cởi bỏ áo mặc rồi cưỡi ngựa bay lên trời, chỉ lưu lại dấu chân trên đá dưới núi mà thôi". Có thể ngay tại đó, những người ẩn trong bụng ngựa để phun chất dầu bắt lửa, ném những khối lửa, khối pháo cháy lên đầu giặc đều đi ra ngoài. Người ta tháo gỡ hết những vật liệu tạo nên hình dáng thánh Gióng và ngựa sắt khổng lồ. Cuộc chiến thắng đã hoàn thành, tất cả mọi người, ngoại trừ bộ tham mưu thánh Gióng và những người hành động chủ chốt tạo nên chiến dịch thánh Gióng, về phần triều đình và dân thường không ai biết thánh Gióng cùng ngựa sắt lên núi Sóc rồi đi đâu? Coi như thánh Gióng và ngựa đã đằng vân bay lên trời!
Lịch sử chống xâm lăng sau này của dân Việt, có Nguyễn Huệ đánh phá quân Thanh trong vòng mười ngày, đáng kể là cuộc chiến thắng thần tốc trong lịch sử. Nhưng so với thánh Gióng phá giặc Ân trong chớp nhoáng mà việc khởi quân và gióng binh từ tay không, trang sử diệt giặc nhanh nhất vẫn là thánh Gióng. (Suy ngẫm lịch sử chống xâm lược phương Bắc của dân Việt, truyền tiếp từ thời thánh Gióng, luôn luôn trong chiến đấu tạo được sự bất ngờ tấn công, hùng tráng đột biến vĩ đại, khiến giặc tự kinh hoàng mà tan vỡ. Giặc càng đông chết càng nhiều: khi thì chiến thuyền bị đắm bởi cọc nhọn ở Bạch Ðằng giang thời Hưng Ðạo Vương, khi thì tự chết do đứt cầu phao trên sông Nhị Hà thời vua Quang Trung, cộng với rất nhiều gương chống giặc không bút nào kể xiết. Sức mạnh quân Mông Cổ san bằng cả nước Tàu và nhiều nước khác, vẫn thảm bại ở Việt, hẳn phải là sự suy ngẫm không thể nào quên). Ðánh giặc thắng giặc nhanh, rút ngắn thời gian chiến tranh, thu hẹp địa hình cùng khống chế mọi sự tàn sát, cướp phá của giặc mới thực là kế hoạch quân sự vẹn toàn, có công to bảo vệ nhân dân đem lại thanh bình sớm cho đất nước. Còn đánh giặc mà để cho giặc hoành hoành giết hại, cướp phá dân, hàng chục hàng trăm người dân chết mới loại trừ được một tên giặc, vô tình dân trở thành tấm bia đỡ tên đạn, khắp nước là chiến trường bị tàn phá, chết chóc, chiến tranh kéo dài hàng chục năm, thiết tưởng công lao chỉ đạo đánh giặc ấy cũng chẳng đáng ca ngợi làm chi cho nhiều lắm.
Những người tổ chức và tham mưu kế hoạch thánh Gióng đối với giống nòi, đất nước, họ đã nghĩ: "người công dân có trách nhiệm trước giống nòi, đất nước, đó là bổn phận cảm thấy rất đáng vinh hạnh và tự hào, không đòi hỏi dân, nước phải đền ơn". Hay nói cách khác: "Những người có công nhiều nhất với Tổ Quốc, chính lại là những người không còn ai biết đến tên tuổi, đang ở đâu, để Tổ Quốc được ghi ơn". Trái hẳn với nhiều triều đại, nhiều cá nhân có công với dân với nước thì ít, tự phong cho mình những công to trời biển, đòi dân nước đền ơn lại quá nhiều. Những triều đại ấy, những cá nhân ấy cuối cùng chỉ dẫn tới cường quyền tham ô, bất công và đồi bại.
Truyện tích "Thánh Gióng" một bí tích lịch sử, có giá trị cổ vũ tinh thần thương dân yêu nước cao thượng, đầy trách nhiệm công dân, theo đúng ý nghĩa câu ca dao về ngày hội "Thánh Gióng":
"Ai ơi mùng tám tháng tư,
Không xem "Hội Gióng" cũng hư một đời!"
"Hư một đời" chỉ do không được xem hội Gióng, nên không thấm nhuần, tìm hiểu được giá trị cùng trách nhiệm của ngưới công dân, để rồi "hư hỏng" chẳng làm tròn bổn phận cao đẹp người công dân.
Ðền ơn thánh Gióng đã có công cứu dân, cứu nước dẹp giặc thần kỳ, vua Hùng cho là bực vương nhà trời xuống phù trợ việc đổng binh dẹp giặc, theo ý nghĩa ấy đời sau dịch theo chữ nho là: "Phù Ðổng Thiên Vương".
Nôm na ý nghĩa hơn cả vẫn là cái tên "Thánh Gióng" mà nhân dân khắp nước nơi nơi truyền tụng, đời này sang đời khác.
Bí tích lịch sử "Thánh Gióng", nếu người nghìn sau tìm và nhìn thấy giá trị nghìn xưa thì thực vô cùng bổ ích, có thể nâng cao cuộc sống, giảm đi nhiều đau thương tang tóc khi dân, nước lâm vào cảnh sơn hà nguy biến.
Cho tới nay, vào đêm trước ngày hội Gióng thời tiết thường có mưa, dân chúng nơi tổ chức hội Gióng truyền bảo nhau trong niềm tôn kính thiêng liêng: "Trên trời đã có mưa giông để ngày mai thánh Gióng cưỡi ngựa từ trời về đền thờ!".
Ngoài sông, núi, cỏ cây, dân Việt còn đem cả thời tiết gió mưa vào cảnh trí nhớ ơn thánh Gióng.

Trong "Ðại Nam Quốc Sử Diễn Ca" do Lê Ngô Cát biên soạn và Phạm Ðình Toái hiệu đính, viết về thánh Gióng có đoạn viết:
Làng Phù Ðổng có một người,
Sinh ra chẳng nói, chẳng cười trơ trơ.
Những ngờ oan trái bao giờ,
Nào hay thần tướng đợi chờ phong vân.
Nghe vua cầu tướng ra quân,
Thoắt ngồi, thoắt nói muôn phần khích ngang.
Lời thưa mẹ, dạ cần vương.
Lấy trung làm hiếu một đường phân minh.
Sứ về tâu trước thiên đình,
Gươm vàng, ngựa sắt đề binh tiến vào.
Trận mây theo ngọn cờ đào,
Ra uy sấm sét, nửa chiều giặc tan.
Áo nhung cởi lại Linh san,
Thoắt đà thoát nợ trần hoàn lên tiên.
Miếu đình còn dấu cố viên,
Chẳng hay chuyện cũ lưu truyền có không?
Phần viết về thần tích thánh Gióng này, kẻ viết xin chân thành bày tỏ không dám quyết đoán hẳn, việc đúng hay sai khi luận bình nội dung truyện tích. Nghi vấn bí tích lịch sử mãi mãi vẫn còn là bí tích, cũng mãi mãi truyền cho hậu thế tìm hiểu sự thực của truyện tích, đúng như câu thơ của tác giả "Dại Nam Quốc Sử Diễn Ca", đã đặt dấu hỏi:
Chẳng hay chuyện cũ lưu truyền có không?
Ðiều chắc chắn và hiển nhiên là sức mạnh thiêng liêng cao vời của truyện tích thánh Gióng, chính là lòng thành tín của quần chúng nhân dân ở mọi nơi, hướng về nơi linh địa Phù Ðổng và đỉnh ngọn núi Sóc Sơn, nơi tương truyền đức thánh Gióng đằng vân lên trời, đích thị là niềm tin tuyệt đối thánh thiện, như hồn thiêng Tổ Quốc Việt Nam đã có trời cao bảo chứng cùng phù trợ.