Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

1. Lời nói đầu

Cuốn sách này không phải là cuốn sử. Nó có mục đích: cố gắng tìm hào quang nền văn minh thời đại Hồng Bàng. Nền văn minh ấy tới ngày nay nhiều công dân Việt hiểu biết rất ít.
Ánh hào quang thời đại Hồng Bàng lại là tia khúc xạ, chiếu hắt ra, sau góc chắn thời gian cùng bức tường dày bởi các thời kỳ nước Việt bị bạo lực ngoại xâm.
Cuốn sách được viết trong hoàn cảnh khắc nghiệt: tài liệu, sách vở sưu tầm có rất ít. Kẻ viết nhiều khi phải vận dụng tới trí nhớ kiến thức hẹp hòi. Thời gian viết sách tác giả xen vào các công việc lao động mưu sinh, với cuộc sống hàng ngày vướng mắc bần bách. Từ đó, cuốn sách có nhiều thiếu sót, cộng với những sai lầm đáng tiếc do khả năng hạn chế của người viết. Việc lấy tên cuốn sách là Tổ Quốc Việt Nam, kẻ viết tự biết đã phạm vào lỗi dùng ngôn từ thái quá. Vì nếu nhan đề cuốn sách như thế, tất phải là một bộ sách khổng lồ, do nhiều người, nhiều công phu tái hiện lại lịch sử nước Việt. Nhưng tự xét dân Việt từng bị những thách thức khắc nghiệt, nhiều thời kỳ bị ngoại xâm nhồi nhét tư tưởng ngoại lai khuynh loát ý thức nguồn cội Tổ Quốc. Vì thế nên, chỉ dám tự coi, nhan đề cuốn sách như một sự "gợi ý", hy vọng kẻ viết được đem viên đá nhỏ cùng với các thức giả, các công dân yêu nước hiện giờ cũng như sau này, có nhiều người tài trí, công đức lớn hơn kẻ viết, chung đắp xây cội nền Tổ Quốc Việt Nam, chắc hẳn việc chung xây sẽ được hoàn hảo. Có một niềm trắc ẩn in sâu trong tâm khảm kẻ viết cuốn sách này là: - Trong quá khứ đã có những thời kỳ một số người dân Việt hiểu lầm về đất nước, dân tộc mình là quốc gia thuộc hệ thống thiên triều Trung Hoa, kế tiếp lại nhận nước Pháp là mẫu quốc bảo hộ, sau nữa lại đến các giai đoạn bị lệ thuộc hoặc trở thành tiền đồn của các nước: Nhật, Nga, Mỹ v..v. dường như có số người quên mất: Việt Nam cũng là một Tổ Quốc có chủng tộc, danh xưng, văn hóa và từng anh dũng hiên ngang trường tồn trên lịch sử loài người. Việc lấy tên "Tổ Quốc Việt Nam" cho cuốn sách nếu có là sai lầm, cũng xin được tha thứ, vốn cũng chỉ do sự ẩn ngụ niềm trắc ẩn khát vọng nào đó trong tâm can kẻ viết.
Cuốn sách được sự khuyến khích, góp ý kiến của các thân hữu kẻ viết. Thường vào dịp kỷ niệm Quốc Tổ Hùng Vương hằng năm (mùng mười tháng ba âm lịch), kẻ viết tìm gặp: các thức giả, thân hữu, mạn đàm về thời đại Hồng Bàng, nhờ đó thâu góp được nhiều ý kiến bổ ích. Tài liệu tham khảo thường là những sách vở được ấn hành trong vòng một trăm năm nay. Những đoạn trích dẫn tài liệu cổ, hầu hết thông qua các sách vở đã được dịch thành Việt ngữ. Trong đó cũng không tránh khỏi có những trích dẫn từ lâu đời và đã qua nhiều lần trích dẫn truyền lại, truy nguyên sách gốc là việc khó. Cũng có nhiều những sách gốc tới nay đã bị thất truyền.
Về hướng nhìn, tầm nhìn và cách nhìn lịch sử, người viết cũng chỉ là một công dân Việt. Mà người công dân Việt nào lại chẳng có hoài vọng: lịch sử là giòng suối mát tắm sạch cùng chỉnh đốn tâm hồn và hành động con người. Trước tấm gương lịch sử tràn đầy và đồ sộ những dữ liệu, khiến trách nhiệm người công dân nhờ lịch sử tìm ra con đường sống tiến bộ, văn minh, chứ không phải chỉ để tự chui vào khuôn sáo cũ nát. Lịch sử thượng cổ dân tộc từ trước tới nay, kể cả các sử gia, đã nhiều người lưu tâm suy nghĩ, tìm hiểu để phát huy những giá trị đích thực. Cuốn sử viết bằng Việt ngữ được nhiều người biết trong khoảng thế kỷ nay là cuốn "Việt Nam sử lược" của sử gia Trần Trọng Kim. Rất đáng tiếc là, khi viết về thời đại Hồng Bàng, cuốn sử ấy chỉ sơ thuật khoảng năm trang giấy.
Trong bài tựa cuốn "Việt Nam sử lược", sử gia Trần Trọng Kim đã nhận định về nền học vấn trước đây của nước ta: ". bất kỳ lớn nhỏ: hễ ai cắp quyển sách đi học thì chỉ học chữ Tàu, chứ không học sử nước nhà. Rồi thơ phú văn chương gì cũng lấy điển tích ở sử Tàu, chứ chuyện nước mình là nhất thiết không nói đến. Người mình có ý lấy chuyện nước nhà làm nhỏ mọn không cần phải biết làm gì. Ấy là vì xưa nay mình không có quốc văn, chung thân chỉ đi mượn tiếng người, chữ người mà học, việc gì cũng bị người ta cảm hóa, chứ tự mình không có cái gì là đặc sắc, thành ra thật rõ như câu phương ngôn: "Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng".
Sau thời gian dài huyền sử, lịch sử Việt trải qua thời kỳ khuyết sử là thời đại Hồng Bàng. Ðã bị khuyết sử, thời Hồng Bàng bị đồng hóa với huyền sử và thời đại này được đặt nền trên thần thoại, xuất phát từ các truyện tích, thần phả, hội hè, đình đám, đền miếu, lễ rước, tục hèm, thực phẩm, ca dao, ngôn ngữ, kiến trúc, tranh vẽ, điêu khắc v..v...
Song song với các truyện tích, có các sách vở truyện ký được soạn thảo ở thời kỳ tiếp cận khá xa thời đại Hồng Bàng là các sách như: Tiền Hán thư của Ban Cố; Sử ký của Tư Mã Thiên; Hậu Hán thư của Phạm Việp; Cựu Ðường thư của Lưu Hú; Giao Châu ký của Triệu Xương; Giao Quảng ký của Hoàng Tham; Thủy Kinh chú của Lịch Ðạo Nguyên; Nam Việt chí của Thẩm Hoài Viễn; Thái Bình Hoàn Vũ ký của Nhạc Sử; Ngoại Sử ký của Ðỗ Thiện; An Nam chí của Cao Hùng Trưng; An Nam chí lược của Lê Tắc v..v... Phần nhiều các sách ấy cũng chỉ tìm hiểu gián tiếp qua các tài liệu ít chính xác về lịch sử. So với các khảo nghiệm khoa học tiến bộ ngày nay, xét về sử, thiết nghĩ cần có nhiều suy nghiệm chính xác để bổ sung thêm. Các công trình khảo chứng một thời đại lùi vào quá khứ khoảng bốn, năm nghìn năm, ngành khảo cổ đang tìm tòi, sưu tầm những di chỉ, di tích, nhiều thứ còn chôn sâu dưới lòng đất. Nhưng các đóng góp quí giá của ngành khảo cổ cũng chỉ có những khả năng hữu hạn. Công việc định đoán lại nền móng lịch sử dân tộc Việt buổi đầu, cần sự bổ khuyết, sưu tầm của nhiều người, nhiều ngành sau này.
Các tác giả Trung Quốc viết về sử có liên quan tới sử Việt, trước hết, người đáng nói tới là Chu Công Ðán, vị quan chủng tể đời Thành Vương nhà Chu (khoảng trước công nguyên 1.100 năm). Chu Công Ðán có công thu lượm các tài liệu, truyền thuyết về các thời thượng cổ: Hạ, Thương, Ân, trước nhà Chu (qua các bản văn: điển, mô, huấn, cáo, thệ, mệnh). Ðể có cuốn sử có hệ thống thời đại phải chờ cho tới năm 481 trước công nguyên ở Trung Quốc mới có bộ sử tóm lược bao quát thời Xuân Thu, tổng hợp sử nhiều nước chư hầu nhà Chu. Ðó là bộ "Kinh Xuân Thu" của Khổng Tử. Cũng vào thời kỳ này, Tả Khâu Minh viết được bộ sử "Tả Thị Xuân Thu". Tới thời nhà Hán đã có nhiều sử gia nổi danh ra đời.
Chu Công Ðán có viết về truyện chim "Bạch trĩ" có liên hệ tới Việt. Nhưng "Kinh Xuân Thu" của Khổng Tử không thấy nói gì tới miền đất nước Việt, nơi có các cư dân đất đai miền châu thổ các sông Thái Bình, sông Hồng Hà và các miền châu thổ chạy dài xuống phía nam.
Có thuyết cho rằng: thời Hồng Bàng, nước Việt đã có thứ chữ riêng của người Việt khắc trên mai rùa.
Nếu người Việt đã có chữ từ đầu thời Hồng Bàng, tất công việc viết sử cũng đã có từ thời ấy. Nền văn minh Việt có lúc bị gián đoạn, chữ viết và sách vở không còn được lưu truyền. Sau này các thời tự chủ có hệ thống triều chính như: Ngô Quyền, Ðinh Tiên Hoàng, Lê Ðại Hành... chắc đã có nhiều người Việt ghi chép các việc về lịch sử Việt. Ở các tài liệu đạo Phật, các nhà sư Việt cũng ghi nhiều sự việc có tính chất sử, xảy ra kể từ thế kỷ thứ IX (Cuốn Thiền Uyển Tập Anh tức cuốn Ðại Nam Thiền Uyển Truyền Ðăng Tập Lục, được viết vào thời Trần. Năm 1715, đời vua Lê Vĩnh Thịnh có sưu tầm cuốn sách này và cho xuất bản lại). Trần Tấn viết "Việt chí", Lê Văn Hưu viết "Ðại Việt sử ký" ở thời đại nhà Trần đã là các sử gia thực sự viết sử nước Việt. Cuốn "Ðại Việt sử ký" của Lê Văn Hưu viết xong năm 1.272 chắc chắn có căn cứ vào cuốn "Việt chí" của Trần Tấn viết ở đời Trần Thái Tông. Nội dung các cuốn sử này viết các việc xảy ra từ đời Triệu Ðà tới đời Lý Chiêu Hoàng.
Lê Văn Hưu là sử gia chuộng các sự việc chân xác, với thời đại Hồng Bàng, ông chỉ thấy là chuỗi dài huyền sử và huyền thoại, nên đã không ghi chép gì vào bộ sử của ông. Khuynh hướng viết sử của sử gia Lê Văn Hưu thuộc khuynh hướng viết sử: không viết những điều nghi ngờ (dĩ nghi khuyết yên). Các nhà viết sử yêu sự chân xác hoặc tuân theo tôn chỉ khởi đầu từ thời Khổng Tử, phần nhiều có khuynh hướng ấy.
Ngoài các sử gia câu nệ vào các sự việc chân xác, nhiều nhà viết sử khác sưu tầm truyện ký huyền sử theo khuynh hướng: thấy được điều nghi ngờ truyền lại điều nghi ngờ (dĩ nghi truyền nghi). Họ không ngần ngại sưu tầm các huyền thoại, truyện ký rồi viết thành sử sách, dù các sử sách của họ có nhiều vẻ "quái đản". Là tầng lớp sĩ phu, giới trí thức viết sử ít người tin vào thần thoại hoang đường. Nhưng họ đã thấy rõ giá trị thần thoại thiết thực bổ ích cho đời sống: trung thực truyền lại những điều nghi ngờ cho hậu thế, tức là truyền lại sức mạnh tiềm năng dân tộc. Họ có niềm ước vọng: tô điểm và tự hào về quá khứ lịch sử để xây đắp hạnh phúc cho hiện tại cùng đoàn kết hòa đồng hướng tới tương lai vinh quang tốt đẹp hơn.
Ðối với nhân dân, trong chiến đấu và trong chịu đựng những chế độ bạo ngược từ bên ngoài hay ngay tại trong lòng đất nước tạo nên, họ luôn luôn hướng về tổ tiên xa xưa. Các tác phẩm thơ ca bình dân, các bài khấn tụng trong các dịp tang lễ, hội hè, cho tới các câu chuyện truyền miệng, nhân dân nước Việt thường vẫn nhắc tới thời "cha Rồng mẹ Tiên". Ở các bản làng rừng núi hẻo lánh, người dân lưu truyền được những huyền thoại, trường ca về sử, có nội dung nói tới thời kỳ hoang sơ mới có đất nước và con người.
Yếu tố sách động quần chúng theo tâm lý thần thoại là sự việc thường xuyên thấy trong lịch sử: Chử Ðồng Tử có "gậy thần nón thần"; Tản Viên có "gậy thần sách ước"; Thục Phán có "rùa thần cho móng chân làm lẫy nỏ"; Lê Ðại Hành và Lý Thường Kiệt có "thần sông Như Nguyệt ngâm thơ phù trợ âm binh"; Lê Lợi được trời cho "kiếm báu" v..v... Thần thoại xen vào lịch sử, khiến lịch sử nửa hư nửa thực. Nếu người ta không tìm ra được các nguyên nhân sự thực gói trong huyền thoại, tức là để mất đi phần sự thực của lịch sử.
Việc viết sử cũng còn là công việc độc quyền của nhà vua và triều đình. Các sử viện, sử quan, lo sợ cân nhắc từng lời, từng chữ, vì sợ rằng: "một lời làm mạnh nước, một lời làm mất nước" (nhất ngôn hưng bang, nhất ngôn táng quốc). Công việc viết sử có khi trở thành công việc đầu cơ lịch sử, biến các giá trị lịch sử thành sử liệu tô chuốt, phù trợ cho chế độ, chủ thuyết của các chế độ đương thời. Sự viết sử như thế thực sự trở ngại cho tiến hóa, là công cụ góp phần cho các chế độ bạo ngược kéo dài, mang trách nhiệm là chính sử mà thực sự không giá trị bằng huyền sử.
Lịch sử đất nước và dân tộc có những cuộc đấu tranh hoặc khởi nghĩa kéo dài nhiều thế kỷ, lịch sử hình thành ý thức hệ về sử Việt cũng đã kéo dài nhiều thế kỷ. Một mặt trận giữa những người bảo vệ tư tưởng văn minh nước Việt đối kháng với thế lực ngoại xâm dã man đã hình thành nên trận tuyến văn hóa. Trận tuyến ấy đã diễn ra không chỉ dưới dạng thầm lặng, mà đã thực khốc liệt. Tội ác bọn văn quan đi chinh phục đồng hóa văn minh nước người, nhiều khi tai họa hơn bọn vũ tướng dùng bạo lực.
Cuộc chiến đấu bảo vệ tư tưởng lịch sử nước nhà, giới trí thức Việt buổi đầu bị mất hết vũ khí văn tự ngay từ thời Tần, Hán của Trung Quốc. Môi trường hoạt động văn hóa cũng không còn bất cứ sinh hoạt truyền tiếp lớn nào, trong suốt hơn nghìn năm giành giật chủ quyền với bọn ngoại xâm. Ấy là giai đoạn các thế lực bạo lực phong kiến: Tần, Hán, Ngô, Ngụy, Tấn, Tề, Lương, Ðường, thay phiên nhau tìm cách khuất phục dân Việt (từ năm 214 trước công nguyên tới năm 906 sau công nguyên). Suốt thời gian này, nhiều cuộc khởi nghĩa của: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí (Lý Bôn) v..v... diễn ra. Dù các thế lực ngoại xâm chưa bao giờ kiểm soát được một phần ba dân số và một phần năm đất đai nước Việt Nam, việc phục hồi ý thức văn hóa vẫn chưa thành. Ðiều kiện để có hệ thống sinh hoạt văn hóa tư tưởng qui mô, chỉ có thể thực hiện khi chủ quyền đất nước được ổn định, văn hóa dần được khơi nguồn nâng cao, văn tự được gây dựng. Chỉ có như thế những người chung mục đích phục hưng nền văn hóa có hoàn cảnh đề cao những lý tưởng nhân ái mới, nguyên tắc, luật lệ sinh sống mới, phù hợp với lòng người, phù hợp với mọi nhu cầu nhân sinh, dân ý. Muốn được toàn hảo, tất nhiên cần có những thiết lập, thay đổi về hành chính, cư trú, đi lại, nghị luận họp bàn, suy nghĩ v..v... Ðể có được nền tảng văn hóa tốt đẹp như trên, đất nước xã hội phải được sống thời gian khá dài độc lập, tự chủ, trong thanh bình tiến bộ.
Thực tế ở quá khứ thì thành lũy kiên cố bảo vệ cùng phục hồi văn hiến vẫn chỉ đáng kể là: thần thoại, tín ngưỡng, phong tục, lồng trong hình thái sinh hoạt "xã thôn tự trị". Dưới các thời đất nước bị bạo lực xâm nhập quá nặng, bọn mưu đồ thống trị chúng cũng nhìn thấy sức mạnh thần thoại. Chúng cũng đã dùng mọi xảo thuật hoang đường để công phá thành trì thần thoại dân tộc Việt. Nhưng khi thực tế đời sống xã hội càng bị áp bức, phi lý thì thần thoại dân tộc lại như do lòng căm phẫn của dân chúng mà càng tăng thêm sức mạnh.
Phía mưu đồ thống trị đã từng có những thủ đoạn dưới đây:
- Dùng hoang đường xuyên tạc thần thoại:
Bọn thái thú, thư lại và bọn ngụy văn sử đưa ra các truyện ký tô vẽ, đề cao: Sĩ Nhiếp, Nhâm Diêm, Tích Quang... là những người truyền bá khai sáng văn học, văn minh cho dân Việt. Có những hoang đường cho rằng: sau khi Sĩ Nhiếp đã chết, đêm đêm từ dưới mộ còn nghe văng vẳng tiếng Sĩ Nhiếp giảng dạy kinh Xuân Thu. Và rằng: người dân Việt phải nhờ có Nhâm Diêm, Tích Quang mới có tục cưới vợ gả chồng, về sau, khi chết cả Nhâm Diêm và Tích Quang đều hiển linh thành thánh. Những hoang đường ấy đều không đúng sự thực, vì đọc truyện Tản Viên đã thấy ở thời Hùng Vương có đầy đủ sách vở, chữ nghĩa và đạo lý; ở thời Lý Ông Trọng đã giỏi thi thư biện luận, kể cả văn học nước Tàu. Còn tục cưới vợ gả chồng người dân Việt đã có từ thượng cổ, thời dân Việt biết ăn trầu cau.
- Dùng hoang đường để chế ngự thần thoại:
Truyền thuyết thánh Tản Viên đối với nhân dân Việt là vị thánh siêu đẳng (Bách Thần Vương). Ông có tài đức mọi mặt: kinh tế, chính trị, văn học, quân sự, nông nghiệp, trị thủy, khai hoang, y học... Có hàng trăm nơi, dân chúng Việt tôn kính ông, tự lập đền miếu để thờ ông. Cao Biền là tên tướng nhà Ðường đã dùng tà thuật mê tín, hoang đường, hắn ra lệnh man rợ: bắt mổ bụng mười bảy người con gái chưa chồng còn sống, rồi nhồi cỏ thi vào trong bụng, cho phù phép cầu cúng, sau cho bọn phù thủy cầm gươm chém loạn xạ, nói là đã trấn yểm được khí thiêng của thánh Tản. Cao Biền đã chỉ nhận được kết quả trái ngược lại. Nhân dân Việt đã phỉ nhổ và kết án các hành động sát nhân tàn ác, man rợ, bỉ ổi của tên tướng giặc Cao Biền.
- Dùng hoang đường thống trị thần thoại:
Nguyên thủy thần thoại về truyền thuyết huyền sử "cha Rồng mẹ Tiên" của dân Việt không có câu chuyện: cháu ba đời Thần Nông tuần thú phương Nam sinh ra Kinh Dương Vương. Bọn thái thú thư lại cùng với bọn ngụy tạo văn sử đã cố ý đưa ra thuyết hoang đường: giòng họ Thần Nông ở Trung Quốc sinh ra vị vua đầu tiên của nước Việt. Ðúng sự thực huyền sử thì phải nói: Lạc Long Quân và Âu Cơ mới là các đấng sinh ra trăm giống Việt. So với hai đấng siêu phàm ấy, Thần Nông cũng chỉ là nhân vật sinh sau đẻ muộn và đứng ngoài huyền sử Việt. Ðối với hệ thống sử Trung Quốc thì Thần Nông cũng chỉ là vị vua tưởng tượng của huyền sử, không có trong thực tế. Theo truyền thuyết hoang đường: Thần Nông là một quái vật "mình người đầu trâu". Người dân Việt thời thượng cổ không thờ Thần Nông, họ chỉ thờ Thần Lúa.
Thần thoại huyền sử khởi nguyên của dân tộc, cần có những lý luận khúc chiết, biết ước định lý luận vào khung cảnh lịch sử để tìm chân thực lịch sử. Ðó là những sự thực cần nhờ có thần thoại mới nhìn thấy, từ những nhìn thấy ấy sẽ được thấy cả những hào quang thời đại Hồng Bàng.
Ðề cập tới sự thông cảm huyền diệu, sâu xa của con cháu giống nòi đối với tiền nhân, đã có nhiều trang sử oanh liệt và cũng có những đêm dài lịch sử thống khổ đến với người dân Việt. Những công dân Việt yêu nước từng nước mắt chan hòa, đau lòng trước các cảnh: đất nước bị lệ thuộc, ruột thịt tương tàn, núi sông chia cắt, chiến tranh tang tóc máu lửa, muôn nghìn tai họa thảm khốc lầm than đến với người dân. Từ những tang thương ấy khiến lòng người dân dâng lên niềm thông cảm vô hạn nhớ về sự nghiệp tiền nhân. Trước niềm linh cảm ấy, đám người thống trị hoặc người ngoài cuộc, không thể cảm thông nhận thấy.

Ngày nay người dân Việt chẳng ai còn được đọc cuốn "Vạn kiếp bí truyền" của đức Trần Hưng Ðạo đã bị thất truyền. Nhưng nếu bộ sách này còn được tìm thấy, những người công dân Việt lại được đọc, đọc mà có thể hiểu rõ, chắc phải nhờ vào niềm linh cảm giữa con cháu đối với tiền nhân. Vì thực ra những cái khiến dân tộc giống nòi còn tồn tại, ngoài lịch sử còn cần nhờ có cả những bí tích lịch sử.

Sau hết về việc soạn thảo cuốn sách này, kẻ viết xin thành thật tự nhận mình chỉ là tên mù đi tìm vật quý. Mong được mọi người tha thứ và chỉ bảo. Nếu có một ai còn muốn trách mắng: "-Sao đã mù mà còn đi tìm vật quý?" - Xin vẫn kính mong được người trách mắng tha thứ và hiểu hộ cho, vì dẫu mù, kẻ viết vẫn là người công dân Việt, trong lòng vẫn hằng nghĩ tới câu: Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách.

Hạ tuần tháng 8 năm 1990.