Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

14. Hành trình lịch sử

Thời đại Hồng Bàng kéo dài hơn hai mươi sáu thế kỷ, chấm dứt bởi triều đại An Dương Vương. Sau đó những giòng sử thành văn được lưu truyền tới ngày nay, chất huyền sử nhạt dần, dân tộc Việt bước đi tiếp nối bằng lịch sử thực tiễn đấu tranh.
Nhìn vào phong tục, tập quán, ngôn ngữ và sự khảo chứng chủng tộc cho thấy toàn vùng phía nam sông Dương Tử cho tới các miền sông Hồng, sông Mã, sông Cả v..v... các vùng cư dân Việt có nhiều nếp sống tương cận nhau. Triệu Ðà làm vua nước Nam Việt, cả về lãnh thổ lẫn chủng tộc, thật đúng với tên gọi là một nước Việt ở phía Nam. Ðáng tiếc Ðà lại xuất thân từ một huyện lệnh nhà Tần, không hội nhập và phát huy được nhiều văn minh tư tưởng dân tộc Việt. Ðà cũng không tạo được cho nước có cái thế truyền thống dân tộc Việt.
Sau khi dứt được Thục Phán vào năm 207 trước công nguyên, Triệu Ðà chiếm thêm đất Lâm Ấp (Chiêm Thành) gồm vào nước Âu Lạc cũ, rồi có thêm quận Nhật Nam cùng một số huyện khác cũng thuộc Nam Việt. Việc cai trị mỗi quận có một viên quan "điển sứ" là người địa phương đảm trách. Chính sách cai trị của Ðà đối với những miền đất này là: cho các địa phương hưởng nhiều quyền tự trị, hàng năm các quận nộp đủ các loại thuế, sản phẩm theo qui định cùng ổn định các công việc hành chính là hoàn tất nhiệm vụ. Tất nhiên Ðà có bố trí lực lượng quân đội ở các nơi trọng yếu để buộc các viên quan "điển sứ" phải trung thành với Ðà. Tuy nhiên chế độ tự trị tự phát ở các địa phương nhiều nơi cắt đứt hẳn mọi sự kiểm soát đối với hệ thống triều đình, nhất là đối với những vùng hẻo lánh xa xôi. Triệu Ðà đã giữ ngôi vua bảy mươi năm, có lẽ Ðà chỉ có một con trai là Trọng Thủy đã tự tử chết theo Mỵ Châu, nên sau Ðà nhường ngôi cho cháu nội, tên húy là Hồ, lên ngôi lấy hiệu là Triệu Văn Vương (con của Mỵ Châu và Trọng Thủy).
Lịch sử có những hệ quả dẫn đến mất nước về việc vua chúa thời xưa kết duyên hoặc cho con kết duyên chồng vợ với người nước địch quốc. Triệu Ðà cho Trọng Thủy ở rể để mưu tính và chiếm được nướcÂu Lạc, nhân lúc nước Âu Lạc suy yếu. Tới đời Triệu Minh Vương (con Triệu Văn Vương) cháu bốn đời của Triệu Ðà, khi còn là thái tử Anh Tề sang làm con tin bên đất Hán lấy con gái họ Cù ở Hàm Ðan. Cù thị trước khi lấy Anh Tề đã có tư tình với tên An Quốc Thiếu Quí là người bên nước Hán. Lúc Triệu Minh Vương mất, con của Cù thị lên ngôi hiệu là Triệu Ai Vương, vua Hán cho An Quốc Thiếu Quí sang dụ Cù thị và Ai Vương sát nhập nước Việt vào đất Hán. Ngoài biên cương, quân Hán do tướng Lộ Bác Ðức đóng ở Quế Dương (bờ phía nam sông Dương Tử, gần hồ Ðộng Ðình) gây áp lực để buộc triều thần nước Nam Việt phải hàng Hán, nội tình trong triều thì Cù thị tư thông với sứ nhà Hán là Thiếu Quí, vua Ai Vương còn nhỏ tuổi, mọi việc phải nghe lời Cù thị, nên việc mất nước khó tránh khỏi.
Ðời Triệu Ai Vương, vào năm 112 trước công nguyên, nước Nam Việt bị sát nhập vào Hán, đã có nhiều miền dân tự động nổi lên chống Hán. Riêng tại các miền Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam có hàng loạt các cuộc quật khởi do các quan lạc tướng, tù trưởng nổi dậy dành quyền tự trị. Thực sự hệ thống quan lại của Hán đặt ra chỉ cai trị được rất ít dân cư và chỉ một phần nhỏ đất đai.
Từ năm 110 trước công nguyên tới năm 906 sau công nguyên, lịch sử Việt có những biến động đáng ghi nhớ:
Ðoàn quân hai viên tướng nhà Hán là Lộ Bác Ðức và Dương Bộc sau khi chiếm thủ phủ Phiên Ngu của Triệu Ai Vương là cháu năm đời của Triệu Ðà, chúng xua quân xuống miền Giao Chỉ chiếm miền châu thổ sông Hồng. Thực lực chính lúc ấy chống Hán do tướng Lữ Gia cầm đầu. Ông hoàn toàn là người gốc Việt, từng làm quan giữ trọng trách ba triều vua, tuy tuổi ông đã già nhưng các con gái và cháu gái của ông đều lấy con và cháu trai của vua (Triệu Minh Vương) và đám con và cháu trai của ông đều lấy các công chúa và cháu gái của nhà vua. Tổng số các quan lại từ trong triều tới ngoài biên trấn của nước Nam Việt có tới gần trăm người là các con, cháu, họ hàng Lữ Gia, riêng số quan coi các huyện đã hơn bảy mươi người. Ông cũng mưu đồ hợp sức với các nước miền Vu Việt để liên kết chống Hán. Ðáng tiếc nội tình trong nước lúc ấy từ thái hậu Cù thị cho tới vua đều làm nội gián và ngả theo Hán. Việc lập vua mới cùng đương cự ngoại xâm quá cấp bách, khiến việc chống Hán của Lữ Gia không có đầy đủ thời gian để đạt hiệu quả, đành rút quân về Giao Chỉ cố thủ, nhưng cũng không cầm cự được bao lâu. (miền đền Hùng, Vĩnh Phú cùng núi Thày, Hà Tây đều có lưu giữ nhiều truyện tích, di tích thời Lữ Gia chống Hán).
Sự mất nước Nam Việt ở thời Triệu Ai Vương là sự mất khá lớn thể chế và lãnh thổ, có khoảng hai phần ba địa giới đất nước về sau không thể khôi phục theo hệ thống nước cũ được. Hãy nhìn lại sau này khi Trưng Vương khởi nghĩa, phục hồi lại được lãnh thổ nước Việt có 9 quận gồm 65 huyện thành là:
*Quận Uất Lâm (thời Tần gọi Quế Lâm) có 12 huyện: Bô Sơn, An Quảng, A Lâm, Quảng Uất, Trung Lưu, Quế Lâm, Ðàm Trung, Lâm Trần, Ðịnh Chu, Tăng Thực, Lĩnh Phương, Ung Kê. *Quận Thương Ngô có 10 huyện: Quảng Tín, Tạ Mộc, Cao Yến, Phong Dương, Lâm Hạ, Ðoan Khê, Phùng Thặng, Phú Xuyên, Lệ Phố, Mãnh Lăng. *Quận Giao Chỉ có 10 huyện: Liên Thụ, An Ðịnh, Cẩu Lậu, Mê Linh, Khúc Dương, Bắc Ðới, Kê Từ, Tây Vu, Long Biên, Chu Diên. *Quận Cửu Chân có 7 huyện: Tư Phố, Cư Phong, Ðô Bàng, Dư Phát, Hàm Hoan, Vô Thiết, Vô Biên. *Quận Nam Hải có 6 huyện: Phiên Ngu, Bác La, Trung Túc, Long Xuyên, Tứ Hội, Yết Dương. *Quận Hợp Phố có 5 huyện: Từ Văn, Cao Lương, Hợp Phố, Lâm Doãn, Chu Lô. *Quận Nhật Nam có 5 huyện: Chu Ngô, Ty Cảnh, Lô Dong, Tây Quyển, Tượng Lâm. Sau hết là 2 quận *Châu Nhai và *Ðạm Nhĩ thuộc ven biển gần đảo Hải Nam và đảo Hải Nam, mỗi quận có khoảng 5 huyện (theo Tiền Hán Ðịa lý chí).
Ở thời đại Triệu Ðà và các đời cháu kế ngôi vua cai trị nước Nam Việt, theo sử của Ngô Sĩ Liên viết có lúc họ hàng của Lữ Gia làm quan coi các huyện đã lên tới con số hơn bảy mươi huyện, như thế có thể là tổng số huyện nuớc Nam Việt còn nhiều hơn và cũng rộng hơn nước Việt ở thời Hai Bà Trưng, chỉ có 65 huyện.
Kéo quân vào đất Giao Chỉ, bọn giặc Hán thẳng tay tàn sát nhân dân, phá hoại các di tích dân tộc. Buổi đầu các chính sách tàn bạo đã làm các lực lượng kháng cự và dân chúng yêu nước phải chạy tản vào các vùng rừng núi. Thủ phủ cai trị của bọn giặc Hán trước được đặt tại Liên Thụ thuộc Siêu Loại tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Sau vì an ninh bất lợi, giặc phải di dời thủ phủ khỏi Siêu Loại về đóng tại huyện Quảng Tín quận Thương Ngô (Quảng Tây), sau nữa cũng vì bất an giặc lại đem thủ phủ về Phiên Ngu quận Nam Hải (Quảng Ðông). Hai viên thái thú cai trị buổi đầu là Thạch Ðái và Chu Chương, trong thời gian khoảng 60 năm chỉ quản chế được rất ít dân cư ở quanh và gần phủ trị. Các vùng cư dân Việt nổi lên dành quyền tự trị khắp các nơi. Cũng vào thời kỳ này, các nước ở phía biên giới tây bắc Trung Hoa đem quân xâm phạm biên giới nhà Hán. Triều đình Hán đành làm ngơ trước các biến động tại các miền nước Việt cũ, đặc biệt là tại Giao Chỉ. Trước tình hình ấy, các viên thái thú quan lại nhà Hán cũng chỉ mong yên thân, cốt ý mong sao tránh khỏi những cuộc nổi dậy to lớn. Vào thời Hán Bình Ðế, chính tình nhà Hán xáo trộn tưởng chừng như bị chấm dứt, quyền hành triều đình cùng chế độ quân quyền bị Vương Mãng thao túng, rồi cướp ngôi. Vương Mãng ra lệnh bãi bỏ tất cả các chính sách, luật lệ của nhà Hán, cấm buôn bán, cấm chế độ nô tì, thay đổi nhiều trật tự, kỷ cương. Toàn bộ hệ thống cai trị ở nước Tàu bị xáo trộn, ảnh hưởng rất nhiều tới miền đất Việt, khiến toàn cõi Lĩnh Nam chạy dài xuống phía nam, hầu hết hệ thống quan lại của nhà Hán bị tan rã. Nhân cơ hội may mắn, viên thái thú Hán ở Việt lúc ấy là Ðặng Nhượng bản chất là người có lòng thương yêu giòng giống dân Việt, ông liên kết nhân dân các nơi tự lập nên nền tự trị, cắt đứt mọi liện hệ với triều đình Trung Hoa.
(Xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Ðông nay thuộc Hà Tây là quê hương nhà danh sĩ ái quốc Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền trong lịch sử chống Pháp đầu thế kỷ 20. Vào thời Hán tại ba thôn thuộc xã Liên Bạt này có sự tích thờ ba vị đại vương chống giặc Hán, có liên hệ với sự nổi dậy thời Ðặng Nhượng, tóm lược như sau:
Vị thành hoàng thứ nhất tên là Ðặng Sĩ, tên hiệu là Thiện Sĩ mở trường dạy dân Việt văn hóa, luật lệ, quyền lợi, bổn phận làm dân cùng với lòng yêu nước. Sau hhi ông mất được các đời sau sắc phong Tế Thế Ðại Vương, kế tiếp nhiều triều đại về sau đều gia phong tước hiệu thờ tự.
Vị thành hoàng thứ hai tên là Ðặng Xã, tên hiệu là Xã Thần có công chăm sóc dân trong vùng an cư lạc nghiệp. Khi giặc Hán mang quân tới đánh chiếm nước ta, ông chỉ huy quân lính, hiệu triệu dân chúng cùng tham gia chống giặc. Thế giặc quá mạnh, cùng quân sĩ chiến đấu tới lúc thế cùng lực kiệt, ông đành tự sát để tỏ lòng trung với dân với nước. Về sau dân thờ ông và được nhiều triều đại sắc phong là Dực Vận Hiển Hựu Ðại Vương.
Vị thành hoàng thứ ba tên là Ðặng Lang, ông là em ruột của vị thành hoàng thứ hai kể trên. Ông cùng với anh chăm lo đời sống lê dân trong vùng và cũng anh dũng chiến đấu chống giặc Hán, rồi sau kiệt sức tự sát tỏ lòng trung với nước. Ông được sắc phong Hiển Ứng Hùng Nghi Ðại Vương).
Về sau liên tiếp các thái thú như: Tích Quang, Nhâm Diêm và Ðỗ Mục lần lượt cũng hoàn toàn đứng về phía nhân dân Việt, khắp các nơi ở 9 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Uất Lâm, Thương Ngô, Nam Hải, Hợp Phố, Châu Nhai, Ðạm Nhĩ không nơi nào là không có phong trào tự trị nổi lên.
Biến cố lịch sử Trưng Trắc, Trưng Nhị đã được hình thành từ những nguyên nhân và yếu tố do các phong trào nổi dậy biết liên kết đồng loạt lật đổ chế độ cai trị nhà Hán. Cuộc khởi nghĩa có tính nhanh chóng và lan rộng. Hầu hết hệ thống cai trị của giặc bị bất ngờ và không thể thông báo cứu ứng được nhau. Theo một số tài liệu cùng truyền thuyết: mẹ Hai Bà là bà Man Thiện, tên thực là Trần thị Ðoan có nghề chăn tằm, dệt lụa hoạt động phạm vi lớn (nay tại làng Nam Nguyễn, Ba Vì, Hà Tây có khu gò tương truyền là mộ bà Man Thiện, dân gọi là "mả Dạ", theo nghĩa thời cổ là: mộ của bà già đáng kính). Khi bà Man Thiện sinh đôi được hai người con gái, bà đã lấy tên hai loại trứng tằm tốt để đặt tên hai con gái là Trứng Chắc và Trứng Nhì, các sách sử về sau viết thành Trưng Trắc và Trưng Nhị. Nguyên nhân tiềm ẩn mưu đồ các cuộc khởi nghĩa đã có từ thời cha mẹ Hai Bà, truyền tới chồng bà Trưng Trắc là ông Ðặng Thi Sách, nhưng đều đã không thành công. Tới lúc Hai Bà vận động cùng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa huy động được lực lượng đông đảo nhất trong quần chúng tham gia tích cực là phụ nữ, đồng thời đề ra chủ trương thiết thực ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi cuộc sống của dân các địa phương: địa phương nào hưởng ứng vũ trang chiến đấu lật đổ hệ thống giặc cai trị, ngay lập tức địa phương ấy tự chọn người cầm quyền tự trị, chấm dứt ách nô lệ. Cho nên khắp nước Việt tự giải phóng rất mau chóng.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng điển hình cho phương thức chiến đấu của dân Việt lấy sức mạnh nền văn minh "ấn đồng thao xanh" liên kết, hợp quần thương yêu nhau để cùng chống giặc, theo ý nghĩa qua các câu ca dao:
"Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng".
Hoặc: tại đền Hát Môn có đôi câu đối ca ngợi công đức Hai Bà:
"Uy linh chinh Hán chủ, thiên thu nữ kiệt quán anh hào,
Kỳ khí trái tu mi, chung cổ quần thoa nan tỷ muội".
Có nghĩa là: Uy linh của Hai Bà chinh phục được vua Hán, hàng nghìn năm đấng nữ kiệt trên cả các bậc anh hào; Chí khí lạ nhận gánh nợ mày râu, suốt thời xưa và khắp thiên hạ không có chị em gái nào được như vậy.
Ý nghĩa các hoành phi, câu đối kể trên, nói lên Hai Bà Trưng dù là phụ nữ, đã là người dân Việt, có tài đức, có lý tưởng cứu dân, cứu nước, cũng có thể lên giữ ngôi Lạc, ngôi Hùng trị nước. Về ca dao trong thời đại Hai Bà cũng có những câu:
"Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh".
Còn gì minh bạch, rõ ràng hơn, qua các ca dao vai trò cùng quyền hạn người phụ nữ Việt cách nay hai nghìn năm chẳng những có tất cả những quyền như nam giới, có tài ba, đức hạnh phi thường cũng có thể làm vua giữ ngôi hùng trị nước, mà chính người phụ nữ còn tự tạo nên hào quang rực rỡ. Nếu nghiên cứu sâu xa, triều đại Hai Bà Trưng, dù ngắn, nhưng đã phục hồi lại được lãnh thổ nước Việt thời cổ, đồng thời thiết lập được chế độ "Hai Vua" cộng thêm với bà Xuân Nương cầm quyền gián nghị tiến tới thể chế phân quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp, có tính độc lập gần giống như các chế độ văn minh ngày nay.
Chắc hẳn còn truyền tới muôn đời lý tưởng yêu nước thương nòi của những câu ca dao :
"Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn".
Và:
"Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại thành hòn núi cao".
Ðể bảo vệ thành quả khởi nghĩa về kế hoạch chiến đấu của Hai Bà Trưng nổi lên những nét:
Giữ vững lực lượng bằng cách duy trì chế độ dân chủ "xã thôn tự trị" do các lạc hầu, hùng hầu, lạc tướng, hùng tướng, bồ chính, quan lang, xảo xứng lãnh đạo. Khi cần các nơi giao hiếu chiến đấu cùng nhau trong các công tác:
1) Bất hợp tác, tạo mọi áp lực và cô lập bọn quan lại binh sĩ giặc Hán.
2) Tuyển tráng binh, nữ binh khỏe mạnh, tài giỏi dũng cảm vào quân đội nhà nước, giúp lương thực vũ khí, quân trang khi lực lượng quân binh cần.
3) Khi giặc Hán đem đại binh tới, phân tán bảo toàn lực lượng. Chiến đấu du kích chủ động làm quân giặc mệt mỏi và hao mòn.
Áp dụng chiến thuật chiến đấu bằng voi, ngựa trên bộ và thuyền bè nhỏ đánh thủy là phương thức chiến đấu người Việt thường sử dụng lâu đời, phù hợp với địa thế núi rừng, sông suối, dễ dàng điều động phân tán để tấn công địch bất ngờ.
Về phía giặc Hán cũng có kế hoạch thâm độc chinh phục dân Việt:
Chúng tuyển nhiều quân tại các miền vốn thuộc các chủng tộc Bách Việt sinh sống, chúng đã chiếm được từ lâu như tại Ngô quận, Cối Kê quận và Nam quận, dùng lính là người Việt đã bị đồng hóa đánh người Việt chưa bị đồng hóa. Giặc ra lệnh gắt gao bắt phu, nộp lương thực, sửa đường, bắc cầu, trưng dụng xe ngựa, thuyền bè tại các miền dân Việt chưa kịp nổi dậy nhiều, để vét cạn mọi sức mạnh, nhân lực, ngăn chặn nổi dậy và lại tận thu được mọi nhân lực, tài lực cho việc xâm lăng.
Huy động lực lượng quân đội đánh Việt thực to lớn do các danh tướng: Mã Viện, Lưu Long, Ðoàn Chí và Vương Bá chỉ huy. Cả ba cánh quân: quân bộ, quân thủy, quân ngựa cùng hợp đồng tiến quân nhanh và đánh thẳng vào trung tâm khởi nghĩa là hai huyện Mê Linh và Chu Diên thuộc quận Giao Chỉ:
Sau khi tiêu diệt xong vị trí đầu não cuộc khởi nghĩa, các đội quân giặc phân chia các nơi tiêu diệt các khu vực kháng cự phụ thuộc.
Truy quét, dụ hàng các thủ lĩnh trốn lẩn và bắt bớ các tù trưởng, quan lang, người có nghề, người có tài, đem giết hoặc đem về Trung Quốc làm nô lệ, đày ải. Áp dụng chính sách cai trị diệt chủng tàn bạo để khủng bố và khuất phục dân chúng (điển hình là cho quân lính tự do giết người, cưỡng hiếp phụ nữ, dựng cột đồng trụ và bắt trên ba nghìn tù trưởng, người có tài đem đi đày).
Qua các triều quân chủ phong kiến, sử sách Trung Quốc đã viết xuyên tạc rất nhiều về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và cuộc kháng cự anh dũng của quân dân khởi nghĩa chống giặc Hán ở các miền: Uất Lâm, Thương Ngô, Nam Hải và Hợp Phố, vì nếu viết sử đúng với sự thực thì không thể nào cai trị, khuất phục được nhân dân Việt sống ở các vùng này kéo dài hàng nghìn năm. Như đã viết ở chương "Ðất nước Tổ Hùng" và chương "Nữ Vương Phật Nguyệt" trước đây, khi quân giặc Hán trấn áp cuộc khởi nghĩa, vượt qua sông Dương Tử đã vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của các tướng lĩnh của Hai Bà. Các vị chỉ huy quân Việt chống lại giặc như: Ðào Hiển Hiệu, Ðào Ðô Thống, Ðào Chiêu Hiển, Ðào Tam Lang và đặc biệt Nữ Vương Phật Nguyệt cùng với công chúa Bát Nàn (Bà Bát Nàn có cha bị Tô Ðịnh giết, bỏ nhà đi nhiều nơi, thoát bọn giặc vây bắt nhiều lần. Sau bà tới tu tại chùa Tiên La miền Thái Bình mưu đại sự chống giặc Hán chiêu mộ hàng ngàn người. Có lần bà nằm mộng thấy có vị nữ thần trao cho bà bốn câu thơ: Nữ binh nữ tướng, thiên dĩ định danh, vật khả độc lập, sự nãi bất thành; có nghĩa: Tướng gái quân gái, trời đã nêu danh, chớ đứng một mình, việc sẽ chẳng thành, nên bà tự đem quân hợp tác với Hai Bà Trưng). Bà Bát Nàn chống giặc trên rừng núi và sông thác nhiều trận thắng giặc lớn, nhưng bà cũng bị tám lần gặp tai nàn lớn, nên mới có tên hiệu là Bát Nàn). Các tướng và quân nước Việt bẻ gãy cuộc tiến quân giặc Hán. Bọn tướng giặc phải dừng quân chờ viện binh và phải thay đổi lộ trình tiến quân mới vào được quận Giao Chỉ.
Chế độ Hai Bà Trưng thừa kế được các giá trị đánh giặc của mô hình "thánh Gióng" và biết áp dụng mô hình "bánh chưng" để quản trị đất nước nên đã thành công mau chóng. Sử gia Lê Văn Hưu ở đời Trần khi viết về Hai Bà đã nhận định: "Lên ngôi vua, thành lập nước nhanh như trở bàn tay" (xưng vương, lập quốc dị như phản chưởng).
Một ban nữ tế trước điện thờ Hai Bà Trưng (Hát Môn)
Ðã hai mươi thế kỷ qua đi, biết bao sách vở thơ văn bình luận vẫn không thể nói hết công ơn, sự nghiệp cuộc khởi nghĩa giải phóng đất nước của Hai Bà. Trung thực nhận định so sánh với các nữ anh hùng trên toàn thế giới, chưa ai có hùng tài, đảm lược bằng được Hai Bà. Sự nghiệp cứu nước, xây dựng nền độc lập có tính phân quyền, tự chủ, ở lịch sử nước Việt, các đời sau, chưa có thời đại nào đạt được mức như chế độ "Hai Vua" của Hai Bà. Sự nghiệp Hai Bà có ý nghĩa xác định: nền độc lập tự chủ của đất nước phải khơi nguồn và xây nền trên những giá trị truyền thống dân tộc. Mọi hoàn cảnh, mọi con người, mọi thế hệ, không có lý do gì để khoanh tay ngồi yên, khi nước mất, dân sống khổ nhục, đời sống con người bị đày đọa.
Chế độ Hai Vua của Hai Bà Trưng là chế độ phân quyền có thượng từng kiến trúc do Hai Bà cùng với các tướng lĩnh khởi nghĩa sau khi thành công đã kiến tạo nên. Thượng từng kiến trúc của chế độ Hai Bà hoàn toàn phù hợp với hạ từng cơ sở là truyền thống dân chủ xã thôn tự trị có từ thời Hùng Vương do Lang Liêu sáng tạo. Nếu có chế độ dân chủ xã thôn tự trị mà không có chế độ phân quyền : Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp của Hai Bà thì đời sống cơ sở xã thôn dễ trở thành hủ tục và lạc hậu. Ngược lại nếu có chế độ của Hai Bà mà nền dân chủ xã thôn tự trị không có, tất chế độ không thể có nền tảng vững chắc. Thiết nghĩ con dân nước Việt muôn đời sau nên tôn trọng và ghi tạc, vì cơ chế tổ chức chính trị ấy là thể chế chính trị hoàn hảo, bảo đảm các giá trị nhân bản, dân chủ và bình chọn đại nghị.
Tính chất phân quyền ở thời Hai Bà đã diễn ra ngay từ khi chuẩn bị khởi nghĩa. Công việc của bà Trưng Trắc như người hướng dẫn cầm lái chỉ đường. Thoạt đầu bà làm lễ cầu xin các hoàng hậu, công chúa đời Hùng phù hộ, rồi bà đích thân tới đền Hùng làm lễ thề nguyện, rồi sau nữa bà ra lệnh tập hợp tướng sĩ, ba quân, tuyên bố lệnh khởi nghĩa.
Những công việc kể trên cho thấy bà Trưng Trắc là vị đi tìm chủ thuyết, lý tưởng, tìm sức mạnh tâm lý, sức mạnh bất khuất để cuộc khởi nghĩa đạt thành công.
Bà Trưng Nhị tuân theo chủ thuyết, lập trường, hướng đi của bà Trưng Trắc. Bà là người tạo ra sức mạnh chính và cụ thể. Chính đích thân bà đi nhiều nơi trong số tám quận cùng với quận Giao Chỉ để hợp đồng với các lạc hầu, lạc tướng đồng loạt khởi nghĩa. Bà Trưng Nhị cũng lập đại bản doanh tại xã Lâu Thượng, nơi bãi sông Ngã Ba Hạc để huấn luyện quân bộ, quân voi ngựa và quân thủy. Bà cũng là người cai quản điều hành tối cao toàn bộ các hệ thống tổ chức hành chính, quân sự, đi theo con đường đã được bà Trưng Trắc vạch đường chỉ lối.
Nếu ví cuộc khởi nghĩa như con thuyền rẽ sóng vượt trùng khơi, thì bà Trưng Trắc là người cầm lái, còn bà Trưng Nhị là người tạo ra động cơ sức mạnh di chuyển con thuyền.
Hai Bà cùng lên ngôi vua có tính phân quyền: người giữ trách nhiệm chỉ đạo, người nhận nhiệm vụ điều hành chế độ quốc gia. Hai Bà phong chức, giao trọng trách các công việc cho các tướng lĩnh:
- Bà Xuân Nương giữ chức: Chưởng nội các tả cung, thị nội gián nghị (chồng bà là ông Ðặng Thi Bằng, em ông Ðặng Thi Sách cũng được giữ chức chỉ huy thủy quân).
- Bà Lê Chân giữ chức: Chưởng Quản Binh Quyền Nội Bộ kiêm tổng trấn hải phận An Biên (Ðồ Sơn).
- Bà Thánh Thiên giữ chức: Tướng Quân Trấn thủ miền Hợp Phố.
- Tướng Ðô Dương giữ chức: Tướng Quân Trấn thủ miền Cửu Chân.
Nhìn vào mô hình chế độ Hai Bà rất nổi rõ:
Bà Trưng Trắc đảm nhiệm công việc có tính Lập Pháp.
Bà Trưng Nhị đảm nhiệm công việc có tính Hành Pháp.
Bà Xuân Nương đảm nhiệm công việc có tính Tư Pháp.
Chế độ của thời Hai Bà thí dụ một cách đơn giản, giống như việc vận hành một chiếc xe: quyền Lập Pháp là bộ phận lái xe; quyền Hành Pháp là sức mạnh động cơ làm cho xe chạy; quyền Tư Pháp như sức cản hãm để ngừng xe khi xe sắp lao vào tai nạn. Các quyền ấy luôn ích lợi và phù hợp với mọi hoàn cảnh cho xe chạy an toàn, đôi khi bắt buộc phải mâu thuẫn, nhưng rất cần thiết, để bảo đảm mọi tình huống bất trắc khi xe vận hành. Nếu ba bộ phận không được phân hạn riêng biệt, chắc chắn chiếc xe sẽ vô dụng hoặc tự dẫn mình vào con đường trì trệ, nguy khốn.
&
Không phải cuộc chiến đấu giữa lực lượng Hai Bà và lực lượng của tên giặc Mã Viện đã kết thúc nhanh chóng như nhiều trang sử Hán đã viết. Có nhiều giả thuyết về sự chết của Hai Bà. Nhân dân quanh miền đền Hùng có thuyết nói Hai Bà chiến đấu anh dũng rồi về đền Hùng mới thác. Theo tài liệu "Trưng Vương lưỡng vị sự tích" của trường "Viễn Ðông Bác cổ" cũng nói Hai Bà về đền Hùng rồi mới thác. Sách "Nam Việt chí" của Thẩm Hoài Viễn lại viết: Hai Bà vào Kim Khê hai năm sau mới bị bắt. Sự tích Hai Bà tại đền thờ làng Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Sơn Tây ghi thuật rõ Hai Bà tuẫn tiết tại giòng sông Hát. Phía sau đền Hát Môn có một cái gò gọi là gò "Giấu Ấn" mang ý nghĩa: trước khi mất Hai Bà giấu "ấn đồng" ở gò này. Mục đích việc làm này của Hai Bà là để các tướng lĩnh có người tìm đến kế nghiệp Hai Bà, dùng "ấn đồng thao xanh" tiếp tục sự nghiệp chống giặc Hán. Xét theo nhiều tài liệu lịch sử: Hai Bà cũng như các nữ tướng, anh hùng theo Hai Bà hầu hết chiến đấu dũng cảm, nhiều bậc còn kiên trì chống giặc lâu dài, không ai chịu để giặc bắt hay đầu hàng giặc, ngay cả khi được tin Hai Bà đã mất.
Bọn Mã Viện, Lưu Long và Ðoàn Chí cùng nhiều vạn quân do chúng chỉ huy bị đột kích tiêu hao, chết dần. Các cuộc chiến đấu chống lại chúng vẫn liên tiếp diễn ra, nơi này tới nơi khác, khiến chúng không thể dập tắt được. Ðể tự vệ Mã Viện phải cho xây thành "kiển giang" ở nhiều nơi. (Tại châu Ôn ở Lạng Sơn có ngọn núi Thanh Moi ở vào khoảng đầu nguồn hai con sông Thương và Lục Nam, có nền ngôi thành cổ từ thời Mã Viện. Thời giặc Minh chúng có tu sửa để dùng, sau bị quân của Lê Lợi phá hủy). Thành "kiển giang" là một loại thành xây dựa vào sườn núi, lại gần ven bờ sông, nhìn xa có hình dáng giống như cái kén tằm, nên mới có tên ấy. Bọn giặc ở vào thế những con thú dữ mệt mỏi, kiệt sức, không tự bảo vệ được, việc xây thành như tự làm cũi giam để giặc chui đầu vào ẩn náu. Khoảng bốn năm sau khi Hai Bà tuẫn tiết, bọn giặc vẫn không khuất phục nổi nơi nơi nổi lên chống chúng. Thêm nữa quân sĩ của Mã Viện không kham được thủy thổ. Ðể tự cứu mạng của chính mình và cứu đoàn quân sống sót, Mã Viện phải dâng sớ báo cáo về vua cùng triều đình Trung Quốc xin cho được rút binh. Lời lẽ của Viện trong lá sớ tâu vua Hán có câu: "Thủy thổ đất Giao Chỉ hơi độc bốc lên, chim đang bay trên trời cũng phải rũ cánh sa xuống đất mà chết!". Thực là lời lẽ vì quá sợ hãi sự nổi dậy của dân Việt, nên Viện đã phải nói giả dối với vua Hán về khí độc tại Giao Chỉ. Tuy vậy, khi được lệnh vua Hán cho rút quân, trên đường về tới Vũ Lăng (thuộc miền Ngũ Khê, ở thời Tam Quốc thuộc Ðông Ngô), đoàn quân của Viện bị quân dân nơi đây hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vây hãm. Ðoàn quân bị chết hầu hết, ngay bản thân Viện cũng bị chết trong đám tàn quân thảm bại, một nửa bị chết trận và một nửa bị chết vì bị bệnh đậu mùa. 
Năm 137 có vị anh hùng người gốc dân Chàm, lãnh đạo nhân dân huyện Tượng Lâm, thuộc quận Nhật Nam nổi dậy. Lực lượng cuộc khởi nghĩa mau chóng giết và bắt được toàn bộ hệ thống quan lại do giặc Hán lập lên, ảnh hưởng khởi nghĩa mau chóng lan tới các huyện xung quanh như: Ty Cảnh, Lô Dong, Tây Quyển, Chu Ngô, toàn quận Nhật Nam tự lập được nền độc lập tự chủ. Thanh thế cuộc khởi nghĩa náo động, làm nức lòng dân và làm rung động quân lính gốc người Việt tại hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, vô hiệu hóa hệ thống hành chính của giặc Hán lúc ấy do viên thứ sử Phàn Diễn cai trị. Khi quân lính ở hai quận này được lệnh đi đánh dẹp khởi nghĩa ở quận Nhật Nam, tất cả đã bất tuân lệnh trên, tự động theo dân chúng đánh chiếm hai phủ trị Giao Chỉ và Cửu Chân, khiến cả một giải giang sơn rộng lớn tương đương với nước Việt ngày nay, vùng vẫy thoát khỏi ách đô hộ của giặc Hán. Lá cờ khởi nghĩa do vị anh hùng Khu Liên dựng lên, tạo sự kinh hoàng, rung động khắp các quận miền nam nước Tàu, đến độ các quận như Thương Ngô, Nam Hải, khi được lệnh vua Hán bắt đem quân phối hợp dẹp khởi nghĩa ở Giao Chỉ, Nhật Nam, Cửu Chân, đã không nơi nào dám tuân lệnh của triều đình Hán. Nhờ đó vị anh hùng Khu Liên có hoàn cảnh thuận tiện, không lo sợ giặc Hán tới trấn áp. Ông thành lập được nước Lâm Ấp tức Chiêm Thành, có nền độc lập tự chủ ngay từ giữa thế kỷ thứ hai. Từ thời gian ấy về sau, triều đình Hán cho tới các thời kế tiếp, tuy có đem quân cố gắng lập lại nền đô hộ, thường vẫn bị nhân dân Chàm mau chóng nổi lên lật đổ
Di tích tượng tháp Chàm tại Mỹ Sơn, Quảng Nam
Dân Tộc Chàm của nước Lâm Ấp từ khởi thủy đã cùng với dân tộc Việt chung một chủng tộc. Sách "Khâm định Việt sử" viết về lịch sử nước Lâm Ấp, nội dung đúc kết gọn như sau: "Lâm Ấp xưa thuộc nước Việt Thường, trải qua các thời gian bị xâm lược Tần rồi tới Hán, có tên là Tượng Lâm. Khi Khu Liên khởi nghĩa thành công đặt tên nước là Lâm Ấp. Về sau Phạm Hùng là giòng họ ngoại làm vua truyền tiếp nhiều đời. Lâm Ấp còn có những tên khác như: Hồ Tôn, Hoàn Vương, Chiêm Thành." (Nói thêm về Lâm Ấp: vào thời gian năm 605, nhà Tùy sai thứ sử Lưu Phương đánh Lâm Ấp, khi vào kinh đô bắt được 18 bài vị thần chủ bằng vàng. Phải chăng dân Lâm Ấp thuở xưa cũng thờ 18 vị vua Hùng? Sách "Ô châu cận lục" của Dương Văn An viết vào năm 1555 cũng nói ở châu Minh Linh, phủ Tân Bình, khi còn là đất Chiêm Thành có ngôi đền thờ vị hoàng hậu đời Hùng thứ 13. Những sự việc này chứng tỏ giữa Chiêm Thành và Việt Nam ngay từ thời cổ đã có những liên hệ ruột thịt, chung nguồn cội. Ngày nay hai dân tộc Việt và Chàm đã hòa hợp thành một, thiết nghĩ tên tuổi vị anh hùng Khu Liên cũng nên đặt tên đường, tên phố ở các nơi, giống như các anh hùng lịch sử của dân Việt mới hợp lý).
Ngậm ngùi thời gian (tượng Chàm Mỹ Sơn)
Qua vài việc nêu trên, cho thấy giữa Chàm và Việt cùng có lịch sử đấu tranh chung. Ðáng lý hai dân tộc chỉ nên luôn luôn đoàn kết như một dân tộc, nhưng có nhiều lúc đã thôn tính lẫn nhau. Phần đáng trách là do các vua chúa cả hai nước, có những người không nhìn thấy giá trị liên kết ở các thời như thời Hai Bà Trưng, thời Khu Liên và thời chống Nguyên Mông.
Các cuộc khởi nghĩa ở khắp đất Việt diễn ra liên miên, nhiều lần Hán triều muốn đem đại binh trấn áp, nhưng mối lo không dẹp được nổi dậy mà chỉ như tự thiêu binh mã, luôn luôn ám ảnh các nhà quân sự nước Tàu. Lúc ấy có viên trung lang tướng tên là Lý Cố làm việc tại dinh đại tướng quân (theo Hậu Hán Thư) tâu lên vua kế hoạch, đại ý là: "Tại đất Kinh, Dương tình trạng nổi loạn chưa tan, các nơi Trường Sa, Quế Dương thường bị bắt lính, nếu lấy lính nữa sẽ có điều lo. Dân ở hai châu Duyện, Dự nơi xa, thình lình bắt đi lính xa hàng muôn dặm, lệnh vua thúc dục, quân lính tất làm phản hoặc trốn tránh. Miền Nam nóng bức ẩm thấp, lại thêm nước độc, bệnh dịch, quân lính mười người chết đến năm người. Vất vả nhiều! Sang đến Lĩnh Nam không còn có thể đánh được nữa".
Cuối cùng triều đình Hán từ vua cho tới các quan nghe theo lời bàn của Lý Cố đưa ra kế hoạch "buông lỏng" bỏ mặc cho người Việt tự trị, vì cái gương Mã Viện bị bại trận, bị chết trước đó không xa. Kế hoạch của Hán là: "Kén tướng tuyển quân đi đánh dẹp phía Nam là vô ích, nên để những người có tài vốn là người Việt, hợp lòng dân, để họ tự cai trị người Việt là tốt nhất".
Các trang sử Hán viết hàng trăm năm người Hán cai trị người Việt, sự thực chỉ nên viết lại: "hàng nhiều trăm năm triều đình Hán thất bại không thể xâm lược người Việt, dân Việt sống tại nhiều nơi vẫn duy trì nền tự trị". Truờng hợp Sĩ Nhiếp cùng các em chia nhau cai trị, ngoài Giao Chỉ còn gồm cả Thương Ngô, Hợp Phố, Nam Hải, Cửu Chân. Vì thế hàng chục năm các nơi dân Việt cắt đứt mọi quan hệ với triều đình Trung Hoa. Bản thân Sĩ Nhiếp cũng là người Việt thuộc quận Thương Ngô, thực tế cũng là chế độ tự trị người Việt, nên sau này mới bị Tàu tiêu diệt.
Vào năm 248 triều Ðông Ngô (thời Tam Quốc) xâm lăng nước ta, nhân dân cũng nổi lên vây hãm các thành trì. Sự kết ước đồng loạt nổi dậy so với thời Hai Bà Trưng có phần thiếu tổ chức đại quy mô. Trước tình thế ấy, bà Triệu Thị Trinh, vị nữ anh hùng phất ngọn cờ chống giặc. Bà là vị nữ dũng tướng để lại câu nói kiệt xuất cho cả nghìn đời sau noi theo: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Ðông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng làm tỳ thiếp người ta". Câu nói ấy bao hàm tất cả ý nghĩa bất khuất, diệt thù của người anh thư công dân yêu nước, đáng làm ánh đèn soi sáng cho nhiều kẻ đem thân làm tôi tớ cho giặc. Nó cũng còn tỏa ra sức mạnh của người phụ nữ phi thường tự giải phóng cùng đeo vòng hoa hào quang vinh thăng toàn nữ giới và cho chính bản thân mình. Trong hàng ngũ giặc Ngô lúc ấy cũng ngầm truyền tụng những câu thơ nói về Bà Triệu tỏ ý vừa mến phục vừa khiếp đảm: "Cầm giáo ngang trước hổ dữ dễ, đối mặt với Vua Bà khó" (Hoành sáo mãnh hổ dị, đối diện Bà Vương nan), chứng tỏ giặc Ngô lo sợ phải gặp đoàn quân do Bà Triệu diệt giặc tới mức độ nào. Bà Triệu cũng là vị nữ tướng có tài huấn luyện, chỉ huy quân sĩ nổi tiếng, nếu xét kỹ tới những câu ca dao ở thời ấy còn truyền tới các đời sau:
Ru con, con ngủ cho lành,
Ðể mẹ gánh nước rửa bành con voi.
Ai ơi lên núi mà coi
Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng.
Túi gấm cho lẫn túi hồng
Trầu têm mũi mác cho chồng ra quân.
Ðoạn ca dao nói lên ý nghĩa cảnh Bà Triệu ngồi trên lưng voi đánh cồng chỉ huy, huấn luyện quân sĩ dàn binh bày trận nơi núi rừng. Chứng tỏ trong nhân dân chẳng những nam giới thi đua tòng quân khởi nghĩa, ngay cả các phụ nữ đã có chồng con, cũng tham gia việc nước bằng cách: ru cho con mau ngủ, rồi gánh nước rửa bành con voi hoặc lao động phục vụ quân sĩ. Bành voi tức là cái ghế ngồi đan bằng mây tre, được để trên lưng voi cho cấp chỉ huy ngồi khi đánh trận. Thêm nữa phụi nữ lại còn lo têm trầu ăn, miếng trầu có hình dáng như mũi mác, đựng trong các túi đẹp bằng gấm hoặc túi nhuộm hồng, đem đến cho các quân tướng khởi nghĩa ăn để phấn khích tinh thần chiến đấu.
Câu ca :
                      Ghé vai gánh vác sơn hà,
Cho Ngô biết mặt đàn bà nước Nam.
Thiết nghĩ cũng là câu ca có từ thời bà Triệu, phấn khích nữ giới Việt Nam đảm nhận vai trò lịch sử, truyền tới nghìn đời còn sáng tỏa muôn vàn giá trị.
Theo truyền thuyết cộng với một số tài liệu sử tóm lược:
Bà Triệu thị Trinh sinh ra ở miền đất gần Na Sơn, dân thường gọi là núi Nưa thuộc quận Cửu Chân tức tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Ở thời Bà Triệu quận Cửu Chân gồm có 7 huyện là: Tư Phố, Cư Phong, Ðô Bàng, Dư Phát, Vô Thiết, Vô Biên và Hàm Hoan. Cũng chính tại các nơi này Bà Triệu đã giấy quân khởi nghĩa, được người người nô nức hưởng ứng, đem quân đánh chiếm nhiều nơi khác, nhiều phen làm rung động triều đình nước Ngô thời tam quốc bên Tàu.
Bà Triệu tên thực là Triệu thị Trinh, tuy là phận gái nhưng từ tính tình đến thể lực khác hẳn với nhiều phụ nữ. Trong cuộc sống hàng ngày gặp các điều ngang trái, bất bình, bà luôn bênh vực những người yếu thế khi bị kẻ giàu mạnh ức hiếp. Các việc lao động như lên núi khai hoang, trồng lương thực, vốn có sức khỏe bà đều làm việc lao động và đi nhanh gấp hai, ba lần người nam giới khác. Ngoài thì giờ lao động bà ham việc săn bắt thú rừng, chuộng học võ nghệ, rèn luyện sử dụng cung tên. Tương truyền có lần trong tay chỉ có một cái búa sắt, vào rừng gặp voi dữ bà đã tìm thế nhảy cao ngồi trên lưng voi lúc voi sơ ý, rồi vừa dùng búa ức chế, vừa vỗ về thuần hóa, khuất phục được voi và cưỡi voi về nhà. Việc bắt voi này càng làm tiếng tăm bà tài giỏi truyền khắp nhiều nơi trong vùng. Bà có người anh là ông Triệu quốc Ðạt, tính tình trầm tĩnh, nhiều hào khí, có chí lớn cũng nuôi mộng cứu dân cứu nước. Sản nghiệp của hai anh em ông Triệu quốc Ðạt và bà Triệu thị Trinh cũng thuộc bậc điền chủ giàu có. Vì vậy trong nhà có nhiều khách nơi xa mến mộ chí khí cả hai anh em, nên thường lui tới. Số tráng điền sống trong nhà cũng rất đông. Ông Triệu quốc Ðạt có người vợ tính tình hẹp hòi, hay ức hiếp kẻ dưới, lại thường lui tới xu phụ bọn người tôi tớ các quan lại Tàu. Ông Ðạt nhiều khi bị vợ chống đối việc mưu sự chống lại người Tàu, cũng không ít lần người vợ ép thúc chồng phải ra làm quan với người Tàu. Ðối với bà Triệu thị Trinh thì bà vợ ông Ðạt là người nguy hiểm nhất. Bà chị dâu chẳng những tìm mọi cách phá vỡ mọi công việc của bà Triệu thị Trinh, ngay cả nhiều việc hệ trọng mưu sự cứu nước của anh em Bà Triệu, bọn giặc Tàu cũng nhờ bà ta mà biết cách trấn áp từ bước đầu sơ khởi. Biết việc giết vợ anh là trái đạo, tình anh em cũng sẽ thương tổn, Bà Triệu quyết tâm để việc cứu dân lên trên. Nhân khi anh vắng nhà, bà giết chị dâu rồi bỏ lên rừng Nưa cùng với một số thủ hạ, khai hoang trồng lương thực, lập khu vực cư dân biệt lập ngoài sự kiểm soát của giặc Tàu, mục đích mưu đồ đại sự.
Ông Triệu quốc Ðạt đối với Bà Triệu, sau khi vợ bị giết, trong lòng buồn đau. Nhưng ông cũng biết rõ chí khí Bà Triệu xung khắc với trí nghĩ nhỏ hẹp, nham hiểm của vợ ông, thật khó có thể dung hòa. Khi nghe vang danh lời truyền Bà Triệu chiêu nạp được hàng nghìn dũng sĩ tụ họp sinh sống tại miền thung lũng rộng trong núi Nưa (Na Sơn), ông Triệu quốc Ðạt quyết xóa bỏ việc giận em giết vợ, đích thân vào rừng tìm hiểu thực lực cùng thăm dò ý kiến người em gái. Khi gặp em, ông nhẹ lời khuyên em:
           - Em là người con gái, không nên theo nghề đao binh. Luật pháp nước Ngô ác độc, chớ nên tụ tập tráng binh.
Chỉ đám cỏ khô dưới đất, bà tươi cười nói với anh:
- Người ta sống trong cõi hồng trần tựa mầm cây, ngọn cỏ, từ lúc tươi tốt tới khi khô héo chết đi, chỉ trong chớp mắt. Ðã thế còn gì phải lo sợ sự sống chết, người có chí lấy việc cứu dân ra khỏi cuộc sống khổ để cứu đời là trên hết!
Nghe em tỏ bày ý chí, ông Triệu quốc Ðạt cùng em bàn thảo cẩn thận định ngày xuất quân chống giặc Ngô. Về phần Bà Triệu, bà xin lĩnh chỉ huy đội quân tiên phong trong việc khởi nghĩa.
Năm Mậu thìn (248), hai anh em Bà Triệu loan truyền lệnh khởi nghĩa, kể cả số quân có sẵn cộng với các quân sĩ mọi nơi hưởng ứng, tổng cộng lực lượng khởi nghĩa lên tới hàng vạn người. Phong trào khởi nghĩa như cơn bão mạnh, lan rộng khắp mọi miền, bọn quan quân nhà Ngô bất cứ chỗ nào cũng bị quân khởi nghĩa đánh bại. Bọn chúng phải chạy vào các nơi có thành lũy vững chắc cố thủ, chờ nơi khác tới cứu viện.
Công cuộc khởi nghĩa đang đạt được những thành quả lớn ban đầu, bất ngờ không may vị lĩnh tụ chủ soái Triệu quốc Ðạt lâm bệnh nặng rồi mất. Trước tình trạng phải gấp rút có chủ soái mới, quân tướng khắp nơi cùng đồng lòng tôn bà Triệu thị Trinh lên làm chủ tướng. Bà Triệu nhận chức, xưng là Nhụy Kiều Tướng Quân nắm toàn quyền điều động quân khởi nghĩa, khiến khí thế chống giặc Ngô không hề giảm sút. Lãnh thổ khởi nghĩa càng lúc càng được mở rộng. Các tin tức báo nguy làm rúng động kinh đô nước Tàu. Nội tình nước Việt từ lâu khắp nơi nổi lên chống Ngô nên vua Ngô đã phải chọn viên tướng tài là Lục Dận, trước làm Ðốc quân Ðô úy tại miền Hành Dương được sang làm Thứ sử kiêm chức Hiệu Úy hạt Giao Châu. Là viên tướng ngoài tài dùng binh, Lục Dận còn là kẻ lắm mưu xảo quyệt, trong khi cho quân cố thủ trong thành, Dận cho người ngầm đem ấn tín dụ dỗ bọn tù trưởng ham quyền lợi về theo hắn. Sau đó hắn bất ngờ đem toàn lực lượng ra bao vây quân khởi nghĩa. Vì quân ít, quân Bà Triệu bị bao vây nhiều ngày, cùng kế Bà Triệu cho quân sĩ chạy về miền Tùng Sơn (trước là xã Bồ Ðiền nay là xã Phú Ðiền, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, nơi có đền thờ bà Triệu). Tại núi Tùng bà cùng số ít quân sĩ còn lại tử chiến oanh liệt giết bọn giặc Ngô. Khi còn lại một mình, thương tích đầy người bà châm lửa tự hỏa thiêu, không để bọn giặc bắt sống.
Đền thờ Bà Triệu
Bà Trệu mất lúc mới 23 tuổi. Ngoài danh hiệu Bà Triệu dân chúng thường nhắc tới, bà còn để lại cho lịch sử các tên: Nhụy Kiều Tướng Quân, Lệ Hải Bà Vương, Anh Liệt Hùng Tài Phu Nhân, Na Sơn Ðộng Chủ và Vua Bà.
Núi Nưa tức Na Sơn miền đất lập chiến khu chống giặc ngoại xâm, đầu tiên do Bà Triệu khởi nghiệp truyền về sau, mỗi khi dân Việt khởi nghĩa, không thời nào là không lấy Na Sơn làm cứ địa. Ngay cả sau này vua Lê Lợi chống quân Minh, cho đến thời Tống Duy Tân chống giặc Pháp, cũng không quên coi Na Sơn là nơi căn cứ hiểm cố.
Lý Bôn (Lý Bí) và Tinh Thiều vào năm 541 thuộc giới sĩ phu nhìn thấy rõ chế độ bất công phi nhân: cảnh người dân Việt phải chịu đựng khổ ải dưới chế độ phong kiến nhà Lương. Thêm nữa tên thứ sử cai trị Giao Châu lúc ấy là Tiêu Tư lại bạo ngược tham ô, khiến lòng dân càng oán hận tột cùng. Cuộc khởi nghĩa bùng phát lên như cơn lốc từ miền Cửu Ðức ở phía nam đất nước, sau lan rộng rồi thổi ngược về phía bắc, ập tới thủ phủ Long Biên. Lực lượng khởi nghĩa hoàn toàn có tính dây chuyền, một nơi trong vùng nổi dậy là khắp nhiều nơi kế cận nổi theo. Khi vị tù trưởng (lạc tướng) hạt Chu Diên (Sơn Tây) là Triệu Túc (cha của Triệu Quang Phục làm vua sau này) nổi lên hưởng ứng khởi nghĩa, thủ phủ Long Biên lập tức bị cô lập. Thứ sử Tiêu Tư đành phải xin hàng bằng cách giao nộp toàn bộ thành trì, binh lương cùng mọi thứ của cải, chỉ mong được toàn mạng chạy về Trung Quốc. Cơ chế nước Việt được thành lập, quốc hiệu nước được đặt tên là Vạn Xuân, tỏ ý nước mãi mãi vững bền hàng chục nghìn năm. Thủ lĩnh Lý Bôn được cử lên làm Nam Việt Ðế. Ðứng đầu hàng quan văn là Tinh Thiều còn đứng đầu hàng quan võ là Phạm Tu. Ðền Vạn Thọ được xây dựng để làm nơi hội triều (có thuyết cho xã Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Ðông là nơi xây đền Vạn Thọ ngày xưa).
Cuộc khởi nghĩa Lý Bôn là cuộc đọ sức giữa ý chí tự chủ của dân Việt chống lại sức đàn áp của thế lực phong kiến nhà Lương. Có thể nhận định cuộc khởi nghĩa này có những đặc trưng:
- Từ năm 541 tới năm 547 lực lượng khởi nghĩa do giới trí thức, tù trưởng và hào trưởng trong nước lãnh đạo. Ðất nước thành lập nền tự chủ có cơ chế triều chính phong kiến, rập khuôn theo các chế độ Trung Quốc đã có từ thời Tần, Hán. Cuộc khởi nghĩa bước đầu thành công, nhưng không phục hồi được cơ chế tổ chức truyền thống theo mô hình thời Hai Bà Trưng.
- Từ năm 547 tới năm 550, chế độ triều chính nước Vạn Xuân không huy động được nhiều sự tham gia tích cực chống giặc của toàn dân như nó đã từng nhờ lực lượng toàn dân mới lật được ách đô hộ. Về phương thức chống giặc lấy thành trì và binh thuyền lớn làm căn bản không phải là chiến thuật phân tán có lợi cho kháng chiến chống và diệt giặc bất ngờ. Do đó lực lượng chính chống giặc do Lý Bôn lãnh đạo đã bị yếu thế.
- Năm 550 các lãnh tụ kháng chiến có sự thay đổi cơ cấu, đồng thời có sự phân tán thành ba lực lượng: Lực lượng thứ nhất do Triệu Quang Phục là con Triệu Túc lãnh đạo. Lực lượng thứ hai do Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử (thân tộc của Lý Bôn) lãnh đạo. Lực lượng thứ ba do Trương Chủng là thái úy cựu thần của Lý Bôn lãnh đạo (không thấy sử nói đến nhiều, nhưng tại núi Trầm, Hà Nội và tại nhiều nơi ở Hà Tây có đền thờ Trương Chủng. Sự tích Trương Hống, Trương Hát là thần sông Như Nguyệt phù trợ âm binh cho Lê Ðại Hành và Lý Thường Kiệt về sau bằng cách ngâm thơ bài "Nam quốc sơn hà", tương truyền hai vị thần này thuở sinh thời cũng là cựu thần của nước Nam Việt thời Lý Nam Ðế).
Các lực lượng chống giặc nói trên có tính tự phát sau khi Lý Bôn đã mất. Dường như có sự di ngôn của Lý Bôn hứa hẹn: "Ai có công to nhất trong việc dẹp giặc thì được lên ngôi vua". Về chiến lược chiến thuật kháng chiến, các lãnh tụ kháng chiến áp dụng trở lại sách lược cổ vũ và liên kết với các vùng "địa phuơng tự trị" và "xã thôn tự trị", trải rộng được nhiều lực lượng tại các vùng nông thôn và rừng núi. Chiến thuật của họ là di động, chỉ tấn công giặc bất ngờ và khi đã nắm chắc phần thắng.
Kết quả các sự thay đổi tình thế chống giặc dần dần dẫn tới các chiến thắng để Triệu Quang Phục đại thắng giặc Lương tại đầm Dạ Trạch.
Từ năm 551 tới năm 571, sau khi giặc Lương đã thất bại, sự tranh chấp giữa các thủ lĩnh ở Việt bắt đầu, điều này cũng là nguyên nhân quan trọng cho sự mất nước. Lý Phật tử là người tự nhận là người thừa kế Lý Bôn đem quân đánh Triệu Quang Phục. Ðể chấm dứt chiến tranh ruột thịt tương tàn, Triệu Quang Phục chia đôi đất nước cho Lý Phật Tử cai trị một nửa, hai bên gả con cho nhau để giao hảo hòa hoãn. Riêng phần Trương Chủng giải tán quân đội rồi tử tuẫn tại núi Trầm, không tham dự vào cuộc tranh chấp.
Năm 571, Lý Phật Tử đem quân đánh bại Triệu Quang Phục trong một trận đánh bất ngờ để tới năm 602 nhà Tùy bên Trung Quốc cử tên thứ sử Lưu Phương đem quân xâm lấn nước Việt. Lý Phật Tử hèn yếu phải xin hàng giặc. Lưu Phương bắt Lý Phật Tử đem về Trung Quốc cùng giết hoặc bắt đi đày nhiều người tài giỏi của dân Việt.
So cuộc khởi nghĩa thời đại Hai Bà Trưng với thời đại Lý Nam Ðế thì thời đại Lý Nam Ðế kéo dài nền độc lập nhiều hơn, nhưng phạm vi cuộc khởi nghĩa lãnh thổ không rộng và cũng không có giá trị phục hưng được nền văn minh thời đại Hồng Bàng bằng thời đại Hai Bà. Có lẽ vì tính từ lúc họ Hồng Bàng chấm dứt tới thời Hai Bà thời gian cách xa chưa tới ba trăm năm, còn tính tới thời Lý Nam Ðế, thời Hồng Bàng đã chấm dứt khoảng tám trăm năm.
Nền đế chế Trung Quốc bắt đầu từ thời Tần Thủy Hoàng xưng đế hiệu, trước đó thời nhà Chu vua chỉ mới xưng vương hiệu, các nước chư hầu giữ nền tự trị. Về chính thể: Tần Thủy Hoàng xóa bỏ chế độ phong điền kiến địa theo mô hình chữ "tỉnh" (#) của nhà Chu, chia đất nước thành hệ thống quận, huyện, xóa bỏ ranh giới các chư hầu, đặt quan cai trị theo hệ thống quận, huyện chung một nước. Chế độ Tần thiên về luật pháp và hình phạt để cai trị dân, bắt trai tráng làm lính thú, phu dịch quá nhiều, tước đoạt cùng chà đạp các quyền tự quyết dân tộc, quyền công dân và quyền con người. Sự bất bình đẳng, mất công bằng trong cuộc sống diễn ra vô cùng thô bạo, tàn ác. Kết quả nền đế chế Tần bị sụp đổ sau khi chinh phục toàn cõi Trung Hoa, chỉ kéo dài khoảng 40 năm. Khi nhà Tần bị nhà Hán thay thế, Hán Cao Tổ cũng bắt chước chế độ nhà Tần duy trì nền đế chế, cũng chia nước thành chín châu tương xứng với các nước chư hầu lớn của nhà Chu, dưới các châu là quận, huyện, nhưng biết nghe các cận thần dùng lễ, nghĩa, thi, thư của Nho học, đặc biệt là tư tưởng Khổng học làm chủ thuyết xây dựng đế chế. Chế độ cũng khôn khéo đặt ra hệ thống triều chính, bày ra các hình thức lễ nghi, nhạc, định các sắc phục chức tước, qui định các trật tự đẳng cấp trong xã hội. Về luật pháp và hình phạt so với Tần có nhiều khoan dưỡng hơn. Nhờ những ý thức và định chế khôn ngoan nên trải qua nhiều cơn sóng gió, nhà Hán vẫn nối giòng nhiều đời. Các thời kế tiếp Hán như: Ðường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh về sau đều có nền đế chế không khác gì nhiều so với chế độ nhà Hán. Nhà mô phạm Khổng Tử được coi là đấng "vạn thế sư biểu" (chỉ riêng thời Nguyên, là thời Khổng học bị giảm chút ít giá trị). Vì học thuyết của ông ta có lợi cho bất cứ ai khi đã ngồi trên ngai vàng và biết khéo léo lợi dụng để nhân danh thiên tử cai trị dân. Trong cuốn Luận Ngữ ở thiên Quý Thị, như đã trích dẫn trước đây, Khổng Tử đã nói: "Thiên hạ hữu đạo tất lễ, nhạc, chinh phạt tự thiên tử xuất. Thiên hạ hữu đạo tắc chính bất tại đại phu. Thiên hạ hữu đạo tất thứ nhân bất nghị". Nếu đã như thế, quyền con người, quyền làm dân của muôn triệu con người tùy thuộc vào ông "con trời" ngồi trên ngai vàng định đoạt cả. Nếu ông "con trời" sai trái, ngu độn tất cả thiên hạ đành phải gánh chịu tai họa.
Tuy nhiên ở đâu đó trong văn chương, sách vở xã hội phong kiến người ta cũng nghe được những câu nói có lời lẽ lấy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm tôn chỉ, lại đưa ra được câu nói bốn biển là anh em (tứ hải giai huynh đệ) là những thứ mà cuộc sống con người mong ước. Nhưng thực chất các triều đại đế chế ở Trung Quốc có những tham vọng chứa chất bạo quyền thường phản lại những điều của một số lý thuyết hay. Nhiều khi trên thực tế đã biến chủ thuyết chỉ là thứ nhân, nghĩa bề ngoài, trở thành công cụ cho chủ nghĩa bạo ngược lợi dụng. Sự xâm lược về phía nam đồng hóa các chủng tộc Việt, dưới các triều Hán, Ngô, Tấn, Lương, Tùy, Ðường. đã là những trang thảm sử trút tai họa lên đầu lương dân vô tội. Triều đại nào của nền đế chế Trung Quốc cũng coi các lân bang là các giống man di, không ngừng tham vọng tàn sát cùng vơ vét của cải, bắt lính người Việt nơi đã đồng hóa đi chinh phục giết chóc người Việt nơi chưa bị đồng hóa, tạo ra những cuộc chiến tranh man rợ. Hầu như các thế lực xâm lăng còn coi nước Việt là cửa ngõ duy nhất phải thôn tính để mở đường chinh phục nhiều nước khác ở phía nam. Vô tình dân và nước Việt cũng đảm trách vị trí thành trì ngăn cản nạn xâm lược bạo ngược cho cả miền Nam Á. 
Lưu Phương tên tướng giặc nhà Tùy, sau khi lừa dụ hàng và bắt Lý Phật Tử sang Trung Quốc, lại đem quân tiến đánh Lâm Ấp đã bị quân dân Lâm Ấp đánh tan bọn xâm lược Tùy cùng giết chết Lưu Phương.
Năm 618, nội tình Trung Quốc thay đổi, nhà Ðường thay thế nhà Tùy, tuy vẫn đặt phủ đô hộ ở nước ta, nhưng việc cai trị cũng như các triều đại trước chỉ có phủ trị làm hình thức, nhân dân cùng đất đai của người Việt vẫn có khoảng 90 phần trăm không chịu tùng phục. Thậm chí có những tên thái thú, thứ sử thà chịu chết chứ không dám nhận chức khi được bổ nhiệm về làm quan tại nước ta. Cụ thể như Lư Tổ Thượng được đích thân vua Ðường là Lý Thế Dân khẩn nài cho làm thứ sử Giao Châu nhiều lần, Lư Tổ Thượng vẫn không dám nhận chức, hoặc vì sợ vua mà nhận, rồi sau lại từ chối. Bất đắc dĩ vua Ðường phải ra lệnh chém Lư Tổ Thượng ngay giữa triều đình để răn đe những kẻ sợ khởi nghĩa ở Giao Châu không dám làm quan khi được bổ nhiệm.
Năm 722 có Mai Hắc Ðế cầm đầu dân phu nổi dậy, được dân hưởng ứng, liên kết cùng hai nước Lâm Ấp, Chân Lạp và đã có tới 34 huyện cùng nổi lên khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa lan rộng mau chóng, nhưng việc liên kết, tổ chức chưa hoàn chỉnh nên chẳng bao lâu bị giặc Ðường trấn áp. Cuộc khởi nghĩa thành công về gây phong trào, nhưng kế hoạch vận dụng chiến lược, chiến thuật không lật đổ được ách đô hộ.
Tới năm 767 có binh thuyền hai nước Ðồ Bà và Côn Lôn kéo tới đánh giặc Ðường tại nước ta. Theo các sách "Ðường thư" và sách "Quận quốc lợi bệnh" đều nói nước Ðồ Bà ở phía nam nước Lâm Ấp, Chân Lạp và phía bắc nước ấy giáp Nam Chiếu, có địa thế rất rộng. Còn nước Côn Lôn là nước phụ thuộc nước Ðồ Bà gồm các đảo lớn ở miền biển Nam. Có lẽ hai nước này là hai nước thuộc đế quốc Hồi lúc ấy.
Quân sĩ Ðồ Bà, Côn Lôn đã tiến quân công hãm định chiếm thành Ðại La (tức Thăng Long về sau) là thủ phủ của giặc Ðường tại đất Việt. Vào thời điểm ấy nội bộ nhà Ðường cũng chịu đựng thảm trạng An Lộc Sơn khởi loạn tranh cướp Dương Quí Phi với Ðường Minh Hoàng. Có sử thuyết nói hàng triệu dân vô tội bị chết oan do thiên tình sử nhiều ô nhục này gây nên (Ðường Minh Hoàng cũng đã dùng quyền làm cha, làm vua để cướp Dương Quý Phi, truớc đó từng là vợ của con trai ông ta). Trước cảnh chính quốc loạn ly, bọn giặc Ðường tại Việt từ viên kinh lược sứ trở xuống, ngày đêm lo đắp thành cho vững để sống trong thành. Thỉnh thoảng mới có một đoàn quân dốc hết can đảm ra khỏi thành không bao xa cướp lương thực dân lành, rồi lại chui vào đóng cổng thành. Sự sợ hãi ấy khiến các vùng xa xôi chúng không thể kiểm soát được.
Kết quả tới năm 791 có Phùng Hưng tức Bố Cái Ðại Vương, người hạt Chu Diên (hà Tây) cùng em là Phùng Hải hợp với người đồng hương là Ðỗ Anh Hàn chiêu mộ nghĩa binh nổi dậy chiếm giữ các phủ, huyện rồi vây hãm An Nam đô hộ phủ. Tên giặc Ðường trấn nhậm lúc ấy là Cao Chính Bình lo sợ quân khởi nghĩa chiếm thành quá, sinh bệnh rồi chết. Phùng Hưng đã đem quân chiếm thành dành lại quyền độc lập tự chủ về phía người Việt. Cuộc khởi nghĩa này báo hiệu thế suy yếu không thể chống đỡ được của giặc Ðường. Sức mạnh khởi nghĩa vẫn là sức mạnh truyền thống tiềm năng của nhiều vùng tự trị hợp nhất tạo thành. Sau khi chiếm được thành Ðại La giữ quyền lãnh đạo đất nước, chẳng bao lâu Phùng Hưng bị bệnh rồi mất, con Phùng Hưng là Phùng An nối nghiệp cha. Vua nhà Ðường sai Triệu Xương (tác giả Giao Châu ký) là viên quan biết dùng mưu trí để dụ dỗ Phùng An ra hàng, rồi đích thân đi các nơi phủ dụ dân theo chính sách nhà Ðường, đồng thời Triệu Xương cũng nới lỏng chính sách cai trị hơn. Nhờ đó chính sách cai trị của giặc Ðường còn bám víu thêm một thời gian ngắn nữa.
Năm 819, Triệu Xương cũng bị bệnh kéo dài, không còn giữ được chức, ở Giao Châu có Dương Thanh là một tù trưởng dân tộc Mường, vốn giàu lòng nhân ái lại có chí thương dân, yêu nước, nuôi hoài bão lớn. Mặc dù giặc Ðường phong cho ông chức thứ sử Hoan Châu, ông vẫn chờ cơ hội chống giặc. Khi ông được lệnh đem quân đi đánh người Mán nổi dậy ở miền Hoàng Ðộng, ông đã đem quân quay lại giết tên giặc Ðường coi phủ đô hộ lúc ấy là Lý Tượng Cổ rồi hiệu triệu dân chúng các nơi cùng nổi lên chống giặc. Các tên cầm đầu giặc Ðường như Quế Trọng Vũ, Lý Nguyên Gia được lệnh vua Ðường đem quân đánh Dương Thanh đều bị thất bại. Dương Thanh tạo được thế liên kết rộng lớn, phía tây bắc liên kết được với dân Hoàng Ðộng, phía nam liên minh được với nước Chiêm Thành. Ông lãnh đạo và chiến đấu thời gian lâu dài và đánh đuổi được tên kinh lược sứ Hàn Ước, nắm quyền trị nước. Sau giặc Ðường tìm cách mua chuộc, dụ dỗ dần các tù trưởng bỏ không theo Dương Thanh, cuối cùng ông bị cô thế và bị giết (Dương Thanh là vị anh hùng chống ngoại xâm, các đời sau nên công bằng trong việc chép sử, cũng như đặt tên đường phố ghi ơn nhà anh hùng này). Tuy nhiên dù sau khi Dương Thanh đã mất, thế dân Việt liên kết với người Nam Chiếu (cũng thuộc dân tộc Thái) và dân Hoàng Ðộng mỗi ngày một mạnh thêm. Các viên kinh lược sứ nhà Ðường như: Vũ Hồn, Lý Hộ, Sái Kinh, Sái Tập v..v...(có nhiều người gốc cũng là người Việt) trong khoảng năm mươi năm người thì nghiêng về phía dân Việt, bỏ chức, lấy vợ người Việt hòa mình trở thành công dân nước Việt, hoặc có người chạy trốn hay bị giết. Các tin tức nguy cấp liên tiếp cấp báo về triều đình nhà Ðường. Nhiều đạo quân cứu viện từ các nơi được lệnh vua Ðường tới tiếp cứu đều bị vô hiệu trước các phong trào kháng chiến của người Việt. Ðể kéo dài tình thế, vua Ðường đã ban lệnh khôn khéo cho các quan Tàu chẳng những không bắt tội và còn phong chức cho các lãnh tụ khởi nghĩa người Việt như các lãnh tụ Ðỗ Thủ Trừng, Ðỗ Tồn Thành. Tuy nhiên chính sách ấy cũng không làm giảm ý chí tranh đấu giành độc lập tự chủ của dân Việt.
Sự cai trị của giặc Ðường chỉ như con thú dữ hấp hối, dãy lên cái dãy lần cuối. Ấy là thời gian nhà Ðường phải cử viên danh tướng Cao Biền sang Việt giữ chức kinh lược chiêu thảo sứ vào năm 864. Cao Biền cố sức lập công, trong khoảng mười năm trải nhiều gian nan mạo hiểm, Biền nhất thời phá được thế liên kết giữa dân Việt và dân Nam Chiếu. Vì tình hình biên giới phía tây của nhà Ðường bị nguy khốn, sau Cao Biền phải đổi đi cầm quân tại Tây Xuyên bên Trung Quốc, thế hợp quần liên kết giữa hai dân tộc Nam Chiếu và Việt lại hình thành, đặc biệt tạo nên sự kết hợp giữa dân Việt gốc Thái và dân Nam Chiếu làm cho công cuộc chống giặc Ðường trở nên lớn mạnh. Tới khi Tăng Cổn giữ chức tiết độ sứ, dân Việt khắp nơi nổi lên, vây hãm phủ đô hộ, trước nguy hiểm Tăng Cổn phải bỏ phủ đô hộ chạy trốn.
Tới năm 907, họ Khúc miền Hồng Châu (Hải Dương), nhân lúc bên Trung Quốc loạn, nhà Ðường bị mất, Khúc Thừa Dụ lãnh đạo nhân dân nổi lên, tự xưng là tiết độ sứ, dành lại quyền tự chủ của dân Việt. Kể từ đó ngọn cờ tự chủ, độc lập truyền từ đời này tới đời khác, bất cứ thế lực Bắc xâm nào cũng bị thất bại trước truyền thống đấu tranh của dân tộc Việt.
Kể từ thời Tần, Hán xâm phạm đất Việt cho tới thời họ Khúc dành quyền tự chủ, kéo dài khoảng 10 thế kỷ, thế giằng co giữa dân Việt và bọn xâm lăng tạo ra hai mặt trận đối kháng:
- Phía xâm lăng nhân danh đế chế thiên triều, có nền văn minh "thắt đai đội mũ" thực sự cũng là nước lớn nhất châu Á, lớn hơn nước Việt Nam khoảng 30 lần. Về mục tiêu xâm lược phía thiên triều coi mảnh đất Việt là cửa ngõ duy nhất thuận tiện chinh phục rồi chiếm cả miền Nam châu Á.
- Phía dân Việt áp dụng chính sách xuất phát từ nền văn minh "ấn đồng thao xanh" lấy nền dân chủ "xã thôn tự trị" làm căn bản, tìm mọi cách không hợp tác và không chấp nhận sự cai trị của ngoại xâm. Ða số dân thường trốn vào rừng núi và các nơi hẻo lánh sinh sống, chờ khi giặc bị cô lập, mệt mỏi mới tập kích đánh giặc làm cho giặc kiệt sức rồi tập trung tận diệt giặc. Dân Việt cũng bất ngờ nổi dậy lật đổ giặc khi tình hình nước giặc bị đại loạn.
Nhận xét tình hình cho cụ thể, có thể căn cứ vào lời của viên thứ sử Giao Châu là Ðào Hoàng, một viên quan nổi tiếng khôn khéo về cai trị, qua sớ tâu lên triều đình nhà Tấn, là triều đại kế tiếp thời Tam Quốc nhà Hán, vào đời Tấn Vũ Ðế, sơ lược như sau:
"Giao Châu khuất nẻo riêng một cõi, giữa núi và biển, cách Lâm Ấp chỉ có bảy trăm dặm, lại liên kết với Phù Nam thường vào đánh các quận huyện. Tôi khi xưa được nước cũ (tức nước Ngô thời Tam Quốc) kén dùng, đóng quân ở miền Nam có hơn mười năm. Trước sau từng đánh dẹp những tay cừ khôi. Nhưng trong núi thẳm hang cùng vẫn còn có quân chiếm cứ chống cự. Quân của tôi vốn có hơn tám nghìn, đất miền Nam nóng nhiều khí độc, năm này qua năm khác phải đánh giặc, nên chết dần đi. Hiện nay chỉ còn hai nghìn bốn trăm hai mươi quân. Bờ biển phía nam Quảng Châu (Quảng Ðông) chạy vòng quanh hàng nghìn dặm, dân không chịu sự tùng phục cai quản có tới hơn năm vạn nhà, cộng với miền Quế Lâm (Quý châu) thêm cả vạn nhà cũng không tùng phục. Ðến như số dân chịu làm theo lệnh quan chỉ có năm nghìn nhà".
Qua những lời sớ trên chứng tỏ minh bạch: "không thể có chuyện người Tàu đã cai trị người Việt nam khoảng nghìn năm". Những giòng sử nào của lịch sử Tàu viết sai sự thực, lịch sử Việt cần phải bác bỏ đi. Người dân Việt không thể cóp nhặt những giòng ngụy sử xuyên tạc, tự làm hoen ố lịch sử anh hùng dân tộc!
Cũng nên lưu ý tới những cuộc nổi dậy hay khởi nghĩa, ngay trong lãnh thổ phía nam Trung Hoa diễn ra miên diễn ở nhiều thời đại, chống lại các áp bức chế độ quân chủ phong kiến, chống nạn ngoại xâm, nhưng ít hay nhiều đều mang nét hào hùng, đặc trưng của truyền thống, gồm cả về tinh thần bất khuất cùng nếp sống tâm lý tình cảm của nòi giống Bách Việt.
Tự hào với giòng lịch sử, người dân Việt lại liên tưởng nghĩ tới các cuộc khởi nghĩa miên diễn ngay trên lãnh thổ Trung Hoa về sau, đơn cử như:
- Cuộc khởi nghĩa của Từ Hải liên hợp với đoàn quân Uông Trực thời ấy ở vào miền đất Ðài Loan ngày nay, bừng bừng khí thế, sức mạnh, như trong truyện Kiều Nguyễn Du mô tả:
"Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi Nam"
Có lẽ thi hào Nguyễn Du lưu tâm rất nhiều đến nhân vật Từ Hải trong tác phẩm Kiều, đáng lý các nhân vật chính của tác phẩm như : Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng cần được miêu tả kỹ càng, Nguyễn Du lại tả các nhân vật chính sơ sài, ít lời và kém sâu sắc hơn là khi cụ miêu tả Từ Hải:
. . . . . . . .
Bỗng đâu có khách biên đình lại chơi,
Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
Ðường đường một đấng anh hào,
Côn quyền dư sức, lược thao gồm tài.
Ðội trời, đạp đất ở đời
Họ Từ, tên Hải, vốn người Việt Ðông.
Giang hồ quen thói vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.
Nhân vật Từ Hải trong truyện Kiều là sự thực, được ghi chép trong Minh sử của Trung Hoa, sơ lược thuật như sau:
Nước Tàu vào đời vua Thế Tông nhà Minh, hiệu Gia Tĩnh năm thứ 32 và 33 (1553 và 1554) có giặc Yểm Ðáp đem đại binh cướp phá biên cương. Ðặc biệt cũng thời gian ấy đất Áo Môn bị thuyền chiến Bồ Ðào Nha từ phương trời Tây xa xôi tới chiếm cứ. Nếu tính theo dương lịch, năm Gia Tĩnh triều Minh thứ nhất tức là năm 1522, thời gian khoảng mười năm đầu hiệu Gia Tĩnh, bỏ qua các mầm loạn tiềm ẩn, có thể tạm coi như có nét thanh bình:
Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh,
Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng.
Nhưng kể từ trước khi cuộc khởi nghĩa của Từ Hải khoảng mười năm, chế độ triều Minh có những cuộc loạn lạc lớn. Ấy là vào năm 1549 (Gia Tĩnh thứ 28) cùng một lúc xảy ra các biến loạn : Người Yểm Ðáp vào cướp phá nước Tàu ; Người Oa miền duyên hải giấy nghĩa ; Quân Ðóa Nhan xâm chiếm Liêu Ðông. Năm sau (1550) quân Yểm Ðáp kéo vào kinh đô nhà Minh đốt phá rồi bỏ đi, và chỉ ba năm sau quân Yểm Ðáp lại kéo đại binh vào đánh phá. Kế tiếp ngay sau đó, năm 1554 dọc khắp các miền lưu vực sông Dương Tử, sông Tiền Ðường, miền ven biển nam có các mầm giấy nghĩa, đa số do dân Bách Việt nổi lên nhiều nơi, khiến hệ thống hành chính và trị an ở các nơi ấy hoàn toàn rời rã, tình thế hầu như để mặc cho các thủ lĩnh giấy nghĩa khắp giải đất Giang nam bao la muốn tung hoành ra sao mặc lòng.
Từ Hải là con người mang chí lớn, theo đuổi mộng phục hưng hệ thống Việt tộc, giành quyền độc lập, tự trị trong hệ thống liên bang do chính người Việt tự cai quản đất đai cùng dân tộc của mình. Ông trau dồi kinh sử, lầu thông lục thao tam lược, giao du khắp mặt các thủ lĩnh, nhân tài người Bách Việt dọc các sông Dương Tử, Tiền Ðường và suốt năm giải núi Ngũ Lĩnh. Ông từng thay tên đổi họ, khi lấy tên là Từ Minh Sơn, lại có lúc đổi tên thành Từ Hải. Ông từng giả trang đóng các vai tăng nhân, hiệp khách, nhân sĩ, thuơng gia, để đi liên kết các miền dân gốc Việt sinh sống vận động đồng bào, đồng tông nổi nghĩa phục hưng quốc tộc. Từ Hải gặp Kiều khi nàng đang bị trầm luân khổ nạn dưới đáy cùng xã hội rách nát phong kiến phi nhân triều đại nhà Minh. Chỉ với lần sơ giao ban đầu, Kiều đã nói với Từ Hải :
Thưa rằng: lượng cả bao dong,
Tấn Dương được thấy mây rồng có phen.
Thì Từ biết ngay Kiều là bậc tri kỷ : Anh hùng đoán giữa trần ai mới già, có thể cùng với nàng kết bạn đời. Hai người sống cùng nhau nửa năm trời, Từ Hải chợt sực tỉnh sứ mệnh, chí lớn cao cả không cho phép chàng lưu luyến giai nhân, nên :
Trông vời trời biển mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đàng thẳng dong.
Chia tay Kiều như tự tìm thấy lối thoát cho sứ mạng, nên Từ Hải khuyên Kiều cần thoát khỏi nữ nhi thường tình, cũng như nàng phải là người tâm phúc tương tri chẳng cần theo chàng, chỉ thêm làm bận chí anh hùng, hẹn nàng bao giờ mười vạn tinh binh nổi nghĩa, lúc ấy chầy chăng là một năm sau lại gặp mặt. Tuy vậy Từ Hải phải nỗ lực nhiều năm vận động liên kết với các địa phương chống Minh triều, thời gian dài hơn dự tính, sau khi lập được lực lượng chính tại hai miền Phúc Kiến và Chiết Giang cùng các hải đảo (thuộc phần đất của châu Dương thời Hán). Từ Hải truyền lệnh mười vị tướng quân dưới trướng chỉ huy binh mã, thuyền chiến hướng về miền châu Thai với cung nga, thể nữ, nghi lễ rước Kiều về Nam Ðình, nơi triều đình và cũng là đại bản doanh tư lệnh của Từ Hải cai trị một miền đất rộng.
Từ nghe lời Kiều, lấy uy quyền giải quyết các ân oán cho nàng:
Ba quân chỉ ngọn cờ đào,
Ðạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Truy.
Các đoàn quân Việt Ðông đi vào nước Tàu như vào chỗ không người, truy bắt các tội phạm xã hội trong chớp nhoáng đem về xét xử trước công lý. Các đạo quân đi tìm ân nhân và truy bắt phạm nhân gây ân, oán cho Kiều gồm: đạo quân đi về miền châu Thai để bắt Bạc Hạnh, Bạc Bà; kế tiếp là đạo quân tiến về miền Vô Tích của châu Thường để mời sư Giác Duyên, Thúc Sinh, mụ quản gia cùng bắt Họan Thư và hai tên Ưng, Khuyển; sau cùng là đạo quân tiến xa và ngược lên phía bắc để tới Lâm Truy mới truy bắt được bọn Tú Bà, Mã Giám Sinh và Sở Khanh. Miền đất Lâm Truy nằm trên mỏm đất nhô ra biển cả thuộc tỉnh Sơn Ðông về sau này, tính theo đường chim bay chỉ cách Triều Tiên phía đông bắc và cách Bắc Kinh phía tây bắc mỗi nơi khoảng mấy trăm cây số. Quả thực các đoàn quân tiến binh vào nhiều nơi thuộc lãnh thổ nhà Minh như vào chỗ không người.
Như vậy đoàn thuyền chiến của Từ Hải phong tỏa khắp giải đất dài duyên hải Trung Quốc, cùng với lực lượng bộ binh truy bắt tội phạm, mời rước ân nhân như kể trên, hầu như không thiếu sót người nào. Ðiều này chứng tỏ vào thời điểm ấy triều đại nhà Minh quá suy yếu và lực lượng khởi nghĩa của người Việt ở miền Việt Ðông không phải là nhỏ. Từ Hải cũng không phải là viên tướng giặc bình thường, nếu khi đọc Kiều người ta còn nhớ những câu Từ nói với Kiều :
Từ rằng : Quốc sĩ xưa nay,
Chọn người tri kỷ một ngày được chăng?
Và :
Xót nàng còn chút song thân,
Bấy lâu kẻ Việt người Tần cách xa.
Sao cho muôn dặm một nhà,
Cho. người thấy mặt, là ta thỏa lòng.
Ðiều đáng tiếc là sự nghiệp đại nghĩa của Từ Hải bất thành mà sự bất thành do có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân: một phút nông nổi Từ nghe lời Kiều! (Phần viết này ngoài việc tìm hiểu sử, có tham khảo bài viết: Nguồn gốc truyện Kiều của tác giả Giản Chi trong tạp chí Văn xuất bản năm 1965 tại Sài Gòn).
Ðáng nói hơn nữa là cuộc khởi nghĩa khác, thời gian kế tiếp không xa của từng từng, lớp lớp dân Việt miền nam sông Dương Tử, trong đó có nhiều người Việt Nam vượt rừng sâu núi cao qua biên giới sang Tàu tham gia cuộc khởi nghĩa này. Cùng lúc có hàng loạt nhiều tỉnh ở Trung Hoa nổi dậy thành lập quốc gia Thái Bình Thiên Quốc, có lúc sức mạnh lên tột đỉnh cao, tưởng chừng cả chế độ Mãn Thanh đã đến ngày sụp đổ, kéo dài từ năm 1843 đến năm 1863.
Ngay cả khi đã bị thất bại số tàn quân Thái Bình Thiên Quốc còn kéo xuống trú ẩn nương náu tại miền bắc Việt Nam. Ðặc biệt, trong số tướng Thái Bình Thiên Quốc đem quân sang Việt Nam có tướng Lưu Vĩnh Phúc hiệu là Uyên Ðình chỉ huy đạo quân Cờ Ðen lập được thành tích lớn giúp quân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lăng.
Năm 1873, khi giặc Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất do viên đại uý Francis Garnier cầm quân. Thành Hà Nội cùng các tỉnh Hải Dương, Nam Ðịnh, Ninh Bình bị mất, tướng Nguyễn Tri Phương của ta bị thương nặng, nhịn ăn chết để tuẫn tiết. Quân Cờ Ðen đã phục kích giết được tên đại uý Francis Garnier. Sau đó giặc Pháp phải trả lại thành Hà Nội và 03 tỉnh đã chiếm về phía Việt Nam. Việc đánh Bắc kỳ lần thứ nhất của Pháp hoàn toàn bị thất bại.
Năm 1883 giặc Pháp đem quân đánh Bắc kỳ lần thứ hai do viên đại tá Henri Rivière chỉ huy. Khi bọn giặc hạ thành Hà Nội, vị tổng đốc Hoàng Diệu phải thắt cổ tuẫn tiết. Nhưng chính viên đại tá Henri Rivière, khi đem quân đi cướp phá, đánh chiếm các tỉnh lân cận, lại bị quân Cờ Ðen dưới sự chỉ huy của tướng Uyên Ðình Lưu Vĩnh Phúc dàn trận phục kích cũng tại Cầu Giấy, giết được Henri Rivière cùng với khoảng 100 tên giặc. (Vào năm 1905 khi cụ Phan Bội Châu mới sang Tàu mưu định đại sự chống giặc Pháp có tìm gặp tướng Uyên Ðình Lưu Vĩnh Phúc. Tuy tuổi thọ quá cao nhưng thần thái tướng Lưu Vĩnh Phúc ở thời gian này vẫn còn phong độ quắc thước, nhiệt tình chống Pháp còn hăng hái, mỗi khi nói tới diệt giặc thường lớn tiếng giọng nói sang sảng và nặng tay vỗ bàn rất mạnh, tỏ ra vẫn giữ nhiều dũng khí).
Suy nghĩ về một số biến cố trong nhiều biến cố đã xảy ra, sự liên hệ đoàn kết chống bạo lực của các sắc dân thuộc chủng tộc Bách Việt nêu trên, thêm một lần nữa xin được tha thiết nêu lên lý tưởng: ngày nay dân Việt Nam không nên tách bạch người và đất dân Việt trước đây bị xâm lấn, bị đồng hoá thành công dân Trung Hoa là người giống dị chủng. Ngược lại người Việt sống tại miền Hoa Nam cũng cương quyết không nên coi dân và nước Việt Nam là giống ngoại tộc mà ôm ấp tham vọng xâm chiếm. Ranh giới lãnh thổ đất nước do tham vọng một số người mất nhân tính của các triều xâm lăng trong quá khứ mà có cũng không thể xoá bỏ tình thương huyết tộc chung nòi giống. Giữa người Việt Nam và người Việt sống ở miền Hoa Nam dù không chung quốc tịch, nhưng cùng chủng tộc nên kiên quyết giữ vững tình tương thân, tương ái, không để xảy ra các cuộc chiến tranh ruột thịt tương tàn, man rợ, do các thế lực bạo tàn cố tình gây nên.
Cuộc hành trình lịch sử Việt mở nước và chống giặc kéo dài suốt trình độ bán khai nhân loại, trong cảnh cá lớn nuốt cá bé, đế quốc bạo ngược dùng chiến tranh và tuần thú xâm lược văn minh. Các chủng tộc Việt gắng sức gìn giữ, bảo vệ và phát huy nền tảng bản nguyên văn minh hợp quần, hòa bình, tiến bộ "ấn đồng thao xanh", lấy tín nghĩa kết hợp giữa con người và con người, giữa tập thể và tập thể, lúc nào cũng lấy tình thương, sự tôn trọng người khác như thương yêu tôn trọng chính mình. Sự yêu chuộng hòa bình ở người Việt, hầu như trên thế giới chưa có nước nào gắn liền tên đất, tên quê hương với khát vọng thanh bình yên vui như dân Việt, có những cái tên đất ngày nay như: Thái Bình, Hòa Bình, Vĩnh Yên, Hưng Yên, Quảng Yên, Nghệ An, Bình Thuận, Tây Ninh, Biên Hòa, Tân An, An Giang, Tịnh Biên v..v... các tên đất ở bất cứ nơi nào trong đất nước, cũng chứng tỏ là ước mơ, cầu mong thanh bình đến với mọi cuộc sống, mọi tâm hồn con người.
Ðiều đặc biệt là đất nước Việt dù chịu đựng liên tiếp những sức mạnh xâm lược hơn nhiều dân tộc khác trong vùng. Các sức mạnh của Tần, Hán, Nguyên từng đảo lộn cả trật tự thế giới, vẫn hoàn toàn bị thất bại ở Việt.
Cũng không phải chỉ những võ công hiển hách chống xâm lược mới được ca ngợi. Có những thời kỳ dân tộc Việt chỉ có những đoàn người lặng lẽ di dân theo ven biển, hướng về phía nam sinh sống. Trong vòng hơn hai thế kỷ họ đã mở rộng thêm gần nửa đất nước phì nhiêu. Ðáng kể là sự nghiệp công lao từ thuở chúa Nguyễn Hoàng tị nạn tranh quyền vương chúa, xin vào tỵ nạn ở đất Phú Xuân (Huế), rồi các vị chúa Nguyễn kế tiếp, cho đến các vị hoàng đế nhà Nguyễn tạo điều kiện, khuyến khích dân Nam tiến. 
Cổng Ngọ Môn kinh đô Huế
Thiết nghĩ nhận xét cho công bằng, từ các thời Ngô, Ðinh, Lê, Lý, Trần, Lê, dù có những thời vũ công chống xâm lăng hiển hách nhưng việc mở rộng lãnh thổ, chưa có thời nào có công sánh ngang được với các triều vua, chúa nhà Nguyễn. Nhờ thế ngày nay nuớc Việt có miền nam nông nghiệp trù phú, ruộng vườn lúa gạo cây trái tốt tươi, hơn nữa còn có khoáng sản dầu mỏ tại miền biển ven bờ phía nam.
Cảnh núi Tô Châu tại Hà Tiên
Và nếu người ta nghĩ đến nữ giới Việt đã từng có Hai Bà Trưng, Bà Triệu, cũng nên nghĩ về Huyền Trân công chúa, nàng con gái đã nghe theo lời vua cha là Trần Nhân Tông, đem mảnh má hồng, trong việc kết duyên với vua Chiêm, để đổi lấy phần đất rộng lớn: châu Ô, châu Ri, là giải đất từ phía nam tỉnh Quảng Bình chạy dài xuống phía bắc tỉnh Quảng Nam ngày nay. Nếu không có Huyền Trân tất không có đất Phú Xuân, lịch sử sẽ diễn ra theo chiều hướng nào để dân tộc Việt có thêm nửa giang sơn đất nước? Gót sen giai nhân, mở rộng nước của Huyền Trân, tưởng dẫu dựng tượng vàng, dẫu đặt tên nàng vào một thành phố lớn, vào những đại lộ vĩ đại, cũng không thể đền đáp hết công ơn nàng công chúa triều Trần.
Cảnh đèo Hải Vân
Thế kỷ hai mươi mốt đến với dân tộc Việt, vẫn đứng ở vị trí tiếp xúc với mọi giao lưu, mọi tư tưởng, chủ nghĩa, phong trào và cả những biến động xung đột khắc nghiệt. Rất cần thiết để dân Việt cần tìm lại đầy đủ những giá trị văn minh, tư tưởng nguyên thủy, những giá trị ấy nhiều thứ đã bị che khuất từ lâu đời, từ thuở nước Văn Lang nguồn cội không còn. Tìm lại chủ thuyết dân tộc không phải để đóng cửa bảo thủ hay để yêu nước cực đoan, quá khích, mà để mở rộng tình người góp sức vào những bước tiến mới, những giá trị đúng nhân bản, hợp với hạnh phúc hòa bình của loài người. Cũng đã từ nguyên thủy nòi giống Việt xây dựng và ước mơ qua mô hình "bánh dầy bánh chưng" hàm chứa ý nghĩa: tất cả nhân loại thương yêu sống chung với nhau trên một nền nhà, nền nhà ấy là mặt đất; sống chung với nhau dưới một mái nhà, mái nhà ấy là bầu trời bao la.
Sự thức tỉnh của nhân dân nòi giống Việt là cần nhận biết bảo vật trân trọng đáng quí chính mình đã có. Còn gì nhục nhằn đáng tủi hổ hơn, khi một công dân Việt thuộc và nhớ rất rõ những truyện ký như Phong Thần, Tây Du, Tam Quốc vân.. vân... và nghiên cứu những thánh tích, những truyện tích, những ngoại thuyết, những tín ngưỡng, những chủ nghĩa ngoại lai rất nhuần nhuyễn, uyên bác, nhưng thực tế lại không biết gì nhiều những giá trị đã có của nguồn cội văn minh Tổ Quốc Việt Nam. Thiết nghĩ, nghĩ như thế không phải là bảo thủ, cực đoan, việc học hỏi biết người là cần thiết, nhưng trước khi biết người cũng cần tự biết những giá trị mình đã có, sự hiểu biết mới thực sự mở rộng nhiều uyên bác,
Khi người ta sa vào những ý thức vong bản cần nên nhớ hai câu thơ của cụ Ðồ Chiểu:
Thà đui mà giữ đạo nhà,
Còn hơn có mắt ông cha không thờ!
Ðiều đáng buồn ấy tưởng cũng không nên chỉ trách cứ vào những người dân. Các tư tưởng gia, chính trị gia, khoa học gia, trí thức, văn nhân, học giả, nghệ sĩ... mọi người đều chung sức chung lòng nâng nền văn minh dân tộc lên vị trí vinh quang bản chất sẵn có, hiển nhiên ánh sáng vinh quang tất sẽ phục hồi, bao trùm nền văn minh dân tộc, cũng sẽ đem lại hạnh phúc cho dân tộc và góp phần vào chung cả loài người.
Tiến sĩ Vũ Quỳnh triều hậu Lê, khi hiệu đính cuốn "Lĩnh Nam chích quái", trong bài tựa cuốn sách, ông đã viết: "Lĩnh Nam có nhiều kỷ trọng, các truyện làm ra không cần phải chạm vào đá, khắc vào ván, mà rõ ràng ở lòng người, ông già con trẻ thảy đều thông suốt, đem lòng ái mộ, khuyên răn nhau. Việc có hệ ở cương thường, quan ở phong tục, há có phải là ít bổ ích đâu?"
Trong quá khứ suốt thời gian khá dài, nền văn minh Trung Quốc đậm màu phong kiến trực tiếp ảnh hưởng nhiều mặt vào đời sống dân tộc Việt. Do đó có nhiều khuynh hướng không khỏi bàng hoàng trước sức cám dỗ và thuyết phục, kể cả áp lực bạo quyền của nền văn minh tư tưởng ngoại lai. Cũng như sau này khi văn minh Tây phương ồ ạt tràn vào, nhà văn Phạm Quỳnh đã viết những giòng chữ, tưởng như nền văn minh dân tộc chỉ là khoảng trống không ảm đạm: "Dù thế nào mặc lòng, người phụng sự cái chủ nghĩa quốc gia đoái nhìn lại cái học nước nhà thấy vắng vẻ tịch mịch, không khỏi rầu lòng mà lấy làm thương tiếc. Gặp những lúc trong lòng bối rối, trong trí băn khoăn, mở đống sách của tiền nhân để lại muốn tìm lấy một vài tư tưởng hay cái học thuyết gì đằm thắm thiết tha đủ đem ra đối phó với đời thì chỉ thấy các cụ ngâm hoa vịnh nguyệt, dặm lại mấy câu sáo ngữ của người Tàu, ôn lại mấy bài học cũ của người xưa, đến giờ không khám phá được những gì mới lạ về vũ trụ nhân sinh cả, thật lấy làm thất vọng vô cùng".
(trích tạp chí Nam Phong số tháng 6 năm 1931)
Sự cảm khái thất vọng nêu trên không chỉ có một Phạm Quỳnh, còn có rất nhiều người ở vào nhiều thế hệ, chỉ nhìn thấy hào quang bên ngoài sáng rực, trào lưu thời gian nhất thời, trong khi không nhìn thấy giá trị văn minh tiềm năng dân tộc. Những cảm nhận như trên cũng đã nhìn nền triết học dân tộc trong phạm vi tác phẩm văn học và tin quá vào sức mạnh cùng những huy hoàng choáng lộn văn minh ngoại lai. Họ cũng chỉ nhìn thấy giá trị tư tưởng văn học đất nước khi bị trầm kha vì chịu ảnh hưởng tư tưởng văn học Trung Quốc.
Từ khởi điểm sinh ra vốn là người dân Việt, dù sống ngay trên quê hương tổ quốc, nhưng lại chỉ được giáo dục, tiêm nhiễm các tư tưởng, học thuyết, văn minh ngoại lai, tất nhiên người công dân Việt cũng không thể biết gì nhiều về học thuyết dân tộc. Nhưng ý thức mến yêu giống nòi quê hương, trách nhiệm người dân trước cảnh đau lòng chia rẽ, hận thù ngay trong đồng bào chung tổ quốc, do xung khắc các tư tưởng ngoại lai, thúc bách người công dân Việt phải bằng bất cứ giá nào, tìm ra và trở về nền văn minh nguồn cội. Chỉ có nền văn minh nguồn cội mới là bản chất dân tộc Việt. Các chủ nghĩa như: phong kiến, thực dân, phát xít, duy tâm, duy vật v..v... chỉ là các áo khoác ngoài, phong phú, sinh động trong hội nhập. Nhưng xin đừng tự nhận những thứ ngoại lai là linh hồn, là bản chất dân tộc Việt!
Vào khoảng các năm 1904, 1905, những người như: Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Ðào Nguyên Phổ, Hoàng Tăng Bí cùng nhiều nhân sĩ khác ra sức vận động cho nền văn minh học thuật dân tộc. Ðiểm khai phá cho phong trào này là chính sách duy tân và mở trường Ðông Kinh Nghĩa Thục, song đã bị thực dân Pháp đàn áp ngay từ lúc khởi đầu. Tới năm 1930, nhà văn Lê Dư xuất bản tạp chí Quốc Học tùng san, với hoài vọng vực lại nền văn học dân tộc Việt. Trong bài diễn văn hồi tháng 11 năm 1931, nhà văn Nguyễn Trọng Thuật diễn thuyết tại hội quán hội Trí Tri ở Hải Dương, cũng đã so sánh việc lập nền Quốc Học của Nhật Bản với Việt Nam, ông có nhận định rằng:
"Nho với Phật chiếm giữ cả cõi tư tưởng người trong nước. Song Nho thì ấp, tốn, chinh chu, thay triều đổi họ, Phật thì xuất thế, đều bất lợi cho quốc thể, mới có người xướng đem quốc giáo, thần đạo, quốc sử, hòa văn, cổ điển hợp lại thành một môn học gọi là Quốc học để đối với Nho học, Phật học. Xem thế thì người Nhật sở dĩ lập ra khoa Quốc học là đem cái cố hữu tầm thường mà cốt cách của tổ bang từ thiên cổ ra, đánh thức quốc dân đối với cái học chung thế giới ấy mà nhớ có mình, nhớ vì mình mà học. Tức là dựng chủ nhân dậy".
(đọc "Nhà văn hiện đại" của Vũ Ngọc Phan, xb 1942, mục viết về Lê Dư). 
Ðáng tiếc rằng những người như Lê Dư, hiệu Sở Cuồng và Nguyễn Trọng Thuật, hiệu Ðồ Nam Tử nói trên, xuất hiện trên văn đàn vào đầu thế kỷ 20 lại quá ít, nếu không thì nền học thuật tư tưởng dân tộc Việt đã tự khởi sắc từ thời gian ấy. Và cũng biết đâu từ sự khởi sắc, gây nên phong trào văn học dân tộc đem lại cho lịch sử không nhiều bi thương, như đã xảy ra trong nửa sau thế kỷ 20. Cho tới nay, qua bao nhiêu chiến tranh, đói khổ, lầm than, chia rẽ, tưởng như tất cả mọi người dân Việt đã cùng nhau nhận được ra rằng:
"Không thể nói rằng phải nhờ hai đạo Nho, Phật truyền sang, dân tộc Việt Nam mới có những tư tưởng học thuật. Trái lại người ta có thể có một giả thuyết: dân tộc Việt Nam đã có ngay từ thượng cổ thời đại một nền học thuyết". (bài viết của Nguyễn Xuân Chữ, tạp chí Vạn Hạnh số 1, xb 1965 tại Sài Gòn).
Trải qua nhiều nghìn năm lịch sử, các công dân Việt ngày nay cần thiết tự tôn trọng giá trị văn minh nguyên thủy truyền thống, vì chỉ có những giá trị ấy mới thực sự ích lợi nhất làm nền tảng cho cuộc sống, cũng nhờ những giá trị ấy mới đủ nghị lực tiếp nhận được các tinh hoa bốn phương hội nhập tạo cho xã hội đời sống dân tộc thanh bình, tiến bộ, hạnh phúc.
Ðừng bao giờ quên rằng: tổ chức cộng đồng hòa hợp nhân loại chân chính, phải là sự kết hợp những chủ nghĩa quốc gia chân chính, không cực đoan, quá khích, mới có thể thành tựu. Không có chủ nghĩa quốc tế nào có thể có được, nếu không có các tinh hoa các quốc gia trong cộng đồng nhân loại kết hợp trong hòa hợp thanh bình.
Một tham vấn cụ thể kính xin được nêu lên cùng các tư tưởng gia xây dựng tư tưởng chủ nghĩa hòa đồng quốc tế:
- Giả dụ tình trạng thế giới ngày nay nếu không có các quốc gia, mỗi nước lớn chia nhỏ ra thành hàng nghìn tiểu quốc và bộ lạc, nước vừa thành hàng trăm tiểu quốc và bộ lạc, còn nước nhỏ thì hàng chục bộ lạc, mọi thứ: văn hóa, thể chế, dân trí, phong tục, ngôn ngữ đều bất đồng, tranh giành hỗn độn, sẽ áp dụng phương thức nào để loài người thống nhất thành tổ chức quốc tế?
Sự giải đáp đúng chân lý chắc chắn giải pháp hòa đồng quốc tế không thể là chiến tranh để khuất phục. Bạo quyền không thể khuynh loát công lý và văn minh loài người. Chủ nghĩa Quốc Tế chỉ có thể thành tựu bằng hòa hợp được mọi lý tưởng Quốc Gia dân tộc chân chính.