Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

10. Gậy thần, sách ước

Thời đại Hồng Bàng tới cuối đời Hùng thứ mười tám đã trải qua trên hai mươi sáu thế kỷ. Ðó là thời gian đầy đủ để một chủng tộc cư dân phát triển cực độ, ngược lại cũng là thời gian có thể làm cả một chủng tộc lớn phải suy vong. Áp lực lớn nhất đối với chủng tộc Bách Việt là hầu hết các chủng tộc khác tại miền bắc luôn luôn lấy chinh chiến, giết hại, cướp bóc, tàn phá nơi khác làm sự phát triển lớn mạnh của họ. Ðối với các chủng tộc hiếu chiến này, họ coi các chủng tộc khác là các mục tiêu cướp đoạt và hủy diệt vừa bạo tàn vừa dã man trên đường bành trướngﬠsinh mạng con người và mọi nền văn minh, văn hóa lạ đều bị họ nghiền nát, nếu không đủ sức tự vệ.
Tới khoảng thế kỷ thứ ba trước công nguyên lãnh thổ nước Văn Lang không còn rộng lớn như thời kỳ cường thịnh từ những thuở trước. Theo sách "Việt tuyệt thư": các lăng tẩm, đền đài, dấu vết thành trì của người Việt, mãi tới thời Hậu Hán mới bị xóa hết dấu tích. Ðiều này có ý muốn nói: những đất đai, dân cư rộng lớn trước kia thuộc của dân tộc Việt, sau bị người Tàu chiếm, rồi đồng hóa, mãi tới thời Hậu Hán các dấu vết thành trì của người Việt mới bị xóa hết dấu tích.
Khi đất nước đã không giữ được hưng thịnh, ngay trong nội tình đất nước cũng thường xảy ra các sự tranh chấp giữa các hệ tộc. Thế liên bang chủng tộc nếu thiếu kết hợp chặt chẽ tiến bộ, không còn đứng vững, đất nước muốn tồn tại, đòi hỏi phá bỏ ranh giới địa phương cục bộ, xóa đi ý thức hệ tộc hẹp hòi, để thành lập lý tưởng quốc gia có thể chế cùng tổ chức đất nước chung, lực lượng quốc phòng và an ninh chung, không còn tính chất liên bang thiếu đoàn kết chặt chẽ, mà phải ở vào thế liên bang hợp nhất mọi sức mạnh. Thế nước hội tụ mọi sức mạnh mới đủ sức mạnh thống nhất đương đầu với các thế lực ngoại xâm, trong bối cảnh lịch sử có xu thế mới, do một thể chế quốc gia hung bạo hiếu chiến từ phương xa xâm nhập. Tình hình nước Văn Lang đời Hùng thứ mười tám chấm dứt, chuyển sang thời kỳ nước Âu Lạc chính là thời kỳ chuyển biến lịch sử có tính một mất một còn. Vào thời kỳ ấy hàng loạt các quốc gia Việt nhỏ trong hệ liên bang "ấn đồng thao xanh" đã hết sức mạnh, sức mạnh liên bang đoàn kết suy giảm, bị nước Tần chinh phục. Ðó là các nước kể từ nước Sở kéo dài xuống miền đất Ngũ Lĩnh tiếp giáp với nước Việt Nam ngày nay (thời gian từ năm thứ 35 tới năm thứ 44 thuộc thế kỷ thứ nhất vào đời Thục An Dương Vương).
Ðặc biệt sự hòa nhập giữa hai chủng tộc lớn Lạc Việt và Âu Việt, buổi đầu không diễn ra êm đẹp, sau nhờ có nhân vật lịch sử mang nhiều nét huyền thoại là Tản Viên, gỡ mối thắt lịch sử, đã hóa giải được cuộc tranh chấp kéo dài giữa Lạc Việt và Âu Việt.
Thánh Gióng, thánh Tản Viên cùng Chử Ðồng Tử là ba vị được dân Việt tôn xưng là các đấng "bất tử" của thời đại Hồng Bàng. Từ bao nhiêu đời truyền tiếp, dân tộc Việt coi ba vị là những đấng thiêng liêng: sự nghiệp, công đức và triết lý sống của ba vị sống mãi với đất nước giống nòi. Thánh Tản Viên không có vũ công hiển hách bằng thánh Gióng, nhưng lại được dân chúng nhiều nơi thờ, kể cả dân tộc Mường cùng nhiều dân tộc khác tại miền bắc nước Việt. Có lẽ nhân dân đặc biệt sùng bái thánh Tản, vì thánh Tản có nhiều công: khai hóa, trị an, hướng nghiệp, trị thủy, chữa bệnh. Ðối với chiến tranh, về sau ông cũng học theo được như Chử Ðồng Tử và Tiên Dung: dù có đủ sức mạnh chiến thắng nhưng không dùng sức mạnh bạo lực để chống cự bạo ngược. Sau một thời gian chiến tranh, ông đã giác ngộ và biết dùng nhân đức hóa giải chiến tranh, xóa bỏ hận thù.
Nhìn vào cuộc chiến tranh Thục Phán tấn công nước Văn Lang, nổi bật hào quang rực rỡ của thánh Tản: vị thánh chủ nhân của "gậy thần sách ước".
Ông ra đời trong hoàn cảnh nghèo khổ, chính hoàn cảnh đã tôi luyện hun đúc ông trở thành nhiều nghị lực ý chí, tha thiết với cuộc sống, chiến thắng được các trở ngại khắc nghiệt, kể cả chiến thắng mọi tham vọng để mang lại hòa bình dân tộc. Triết lý sống phục vụ đời của ông đạt tới mức tuyệt đối thánh thiện, vượt lên trên cả cái chết cùng sự sống. Sách "Lĩnh Nam chích quái" viết về ông bằng những giòng chữ phổ diễn vẻ thần thoại rồi phiêu bồng trong cõi núi mây, nhưng lại rất mực phù trì cuộc thế:
"Núi Tản Viên ở phía tây kinh thành nước Việt, cao thẳng như hình cái lọng, nên gọi tên như vậy.
Xưa kia vua Lạc Long cưới nàng Âu Cơ, sinh được một bọc trăm trứng. Long Quân đem năm mươi người trai về biển, năm mươi con trai theo mẹ về núi, phân trị thiên hạ, người đứng đầu gọi là Hùng Vương. Tản Viên Sơn Ðại Vương là một người trong số năm mươi người con chia về biển. Vương từ Hải Quốc do cửa biển Thần Phù mà về, tìm một nơi cao ráo thanh u, dân tục thuần nhã mà ở, mới chèo thuyền từ sông Cái tới làng Long Ðậu ở thành Long Biên, toan lưu lại đó, sau lại có ý cho là chưa hoàn toàn, nên lại chèo thuyền từ sông Linh Giang đến làng Phiên Tân ở bờ sông Phúc Lộc. Vương trông thấy núi Tản Viên mỹ lệ, ba ngọn núi sắp thẳng đứng, uy nghi như tranh vẽ, dân cư ở dưới núi sống thuần hậu chất phác. Vương liền mở một con đường thẳng như dây đàn từ làng Phiên Tân tới chân núi Tản Viên, rồi tới Uyên Ðộng, sau tới Nham Tuyền là chỗ nguồn khác. Khắp miền từ núi Thạch Bàn đến non Vân Mộng, Vương đi lại nhiều nơi thăm dân tình sinh sống, phàm đi qua nơi nào đều xây thành dinh để trú ngụ. Nhân những vết chân ấy, người đời sau lập đền thờ phụng, hạn thì đảo, lụt thì cầu, ngự hỏa tai, ngăn đại hạn, mau hơn tiếng vang, cực kỳ linh ứng.
Vào những ngày trời trong sáng như có hình dáng cái tán phấp phới trên hang núi, dân các làng xung quanh đều bảo là sơn thần xuất hiện.
Thời Cao Biền nhà Ðường đô hộ nước ta muốn yểm linh khí các nơi danh thắng, Biền cho mổ bụng mười bảy người sống, tất cả đều là con gái chưa chồng, sai bỏ ruột rồi lấy cỏ thi độn vào bụng, cho mặc áo xiêm để ngồi trên ghế, dùng trâu bò tế lễ, khi nào thấy cử động thì lấy gươm chém. Các vị thần tầm thường đều bị yểm vì thuật ấy. Cao Biền vẫn thường đem thuật ấy trêu chọc mong yểm được thần núi Tản Viên, thì thấy Tản Viên cưỡi ngựa trắng đi trên mây, khạc nhổ mà đi, Cao Biền than rằng:
- Linh khí Nam Phương chưa thể trắc lượng được, vượng khí đâu khá biết được, uy linh hiển ứng là như thế!
Tục lại còn truyền Vương cùng Thủy Tinh cùng xin cưới con gái vua Hùng là Mị Nương. Vương đem đủ lễ cưới được vợ, rước về ở trên núi Tản Viên. Thủy Tinh đến sau bèn oán giận dâng nước đem các loài thủy tộc đánh nhau với Vương để cướp lại Mị Nương. Vương bèn dùng lưới sắt chắn ngang sông Từ Liêm để trấn áp. Thủy Tinh khai đào một con sông nhỏ từ sông Lý Nhân chảy qua sông Hát vào sông Ðà để đánh sau lưng Tản Viên. Lại mở thêm một lối nhỏ từ sông Tích Giang đi đến trước núi Tản Viên, chảy qua các làng Cam Giá, Ðông Lâu, Thạch Kê, Ma Xá, Dục Giang, sói lở thực sâu để chứa loài thủy tộc, thường nổi cơn mưa gió mù mịt, dâng nước lên đánh thần Tản Viên. Nhân dân ở trong núi đều chẻ tre đan làm hàng rào thưa che đỡ, đánh trống, giã gạo để reo hò hỗ trợ đốc thúc đánh thủy quái. Mỗi khi thấy rác rêu trôi ở ngoài rào thưa, dân chúng bắn tên vào thấy hiện thành xác giao long, cá chạch trôi đầy sông. Loài thủy tộc thua trận trở về lòng vẫn chưa nguôi nên khoảng tháng tám, tháng chín lại dâng nước lụt lên, cũng do thủy binh báo thù làm mùa màng bị hại, gia súc nhà cửa bị mất, hạn ấy đến nay vẫn còn.
Mỗi khi nước lụt tàn phá, người đời thường nói: Sơn Tinh, Thủy Tinh đánh nhau để cưới vợ".
(theo "Lĩnh Nam chích quái")

Ngoài truyện tích thần núi Tản Viên, sách "Lĩnh Nam chích quái" cũng còn có truyện tích Hồ Tinh, ở truyện tích này cũng có đoạn ám chỉ dường như muốn nói tới công lao thần núi Tản Viên dạy dân làm ruộng, dệt vải và mở mang cuộc sống thuần hóa phong tục:
"Thành Thăng Long ngày xưa gọi là đất Long Biên. Ðời thượng cổ đã có người ở. Ðời vua Lý Thái Tổ khi dời đô đi thuyền, thấy điềm rồng hiện mới đặt tên là Thăng Long, tức kinh thành ngày nay.
Buổi đầu chỗ đất này phía tây có một cái núi đá, dưới núi có một cái hang. Có một con hồ chín đuôi sống hơn một nghìn năm thành ra yêu quái biến hóa thiên hình vạn trạng, có lúc bắt người, có lúc bắt khỉ, đi khắp mọi nơi. Cũng vào thời ấy ở chân núi Tản Viên có giống người mọi gác cây kết cỏ mà ở, trên núi có một vị thần được mọi người phụng thờ. Vị thần ấy dạy mọi người cày ruộng, dệt vải, may áo trắng mà mặc, do đó gọi là mọi áo trắng. Hồ chín đuôi hóa thành người áo trắng, trà trộn vào chỗ đông cùng mọi người ca hát, rồi dụ dỗ con gái đem về nhốt trong hang đá, khiến cho dân bị nạn khổ sở.
Sau nhờ Lạc Long Quân hiện lên trừ Hồ chín đuôi, đào hố trấn yểm gọi là Thi Hồ Trạch".
(theo "Lĩnh Nam chích quái").
Sự nghiệp của Tản Viên có rất nhiều truyện tích và truyền thuyết, qua các truyện tích khác nhau, tổng hợp lại có nội dung đúc kết như sau:
- Tản Viên ra đời trong hoàn cảnh nghèo, sớm mồ côi cha mẹ. Nhờ có nhiều đức tính, thiện chí nên được sự giúp đỡ của một số người, sau lại được thần núi trao cho "gậy thần". Sau nữa, Tản Viên đi chữa bệnh cứu người, lại được tặng "sách ước".
-Vua Hùng thứ mười tám không có con trai, có một người con gái. Vua cho lập đài cầu hiền tại núi Vi (thuộc Phú Thọ) để kén chọn người hiền tài làm rể và cũng có ý sẽ truyền ngôi trị nước.
-Nhiều người tài giỏi trong nước tới ứng tuyển, nhưng không có ai đủ tài đức để xứng đáng làm con rể vua. Sau có hai người tài giỏi tới cùng một lúc. Hai người ấy là Sơn Tinh và Thủy Tinh tài giỏi ngang nhau, nhưng so sánh diện mạo cùng thái độ thì Sơn Tinh hiền đức, còn Thủy Tinh tính tình lộ vẻ hung ác.
Ðể tỏ sự công bằng, vua Hùng giao hẹn người nào mang đủ đồ sính lễ tới trước sẽ được vua gả con gái cho. Nhờ có "sách ước" Sơn Tinh đem được đầy đủ đồ sính lễ tới trước. Thủy Tinh tới sau, tức giận làm phép dâng nước lên cao đánh nhau với Sơn Tinh. Từ đó, hàng năm hai bên lại đánh nhau vào mùa mưa nước lụt.
Các huyền thoại nói về Tản Viên trong nhân gian có những nét phong phú xen lẫn vào vẻ đẹp riêng sẵn có của truyện tích:
Tại huyện Thanh Sơn, Phú Thọ, có ngọn núi Sót cao khoảng 500 mét, người dân quanh vùng tương truyền là sọt đất Sơn Tinh đắp núi đánh Thủy Tinh còn sót lại.
Tại các làng Phù Ðức, Văn Luông và làng Trẹo thuộc huyện Phong Châu, Phú Thọ, có nhiều đền thờ Tản Viên. Dân làng Trẹo truyền tụng ngày xưa khi đám cưới, Tản Viên đưa đám cưới đi qua làng, cô dâu là công chúa Mị Nương khi đi tới đây, nhớ cha mẹ và nhớ nhà, không chịu tiếp tục đi lên núi Tản nữa. Dân làng Trẹo phải bảo nhau ra diễn các trò vui hài hước, ngộ nghĩnh, khiến cho Mị Nương khuây nỗi nhớ nhà, vui vẻ đi tiếp con đường về nhà chồng. Khi Thủy Tinh tới, bắt gặp Sơn Tinh đang rước dâu qua các xã: Sơn Vi, Vĩnh Mộ, Thanh Mai, Thụy Vân, Cao Xá, ông giận dữ vứt bỏ hết các đồ sính lễ dâng cưới như: lợn, gà, xôi, vì vậy, tại các nơi này ngày nay còn có những tên địa danh như: đầm Lợn, đầm Gà và gò Ván Xôi.
Có những đền thờ Tản Viên nổi tiếng như đền Và, cùng lược qua những sự tích, thần phả, truyền thuyết về thánh Tản, hình thành được một truyện tích tương đối đầy đủ:
"Nguyễn Xá trang là một thôn trang gồm nhiều gia đình trong tộc họ Nguyễn thuộc địa phận động Lăng Xương trong nước Văn Lang. Trong số dân trang có hai anh em ruột một nhà là Nguyễn Cao Hành và Nguyễn Cao Ban đều đã già và có vợ từ lâu nhưng chưa có con. Cả hai người tính nết hiền lành, chăm chỉ làm ăn sinh sống bằng nghề hái thuốc chữa bệnh, thường hay giúp đỡ những người già yếu, hoạn nạn, nghèo khổ. Nỗi buồn hiếm muộn con cái, khiến hai anh em cùng các bà vợ càng dốc tâm làm các việc thiện, điều lành nhiều hơn.
Vào một buổi trưa trời đang nắng, hai anh em họ Nguyễnao đi trên núi Ba Vì tìm các cây cỏ dược thảo về làm thuốc chữa bệnh (xưa núi Ba Vì còn có tên là núi Mũ hay núi Trắng, vì trên đỉnh núi thường có mây trắng bao phủ, từ xa trông giống núi đội mũ hay núi màu trắng). Buổi hái thuốc đã xong, hai ông Cao Hành, Cao Ban định xuống núi về nhà, bỗng nhiên thấy từ đỉnh núi một cụ già đi xuống, trông dáng người cốt cách phi phàm, đặc biệt từ đầu tóc, râu mày, mũ áo, giày, mọi thứ đều một màu trắng toát. Hai anh em họ Nguyễn Cao kính cẩn chào cụ già. Cụ già râu tóc bạc trắng dừng lại hỏi thăm cuộc sống làm thuốc cứu đời của hai người. Cụ già râu tóc trắng cũng cho biết: chính cụ cũng có ý gặp hai người để khuyên nên gắng công tiếp tục làm lành giúp đời. Việc hai người mong cầu có con, lòng thành cảm ứng rồi đây cũng sẽ được toại nguyện. Những người con sau này sẽ trở thành các bậc hiền tài xuất chúng.
Cụ già nói xong, cảnh trời nắng ban trưa trên núi cao như trắng thêm lên, màu cây, lá, màu mây, núi, chan hòa trong màu trắng của ánh nắng. Hai cụ Nguyễn Cao bỗng thấy cụ già râu tóc quần áo trắng thoắt biến mất trong màu trắng nắng ban trưa. Họ thầm hiểu đã có bậc thần thánh báo điềm lành cho họ biết.
Ít lâu sau hai người vợ của hai anh em cùng có con. Vợ chồng người anh sinh được một con trai đặt tên là Nguyễn Cao Tuấn (cũng có sách chép là Nguyễn Tuấn hoặc Nguyễn Công Tuấn). Vợ chồng người em sinh được hai con trai đặt tên là Nguyễn Cao Hiển và Nguyễn Cao Sùng (cũng có sách chép khác tương tự như của Nguyễn Cao Tuấn).
Ba anh em: Nguyễn Cao Tuấn, Nguyễn Cao Hiển, Nguyễn Cao Sùng, khi mỗi người đều chưa tới mười tuổi, các bậc cha mẹ đều lần lượt qua đời. Cảnh nhà nghèo, cả ba thường phải sống vất vả, lam lũ, hoặc nương nhờ các nhà thân thích nội ngoại. Sau ở miền đất Ma Khê (thuộc Lâm Thao Phú Thọ) có bà tù trưởng nhiều ruộng đất, cả ba anh em tới xin làm thuê. Công việc hàng ngày là: khai hoang, đốn cây, trồng trọt. Nhờ có đức tính siêng năng cầu tiến, nên họ thường tu sửa đức hạnh, tự lo học hỏi về kiến thức cùng các điều hay trong cuộc sống. Bà tù trưởng không có con, lại thấy ba người tính nết hiếu hạnh, nên khi về già đã trao quyền sở hữu tài sản cho cả ba, trước khi mất.
Một lần Nguyễn Cao Tuấn với chiếc búa đốn cây trong tay, vào khu vực rừng núi sâu, khoảng lưng chừng núi Ba Vì tìm đốn một cây gỗ quí lớn. Chàng phải làm việc suốt ngày dài mới hạ đổ được cây, dự định ngày hôm sau tới kéo cây theo giòng nước suối, nước sông đem cây về. Hôm sau chàng tới nơi cây đã đốn, nhìn cảnh tượng trước mắt, chàng vô cùng ngạc nhiên khi thấy: chính thân cây to lớn, chàng đã tận lực suốt ngày hôm trước để hạ xuống, giờ đây lại sống lại đứng thẳng, cành lá tươi tốt như cũ. Không thể lầm lẫn với cây nào khác trong rừng, khi chàng nhìn cảnh vật xung quanh cùng hình dáng của cây. Chàng bình tĩnh nhận xét, rồi quyết định một ngày mới làm lại những công việc đã làm ngày hôm trước.
Sau một ngày làm việc mệt nhọc, tới chiều tối thân cây to lớn lại bị hạ xuống, nhưng Nguyễn Cao Tuấn không trở về nhà. Chàng ở lại trong rừng cùng với bóng đêm, tìm hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Chàng ẩn mình trong khóm cây lá cách chỗ cây bị đốn ngã không xa. Tới nửa đêm, chàng thấy có mùi hương thơm thoảng bay, gió dần dần thổi mạnh, rồi một vùng ánh sáng tỏa ra chỗ thân cây bị hạ, cùng lúc có một cụ già nét mặt hiền lành, râu tóc, quần áo trắng xóa hiện ra, trong tay cụ cầm một chiếc gậy. Cụ giơ gậy lên chỉ vào phía thân cây bị đốn ngã. Gió bỗng thổi mạnh hơn, cả khu rừng núi như chuyển động, thân cây bị đốn ngã được sức mạnh vô hình nâng lên: cành, lá, thân cây bị chặt lại tự dính liền vào nhau như cũ, không để lại dấu vết gì. Cây sừng sững đứng thẳng, cao lớn tốt tươi hệt như lúc chưa bị chặt đổ.
Ngay lúc ấy Nguyễn Cao Tuấn can đảm, không ngần ngại từ trong bóng tối chạy ra, quỳ lạy cụ già siêu phàm rồi kính cẩn thưa:
- Con là kẻ không may cha mẹ mất sớm, sống lưu lạc xứ người, nay đi làm chặt cây, đốn gỗ ở khu rừng này. Con không biết việc con làm có phạm vào điều lỗi gì không? Xin cụ cho biết tại sao con chặt cây xuống cụ lại hóa phép làm cho cây sống lại?
Cụ già ôn tồn trả lời:
- Con chặt cây, ta làm cho cây sống lại, không phải là con đã phạm vào lỗi gì. Ðó là ta chỉ muốn thử lòng con mà thôi. Bây giờ ta đã biết con là người có ý chí nghị lực, kiên nhẫn, khi làm việc gì biết tự tìm hiểu công việc mình làm và cũng tự biết nhận trách nhiệm.
Cụ già ngừng nói, nhìn Nguyễn Cao Tuấn một lúc, rồi giơ chiếc gậy cụ đang cầm trong tay về phía Nguyễn Cao Tuấn nói tiếp:
-Ta cho con bảo vật này. Gậy có hai đầu sinh và tử. Khi cầm gậy chỉ đầu sinh vào người hay vật đã chết, lập tức người hay vật ấy sẽ sống lại. Ngược lại, cầm gậy chỉ đầu tử vào người hay vật đang sống, thì người hay vật bị chỉ lập tức cũng bị chết ngay. Sau này con sẽ là người có nhiều trách nhiệm với cuộc đời, hãy cẩn trọng dùng gậy vào việc làm hiền lành khuyến khích mọi người làm điều thiện, ngăn cản điều gian ác, gắng công cứu giúp mọi người.
Nguyễn Cao Tuấn cúi đầu lạy tạ cụ già, giơ hai tay nhận lấy gậy, khi ngửng đầu lên đã không thấy cụ già đâu nữa.
Từ khi được "gậy thần", Nguyễn Cao Tuấn tìm ra bí quyết đạt được nhiều thành công trong cuộc sống. Vẫn tận tụy theo con đường giúp đời, cứu người, theo thời gian trôi đi, chàng đã làm không biết bao nhiêu điều hữu ích, điều thiện, thực sự trở thành bực ân nhân che chở, dìu dắt dân chúng trong vùng càng ngày càng có cuộc sống an vui hạnh phúc. Nhớ cha chàng thuở sinh thời xưa kia cũng từng là bực lương y chữa bệnh, chàng cũng lưu tâm tới việc nghiên cứu, học tập để chữa bệnh cho mọi người, sau trở thành bậc lương y, cứu đời.
Là người nặng lòng từ tâm, sự trắc ẩn của ông cảm thông tới cả nỗi đau đớn của muôn loài. Một lần trên đường đi chữa bệnh, Nguyễn Cao Tuấn gặp lũ trẻ chăn trâu đánh chết một con rắn. Nhìn thấy con rắn quằn quại, đau thương rồi chết, lại thấy ở đầu rắn có hình tượng chữ lạ, ông cầm "gậy thần" chỉ đầu sinh vào con vật chết. Nhờ ông cứu sống con rắn lạ sống lại và bò đi. Khi ông đi chữa bệnh cho người xong trở về đường cũ, qua chỗ rắn lạ bị lũ trẻ đánh, gặp một thiếu niên tuấn tú đang đứng đó chờ, nhìn ông rồi kính cẩn chào. Người thiếu niên cho ông biết: con rắn lạ bị đánh chết được ông cứu mạng chính là chàng trai đang đứng trước mặt ông. Chàng trai vốn là hoàng tử con vua Thủy Tề trấn ngự miền biển Ðông. Chàng đã tự biến thành rắn để đi du ngoạn nên mới xảy ra gặp tai nạn, may đã được ông cứu thoát.
Hoàng tử con vua Thủy Tề hết lòng cảm tạ, vô cùng biết ơn Nguyễn Cao Tuấn, khẩn nài mời ông xuống thăm thủy cung để có dịp được trả ơn cứu mạng. Không từ chối được lòng thành của con vua Thủy Tề, nên Nguyễn Cao Tuấn nhận lời xuống thăm cung vua nước Thủy Tề. Hoàng tử nước Thủy Tề cầm sừng vân tê là báu vật có thể làm người ta đi dưới nước, rồi rẽ nước cùng Cao Tuấn đi xuống thủy cung. Trên đường đi, hoàng tử dặn bảo Cao Tuấn: vua Thủy Tề có tặng vật gì quí cũng đừng lấy, nếu vua cố ý nài xin nhận một vật để đền ơn cứu mạng con, thì chỉ xin được nhận cuốn "sách ước". Nhờ chuyến thăm thủy cung này và làm theo lời dặn của con vua Thủy Tề mà Nguyễn Cao Tuấn có được cuốn "sách ước".
Vào đời bấy giờ vua Hùng không có con trai, chỉ có một người con gái tên là Mị Nương, nhan sắc tuyệt trần, nhà vua muốn tìm người tài đức trong thiên hạ để kén rể và cũng để sau này có người đảm đang kế nghiệp vua trị nước an dân.
Lệnh vua ban ra, nhiều bậc tài giỏi trong thiên hạ tới cung vua thi tài đức mong được nhà vua cùng công chúa kén làm phò mã, nhưng qua thời gian dài, vua chưa chọn được người xứng tài, đạt đức. Bỗng có một ngày, hai chàng trai cùng xuất hiện trước cung vua, xin được trổ tài để được chọn làm rể vua. Mộⴠngười xưng tên là Sơn Tinh, người còn lại cũng cho biết tên là Thủy Tinh. Vua cho lập đài cao để hai người giao đấu các môn võ nghệ cùng trình diễn mọi tài năng kinh bang, thao lược trước mặt vua cùng đông đảo các quan. Sơn Tinh và Thủy Tinh đem hết tài ba phép lạ của mỗi người ra thi thố. Pháp thuật cùng võ nghệ của hai người, từ vua, quan tới dân, ai ai đều khâm phục là tài ba phi thường. Nhưng có điểm đặc biệt khó khăn đối với vua cũng như mọi người là không thể phân định được giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh: Ai hơn? Ai kém? Dù cuộc thi tài đã diễn ra suốt mấy ngày liền. Cả hai người thực đáng mặt kỳ phùng địch thủ, không người nào chịu thua kém đối phương. Nhà vua thực sự phân vân khó bề giải quyết. Về tính chất cả vua cùng công chúa đều nhận thấy Sơn Tinh tính tình hiền đức, còn Thủy Tinh có thái độ hung dữ. Tuy nhiên nhà vua cũng lấy sự công tâm so sánh về tài năng, người đành phải nói:
- Sơn Tinh và Thủy Tinh cả hai đều tài giỏi ngang nhau. Ngày mai ai đem đồ sinh lễ đầy đủ tới trước sẽ được chọn làm con rể vua (theo lời chuyện kể miệng, đồ sính lễ gồm có những vật khó tìm như: voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao).
Sơn Tinh chính là thánh Tản Viên, nhờ có trong tay "sách ước" tìm được ngay đầy đủ mọi đồ sính lễ quí hiếm. Ngay sáng hôm sau ông đem lễ vật tới ra mắt nhà vua thật sớm, sau đó lễ cưới được cử hành, Sơn Tinh rước cô dâu Mị Nương về núi Tản Viên.
Thủy Tinh cũng là người cai quản một vùng đất rộng lớn, lãnh thổ đất đai do ông cai trị ở về phía tây bắc nước Văn Lang, lúc rộng lớn nhất có thể tiếp giáp hồ Ðộng Ðình (Có thuyết cho ông là vua nước Ba Thục. Thực sự vào cuối đời Hùng thứ muời tám, hầu hết lãnh thổ phía tây bắc là phần rộng lớn nhất đất Ba Thục đã bị Tần chiếm). Theo lời định hẹn của nhà vua, khi Thủy Tinh đem đồ sính lễ tới đã quá muộn, ông tức giận triệu tập binh hùng tướng mạnh thuộc họ thủy tộc, dâng nước lên cao đánh nhau với Sơn Tinh. Cuộc chiến tranh giữa Sơn Tinh cùng Thủy Tinh kể từ đó kéo dài cho đến ngày nay, thường diễn ra vào mùa mưa lụt".
(lược thuật theo các huyền thoại và thần phả về Tản Viên).
Trên cơ sở lần tìm theo các truyền thuyết dân gian về Sơn Tinh cùng Thủy Tinh, ở các mối tương quan của truyện tích chứng tỏ: Sơn Tinh là thánh Tản Viên tức Nguyễn Cao Tuấn, còn Thủy Tinh tức An Duơng Vương Thục Phán, sau này làm vua cai trị nước Âu Lạc.
Sự tích công ơn thánh Tản Viên đối với nhân dân, ngày nay có các nơi còn truyền tụng:
Xã Sơn Ðông huyện Ba Vì, Hà Tây có ngôi chùa Măng, tương truyền xưa Tản Viên về nơi này dạy dân đan lưới, làm bẫy và săn bắt thú rừng. Ðể ghi nhớ công ơn, dân trong vùng lập đền thờ, sau đền thay đổi, hóa thành chùa.
Miền Cẩm Lĩnh, Cẩm Ðái gần núi Ba Vì, dân chúng lập đền thờ Tản Viên để nhớ ơn ngày xưa ông tới dạy dân cách đốt lửa khai hoang trồng lúa.
Tại làng Ðường Lâm, (kẻ Mía) gần thị xã Sơn Tây hàng năm có mở hội đánh cá và có lệ thờ thần cúng lễ vật là gỏi cá sống. Mục đích ghi lại ơn xưa Tản Viên về nơi này dạy dân đánh cá. Ðích thân ông đánh cá với dân, khi được cá ông dạy dân biết tìm các thứ rau quả khử độc lại có hương vị thơm để ăn gỏi cá.
Cũng tại miền Ba Vì có thôn Vị Thủy thuộc xã Thanh Mỹ có dấu tích chín mươi chín cái giếng chống hạn và hàng trăm ngòi, mương thủy lợi, tương truyền do Tản Viên dạy làm để cho dân thuận tiện việc cày cấy. Nơi đây còn có chỗ có tên là cầu Hàng, cũng do tích truyền một viên tướng của Thủy Tinh là thuồng luồng bị Sơn Tinh bao vây phải hàng, dù bị giam giữ cứ tới mùa nước lại gây họa tác quái làm hại dân. Thuồng luồng sau bị một chàng trai dũng cảm tự nguyện xuống nước chiến đấu, chàng cầm dao ngắn hy sinh cho thuồng luồng nuốt. Ở trong bụng con quái vật, chàng trai rạch nát ruột gan làm cho con vật chết, chàng cũng bị chết ngạt. Sau nhân dân đắp mồ cao để nhớ ơn chàng, nay thành gò gọi là gò ông Ðống.
Nhân dân sống dọc theo hai bờ sông Ðà thuộc các tỉnh Sơn Tây, Hòa Bình và Phú Thọ dù là dân tộc Kinh hay dân tộc Mường, thường nhắc nhở công ơn Tản Viên đắp đất thành đê, thành đồi núi để ngăn nước chống lụt, giúp dân tránh khỏi nạn nước lũ.
Xã Liệp Tuyết gần sông Tích thuộc tỉnh Sơn Tây, có lệ dân xã tổ chức hội "Huầy dô". Lễ hội cứ ba mươi sáu năm mới có một lần. Tương truyền khi xưa Tản Viên tới đây thấy dân nghèo đói, ông dạy dân chọn lúa giống tốt để trồng lúa và ông chỉ bảo cách trồng lúa có nhiều hoa lợi bội thu. Khi ông đi, ông hẹn dân tới mùa gặt lúa ông sẽ trở lại thăm. Nhờ có sự chỉ bảo, dân mau giàu và luôn được mùa. Nhưng từ mùa gặt này sang mùa gặt khác, lâu mãi cũng không thấy Tản Viên quay lại. Dân đợi cho tới ba mươi sáu năm sau Tản Viên mới tới. Trong cuộc hội ngộ này, dân chúng vui mừng khôn xiết nên mở hội chung vui đón tiếp Tản Viên. Từ đó có lệ ba mươi sáu năm dân lại mở hội một lần. Trong nhiều trò thi vui, đáng kể nhất có trò đua thuyền trên sông. Khi chèo thuyền mỗi nhịp chèo mọi người lại cùng hô to "huầy dô", nên mới có tên gọi là hội "Huầy dô".
Cuộc chiến đấu nhiều chất huyền thoại giữa Sơn Tinh cùng Thủy Tinh phản ánh cuộc chiến tranh giữa Tản Viên và Thục Phán kéo dài khốc liệt, lan rộng nhiều nơi, làm nhân dân vô cùng cực khổ.
Trong truyện tích thần núi Tản Viên sách "Lĩnh Nam chích quái" đã thuật: "Thánh Tản Viên dùng lưới sắt chắn ngang sông phía Từ Liêm trấn áp. Thủy Tinh đào sông Lý Nhân cho chảy vào sông Hát, sông Ðà để có thủy lộ đánh sau lưng núi Tản. Mặt khác Thủy Tinh mở dòng Tích Giang, kéo thủy binh đánh mặt trước núi Tản."
Nhân dân trong vùng đền Và gần núi Ba Vì truyền tụng các chiến công thắng Thủy Tinh của thánh Tản như những trang sử hào hùng, chói sáng của thời kỳ sau cùng chấm dứt thời đại nước Văn Lang:
"Thục Phán là thủ lĩnh các bộ lạc Âu Việt rộng lớn bao quanh phía bắc nước Văn Lang. Phán cầu hôn con gái vua Hùng không được, bèn tập trung binh mã chia ra năm đạo quân đánh chiếm nước Văn Lang.
Vua Hùng cho gọi Ðại Hải là viên tướng có tài đánh trận thủy cùng các lạc hầu, lạc tướng tới bàn việc chống giặc. Trong khi hội bàn, có vị quốc sư là Liêu Công đưa ra ý kiến: giặc mới tới thế giặc đương hăng chỉ nên phòng thủ dùng mưu cầu hòa, một mặt cho gọi Sơn Tinh cùng các người tài giỏi trong nước, cùng tập trung lại đánh giặc.
Vua Hùng nghe theo ý kiến trên. Khi Tản Viên được lệnh vua triệu, ông gấp tới triều đình, ông xin được vua cho đi đánh giặc ngay. Theo ông, quân Thục mới tới còn hoang mang chưa phòng bị chắc chắn, nếu đem quân đánh thẳng vào giữa trận địa của quân Thục, quân Thục sẽ bị tan vỡ. Vua nghe theo kế của Tản Viên và cấp "nỏ thần" cho Tản Viên, (theo các truyền thuyết thánh Tản thì "nỏ thần" có từ thời Hùng Vương, chứ không phải tới thời Thục An Dương Vương mới có). Tướng Ðại Hải cùng hai em của Tản Viên là Hiển Công, Sùng Công đem quân tiến về phía sông Ðà, sông Thao. Các miền Cổ Tiết, Phùng Nguyên, Quang Húc thuộc Phúc Thọ ngày nay, lúc ấy có nhiều người mau chóng theo lời gọi của vua Hùng, tự nguyện đi đánh giặc. Kế tiếp sau đó các bậc anh hùng hào kiệt khắp nước cùng dấy lên lòng yêu nước, ngay khi nghe được sự hiệu triệu của nhà vua, bỏ tiền của sắm khí giới, chiêu mộ tráng binh đem quân đi đánh giặc cứu nước.
Lực lượng chính do Tản Viên chỉ đạo, các tướng của Tản Viên có một số người có đặc tài: Cao Sơn, Quí Minh là hai mãnh tướng có thể hàng voi, bắt cọp, rất giỏi đánh trận trên bộ và các nơi núi rừng. Tướng Bạch Thạch là vị tướng chỉ huy quân bộ có tài cũng mới đem quân từ xa tới. Về mặt thủy quân có hai tướng Trần Giới và Trần Hà vốn là người làng Cổ Tiết bên bờ sông Hồng chiêu mộ được nhiều trai tráng quen nghề chài lưới, huấn luyện thành những thủy binh có tài lặn bơi dưới nước hàng nửa ngày, có thể ngầm đục phá thuyền giặc, (sau này thời Hai Bà Trưng có các tướng Hà Tơ, Hà Liễu; thời Trần Hưng Ðạo có Yết Kiêu cũng có tài chỉ huy quân thủy tương tự như Trần Giới, Trần Hà).
Trước cảnh nguy biến họa giặc cướp nước tràn tới, có những người thức tỉnh lương tri, từ bỏ tham vọng riêng tư để dốc lòng đánh giặc. Ðó là trường hợp Bảo Công, người Sài Sơn (núi Thày) thấy vua Hùng thứ mười tám không có con trai, ông ngầm chiêu mộ nhân tài, binh lực, có âm mưu chờ sau khi vua Hùng mất sẽ cử binh tranh ngôi vua. Nhưng khi Bảo Công tới miền Ma Khê, ông có dịp được hội kiến với Tản Viên rồi cảm mến đức tính cùng nghe lời khuyên của Tản Viên, ông từ bỏ ý định tranh cướp ngôi vua, sau lại đích thân tìm tới xin yết kiến vua Hùng, tự thú và trình bày hết âm mưu tranh ngôi. Ông xin được nhà vua tha tội cùng xin tự nguyện được đem quân đi đánh giặc lập công. Ðược vua chấp thuận, ông mời viên phó tướng của ông là Ma Xuân đem quân tới hợp lực với ông, tất cả đều theo về chịu sự chỉ đạo của Tản Viên. Lực lượng của ông sau này đã đánh giặc Thục lập được nhiều chiến công hiển hách. Mãi tới khi quân Thục Phán yếu thế xin hòa, Tản Viên lại khuyên vua nhường nước cho Thục Phán để nước thống nhất trong thanh bình, Bảo Công đã xin từ quan, rồi đi sống ẩn dật ở nơi nào, không còn ai biết tin về ông.
Một trong những trung tâm lớn, an toàn, chứa lương thực, khí giới, quân trang cùng huấn luyện quân sĩ đánh giặc Thục, tới nay người dân còn nhớ, ấy là xã Dị Nậu (tức kẻ Núc) thuộc huyện Tam Nông, Phú Thọ. Từ các trung tâm như trên, Tản Viên điều hành phân bố lực lượng chống Thục Phán, ngăn chặn, khiến quân Thục Phán dù hung hãn vẫn không thể chiếm được đất, không qui tụ được dân ở bất cứ nơi nào trên đất nước Văn Lang.
Quân số của Tản Viên, ngoài quân đội chuyên nghiệp, số quân sĩ các nơi từ trong dân, hưởng ứng theo chống giặc rất nhiều, theo truyền thuyết lên tới hàng chục vạn quân. Một trận đánh lớn đã diễn ra tại núi Quỳnh Nhai thuộc Mộc Châu, khi đoàn quân của Tản Viên đánh chặn đoàn quân của Thục Phán từ phía tây nam theo sông Ðà tấn công ngược lên. Trong trận đánh này quân của Tản Viên tuy nhiều nhưng quân của Thục Phán còn đông, nhiều hơn. Khắp từ bốn phía rừng núi quân Thục bao vây quân nước Văn Lang. Tướng Ðại Hải phải thay đổi cách đánh, cho quân trá hình khi ẩn, khi hiện, rồi đánh phục binh, đem cả "nỏ thần" ra bắn quân giặc. Nhờ vậy quân giặc bị tổn thất nặng đành phải lui quân. Trong khi đó hai tướng Hiển Công, Sùng Công chỉ huy quân thủy cũng đem "nỏ thần" bắn vào thuyền quân giặc, hợp đồng cùng quân hai tướng Trần Giới, Trần Hà đánh giáp chiến làm đắm nhiều thuyền giặc. Theo huyền thoại, trong trận đánh này để thắng được giặc, Tản Viên phải sử dụng cả "gậy thần sách ước" mới làm cho giặc phải lui quân.
Cũng theo truyền thuyết tại xã Thụy An miền Ba Vì, có một đầm nước rộng lớn gồm mười sáu đường nước chảy thông vào. Ðầm này có tên là đầm Dượng. Dân quanh vùng truyền lại rằng tại đầm Dượng có trận thủy chiến lớn giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Khi quân Thủy Tinh tới, Sơn Tinh cho đắp núi đan phên tre, giăng lưới sắt trấn áp, đến nay còn lại các tên gọi cũ như: đồi Máng Sông, đồi Voi, đồi Giếng, đồi Ðùm là những nơi xưa có lực luợng của Sơn Tinh đánh Thủy Tinh. Khi quân của Thủy Tinh thua phải phân tán thành mười sáu đường tháo chạy, tạo thành mười sáu đường nước chảy cho đến ngày nay. Nhân dân trong miền này đã lập một ngôi đền Và to lớn ở gần đầm Dượng, mục đích để ghi ơn cùng kỷ niệm công lao trận thủy chiến.
Đền Và, ngôi đền lớn nhất trong số hàng trăm ngôi đền
dân thiết lập nên để thờ Tản Viên
Thủy Tinh bị thua trận đầm Dượng, lại cho nước xoáy xẻ thêm một con ngòi lớn, kéo quân về phía tây nam đánh vòng vào sông Ðà, sau lưng núi Ba Vì. Các cầu dân bắc qua ngòi đều bị phá. Sơn Tinh phải cho quân dân đan phên, đắp đất để trấn áp, lại cho lấy cọc tre đóng cừ ở hai bên bờ. Về sau những chỗ buộc lạt tre vào phên và cọc tre, nảy mầm mọc cây thành các lũy tre, nên có tên gọi là ngòi Lạt lưu truyền tới nay.
Tuy không thắng được Sơn Tinh nhưng Thủy Tinh không chịu chấm dứt cuộc chiến. Hằng năm khoảng tháng sáu, tháng bảy, mực nước lên to, Thủy Tinh lại kéo thủy binh lên cướp phá tàn hại nhân dân. Các nơi Thủy Tinh dùng làm căn cứ thủy trên sông Tích, vào đầu mùa khô lại bị tiêu diệt như: cầu Hàng, cầu Giải, nay còn giữ các tên gọi liên hệ tới các chiến tích thời xưa.
Về sau cuộc chiến tranh Sơn Tinh đã hòa giải với Thủy Tinh, hàng năm mùa nước lũ vẫn còn phá hoại mùa màng tài sản của nhân dân. Nhân dân thấy có thuồng luồng, ba ba, cua, rắn, giải xuất hiện lại phao truyền đó là binh tướng của Thủy Tinh xuất hiện".
(tóm lược một số các truyền thuyết miền Ba Vì).
Loại trừ các huyền thoại về "gậy thần sách ước" cùng các phép thần thông biến hóa, kêu mưa gọi gió, dân gian truyền tụng về Tản Viên như phản ảnh một giá trị ý nghĩa nào đó. Trong thực tế cuộc sống, Tản Viên là người thực sự sống với dân, làm việc và chiến đấu vì dân, chung những ưu tư, lao động, buồn vui, đói no với dân. Xuyên qua các tục hèm dân gian thờ cúng Tản Viên như: cúng thịt sống, cúng cá gỏi, cơm sống, rau quả xanh v..v... ở nhiều địa phương có đền thờ Tản Viên, chứng tỏ thuở sinh thời Tản Viên lặn lội đi nhiều nơi và đã hòa mình sống khó khăn, vất vả, cực nhọc cùng nhân dân trong nhiều cảnh sống. Dân xã Phong Xá, huyện Phong Châu, Phú Thọ có truyền tụng lại câu chuyện sau:
"Có lần vua Hùng cùng Tản Viên đi đánh giặc Thục vào ngày mùng sáu Tết, vì hành quân vội và Tết cũng đã qua rồi, dân không còn thực phẩm ngon để đãi vua cùng Tản Viên, thực phẩm chỉ có rau cần và cơm nấu vội còn sống để mời vua cùng Tản Viên ăn. Từ đó, dân làng có lệ vào ngày mùng sáu Tết thì mở hội vào đám, dù làng có thịt bò, mổ trâu đi chăng nữa, trên mâm cỗ cúng thần cũng chỉ có rau cần và cơm nấu còn chưa chín. Mục đích cúng lễ phẩm đơn giản như thế chỉ để ghi nhớ lại tích xưa vua Hùng cùng Tản Viên đã qua làng ăn cùng dân bữa cơm đạm bạc nấu sống, nhưng đầy tình nghĩa vua, quan cùng nhân dân".
Sống chung với nhân dân, trải qua nhiều trường hợp chịu cảnh đói rét, thiếu lửa, thiếu nước, phải ăn thực phẩm tươi không được nấu chín, Tản Viên thấy bệnh tật phát sinh trong quân đội và nhân dân. Từ đó ông học hỏi, thu thập kinh nghiệm cùng nghiên cứu trong quân đội và nhân dân, tìm ra các thứ thảo mộc làm gia vị trong đồ ăn để ngừa và khử độc trong thực phẩm, ở những hoàn cảnh vội vàng không có thì giờ nấu chín. Ông cũng sưu tầm, thu thập, sáng chế ra nhiều phương thuốc trị bệnh, có lẽ ông xứng đáng là thủy tổ nền y học của dân tộc, vì ngoài tài chính trị, quân sự, ông còn là bậc lương y có biệt tài. Hay nói cách khác giữa y học và chính trị có những kinh nghiệm cùng vận dụng gần giống như nhau. Người làm chính trị có biệt tài như Tản Viên, cũng chỉ là người thầy thuốc hiểu thấu rõ và điều trị được căn bệnh cho đất nước, xã hội.
Cuộc chiến tranh chống Thục Phán, không chỉ diễn ra ở mạn sông Ðà và núi Tản. Ở làng Long Ðỗ, Nghi Tàm, Hà Nội có thờ một vị thần tương truyền là con vua Hùng thứ mười bảy. Vị thần này có mẹ làm thứ phi và ông được phong chức là Ðộng Ðình Vương đã cùng với cậu ruột là Hàn Minh có công đánh thắng quân Thục một trận lớn tại bộ Dương Tuyền (Hải Dương), được Tản Viên giao trọng trách phòng thủ toàn miền phía đông đất nước, cứ thủ vững vàng cõi Long Biên. Qua sự tích cùng đền thờ này cho thấy vào mùa nước lụt, quân Thục Phán đánh phá, gây chiến tranh ở nhiều nơi, địa bàn hoạt động khá rộng lớn.
Ngược lại ở nội vi thành Cổ Loa cũng có những ụ đất, gò đất cao, tương truyền dưới thời Thục An Dương Vương, khi nhà vua còn đang có chiến tranh với nước Văn Lang, tuy thành chưa được xây hoàn tất thực sự, nhà vua cũng đã cho đắp những ụ đất cao để phòng giặc Ba Vì tới đánh cướp thành. Giặc Ba Vì ở đây, theo truyền thuyết có ngụ ý ám chỉ quân sĩ của Tản Viên.
Việc hợp nhất hai nước Văn Lang và nước Thục thành lập nước Âu Lạc tồn tại trong lịch sử từ năm 257 tới năm 207 trước công nguyên, trên các trang sử và truyền thuyết có nhiều mâu thuẫn.
Có thuyết cho rằng: trong một trận đánh bất ngờ vào kinh đô Văn Lang, Thục Phán thắng được vua Hùng thứ mười tám và nhập nước Văn Lang vào nước Thục. Nhưng theo truyền thuyết nhiều nơi thì do chiến tranh kéo dài, nhiều lần Thục Phán bị thua trận, chết nhiều quân sĩ nên Phán xin giải hòa, bãi bỏ việc binh đao. Về phía vua Hùng, người không có con trai nối nghiệp, còn Tản Viên là con rể lại không muốn nối ngôi vua, tránh sự tranh chấp với Thục Phán, một trong những nguyên nhân gây ra họa chiến tranh, nên khuyên vua nhường nước và trao cả bí quyết sử dụng "nỏ thần" cho Thục Phán.
Sử của Ngô Sĩ Liên viết về Thục Phán với những giòng chữ chứa nội dung: "Họ Thục húy Phán, người nước Ba Thục, đóng đô ở Phong Khê, ấy tức là thành Cổ Loa. Nguyên trước nhà vua (Thục Phán) luôn luôn đánh Hùng Vương. Hùng Vương bảo nhà vua: - Ta có sức thần, nước Thục không sợ sao? Vua Hùng chểng mảng võ bị, quân Thục bất ngờ kéo đến, quân tướng đầu hàng. Vua Thục đắp thành ở đất Việt Thường rộng nghìn trượng, xoáy trôn ốc, nên gọi là Loa Thành, còn có tên gọi là thành Tư Long".
Việc các sử sách ngày xưa cho Thục Phán là vua nước Ba Thục có lãnh thổ thuộc miền Tứ Xuyên chạy dài gần tới miền Thiểm Tây của Trung Hoa ngày nay, chắc là vì căn cứ vào địa lý nuớc Văn Lang thời cổ lãnh thổ rộng, có lúc phía tây giáp với Ba Thục. Thời Thục Phán hai nước Tây Âu và Lạc Việt địa giới có thể bao gồm tất cả miền nam sông Dương Tử. Sau khi gồm thâu hai nước, Thục Phán có tên hiệu là Thục An Dương Vương, có nghĩa là ông vua cai quản bình an miền đất bờ nam của sông Dương Tử. Cũng vì vậy, tới thời Hán sau này mới đặt tên châu Dương là châu có phạm vi đất kéo dài khắp phía nam sông Dương Tử.
Việc Thục Phán dùng chiến tranh bạo lực chinh phục được nước Văn Lang cũng không đúng với sự thực lịch sử. Ðiều đáng lưu ý là các truyền thuyết được tôn trọng cùng xét các di tích về thời Hùng thêm với cả hàng trăm nơi dân thờ Tản Viên, chứng tỏ thời gian Thục Phán làm vua đã phải tuân theo các điều kiện bảo vệ chế độ nước Văn Lang cùng lăng tẩm, đền miếu thờ các vua Hùng cùng Tản Viên. Ðiều này khiến cho truyền thuyết vua Hùng nhường ngôi và bắt Thục Phán thề trước cột đá thề có cơ sở đáng tin là đúng với sự thực lịch sử.
Cột đá thề
Câu ca dao dưới đây như phản ánh ý nguyện nhân dân trong cuộc chiến tranh kéo dài giữa Tản Viên và Thục Phán:
"Bao giờ lấp ngã ba chanh? (tranh?)
Ðể ta gánh đất xây thành Cổ Loa".
Chiến tranh đã xảy ra do các nguyên nhân tranh bá đồ vương, chỉ vì quyền lợi của các tập đoàn vua chúa. Cuộc chiến tranh như thế nên phải chấm dứt để tránh tai họa cho dân. Trong cuộc nội chiến tương tàn bi thảm, đã có một người sáng suốt lại có quyền năng có thể đem lại sự hòa giải thanh bình, người ấy là Tản Viên. Ông thấy sức mạnh, thiện chí và tài ba của ông cùng tình hình hai nước Việt: Lạc Việt và Âu Việt chỉ đem lại sự cân bằng cuộc chiến, kéo dài mãi tai họa chiến tranh trên cuộc sống. Trong mọi cân nhắc giải quyết vấn đề, Tản Viên nhận thấy trước hết phải hướng về lòng trắc ẩn vị tha, dập tắt mọi đau khổ người dân phải gánh chịu, đặt quyền lợi cùng hạnh phúc của nhân dân lên trên tất cả mọi quyền lợi cá nhân hay phe nhóm. Lương tâm trong sáng ấy sẽ đem lại thanh bình, sẽ dần dần khơi lên trong lòng mọi người sự khoan dung tha thứ cộng với sự đoàn kết tương thân.
Tâm hồn ông vượt lên trên mọi thấp hèn, vì yêu đời, chứ không phải vì yếm thế. Nhìn lên ngọn núi cao, nhìn giòng sông đẹp uốn quanh, suốt đời ông yêu quí, chắc ông đã nghĩ chung cảm nghĩ với người đời sau có câu ca dao:
"Nhất cao là núi Tản Viên,
Thanh nhàn vô sự là tiên trên đời!"
Nhìn vào các huyền thoại truyện ký, thấy nổi lên ba hình ảnh của Tản Viên khác nhau trong tâm tưởng người dân:
Hình ảnh thứ nhất là hình ảnh Tản Viên tiên cách phi phàm, không thể có trong đời sống thực tiễn. Ðó là vị Tản Viên xuất phát từ thuở "một bọc trăm trứng" của huyền sử "cha Rồng mẹ Tiên", ông từ biển khơi qua cửa Thần Phù trở về nước. Vị Tản Viên này có lẽ cũng là vị thần râu tóc quần áo trắng của núi Ba Vì, và có lẽ cũng là vị thần báo điềm lành cho cha và chú của Tản Viên là hai ông Nguyễn Cao Hành và Nguyễn Cao Ban khi đang đi hái thuốc trên núi.
Hình ảnh thứ hai có trong tâm trí người dân là một Tản Viên có trong thực tế đời sống, đó là Nguyễn Cao Tuấn. Ông là bực có tài kinh bang tế thế nhiều mặt, có biệt tài về chính trị, quân sự và y học. Ông mở các đường giao thông thủy, bộ, đắp đê ngăn nước trị thủy, khai mương chống hạn, khai hoang, đào giếng làm thủy lợi, dạy dân các việc: làm ruộng, học hành, chăn tằm, dệt vải, đánh cá, săn bắn. Ông cũng giáo hóa dân theo các nếp sống tốt đẹp, loại trừ mê tín, cổ vũ các tập quán lễ nghĩa, hội hè, thờ cúng, ma chay, cưới hỏi v..v...
Vị thánh Tản Viên thứ ba lại trở về trong tâm khảm người dân cả ở trong thực tế và tưởng tượng, nhiễm nhiều chất huyền thoại, đó là Sơn Tinh. Vị thánh này được hình thành do cuộc chiến tranh giữa quân dân hai phía Nguyễn Cao Tuấn và Thục Phán. Một cuộc nội chiến kéo dài giữa đồng bào hai khối cùng chủng tộc : Lạc Việt và Âu Việt. Chiến cuộc thường diễn ra vào mùa nước lụt. Sau nhân dân huyền thoại hóa thành truyện tích: "Sơn Tinh, Thủy Tinh".
Trí tưởng tượng của người dân, cộng với thời gian, với sự khuyết sử, dựng lên những Tản Viên có thực và những Tản Viên không có thực. Trí tưởng tượng của nhân dân cũng không đơn thuần, từng địa phương có những truyền thuyết khác nhau. Hơn nữa khi còn tại thế, ngoài Nguyễn Cao Tuấn còn có Nguyễn Cao Hiển và Nguyễn Cao Sùng cùng làm những công việc chung mục đích, giống nhau. Sau cả ba ông đều được nhân dân tôn thờ, tôn danh với tên chung là thánh Ba Vì. Khi người dân thấy các ông làm việc ở nhiều địa phương cùng một thời gian, có thể cho là thánh Tản biết phân thân tàng hình, giáng phúc cho dân.
Nhìn vào sự nghiệp của ông, Nguyễn Cao Tuấn đã xác định cuộc sống là: đem chân lý, lương tâm, tình cảm để chống lại những phi lý, phi nghĩa, phi nhân. Ðặc biệt những người làm chính trị có chân tài như ông, coi sự nghiệp chính trị là công việc làm "quang minh chính đại" của những con người cũng rất mực "quang minh chính trực". Ông không muốn phạm vào những việc làm khuất tất, thủ đoạn, lừa dối, mị dân. Ông sống vào khoảng thế kỷ thứ ba trước công nguyên, hàng chục thế kỷ sau vẫn có những người dân Việt tin là ông còn sống không chết, ông "bất tử", thỉnh thoảng ông còn xuất hiện cứu thế phò nguy cho người đời. Ðọc truyện tích khi thấy viết về viên tướng nhà Ðường là Cao Biền yểm linh khí của ông không được, chứng tỏ ông có vị trí tôn trọng, liên tục và vững chắc trong tâm trí nhân dân suốt chiều dài lịch sử. Thậm chí cho mãi khoảng thế kỷ thứ mười lăm, nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tại miền Trung còn cho rằng cảnh đẹp "La Hà thạch trận" ở Quảng Ngãi có được là do xưa kia Sơn Tinh lập trận đồ trấn áp Thủy Tinh.
Quan niệm về "gậy thần", nhân dân đã huyền thoại về ông, xuất phát từ khi ông chặt cây lấy gỗ khai hoang rừng trồng trọt. Ðốn cây rừng khai hoang là công việc thường phải làm tái diễn nhiều lần. Cây cỏ bị chặt đi mọc lại rất nhanh. Chắc ông đã tìm ra phương cách thích hợp nào để diệt trừ cỏ cây hoang tận gốc. Việc trồng lại những giống cây hữu ích cho cuộc sống, tìm cách khiến cho cây sống lại cũng khó khăn, về việc phải biết phương cách thich nghi với: đất, giống, môi trường, khí hậu, thời tiết... Ông cũng có những nghiên cứu, sáng tạo biến rừng núi hoang vu thành đồng ruộng, vườn cây xanh tốt. Nghề lương y của ông cũng chế ngự nhiều căn bệnh và cứu sống nhiều người, tất có nhiều người khâm phục. Sự khâm phục khi đạt tới độ cao nào đó, trong trí nghĩ đơn thuần ở dân gian đã thần thánh hóa, cho là ông đã có "gậy thần".
Cũng có thể hiểu: biết sử dụng "gậy thần" có hai đầu sinh, tử, có nghĩa là đạt tới triết lý nhân sinh trí tri, tận thiện, tận mỹ. Một cách biểu tượng của sự thể hiện có tính tượng trưng khi con người tự làm chủ được mình, tự hiến thân phụng sự lý tưởng cao cả, làm chủ được cả vận mệnh của mình, nghĩa là tự quyết định được cả sự sống hay cái chết của bản thân. Những con người đã đạt tới mức lấy chân lý, lương tâm làm cứu cánh, còn danh lợi hay ngay cả cái chết coi nhẹ tựa lông hồng, cũng như lúc cần bảo vệ bản thân để phù trì cuộc sống, cuộc sống cũng bất diệt, tất cuộc sống vì nghĩa cả vĩnh cửu trường tồn. Các đấng trượng phu cao cả, người xưa thường có đôi câu đối ca ngợi:
Ðại trượng phu chích thủ bút khai sinh tử lộ;
Kỳ nam tử song mi số phá lợi danh quan.
Ðôi câu đối này có ý nghĩa: người trượng phu chỉ một cái phẩy tay đã vẽ ra con đường sống hay chết; bậc nam tử dẫu một nét cau mày đã biết coi thường, coi khinh các lợi danh thấp hèn trong cuộc sống.
Chỉ khi nào con người bị ràng buộc vào những thấp hèn sa đọa, ích kỷ hưởng thụ, tham ô đố kỵ và ngu dốt, con người mới tự bỏ quên bản thân, mặc cho cơn lốc đam mê các tham vọng thấp hèn cuốn đi.
Sự cấu tạo bước đầu theo truyện tích để Tản Viên có "sách ước" là việc ông dùng "gậy thần" cứu sống con rắn lạ. Câu chuyện diễn ra rất tự nhiên, nhưng lại phản ánh trong bình thường tự nhiên, Tản Viên luôn luôn giữ được lương tâm tình cảm vị tha, thánh thiện. Ông xót thương loài người, nhân quần xã hội, mến yêu muôn loài. Dù chỉ là con rắn, nhưng nếu con vật ấy chẳng làm hại ai, ông cũng động lòng trắc ẩn cứu nó, khi trông thấy nó bị giết. Ông cẩn trọng dốc hết tâm trí vào công việc cải tử cứu sinh. Nhờ vậy ông phát kiến ra các kế hoạch cùng các định ước hoàn hảo cho mọi qui trình công tác. Kết quả là các kế hoạch ước định cho công việc của ông đều thành công. Người đời biểu thị từ ước đoán tới thành công của ông là "sách ước". Dĩ nhiên, nếu đã chẳng có trong thực tế "gậy thần", tất thực tế cũng không thể có được "sách ước".
Nói rộng ra, hiểu theo nghĩa bóng, trong cuộc sống của mỗi con người, tùy thuộc theo lý trí, nghị lực, người ta khi ý thức được quan niệm nhân sinh cao cả, thì bất cứ ai cũng có thể có "gậy thần, sách ước".
Chùa Một cột: Một hình tượng kiến trúc thăng hoa
Những người như Lão Tử, Socrate, Thích Ca, Giê Su đều không muốn viết để lại hậu thế bất cứ giòng chữ nào. Vì sứ mệnh giải phóng con người, họ không muốn con người mù quáng, chui đầu vào vòng nô lệ bằng các hiểu biết cố chấp, nông cạn ở những giòng chữ họ viết ra. Vì chữ viết rất khó lộ hết ý nghĩa. Nhiều khi khởi phát chỉ là những giòng chữ với mục đích thiện ý. Nhưng khi đọc những giòng chữ rồi đem vận dụng vào thực tế, con người thiên về ác tâm đã tạo ra nhiều cảnh phi nhân, phi lý vô cùng tàn bạo, nhiều khi nhẫn tâm làm chết oan hàng chục, hàng trăm triệu sinh linh.
Nền học thuyết Khổng Tử với những khuôn vàng thước ngọc, đáng lý chỉ nên coi là những mô hình xử thế để thí dụ, càng theo thời gian càng cần khai sáng mở rộng, gạt bỏ những lạc hậu, nhưng nhiều khi người ta nhắm mắt chấp kinh, quên cả tòng quyền, không biết cách ứng xử quyền biến, tự trói mình trong các gò bó. Có lúc Mạnh Tử đã phải lên án gay gắt: "quá tin vào sách chẳng thà đừng có sách còn hơn" (tận tín thư bất như vô thư). "Sách ước" của Tản Viên tương truyền là sách giấy trắng không có chữ viết, ấy là khoảng trống để những người như thánh Tản vận dụng: lý trí, sáng kiến, nghị lực phụng sự cuộc sống.
Cư dân miền quanh núi Ba Vì có câu ca dao:
"Trèo lên đỉnh núi Ba Vì,
Lấy tư hòn đá về kê chân rường,
Kẻo chân rường lệch.
Kẻo chệch thang rường.
Kẻo còn đi nhớ về thương".
Có người giải thích: "rường" có nghĩa là "rường mối", "rường cột", tức là hệ thống tổ chức, căn bản đạo đức cuộc sống con người. Còn tư hòn đá là bốn cái đạo làm người phải có, đó là: "đạo nhà, đạo người, đạo nước, đạo trời". Nếu giải thích như thế - Hai từ rường mối hẳn cũng có ít nhiều liên hệ với hệ đồ bánh chưng của Lang Liêu từ xưa để lại?